Zealandia, lục địa cổ đại chìm dưới Thái Bình Dương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đầu năm 2017, các nhà địa chất từ New Zealand đã phát hiện ra lục địa chìm dưới Thái Bình Dương, Zealandia. Trong quá khứ, người ta tin rằng Zealandia không quá 500 triệu năm tuổi. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy những ước tính này không chính xác.

Zealandia có được coi là một lục địa không?

Ban đầu, các nhà nghiên cứu tranh luận về việc liệu vùng đất đã chìm dưới đại dương có được coi là lục địa hay không. Một trong những đặc điểm chính của lục địa là sự tồn tại các ranh giới rõ ràng. Bất kỳ vùng đất tiềm năng mới nào cũng phải có diện tích hơn một triệu km vuông để được coi là một lục địa. Hơn nữa, nó phải nằm trên lớp vỏ đại dương và có lớp vỏ lục địa dày hơn.

Zealandia hội tụ đủ những đặc điểm của một lục địa: có độ cao và độ đặc lớn hơn so với lớp vỏ đại dương, có sự hiện diện của 3 loại đá (đá núi lửa, đá biến chất và trầm tích), và có diện tích đủ lớn.

Một phần nhỏ của lục địa nhô lên khỏi mặt nước ngày nay chính là quốc gia New Zealand. Các nhà khoa học đã tiến hành khoan thăm dò tại 6 vùng biển khác nhau dọc theo đáy biển của Zealandia. Các mẫu trầm tích nằm ở độ sâu 2.500m dưới mặt nước biển cũng như hàng trăm mẫu hóa thạch đã được thu thập để tìm hiểu về lịch sử bí ẩn của Zealandia. Qua phân tích cho thấy, Zealandia không phải lúc nào cũng chìm dưới nước biển. Trong quá khứ, địa lý và khí hậu của Zealandia đã bị thay đổi một cách đột ngột.

Zealandia từng tồn tại các loài thú có vú sau khi hóa thạch xương hàm của một loài thú cổ được phát hiện, khác với những lầm tưởng trước đó là chỉ có các loài dơi, chim và hải cẩu là động vật đặc thù ở đây. Vào tháng 8 năm 2020, các hóa thạch 3 triệu năm tuổi được tìm thấy trên Đảo Bắc của New Zealand cho thấy một loài chim cánh cụt có mào trước đây chưa từng được biết đến và sau đó được đặt tên là Eudyptes atatu.

Tuy nhiên, Zealandia không đáp ứng được tiêu chí về niên đại tồn tại. Các mẫu khoan thăm dò thu thập được ước tính có tuổi 500 triệu năm trong khi các lục địa khác đều có niên đại gấp đôi.

Nhưng lịch sử chính xác của Zealandia vẫn là một bí ẩn khi 94% của “lục địa giả định” này đã chìm dưới sóng nước. Cách đây 100 triệu năm, cùng với Australia và Nam Cực, Zealandia được cho là một phần của siêu lục địa Gondwana. Khoảng 80 triệu năm trước, Zealandia đã tách ra khỏi các khu vực trên và chìm xuống biển.

Zealandia có niên đại xa xưa hơn ước tính ban đầu

Nghiên cứu mới phát hiện rằng những ước tính ban đầu về niên đại của Zealandia không chính xác. Một phần của lục địa chìm, mà nguồn gốc vẫn còn là bí ẩn, hóa ra lại có niên đại gấp đôi so với dự đoán của các nhà địa chất trước đây. Kết quả của các nghiên cứu mới, được thực hiện trên 169 khối đá granite từ Zealandia, cho thấy nó đã từng là một phần của lục địa Rodinia vốn có niên đại xa xưa hơn 500 triệu năm. Các nhà khoa học cho rằng sự hình thành của nó bắt đầu từ 1,3 tỷ đến 900 triệu năm trước, có nghĩa là Zealandia lâu đời hơn nhiều so với những ước tính trước đây.

Trong khi hầu hết những gì chúng ta biết về Zealandia mới được phát hiện trong những năm gần đây, manh mối đầu tiên được gợi ý bởi James Hector, một nhà tự nhiên học người Scotland. Sau chuyến hành trình của ông tại khu vực New Zealand vào năm 1895, ông cho rằng đất nước này từng là một phần của một dãy núi rộng lớn hiện đã bị nhấn chìm.

Như đã đề cập ở trên, các nhà khoa học dựa vào các tiêu chí để xem xét Zealandia là một lục địa. Nhưng phải chăng cũng chính những tiêu chí này khiến lục địa thứ 8 không được biết đến sớm hơn? Các nhà địa chất chỉ đồng ý với định nghĩa hiện tại về lục địa vào những năm 1960.

Với sáng kiến toàn cầu về việc lập bản đồ toàn bộ đáy đại dương, các nhà khoa học có thể lập bản đồ kích thước và đường bờ biển của Zealandia một cách chi tiết hơn, và như vậy sẽ có thêm bằng chứng để khẳng định Zealandia là lục địa thứ 8 của Trái Đất.

Theo Curiosmos



BÀI CHỌN LỌC

Zealandia, lục địa cổ đại chìm dưới Thái Bình Dương