10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật nhất trong năm 2020

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2020 đã khép lại trở thành năm ẩn chứa nhiều nhân tố rủi ro kinh tế - chính trị bất định nhất trong vài thập kỷ gần đây. Thiên nga đen (dịch bệnh) đã cùng lúc hội tụ với Voi trắng (bong bóng nợ) và Tê giác xám (suy giảm kinh tế do chu kỳ) ngay từ đầu năm 2020. Đại dịch cũng làm lộ ra nền kinh tế "kền kền" và tập đoàn kinh tế "kền kền" toàn cầu. Và từ đây, các thông điệp mới, các lối đi mới và cả các sai lầm mới, cũ đều tiếp tục triển hiện... Tất cả tạo nên một sân chơi và diện mạo kinh tế phi truyền thống mới trên toàn cầu.

1. Cuộc hội tụ không mong muốn của Thiên nga đen, Tê giác xám và Voi trắng

Năm 2020 bắt đầu bằng nỗi lo suy giảm kinh tế do chu kỳ (hiện tượng Tê giác xám) và khối nợ toàn cầu (Voi trắng) đã ở mức kỷ lục từ cuối năm 2019. Hai hiện tượng này nếu không tạo ra khủng hoảng thì cũng dẫn đến suy thoái kinh tế kéo dài sau đó. Nhưng thảm họa đại dịch viêm phổi Vũ Hán với nhiều chủng loại virus biến thể, nguồn gốc bất minh, loại sau độc tố lớn loại trước, sức mạnh lây nhiễm đáng kinh ngạc - đã "tập kích" nền kinh tế nhiều lỗ hổng của thế giới; trở thành hiện tượng Thiên nga đen lớn nhất trong nhiều thập kỷ, hội tụ không mong muốn cùng thời điểm với Tê giác xám và Voi trắng.

Kết thúc năm 2019, tăng trưởng toàn cầu suy giảm mạnh nhất kể từ giai đoạn sau cuộc khủng tài chính toàn cầu bởi thương mại suy giảm, sản xuất giảm. Sự suy giảm tăng trưởng còn đi kèm với lạm phát thấp do tổng cầu yếu bất chấp hơn một thập kỷ bơm tiền giá rẻ trên toàn cầu, kích thích nợ, đầu tư ồ ạt để tạo việc làm và tăng trưởng. Điểm rơi của 2019 vào đúng chu kỳ suy giảm khiến dự báo tăng trưởng cho năm 2020 không mấy khả quan; được xem như hiện tượng Tê giác xám của nền kinh tế.

Không chỉ vậy, khối nợ toàn cầu ngày một mở rộng và liên tiếp đạt kỷ lục. Năm 2019, nợ toàn cầu gấp 3,22 lần số của cải mà cả hành tinh này làm ra trong một năm (công bố của Viện Tài chính quốc tế IIF). Trung Quốc và Mỹ là hai con nợ lớn nhất của thế giới, chiếm hơn 60% mức tăng trưởng nợ toàn cầu năm 2019. Nợ của các nền kinh tế đang phát triển đạt mức cao nhất mọi thời đại, chiếm tới 168% GDP, tương đương khoảng 55 nghìn tỷ USD, do chi phí vay cực kỳ thấp.

IMF cảnh báo gần 40% nợ doanh nghiệp ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha (tương đương khoảng 19 nghìn tỷ USD) có nguy cơ vỡ nợ trong trường hợp nền kinh tế toàn cầu suy thoái. Độ lớn từ khối nợ như một "con voi trắng" vẫn đang lớn, không ai hiểu rõ hết sức nặng và độ lớn của nó có thể tổn hại đến mức nào với tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu trước 2020.

Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 bước vào giai đoạn suy giảm do chu kỳ và chính sách tiền tệ, tài khóa không còn bao nhiêu dư địa để cứu vãn tăng trưởng (Nguồn: Ngân hàng thế giới) 
Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 bước vào giai đoạn suy giảm do chu kỳ và chính sách tiền tệ, tài khóa không còn bao nhiêu dư địa để cứu vãn tăng trưởng (Nguồn: Ngân hàng thế giới)

Ngay trong những ngày đầu năm 2020, "Thiên nga đen" đại dịch xuất hiện làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu, đảo loạn mọi trật tự kinh tế - xã hội đã thiết lập hàng thập kỷ trước đó. Cho tới nay, dù vaccine đã xuất hiện nhưng các chủng virus mới cũng vẫn xuất hiện song hành. Thế giới liên tiếp chứng kiến các đợt lây nhiễm lớn trong cộng đồng, đóng cửa nền kinh tế, dừng sản xuất và các gói cứu trợ không tiền lệ được đưa ra nhằm vãn hồi tổn thất.

2. Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vì virus viêm phổi Vũ Hán - Tăng động lực thoát Trung khắp toàn cầu

Nhiều thập kỷ qua, đa số các công ty đa quốc gia vì để cạnh tranh về giá cả và chi phí sản xuất đã phải tìm kiếm đối tác là nước thứ ba để gia công một số bộ phận hay toàn bộ sản phẩm. Các chuỗi cung ứng từ nguyên liệu dược phẩm, thực phẩm, điện tử đến cả thiết bị y tế... đều phụ thuộc lớn vào Trung Quốc - nơi vẫn được coi là “đại công xưởng” của thế giới.

Trước đại dịch, Trung Quốc xuất khẩu hơn 80% sản phẩm - bao gồm hàng công nghiệp (linh kiện, phụ kiện đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp khắp nơi trên thế giới) và tiêu dùng, nguyên liệu thô và thực phẩm - bằng đường biển. Theo trích dẫn từ một cuộc khảo sát vào tháng 2/2020 bởi nhà tư vấn chuỗi cung ứng Đức Kloepfel Consulting và Riskmethods, số liệu cho biết 81% các công ty trong danh sách khảo sát đều dựa vào các nhà cung cấp Trung Quốc.

Nếu các cảng bị đóng cửa, điều này sẽ dẫn đến sự gián đoạn lớn trong thương mại toàn cầu, tương tự việc nguồn cung dầu từ Ả Rập Xê Út bị gián đoạn. Ở mức độ nhất định, Trung Quốc có "năng lực làm đảo chiều" trong ngành sản xuất. Sự gián đoạn trong sản xuất khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào bế tắc. Thêm vào đó, các ngành du lịch, dịch vụ, vận tải vốn phát triển chóng mặt nhờ toàn cầu hóa hiện đang tê liệt vì hàng chục quốc gia buộc phải đóng cửa biên giới, cấm xuất nhập cảnh để ngăn ngừa virus Corona Vũ Hán.

Lần đầu tiên, vì sự đứt gãy đột ngột của chuỗi cung ứng toàn cầu mà các kệ trong siêu thị lớn của Mỹ, EU trống trơn. Khan hiếm hàng hóa, đặc biệt là hàng phòng hộ dịch (khẩu trang, găng tay y tế, đồ phòng hộ...) dù đã được lấp đầy sau vài tháng nhưng đã khiến thế giới thức tỉnh trước rủi ro tập trung trong chuỗi cung ứng cũ.

Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng diễn ra trong thời gian tới là điều tất yếu nhằm giảm sự lệ thuộc vào một “mắt xích”, tăng tính an toàn cho hệ thống, kèm theo đó là các lợi ích của mỗi quốc gia. Các nước phát triển đang chủ động tái cấu trúc lại các chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, có thể đối phó với bất kỳ sự kiện bất thường nào xảy ra trong tương lai.

Chính quyền TT Trump đang đẩy mạnh chương trình rút các chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc với nhiều biện pháp khác nhau và phối hợp với nhiều nước. Đặc biệt, Mỹ đang xúc tiến hình thành một liên minh "những đối tác đáng tin cậy” gọi là "Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế”.

Chúng ta đang bước vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất bởi nó cùng một lúc hội tụ 3 hiện tượng: “Voi trắng”, “Tê giác xám” và “Thiên nga đen”... (Ảnh: NTDVN tổng hợp)
Chúng ta đang bước vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất bởi nó cùng một lúc hội tụ 3 hiện tượng: “Voi trắng”, “Tê giác xám” và “Thiên nga đen”... (Ảnh: NTDVN tổng hợp)

Các nước cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp của mình đầu tư về nước. Các nước EU thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược”, kiểm soát đầu tư ra nước ngoài. Đức, Italia quy định chặt chẽ hơn đối với đầu tư ra nước ngoài. Pháp triển khai chiến lược “sản xuất tại Pháp”. Nhật Bản dành khoản ngân sách 2,2 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản xuất từ Trung Quốc về nước và di chuyển sản xuất. Hàn Quốc ban hành luật thu hút các doanh nghiệp đã đầu tư ở nước ngoài quay về sản xuất, kinh doanh tại Hàn Quốc…

3. Cứu trợ không giới hạn và tương lai u ám của các chính phủ 'vú em'

Mới chỉ 3 tháng đóng cửa do đại dịch, 11 nghìn tỷ USD đã được các chính phủ tung ra thị trường để hỗ trợ chống dịch, giải cứu doanh nghiệp, ngân hàng và tình trạng thất nghiệp trong nửa đầu năm 2020 do Covid-19. Hiển nhiên, với kỷ lục nợ năm 2019; 11 nghìn tỷ USD lần này được các chính phủ tiếp tục gia tăng vay nợ để xử lý khủng hoảng.

Cho tới thời điểm này, mở rộng các gói cứu trợ xa hoa và chưa có điểm dừng vẫn tiếp tục là nhiệm vụ chính của hầu hết các chính phủ trên toàn cầu. Nhưng dịch chưa hết và suy thoái kinh tế sẽ còn kéo dài cả thập kỷ, kỷ lục nợ thực sự chưa đến hồi kết, rất có thể nó sẽ gấp tới 5 - 6 lần số của cải mà cả thế giới làm ra.

Để giải quyết khủng hoảng, các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF, đều mở rộng hầu bao để hỗ trợ các chính phủ. Hầu bao của các tổ chức này chủ yếu đến từ tiền của các cường quốc đóng góp vào, từ các định chế tài chính hàng đầu thế giới. Nói theo cách khác, phần lớn tiền đến từ các tài phiệt tài chính hàng đầu thế giới, nhóm sở hữu phần lớn hệ thống tài chính toàn cầu và quyết định nguyên tắc của cuộc chơi tài chính này.

Các chính phủ được khuyến khích hoặc đơn giản là học hỏi lẫn nhau trong việc dùng tiền đi vay cứu trợ các tập đoàn kinh tế lớn, các định chế tài chính lớn với lý do rằng nếu không cứu họ thì người dân sẽ mất việc làm, nguồn thu thuế tương lai sẽ giảm… Dĩ nhiên, tương lai, chính phủ thu thuế người dân cả nước để trả nợ. Ngoài ra, một phần tiền lớn cũng dùng để cứu trợ thất nghiệp, đào tạo mới, tái đào tạo lực lượng lao động…

Nhưng các nghiên cứu về hiệu quả, tác động các gói cứu trợ và chính sách nới lỏng tiền tệ - tài khóa để kích thích tăng trưởng kinh tế tại các nền kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 cho tới nay đã cho các bài học sau:

Thứ nhất, giải cứu nợ tư nhân càng lớn thì nợ công càng tăng khiến cơ hội phục hồi sau khủng hoảng càng thấp do gia tăng can thiệp của chính phủ vào thị trường. Đây là kết luận nghiên cứu của Mbeys và cộng sự (2018, IMF) dựa trên số liệu nợ của hơn 100 chính phủ và cách thức chi tiêu công của các chính phủ này trong khủng hoảng chỉ ra rằng các nền kinh tế càng mạnh tay giải cứu thì nợ công càng tăng mạnh, bền vững nợ công càng thấp và sức phục hồi sau khủng hoảng càng hạn chế.

Thứ hai, nghiên cứu của OECD năm 2017 chỉ ra rằng chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng quá mức, không đúng mục đích, không đúng trọng tâm đã tạo ra một lượng lớn doanh nghiệp “xác sống”, chiếm cứ nguồn lực hữu hạn về vốn, đất đai, làm hạn chế cơ hội tiếp cận nguồn lực của các doanh nghiệp tốt, từ đó hạn chế đổi mới, sáng tạo, quá trình M&A thay máu doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường lành mạnh. Thực chất làm giảm khả năng tự phục hồi của nền kinh tế. Thực tế, doanh nghiệp “xác sống” sẽ tạo ra nhiều doanh nghiệp “xác sống” sau đó…

Thứ ba, dòng tiền ồ ạt giá rẻ chảy vào nền kinh tế do chính sách tiền tệ nới lỏng và do cả chính sách cứu trợ tài khóa, đầu tư công của chính phủ không hiệu quả đã tạo ra bong bóng giá trên thị trường tài sản có rủi ro cao. Thực tế là tổng tài sản của quỹ ETFs trên toàn cầu đã tăng 863% trong 10 năm (2008-2019) trong khi kinh tế thực phục hồi chậm chạp. Điều này khiến giá thị trường chứng khoán – tại hầu hết các thị trường và phân khúc – đã tăng quá mức so với giá trị thực của các doanh nghiệp, bong bóng bất động sản, thị trường phái sinh phình to bất thường, gây rủi ro lớn tới ổn định tài chính toàn cầu.

Đáng nói là, tất cả các sai lầm đang tiếp tục lặp lại trong cuộc khủng hoảng lần này, ở mức cao hơn và liều lĩnh hơn vì không ai biết sức tàn phá của con “thiên nga đen” bao giờ mới đạt đỉnh cũng như thời gian tìm ra thứ có thể kìm hãm hay vô hiệu nó. Không phải chính phủ không biết hậu quả tồi tệ của bong bóng nợ, nhưng trong một hệ thống kinh tế - tài chính toàn cầu chạy theo tăng trưởng dựa trên vay nợ, sự phụ thuộc vào nợ đã trở thành chính sách bắt buộc cho nền tảng chính trị và an sinh.

4. Thế giới ngồi trên khối nợ nóng bỏng kỷ lục

Năm 2020 kết lại bằng hậu quả tất yếu là bong bóng nợ nóng bỏng toàn cầu, lập đỉnh kỷ lục mới trong lịch sử kinh tế thế giới, tổng nợ ước tính gấp 3,65 lần GDP toàn cầu (cùng kỳ 2019, nợ toàn cầu gấp 3,22 lần GDP). Nợ toàn cầu tăng thêm gần 8%, khoảng 20 nghìn tỷ USD.

Nợ công bình quân/GDP trên toàn cầu đã bắt đầu vượt 100% (mức kỷ lục). Con số này rủi ro đến mức nào? Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, ngưỡng an toàn nợ công/ GDP là 77%, nếu mức nợ công vượt ngưỡng này, cứ mỗi % gia tăng thêm nợ/GDP sẽ làm tăng trưởng GDP giảm đi 0.017%.

5. Làn sóng vỡ nợ địa phương của Trung Quốc

Chỉ từ tháng 11/2020, hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước như Công ty than đá Yongcheng Coal, Tập đoàn Điện lực Electricity Holdings, Công ty Sản xuất chíp Tsinghua Unigroup, Tập đoàn Brilliance Auto Group Holdings… đã rơi vào tình trạng vỡ nợ trái phiếu.

Cho đến lúc này, không ai biết được chắc chắn bong bóng nợ địa phương của Trung Quốc lớn đến cỡ nào và bao giờ thì vỡ. Các dấu hiệu cho thấy bong bóng nợ địa phương Trung Quốc giống như một chiếc ung nhọt đã tích lũy lâu ngày và không thể vãn hồi cứu chữa, chỉ đợi đến ngày là bung ra.

Theo số liệu từ Bloomberg, nợ địa phương đến hạn trả năm 2020 của Trung Quốc gấp gần 12 lần năm 2015. Khoản nợ đến hạn phải trả khổng lồ này làm lo ngại bất cứ nhà đầu tư nào.

Theo phân tích của Rhodium Group, hơn một nửa số trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý II năm 2020 được sử dụng để tái cấp vốn cho các khoản nợ cũ, không phải để thúc đẩy chi tiêu vốn hoặc thậm chí đầu tư. Trên hầu hết các tỉnh, chi tiêu đầu tư năm 2020 không tăng so với năm 2019.

Đây là rủi ro tín dụng cực kỳ lớn. Vay để đáo hạn nợ cho thấy khoản đầu tư cũ không hề thu hồi được vốn theo kế hoạch. Việc gì sẽ xảy ra khi địa phương không còn phát hành được nợ nữa? Tức là không còn tiền vay mới để đảo các khoản nợ tiếp theo?

Năm 2020 đánh dấu năm thứ ba liên tiếp vỡ nợ địa phương kỷ lục tại Trung Quốc nhưng nhìn về tương lai còn ảm đạm hơn. Nợ đến hạn sẽ tăng mạnh vào tháng 12/2020 và tháng 3/2021. Làn sóng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp mới của Trung Quốc sẽ vẫn còn tiếp tục và rất khắc nghiệt, vấn đề không còn là con số nợ bao nhiêu, mà hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng phá sản, ngừng hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản và công nghệ.

Chính quyền Trung Quốc đã chạy theo mô hình tăng trưởng nóng dựa trên nợ để lấy thành tích, trung ương ép chỉ tiêu tăng trưởng cho chính quyền địa phương; ngược trở lại, địa phương lại có toàn quyền trong việc phát triển công cụ nợ để thực hiện đầu tư công, bơm tiền cho doanh nghiệp nhà nước địa phương. Để tăng nợ nhưng vẫn đảm bảo con số nợ công “đẹp” thì chính quyền trung ương buộc phải ra luật để đảm bảo các khoản nợ địa phương không phải hạch toán vào nợ quốc gia, rất nhiều khoản phải hạch toán ngoại bảng.

Trung Quốc đạt được mục tiêu trước mắt là các chỉ số an toàn nợ công, tín nhiệm chính phủ ở mức cao, hợp lý với thông lệ quốc tế. Nhưng thực tế, bất cân đối, an toàn tài chính của Trung Quốc đã vượt xa rất nhiều so với chuẩn an toàn của thế giới, thậm chí đổ vỡ nợ Trung Quốc có thể gây ra chấn động tài chính toàn cầu.

Virus Corona Vũ Hán dường như đang bơm thêm bong bóng cho TTCK toàn cầu... (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)
Virus Corona Vũ Hán dường như đang bơm thêm bong bóng cho TTCK toàn cầu... (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

6. TTCK thế giới tăng điên cuồng bất chấp khu vực doanh nghiệp điêu đứng: Đại dịch bơm thêm bong bóng cho TTCK?

Sức tăng trưởng ngoạn mục của thị trường chứng khoán (TTCK) trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán năm 2020 bất chấp sự ảm đạm của nền kinh tế thực, sự đổ vỡ của chuỗi cung ứng, sự khó khăn của lương thực và sự leo thang bất ổn địa chính trị toàn cầu khiến chúng ta không khỏi e ngại. Virus Corona Vũ Hán dường như đang bơm thêm bong bóng cho TTCK toàn cầu.

Trong hai quý đầu năm 2020, TTCK đã tuần tự đạt mức cao kỷ lục vào tháng 2/2020, rồi lao dốc mạnh giảm gần 1/3 giá trị vốn hóa TTCK, rồi lại tăng mạnh trở lại, cũng đột ngột như sự lao dốc trước đó.

Không chỉ trên TTCK Mỹ, tại Châu Á, thậm chí là tại Trung Quốc, nơi xuất sinh đại dịch, cũng phải chịu đựng các "đòn tấn công" đa diện mạnh mẽ trên mọi phương diện chính trị - kinh tế - tài chính. Khi các doanh nghiệp (hàng hóa của TTCK) đang vật lộn với rủi ro, thua lỗ, nợ nần thì TTCK vẫn tăng đến mức "không thể dừng lại".

Theo lý thuyết, hàng hóa trên TTCK chính là doanh nghiệp, mà doanh nghiệp chẳng phải chính là nền kinh tế thực, nơi hoàn toàn phụ thuộc vào sức khỏe, sự hiệu quả của thể chế, y tế... Khi hàng hóa chất lượng kém, sức sinh lời giảm đi, suy giảm quy mô doanh thu, lợi nhuận, thậm chí rủi ro mất khả năng thanh toán, không có lý do gì giá cả lại có thể tăng.

TTCK vẫn tăng trưởng 'bừng bừng" bất chấp nền kinh tế thực rơi vào tăng trưởng trì trệ, chính sách tiền tệ nới lỏng vô hạn định để cứu vớt tăng trưởng, TTCK không còn là hàn thử biểu của nền kinh tế thực nữa mà chỉ phản ánh mức độ mở rộng hay thu hẹp của chính sách tiền tệ.

Ngân hàng thương mại (NHTW) các nước hối hả bơm tiền bất chấp thực trạng kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái hoàn toàn tê liệt. Dòng tiền này, trở thành cứu cánh cho TTCK toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng ảo trên TTCK mà không quan tâm tới kết quả kinh doanh, "sức khỏe" thực sự của hàng hóa (chính là các doanh nghiệp trên thị trường đó).

Động thái của giá cả cổ phiếu chứng khoán trong đại dịch thoạt đầu có vẻ vô lý, phi lý, thậm chí điên rồ. Nhưng khi nhìn kỹ hơn, ta lại thấy rõ là các thị trường không phản ứng một cách hoàn toàn mù quáng khi dòng tiền quá dư thừa, quá rẻ trong khi doanh nghiệp và hộ gia đình bế tắc trong đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh trong cả ngắn, trung và dài hạn. Do vậy, TTCK toàn cầu đã tạo thêm một bong bóng giá mới.

7. Các ông lớn Mỹ Big Tech, Big Media trở thành thế lực nhà nước ngầm: độc quyền, kiểm duyệt thông tin, đánh cắp cuộc bầu cử Mỹ và kiếm bộn tiền từ hỗn loạn

Việc hợp nhất Big Tech với Big Media đã tạo ra một thế giới độc tài kiểu Orwell, nơi sự cuồng loạn tập thể đang chuyển từ những nước như Triều Tiên, Trung Quốc sang những người "không đồng ý với câu chuyện về đại dịch".

Ông lớn công nghệ, Facebook thậm chí còn xem các bài đăng "đặt câu hỏi về bạo loạn" là “tội phạm” và trừng phạt người dùng. Chúng ta đang chứng kiến một thế giới nơi đúng thành sai, nơi bạo loạn, cướp bóc, nói tục được tôn vinh, nơi “khoa học” và “đạo đức” được thẩm định và quyết định theo tiêu chuẩn của Big Tech, Big Media.

Các tỷ phú Mỹ đã kiếm được 434 tỷ USD chỉ trong hai tháng đầu tiên Mỹ đóng cửa đất nước. Càng nhiều đợt đóng cửa, tài sản tích lũy càng nhiều cho giới công nghệ. Khi hàng chục triệu cá nhân và doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với phá sản vào Giáng sinh này, cuộc cách mạng làm việc từ xa đang trao "những giải đặc biệt trị giá hàng tỷ USD" cho những người như Jeff Bezos (Amazon) và Mark Zuckerberg (Facebook).

Các hệ thống sinh thái đám mây Azure (Microsoft) và AWS (Amazon), trong số những hệ thống khác, đã mở rộng thêm 50% kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Trong cuộc bầu cử Mỹ lần này, Twitter và Facebook đã kiểm duyệt nhóm Trump đến 65 lần, nhưng lại “bảo vệ” ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, Joe Biden - nhằm đảm bảo rằng những tin tức tồi tệ về nhà Biden và chiến dịch của ông ta sẽ không bị lộ ra. Twitter đã có “đóng góp rất lớn” với 98% trong tổng số các trường hợp kiểm duyệt.

Cả Facebook và Twitter vẫn tiếp tục thao túng thông tin - bằng cách cho phép người dùng xem “những gì phù hợp” - ngay cả sau cuộc bầu cử. Facebook đã sửa đổi nguồn cấp dữ liệu của mình để hạn chế các trang web “thân Trump” và nhấn mạnh rằng các hãng tin tức truyền thống lớn tự hào về việc chống lại Trump.

Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg (Tổng hợp)
Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg (Tổng hợp)

Big Tech đã chứng minh rằng họ đã cố hết sức để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử bằng cách tiếp tục “ném Trump xuống đất” với sự kiểm duyệt này. Tổng thống Trump và chiến dịch của ông đã bị kiểm duyệt ít nhất 486 lần trên Twitter, với hơn 400 trường hợp xảy ra sau ngày 3 tháng 11.

8. Trung Quốc ra sức kiếm tiền bằng hàng hóa kém chất lượng từ thảm họa khiến thế giới bừng tỉnh và cố gắng thoát Trung

Khi dịch bệnh bùng phát không kiểm soát và chuỗi cung ứng tại Trung Quốc bị gián đoạn, thì khan hiếm vật tư y tế phòng dịch trở thành vấn đề sống còn của y tá, bác sỹ, người dân và của mọi chính phủ nơi có dịch bùng phát.

Trong lúc này, bất chấp tính mạng của người dân Trung Quốc, Bắc Kinh vội vàng khôi phục lại việc đi làm trở lại và xuất khẩu lượng vật tư y tế khổng lồ trong đại dịch. Không chỉ kiếm tiền, Bắc Kinh còn không ngừng tuyên truyền về hình ảnh "cứu rỗi thế giới" nhờ sản xuất và xuất khẩu hàng vật tư y tế vào thời điểm đó.

Nhưng sự thực lại khiến cả thế giới bừng tỉnh.

"Trung Quốc đã tạo ra chất độc và đang bán thuốc giải cho thế giới", chuyên gia đối ngoại Gordon Chang nói với Fox News như vậy. Và một tin không vui với Bắc Kinh là rất nhiều trong số “thuốc giải” mà họ cung cấp là hàng lỗi.

Ngày 29/3, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này không sử dụng một số bộ xét nghiệm Covid-19 do Trung Quốc tặng vì thiếu chính xác, theo tờ Philippine Daily Inquirer. Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết các bộ xét nghiệm chỉ có độ chính xác khoảng 40% so với các bộ xét nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tây Ban Nha cũng trong tình trạng tương tự khi nhận thấy rằng bộ xét nghiệm nhanh của Trung Quốc được quảng cáo độ chính xác 80%, nhưng kết quả thực tế chỉ đạt 30%. Do vậy, thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã ngừng sử dụng các bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 được phát triển bởi một công ty Trung Quốc. Đồng thời, Bộ Y tế Tây Ban Nha cũng yêu cầu thay thế bộ kit xét nghiệm này sau khi phát hiện có nhiều sai sót, theo báo SCMP.

Trước đó, Cộng hòa Séc cũng cho biết, khoảng 80% bộ xét nghiệm COVID-19 từ Trung Quốc cho kết quả sai. Do đó, các bác sĩ nước này phải dựa vào phương pháp xét nghiệm truyền thống, trang iROZHLAS của Đài phát thanh Séc hôm 23/3 đưa tin.

Ngày 28/3, Bộ Y tế Hà Lan cũng thu hồi 600.000 chiếc khẩu trang trong số 1,3 triệu khẩu trang được sản xuất ở Trung Quốc do không đạt tiêu chuẩn an toàn. Theo AFP, Bộ Y tế Hà Lan phát hiện khẩu trang có tấm lọc khí bị lỗi và không che kín vùng cần bảo vệ trên mặt.

Có thể thấy, việc Trung Quốc xuất khẩu vật tư y tế kém chất lượng cho các nước không chỉ tiêu tốn chi phí của nước bạn mà còn là tác nhân không nhỏ khiến cho việc kiềm chế đại dịch trở nên khó khăn hơn, do những xét nghiệm sai, do thiết bị bảo hộ không bảo vệ được nhân viên y tế và người dân...

Cách kiếm tiền thiếu nhân tính khiến chúng ta liên tưởng tới hình ảnh “kền kền” ngửi thấy mùi tử thi và chờ đợi… Thế giới dường như đang thức tỉnh trước một đối tác bất lương - nền kinh tế “kền kền” - kiếm tiền trên thân xác đồng bào và sinh mệnh của nhân loại trên toàn cầu.

9. Mỹ dứt khoát chặt đứt các vòi hút vốn, công nghệ và ngăn chặn sự bành trướng Biển đông của Trung Quốc

Thu hồi quy chế thương mại đặc biệt đối với Hong Kong: Đây được xem là nhát cắt sâu nhất vào lợi ích của Bắc Kinh. Nhờ vị thế đặc biệt này, Hong Kong tuy thuộc Trung Quốc, nhưng lại được thế giới đối xử như một nền kinh tế phát triển và dân chủ. Bởi vậy, Hong Kong là thị trường và công cụ để Bắc Kinh hút vốn, tiếp cận công nghệ, thâu tóm doanh nghiệp có công nghệ và an ninh trọng yếu của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã ký một lệnh hành pháp hồi tháng 8/2020 thu hồi quy chế thương mại đặc biệt mà Mỹ đã cung cấp cho Hong Kong kể từ năm 1997.

Gần đây, Tổng thống Donald Trump cùng các quan chức hàng đầu trong nội các của ông đã có những phát biểu và hành động cực kỳ cứng rắn, trong cuộc đối đầu toàn diện với ĐCSTQ. (Ảnh tổng hợp)
Gần đây, Tổng thống Donald Trump cùng các quan chức hàng đầu trong nội các của ông đã có những phát biểu và hành động cực kỳ cứng rắn, trong cuộc đối đầu toàn diện với ĐCSTQ. (Ảnh tổng hợp)

Kiểm soát dòng vốn Mỹ đầu tư vào Trung Quốc: Hôm 12/11, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp đối với việc đầu tư vào Trung Quốc: cấm người Mỹ đầu tư vào 31 công ty Trung Quốc có liên quan đến quân đội của ĐCSTQ, bao gồm Huawei, Hikvision, Inspur Group, China Mobile, China Telecom, AVIC, Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCC), Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC), Tập đoàn điện tử Panda (Panda Electronics), v.v. Đây là một sắc lệnh hành pháp được ký sau khi chính quyền Tổng thống Trump ra lệnh cấm Huawei, TikTok và WeChat, và nó sẽ có hiệu lực từ ngày 11/1 năm sau. Washington tuyên bố rằng các công ty này là do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát.

Hàng trăm doanh nghiệp Trung Quốc bị đưa vào danh sách các thực thể bị hạn chế thương mại với Mỹ do đây là các công ty sở hữu hoặc bị kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc: Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của EU hoặc của Mỹ cũng bị các sàn giao dịch này loại khỏi rổ tính chỉ số chứng khoán quan trọng. Không chỉ vậy, chính quyền Tổng thống Trump còn xóa bỏ chính sách "ưu ái" cũ của Ủy ban Chứng khoán Mỹ dưới thời Obama cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo đó, doanh nghiệp Trung Quốc được quyền niêm yết sẽ hút vốn trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ mà không phải tuân thủ chế độ kiểm toán, minh bạch thông tin giống như các doanh nghiệp Mỹ khác. Việc xóa bỏ chính sách này dự kiến sẽ buộc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải hủy niêm yết tại Mỹ, tổng gía trị vốn hóa lên tới 1.200 tỷ USD.

Mạnh mẽ ngăn chặn tham vọng bành trướng Biển đông hòng chiếm đoạt lợi thế thương mại, tài nguyên và địa chính trị: Thông cáo hôm 13/7/2020 của Mỹ nêu rõ: Mỹ đã bác bỏ rằng tuyên bố của Trung Quốc là "hoàn toàn trái pháp luật" - đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông, một lập trường mà Bắc Kinh cho rằng đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Lần đầu tiên Mỹ biểu thị các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là bất hợp pháp.

Áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức Hong Kong và Trung Quốc - Mỹ không thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của chế độ Bắc Kinh: Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bí thư Đảng Cộng sản khu tự trị Tân Cương Chen Quanguo, một ủy viên Bộ Chính trị quyền lực của Trung Quốc, và ba quan chức khác. Hồi tháng 8/2020, Hoa Kỳ cũng đã trừng phạt 11 quan chức Hong Kong, đóng băng tài sản của Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam; và các cảnh sát trưởng hiện tại và trước đây của thành phố, những người này bị cáo buộc là tìm cách hạn chế quyền tự trị của lãnh thổ và "quyền tự do ngôn luận hoặc hội họp" của người dân. Danh sách trừng phạt các quan chức của Trung Quốc, Hong Kong không ngừng tiếp tục kéo dài và điều này cho thấy Mỹ không thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của chế độ Bắc Kinh.

10. Giá dầu âm kỷ lục

Ngày 20/4 (sáng 21/4 theo giờ Việt Nam) đã trở thành ngày lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới, khi giá dầu thô trên Sàn giao dịch New York lần đầu tiên rơi xuống mức giá âm (dưới 0 USD/thùng).

Khái niệm “giá âm” được hiểu là mức giá khi thị trường bán buôn một mặt hàng (như dầu mỏ) ở tình trạng cung vượt quá cầu, theo hãng tin Bloomberg. Hiện nay, tình trạng này đang xảy ra với thị trường dầu mỏ thế giới, khi các kho chứa khắp nơi trên thế giới đã đầy tràn. Dầu thô WTI giao tháng 5 trên sàn New York đóng cửa tuần trước ở 18,27 USD nhưng chốt phiên thứ hai đã lao dốc về âm 37,63 USD một thùng, theo hãng tin CNBC.

Tình trạng sụt giảm kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu trên phạm vi toàn cầu đã dẫn tới việc làm dư thừa khoảng 20 triệu thùng dầu/ngày trên thị trường dầu mỏ, khiến các kho chứa dầu bị tràn. Một số nhà đầu tư đã phải thuê tàu neo đậu ở các cảng để chứa dầu thô. Ước tính có khoảng 160 triệu thùng dầu nằm ở các tàu chở dầu trên toàn thế giới.

Dịch Covid-19 đã tác động mạnh vào hoạt động kinh tế trên toàn cầu và làm giảm nhu cầu về xăng dầu. Trong khi đó, thỏa thuận cắt giảm sản xuất của OPEC+ và các nước khác được đánh giá không đủ bù đắp nhu cầu nhiên liệu đang rơi tự do vì đại dịch.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật nhất trong năm 2020