10 sự kiện kinh tế trong nước nổi bật năm 2019

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2019, kinh tế trong nước có thêm sắc màu sáng bên cạnh nhiều gam màu tối trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, thương chiến leo thang. Một năm qua đi, cùng nhìn lại 10 sự kiện kinh tế nổi bật nhất trong năm 2019...

1. GDP tăng trưởng cao bất chấp bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới ảm đạm, thương chiến leo thang, bất ổn địa chính trị gia tăng

Tăng trưởng GDP cả năm 2019 ước đạt 6,8%, chưa tính là vượt kế hoạch của Quốc hội là 6,6-6,8% nhưng cũng đạt mức tăng trưởng cao nhất mà Quốc hội đề ra. Kết quả tăng trưởng này chủ yếu đến từ thành tích xuất khẩu và sản xuất của khu vực FDI. Đây là điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu kinh tế thế giới suy giảm, các nền kinh tế lớn đều đua nhau mở rộng tài khóa, giảm mạnh lãi suất (thậm chí về mức lãi suất âm) để kích thích tăng trưởng.

2. Dịch tả lợn và khủng hoảng thịt lợn Trung Quốc lan sang Việt Nam, giá thị lợn tăng mạnh nhưng lạm phát vẫn duy trì mức thấp

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đã gây ra khủng hoảng giá thịt lợn tại nhiều quốc gia, trong đó đặc biệt trầm trọng ở Trung Quốc. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi những tháng cuối năm 2019, giá thịt lợn tăng cao kỷ lục ở mức 180.000-200.000đ/kg. Giá thịt lợn tăng kéo theo giá thực phẩm tăng cao, tạo áp lực lên lạm phát. Mặc dù lạm phát có tăng nhẹ vào quý 4/2019 nhưng bình quân trong cả nước vẫn duy trì mức khá thấp, trung bình 2,6% tính tới thời điểm tháng 11, dự báo ở mức dưới 3,5% trong năm 2019. Lý do là giá thịt lợn tuy tăng mạnh nhưng mới bùng phát vào quý 4/2019, trong khi đó những nhân tố tác động tới lạm phát như tỷ giá, lãi suất lại rất ổn định, giá hàng hóa cơ bản cũng không có biến động mạnh do tổng cầu thế giới giảm.

3. Giải ngân vốn đầu tư công tắc nghẽn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chậm

Trong tài chính công, chi tiêu chính phủ vào đầu tư công (ví dụ như giáo dục, y tế, hay các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu cống, sân bay,...) có tác dụng như nguồn vốn mồi cho nền kinh tế. Tăng chi tiêu của chính phủ - nếu đúng mục tiêu và hiệu quả (không bị mất mát bởi tham nhũng) sẽ tạo thêm nhiều việc làm, kích thích đầu tư tư nhân, tăng trưởng GDP…

Bởi vậy, giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ làm giảm động lực hỗ trợ tăng trưởng GDP. Ngoài ra, trong bối cảnh tài khóa bội chi (chi tiêu công nhiều hơn nguồn thu từ thuế và phí), việc đi vay để đầu tư nhưng lại không giải ngân tiền đầu tư do các vướng mắc về thủ tục, luật và quy trình sẽ khiến chính phủ phải trả lãi vay trong khi nguồn thu từ đầu tư lại ít đi. Điều này cũng khiến chi phí vốn tăng.

Tính lũy kế đến hết tháng 11/2019, giải ngân vốn đầu tư phát triển mới chỉ đạt 54% dự toán, thấp hơn so cùng kỳ năm 2018 về cả số tuyệt đối (giảm 3,3%) lẫn tiến độ thực hiện dự toán (cùng kỳ năm 2018 thực hiện 61,7% dự toán).

Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn còn chậm trong năm 2019. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: cho tới 16/10/2019 mới cổ phần hóa được 36 DNNN trong tổng số 128 DNNN phải cổ phần hóa theo kế hoạch giai đoạn 2017–2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Bùng phát hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam - Mỹ đánh thuế chống lẩn thuế, tránh thuế lên tới 456% lên thép Việt

Nguy cơ lẩn thuế, tránh thuế qua gian lận xuất xứ hàng hóa đã được cảnh báo từ lâu. Thêm vào đó, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp trong nước cũng như hệ thống pháp luật, quản trị và giám sát của Việt Nam vẫn còn tồn tại quá nhiều lỗ hổng khiến gian lận xuất xứ hàng hóa có cơ hội bùng phát trong bối cảnh thương chiến leo thang, người tiêu dùng trong nước tẩy chay nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm từ Trung Quốc.

Nhập khẩu gỗ dán vào Việt Nam từ Trung Quốc tăng 37% trong quý đầu năm nay, trong khi xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sang Mỹ tăng 95% so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ đã áp thuế 25% đối với gỗ dán do Trung Quốc sản xuất. Đây chính là lý do để Trung Quốc lẩn tránh thuế xuất khẩu sang Mỹ bằng cách thông qua thị trường Việt Nam vốn còn nhiều kẽ hở về giám sát, quản lý và quy định về xuất xứ hàng hóa. Một mức thuế tương tự của Mỹ đối với các sản phẩm gỗ dán Việt Nam có thể sẽ là thảm họa đối với lĩnh vực sản xuất này, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam sang Mỹ trị giá khoảng 190 triệu đô la trong năm 2018.

Cũng trong tháng 11, các quan chức hải quan Việt Nam cho biết họ đã tịch thu khoảng 4,3 tỷ USD các sản phẩm nhôm sản xuất từ ​​Trung Quốc đã được chuyển đến Việt Nam và dán nhãn giả là “Made In Vietnam”.

Ngày 16/12/2109 Mỹ công bố kết quả điều tra về chống gian lận thương mại sản phẩm thép tại Việt Nam. Mỹ chính thức áp thuế khủng 456% lên thép sản xuất tại Việt Nam với các lô hàng thép CRS và CORE xuất khẩu từ Việt Nam không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng.

5 Bùng nổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN): doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) chiếm tỷ trọng lớn TPDN phát hành

Theo báo cáo về thị trường TPDN trong 11 tháng năm 2019 của SSI Retail Research, tổng lượng TPDN thực tế phát hành trong 11 tháng đầu năm đã đạt khoảng 237.000 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD), cao hơn 5,8% so với tổng lượng phát hành trong cả năm 2018. Trong đó, các ngân hàng thương mại phát hành 94.000 tỷ đồng, chiếm 45,5% toàn thị trường. Nếu không tính TPDN do các định chế tài chính phát hành, thì trái phiếu doanh nghiệp BĐS chiếm tới 64,4% tổng TPDN phi tài chính. Đáng lưu ý là nhiều doanh nghiệp BĐS hoặc có mối liên hệ với doanh nghiệp BĐS lớn mới thành lập chưa lâu (3-5 năm, thậm chí ít hơn) nhưng đã phát hành lượng TPDN lớn gấp hàng chục lần vốn điều lệ với lãi suất cao.

Tỷ trọng TPDN ngành BĐS và Xây dựng và tỷ trọng TPDN phát hành theo mức lãi suất trong 11 tháng đầu năm 2019. (Nguồn: Stoxplus, NTDVN tổng hợp)

6. Moody’s hạ bậc triển vọng tín nhiệm của Chính phủ và 18 Ngân hàng thương mại trong nước xuống mức “Tiêu cực”

Một ngày sau khi hạ tín nhiệm Việt Nam xuống mức triển vọng “tiêu cực”, Moody’s tiếp tục hạ tín nhiệm của 18 ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, trong đó gồm cả 4 NHTM nhà nước và các NHTM cổ phần lớn. Nhóm ngân hàng bị hạ bậc tín nhiệm này chiếm khoảng trên 65% tổng tài sản của hệ thống. Hơn hai tháng trước, ngày 10/10, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's vừa thông báo việc xem xét hạ tín nhiệm Việt Nam sau khi nhận được thông tin chính phủ Việt Nam hoãn thanh toán một số nghĩa vụ nợ. Trong suốt hai tháng đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi, ngày hôm qua, Moody’s chính thức hạ bậc tín nhiệm xuống triển vọng “tiêu cực” đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm.

7. Thị trường chứng khoán chao đảo ngày cuối năm

Thị trường chứng khoán năm 2019 vô cùng sôi động. Thị trường mất 6 tháng tạo đỉnh tại 1.025 điểm nhưng rớt xuống điểm xuất phát chỉ trong 2 tuần. Hiện tại, VNindex ở mức 956 điểm, tương đương tháng 2/2019.

VNindex năm 2019. (Nguồn: vn.tradingview.com)

8. Hàng loạt sự cố môi trường dấy lên câu hỏi về quản lý, giám sát của nhà nước và lỗ hổng đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp

Hàng loạt các sự cố môi trường nghiêm trọng đã diễn ra: ô nhiễm thủy ngân trong không khí do cháy Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, ô nhiễm bụi mịn nghiêm trọng khiến Hà Nội trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới, sự cố nước sạch nhiễm dầu thải… Các sự cố này đều liên quan tới vấn đề an toàn sản xuất và xả thải của doanh nghiệp. Đáng nói là cách xử lý khủng hoảng của chính quyền và các bộ ngành có liên quan còn thiếu chuyên nghiệp và lúng túng trong khi trách nhiệm của doanh nghiệp gây ô nhiễm đối với cộng đồng và khách hàng còn hạn chế.

9. Hiệp định Thương mại tự do CPTPP chính thức có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do EVFTA được ký kết, tạo động lực thúc đẩy cải cách thể chế trong nước

Năm 2019 là năm chứng kiến sự hội nhập sâu rộng hơn của nền kinh tế Việt Nam khi hai hiệp định thương mại thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Các Hiệp định thương mại này mang lại nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội lớn lao cho nền kinh tế Việt Nam.

10. Vụ án tham nhũng kinh tế lớn nhất được đưa ra xét xử

Thương vụ MobiFone mua Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) gây ra thiệt hại kinh tế lớn nhất từ trước đến nay được đưa ra xét xử, tổng giá trị tham nhũng lên tới 8.000 tỷ đồng. 4 bị cáo trong vụ án này nhận hối lộ khoản tiền lên tới hàng triệu USD và đều bị truy tố ở khung tử hình. Trước tòa, bị cáo Trương Minh Tuấn thừa nhận vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG đã sai ở tất cả các khâu, ở tất cả các thời điểm, sai từ trên xuống dưới đối với 3 vấn đề quan trọng: giá cả; hiệu quả và trình tự, thủ tục. Đáng chú ý, hầu hết các bị cáo đều cho rằng bị sức ép để thực hiện dự án trên.

Trà Nguyễn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

10 sự kiện kinh tế trong nước nổi bật năm 2019