10 sự kiện kinh tế trong nước nổi bật năm 2020

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2020 đã khép lại trở thành năm ẩn chứa nhiều nhân tố rủi ro kinh tế - chính trị bất định nhất trong vài thập kỷ gần đây. Đại dịch viêm phổi Vũ Hán xuất hiện không chỉ tạo ra khủng hoảng tạm thời do đóng cửa các nền kinh tế và gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, mà nó còn thay đổi cách thức mà nền kinh tế - chính trị thế giới vận hành, làm đảo lộn các nguyên lý kinh tế học cũng như thiết lập ra luật chơi mới cho tăng trưởng và ổn định của mọi nền kinh tế...

Trong năm đặc biệt này, cùng nhìn lại các sự kiện, thành tựu cũng như thất bại kinh tế trong nước nổi bật nhất của năm 2020.

1. Việt Nam - nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương trên toàn cầu

Là quốc gia hiếm hoi kiểm soát tốt nhất đại dịch viêm phổi Vũ Hán, dù có đường biên giới dài nhất với Trung Quốc, Việt Nam nổi lên như một thành công trong năm 2020 không chỉ vì công tác phòng chống dịch trong cộng đồng, mà còn vì tận dụng được ưu thế này để sớm quay trở lại sản xuất, xuất khẩu, hàn gắn chuỗi cung ứng bị đứt gãy do đại dịch. Đây là nguyên nhân chính giúp Việt Nam duy trì mức tăng trưởng dương hiếm hoi trên toàn cầu.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK) (báo cáo ngày 27/12/2020), tăng trưởng GDP cả năm 2020 ước đạt 2,91%. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức tăng trưởng thấp nhất trong một thập kỷ gần đây. Sau cú sốc đóng cửa nền kinh tế cuối quý I/2020, đầu quý II/2020, nền kinh tế sớm có dấu hiệu phục hồi từ quý III (tăng 34% so với quý II, đạt mức tăng trưởng GDP là 2,62%) và tăng mạnh trở lại trong quý IV (4,48%).

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68% - đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98% - đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34% - đóng góp 33,5%.

Tăng trưởng kinh tế trong nước phục hồi từ quý III, xuất khẩu duy trì mức tăng khá trong cả năm 2020 (nguồn: Trading Economics)
Tăng trưởng kinh tế trong nước phục hồi từ quý III, xuất khẩu duy trì mức tăng khá trong cả năm 2020 (nguồn: Trading Economics)

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD - tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD - tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD - tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Các đối tác xuất khẩu chính là: Hoa Kỳ (19% tổng kim ngạch xuất khẩu), Trung Quốc (16%) và Nhật Bản (8%). Những nước khác bao gồm: Hàn Quốc (7%), Hong Kong (4%) và Hà Lan (3%).

2. Việt Nam gia nhập EVFTA

EVFTA là một FTA (Hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Được ký kết ngày 30/6/2019, EVFTA được phê chuẩn bởi Hội đồng châu Âu ngày 30/3/2020, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020, Hiệp định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Với Hiệp định này, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có cơ hội “truy cập” vào thị trường châu Âu, thị trường rộng lớn với khoảng 500 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng được tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao của châu Âu.

3. Mỹ chính thức đưa Việt Nam vào danh sách 'thao túng tiền tệ' sau nhiều động thái 'theo dõi' và 'cảnh báo'

Bộ Tài chính Hoa Kỳ lần đầu tiên chỉ điểm Việt Nam là một trong hai nước thao túng tiền tệ trong báo cáo công bố vào những ngày cuối cùng của năm 2020. Mỹ xác định Việt Nam vi phạm cả ba tiêu chí giám sát của Mỹ về thao túng tiền tệ sau hơn một năm đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi.

Tiêu chí thứ nhất, thặng dư thương mại với Mỹ không quá 20 tỷ USD. Theo số liệu trên website Bộ thương mại Mỹ, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã lên tới 49,46 tỷ USD chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, ước khoảng 60 tỷ USD cả năm 2020. Tình trạng thặng dư thương mại giữa Việt Nam - Mỹ đã duy trì nhiều năm nay. Xuất khẩu sang Mỹ từ Việt Nam đặc biệt gia tăng trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung và các đòn trừng phạt thương mại của Mỹ lên Trung Quốc gia tăng.

Tiêu chí thứ hai, cán cân vãng lai không vượt quá 2% GDP. Tính đến tháng 6/2020 tỷ lệ này chưa tới 1% GDP (tạm tính). Tuy nhiên, nếu tính bình quân 12 tháng liên tiếp thì cán cân vãng lai của Việt Nam đã vượt quá 2% GDP do năm 2019 thặng dư cán cân vãng lai lên tới hơn 5% GDP.

Chính quyền Mỹ chính thức đưa Việt Nam vào danh sách 'thao túng tiền tệ' sau nhiều động thái 'theo dõi' và 'cảnh báo' (Ảnh: getty)
Chính quyền Mỹ chính thức đưa Việt Nam vào danh sách 'thao túng tiền tệ' sau nhiều động thái 'theo dõi' và 'cảnh báo' (Ảnh: getty)

Tiêu chí thứ ba, mua ròng ngoại hối vượt quá 2% GDP trong vòng 12 tháng liên tiếp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, mua ròng ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ước tính vào khoảng 9,15 tỷ USD; vượt xa mức 2% GDP theo tiêu chí của Mỹ.

Đây được xem là một trong những nỗ lực mở rộng biện pháp trừng phạt với các đối tác thương mại quốc tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết, tính đến tháng 6 năm 2020, Thụy Sĩ và Việt Nam đã can thiệp rất nhiều vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả.

Hậu quả của việc bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ sẽ không diễn ra ngay nhưng có thể là sở cứ để Mỹ áp trừng phạt thương mại lên một số mặt hàng, ngành hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Rủi ro này đặc biệt lớn với Việt Nam trong năm 2021 khi không ngăn chặn được hàng hoá Trung Quốc xuất lậu sang Mỹ thông qua việc gian lận CO/CQ tại Việt Nam.

Cũng trong năm 2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang áp đặt mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với lốp xe ô tô và xe tải từ Việt Nam. Mức thuế dao động từ 6,23% đến 10,08%; quyết định cuối cùng về thuế quan sẽ có vào khoảng ngày 16/3/2021. Lý do là Việt Nam đã “định giá thấp đồng tiền” của mình, là một trong số các lý do để Hoa Kỳ đưa ra quyết định nhằm đảm bảo ngành công nghiệp Mỹ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng.

Đây là lần đầu tiên Bộ Thương mại Mỹ đưa ra mức thuế chống trợ cấp đối với giá trị của một loại ngoại tệ. Nhập khẩu lốp xe chở khách của Hoa Kỳ từ Việt Nam đạt trị giá khoảng 469,6 triệu USD trong năm 2019.

Việt Nam đã nhiều lần phủ nhận việc sử dụng tiền tệ của mình để “tạo ra lợi thế cạnh tranh” cho các lĩnh vực sản xuất của mình và đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Trump “có đánh giá khách quan hơn về thực tế ở Việt Nam”.

Hoa Kỳ cũng cho biết họ sẽ kiểm tra xem liệu nhập khẩu ván ép gỗ cứng hoàn thành tại Việt Nam có sử dụng các nguyên liệu của Trung Quốc để lách thuế ở Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hay không. Nếu có, Bộ Thương mại Mỹ sẽ chỉ thị cho các quan chức Hải quan Hoa Kỳ bắt đầu thu tiền mặt đối với ván ép từ Việt Nam.

4. Không chỉ Trung Quốc, một DNNN Việt Nam lọt vào danh sách trừng phạt của Mỹ vì vi phạm giao thương với Iran

Doanh số bán hóa dầu của Iran là một nguồn thu quan trọng đối với chế độ Iran, tạo ra của cải cho các nhà lãnh đạo tham nhũng và tài trợ cho một loạt các hoạt động bất chính, bao gồm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và phương tiện giao hàng của chúng, hỗ trợ cho các nhóm khủng bố nước ngoài, và nhiều loại vi phạm nhân quyền, trong và ngoài nước.

Vì vậy, Hoa Kỳ sẽ hành động chống lại những người hỗ trợ các phần tử bất chính tham gia vào phong trào mua bán xăng dầu và hóa dầu của Iran.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/12 đã thông báo áp đặt trừng phạt Công ty cổ phần Vận tải khí và hóa chất Việt Nam (PCT) cùng người đứng đầu là ông Võ Ngọc Phụng, với cáo buộc PCT đã "cố ý tham gia các giao dịch vận chuyển sản phẩm dầu mỏ từ Iran trong hoặc sau ngày 5/11/2018". Phía Mỹ cũng nêu ra cơ sở xác định và áp đặt trừng phạt là sắc lệnh hành pháp số 13846 được Tổng thống Donald Trump ký ngày 6/8/2018.

Việt Nam cũng đã đề nghị Mỹ sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Công ty cổ phần Vận tải khí và hóa chất Việt Nam (PCT) trên tinh thần quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

5. Trung bình mỗi tháng 8,5 nghìn doanh nghiệp Việt biến mất khỏi thị trường - Mức kỷ lục kể từ năm 2011

Năm 2020 có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước, bao gồm: 46,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17,5 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%. Trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm vượt "bão" Covid-19 và những đề xuất từ các doanh nghiệp” vào ngày 12/10 (Ảnh: hcmcpv.org.vn)
Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm vượt "bão" Covid-19 và những đề xuất từ các doanh nghiệp” vào ngày 12/10 (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

Trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết (không gồm nhóm doanh nghiệp tài chính, ngân hàng) được xem là nhóm doanh nghiệp khỏe mạnh nhất, cũng có kết quả kinh doanh tồi nhất (so cùng kỳ) kể từ thị trường chứng khoán hoạt động. Kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp cho thấy doanh thu bình quân giảm -7% so cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế bình quân giảm tới -20% so cùng kỳ 2019.

Để giúp các doanh nghiệp, Chính phủ đã đưa ra các gói cứu trợ, bao gồm gói tín dụng 250 nghìn tỷ đồng, gói phúc lợi xã hội 62 nghìn tỷ đồng và gói 16 nghìn tỷ đồng để giúp họ trả lương cho người lao động.

Tuy nhiên, các gói cứu trợ này vẫn chưa thể tiếp cận được với nhiều doanh nghiệp nhỏ do thủ tục hành chính còn rất nhiều rắc rối.

6. TTCK Việt Nam tăng cao nhất ASEAN đi ngược lại với thực trạng khó khăn của khu vực doanh nghiệp

Chỉ số VNINDEX tăng 13% so cùng kỳ 2019, mức tăng cao nhất trong khối ASEAN. Nhưng nếu tính riêng HNX, chỉ số chứng khoán trên sàn này có mức tăng nóng nhất thế giới, tới hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019. Không chỉ tăng về giá, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng có một năm phát triển mạnh về quy mô và thanh khoản.

Theo TCTK, tính đến ngày 17/12/2020, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của TTCK đạt 383,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 10.247 tỷ đồng/phiên, tăng 11,3%; khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trên TTCK phái sinh đạt 157.314 hợp đồng/phiên, tăng 77%.

Không chỉ trên TTCK niêm yết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng bùng nổ với rất nhiều rủi ro. Theo SSI, chỉ trong 9 tháng đầu năm, số lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đã lên tới 341 nghìn tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ 2019 - chiếm tới 5,3% GDP của cả năm 2020. Đáng lưu ý là một phần lớn TPDN phát hành bởi công ty kinh doanh bất động sản, công ty mới thành lập, không có tài sản đảm bảo. Trong khi thị trường thiếu vắng thông tin xếp hạng tín nhiệm, rủi ro của của TPDN chuyển sang nhà đầu tư.

Bên cạnh lý do về tăng trưởng dương và xuất khẩu duy trì ở mức khá, dòng tiền giá rẻ, dư thừa từ thế giới và trong nước không hấp thụ được hết vào các dự án lớn hoặc vào sản xuất do các rào cản về tổng cầu thấp, tiêu dùng suy giảm trong nước và quốc tế và thậm chí là do yếu tố nhiệm kỳ chính trị - được cho là nguyên nhân thúc đẩy TTCK tăng nóng cùng nhịp với TTCK của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, việc TTCK không còn là hàn thử biểu của thị trường và quá lạc quan với tương lai là một cảnh báo rủi ro khá lớn trong năm 2021.

7. Ngân hàng nhà nước 3 lần liên tiếp hạ lãi suất điều hành nhưng không tác động đáng kể tới lãi suất cho vay bình quân

Sau gần một thập kỷ không sử dụng đến công cụ chính sách điều hành, năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần liên tiếp cắt giảm các mức lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất huy động VND ngắn hạn và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của NHNN đối với các lĩnh vực ưu tiên, trần lãi suất huy động VND các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã giảm 1%/năm xuống còn 4%/năm; trong khi trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND giảm 1,5%/năm xuống 4,5%/năm.

Việc cắt giảm lãi suất điều hành trong bối cảnh lạm phát kỳ vọng thấp, cầu tín dụng yếu được kỳ vọng sẽ làm giảm lãi suất cho vay bình quân, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay rẻ hơn. Tuy nhiên, công cụ chính sách này đã không phát huy tác dụng như kỳ vọng. Lãi suất cho vay bình quân giảm không đáng kể (khoảng 40 điểm phần trăm), trong khi lãi suất huy động giảm sâu. So với các nền kinh tế trong khu vực, lãi suất cho vay của Việt Nam cao nhất.

Nguyên nhân khiến khu vực ngân hàng không thể giảm lãi suất cho vay bình quân xuống được cho là do hoạt động kém hiệu quả của nhóm ngân hàng nhỏ, những ngân hàng này có tỷ lệ nợ xấu cao, năng lực quản trị yếu nhưng lại không phải chịu sự giám sát hay cơ chế tiếp cận vốn, khách hàng khác biệt với các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn. Mặt khác, nợ xấu chưa xử lý tốt trong nhiều năm qua cũng như nợ xấu tích tụ thêm, các khoản hạch toán thiếu minh bạch cũng là nguyên nhân khiến chi phí vốn của NHTM không thể giảm, từ đó không thể giảm lãi suất cho vay bình quân.

8. Ô tô thương hiệu VinFast giảm giá 600 triệu/chiếc

Cả hai mẫu xe VinFast Lux SA2.0 và A2.0 đều đang có mức giá rẻ nhất chưa từng có trong lịch sử khiến không ít khách hàng ngạc nhiên. Mẫu xe VinFast Lux SA2.0 giảm từ 1.649 tỷ đồng xuống còn 1.065 tỷ đồng và Lux A2.0 từ 1.179 tỷ đồng nay xuống còn gần 795 triệu đồng trong tháng 9/2020. Ưu đãi này được áp dụng dành cho phiên bản Lux thuộc đời 2019.

Như vậy, VinFast Lux SA2.0 và A2.0 được giảm giá lần lượt là 584 triệu đồng và 384 triệu đồng. Thực tế, mức giảm giá "khủng" trên là không "tính tổng" của hàng loạt ưu đãi khác khi khách hàng mua xe. Công ty này nói đây là một trong những chính sách kích cầu của mình.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2020, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của VinFast tăng ở mức 2,81% - tương đương khoản nợ 79.000 tỷ đồng (3,43 tỷ USD) - tăng 15.000 tỷ đồng (651 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 7.500 tỷ đồng (325 triệu USD) so với nửa cuối năm ngoái.

Đây là dấu hiệu cực xấu của doanh nghiệp này. Động thái này có thể làm tiêu tan hoàn toàn ước mơ sở hữu một thương hiệu ô tô nội địa.

9. Nợ công và nợ xấu ngân hàng tăng mạnh

Nợ công của Việt Nam tăng mạnh qua từng năm. Nợ công năm 2020 dự kiến sẽ vượt 3,63 triệu tỉ đồng và nghĩa vụ Chính phủ phải trả nợ cả gốc lẫn lãi khoảng trên 360.000 tỉ đồng. Như vậy, với dân số khoảng 97,5 triệu người năm 2020, trung bình mỗi người dân gánh khoảng 37 triệu đồng nợ công. Theo Chính phủ, nợ công năm nay ước ở mức 56,8% GDP, dưới trần 65% Quốc hội cho phép.

Dù nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép nhưng số tiền vay trả nợ gốc, đáo hạn, bù bội chi lại đang tăng nhanh. Nếu như năm 2017, nợ phải trả 144.000 tỉ đồng thì đến năm nay con số phải trả nợ cả gốc lẫn lãi lên hơn gấp đôi, khoảng trên 318.000 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2020, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài/xuất khẩu là 34,6% - vượt gần 10% so với mức trần 25% mà Quốc hội cho phép.

Mặt khác, thống kê từ Báo cáo Tài chính Hợp nhất quý III/2020 của 27 ngân hàng cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng của những ngân hàng này tại ngày 30/9/2020 là hơn 111.000 tỷ đồng - tăng 29,5% so với đầu năm.

Nợ xấu nội bảng tăng mạnh trong khi dư nợ cho vay khách hàng tăng chậm hơn khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của 27 ngân hàng tăng đáng kể từ 1,45% lên 1,78%.

10. Bão lũ cuốn phăng 39,100 tỷ đồng tài sản năm 2020

Trong năm 2020, thiên tai xảy ra liên tiếp, diễn biến phức tạp với 14 cơn bão; 265 trận dông, lốc, mưa lớn; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất và hạn hán, xâm nhập mặn làm 379 người chết và mất tích, 1.060 người bị thương; 4,3 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 594,9 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; gần 269 nghìn ha lúa và 134,9 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 38,6 nghìn con gia súc và 4,1 triệu con gia cầm bị chết.

Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính gần 39,1 nghìn tỷ đồng, trong đó thiệt hại do bão, lũ là 32,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 82,8% tổng giá trị thiệt hại).

Thuỷ Tiên - Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

10 sự kiện kinh tế trong nước nổi bật năm 2020