Anh ráo riết ban hành luật để hạn chế việc doanh nghiệp bị thâu tóm bởi Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trợ lý hàng đầu của Thủ tướng Anh Boris Johnson đang ráo riết dự thảo luật đảm bảo hạn chế tối đa làn sóng thâu tóm từ Trung Quốc có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia Anh. Các nghị sĩ cao cấp dự kiến sẽ ủng hộ kế hoạch này sau những chỉ trích mạnh mẽ đối với Trung Quốc.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang chuẩn bị các luật mới cứng rắn nhằm ngăn chặn các thương vụ doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các công ty Anh, đe dọa an ninh quốc gia của nước này. Nhiệm vụ này được đặt ra trước thực trạng làn sóng thâu tóm doanh nghiệp của Anh và EU bởi các doanh nghiệp Trung Quốc, và Anh bắt đầu lắng nghe các cảnh báo của Mỹ về nguy cơ mất an ninh quốc gia khi để Trung Quốc tham gia quá sâu vào thương trường của Anh. Thêm vào đó, sự tức giận của Anh gia tăng khi Hong Kong bị “đại lục hóa” bởi luật an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Ông Johnson đang xem xét việc bắt buộc các công ty Anh phải công bố các vụ thâu tóm tiềm năng có thể gây rủi ro an ninh cho quốc gia.

Động thái này sẽ được coi là một phát súng trực tiếp vào Bắc Kinh trong bối cảnh các nghị sĩ phe bảo thủ ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của Vương quốc Anh.

Việc này diễn ra chỉ vài ngày sau khi có thông tin rằng chính phủ Anh đang lên kế hoạch tăng cường mối quan hệ với các đối tác tình báo 5 nước đồng minh của Mỹ, nhằm hạn chế hoạt động thâu tóm sở hữu ráo riết của Trung Quốc đối với lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ của Anh.

Theo luật trước đây do cựu thủ tướng Theresa May đưa ra, việc các công ty công bố hoạt động thâu tóm như vậy là không bắt buộc. Nhưng theo luật mới, các công ty có thể sẽ bị phạt nếu không báo cáo với chính phủ.

Các luật mới, được sự ủng hộ hoàn toàn của trợ lý của Thủ tướng Dominic Cummings và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, có thể được ban hành trong bối cảnh lo ngại các doanh nghiệp Anh có thể bị tổn thương trong cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch coronavirus gây ra.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Tom Tugendhat nói với The Times: “Rõ ràng một cuộc suy thoái sẽ có tác động lớn và càng ngày càng khiến các công ty quan trọng của chúng ta chịu mối đe dọa lớn hơn từ các doanh nghiệp nhà nước. Vương quốc Anh có một hệ thống biện pháp bảo vệ thuộc loại yếu nhất trước sự thâu tóm từ bất kỳ quốc gia nào. Có một mối nguy hiểm là nếu chúng ta không điều chỉnh kịp thời thì các công ty của chúng ta sẽ không được bảo vệ khi các nước khác đều có mặc áo giáp”.

Theo tờ báo, các doanh nghiệp sẽ phải công bố khi một công ty nước ngoài cố gắng mua hơn 25% cổ phần, mua tài sản, sở hữu trí tuệ hoặc bằng cách nào có được “ảnh hưởng đáng kể”.

Quan hệ đối tác đào tạo và các dự án nghiên cứu cũng có thể được bảo vệ bởi pháp luật.

Động thái này được đưa ra sau nhiều tháng Anh bị chỉ trích về sự tham gia của Huawei vào việc triển khai mạng 5G của Anh.

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng đã mua cổ phần của một công ty chịu trách nhiệm thương mại hóa các nghiên cứu khoa học công nghệ tại Đại học Oxford.

Nó cũng có một hợp đồng trị giá 5 triệu bảng Anh với Imperial College London. Huawei sẽ cung cấp 5G cho cơ sở đào tạo tại khu vực Tây London, đồng thời tài trợ cho nghiên cứu và cơ sở vật chất của trường trong năm năm tới.

Cuối tuần qua, có thông tin rằng các thành viên cấp cao của Nội các, bao gồm cả ông Sunak, đã cảnh báo không nên đưa ra “một bức tường kinh tế” với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhưng ông Johnson quyết tâm “thiết lập lại và cải tổ” các mối quan hệ, bằng cách hợp tác chặt chẽ với Úc, New Zealand, Mỹ và Canada - các đối tác tình báo “Five Eyes”.

Trước cách xử lý thiếu minh bạch của Bắc Kinh đối với đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19), các nguồn tin trong nội bộ Chính phủ Anh trước đây đã cảnh báo về một sự “tỉnh ngộ” của Anh với chính phủ Trung Quốc.

Hôm Chủ nhật, tờ The Mail đã có thông tin rằng các kế hoạch được thảo luận tại một cuộc họp của Hội đồng An Ninh Quốc gia bao gồm việc khẩn trương tìm kiếm một giải pháp đối với việc thiếu chuyên môn và công nghệ 5G siêu tốc của phương Tây.

Các bộ trưởng cũng đang được kêu gọi để hạn chế sự tham gia của Trung Quốc vào các nhà máy điện hạt nhân của Anh khi mối quan hệ với Bắc Kinh đã xấu đi.

Cũng như cơ sở điện hạt nhân Hinkley Point C được xây dựng ở vùng Somerset, Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) thuộc sở hữu nhà nước cũng đang xếp hàng làm đối tác trong các kế hoạch tương tự nhắm vào khu vực Sizewell ở vùng Suffolk và Bradwell ở Essex.

Các dự án là một phần của thỏa thuận được thực hiện bởi cựu thủ tướng David Cameron và thủ tướng Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2015, khi mà các quốc gia đang ca ngợi một “kỷ nguyên vàng” của quan hệ.

Nhưng các nghị sĩ bảo thủ cấp cao muốn ông Johnson xem xét lại cách tiếp cận của Vương quốc Anh trước mối lo ngại gia tăng về tham vọng và tiềm năng nắm bắt cơ sở hạ tầng quan trọng của Bắc Kinh.

Thủ tướng đã hạn chế sự tham gia của Huawei vào việc xây dựng mạng di động 5G của Anh, tuy nhiên nhiều nghị sĩ bảo thủ muốn công nghệ của công ty này bị cấm hẳn.

Đại sứ Trung Quốc tại Anh đã bắn một phát súng cảnh cáo vào chính phủ nước này.

Liu Xiaoming đã nói riêng rằng các bộ trưởng Trung Quốc có thể sẽ cắt giảm sự ủng hộ của họ đối với các nhà máy hạt nhân và HS2 nếu Huawei phải “ngồi ngoài” trong kế hoạch 5G.

HSBC cũng đã yêu cầu chính phủ Anh xem xét lại chính sách của mình đối với Huawei.

Chủ tịch Mark Tucker nói với ông Johnson rằng ông sợ những cuộc trả thù mới đối với HSBC ở Trung Quốc nếu Huawei bị chặn, The Sunday Telegraph đưa tin.

Anh đang soi xét kỹ lưỡng hơn đối với Trung Quốc khi mối quan hệ hai nước đã nguội lạnh, bên cạnh đó chính quyền Bắc Kinh bị chỉ trích về việc xử lý đại dịch thiếu minh bạch, và trước đó là sự đàn áp tại Hong Kong.

Bob Seely, một thành viên của ủy ban đối ngoại Hạ viện, nói: “Thế giới đã thay đổi. Chúng ta cần phải chú ý hơn về các lỗ hổng của mình. Tôi sẽ cảnh giác khi cho Trung Quốc vào. Đó là trường hợp của Huawei và năng lượng hạt nhân. Thà an toàn còn hơn phải nói lời xin lỗi”.

Công ty EDF của Pháp đã đệ trình kế hoạch vào tuần trước cho Sizewell, công ty sẽ phát triển cùng với CGN (Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc) - nhà máy nguyên tử thứ hai trong số ba nhà máy được ông Cameron và Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý.

Nhà máy điện nguyên tử Hinkley, trước đây đã được chính phủ của bà May xem xét lại nhưng cuối cùng thì vẫn được phép triển khai.

Giống như nhà máy đó, Sizewell C sẽ sử dụng các thiết kế của Pháp. CGN sẽ giúp tài trợ tài chính cho nó, kèm cùng một quyền mua 20% cổ phần.

Nhưng công ty CGN thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc sẽ là đối tác cao cấp tại nhà máy điện nguyên tử Bradwell, họ sở hữu hai phần ba cổ phần và sử dụng các thiết kế của riêng mình. Cựu lãnh đạo Bảo thủ Anh, Sir Iain Duncan Smith, đã cảnh báo các nhà máy này sẽ trở thành “Huawei tiếp theo”.

Lê Minh

Theo Daily Mail



BÀI CHỌN LỌC

Anh ráo riết ban hành luật để hạn chế việc doanh nghiệp bị thâu tóm bởi Trung Quốc