Ảo mộng Gatsby của Chủ tịch Fed

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công việc tại Fed của Chủ tịch Powell giống như những bữa tiệc hoành tráng của Jay Gatsby trong tiểu thuyết The Great Gatsby, thứ cuối cùng chỉ mang đến sự thất vọng và chán chường. Vai diễn đáng thương của ông Powell là vai phản anh hùng trên sân khấu Washington.

Nếu bạn đang tìm kiếm một lập luận sôi nổi ủng hộ việc duy trì và kéo dài sự độc lập của một Ngân hàng Trung ương khỏi các áp lực chính trị và ý thích bất chợt của đám đông, thì bạn sẽ không tìm thấy lời hùng biện nào tốt hơn tuyên bố của chính Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell.

“Kinh nghiệm lâu năm, ở Mỹ và ở các nền kinh tế tiên tiến khác, đã chứng minh rằng chính sách tiền tệ là thành công nhất khi các quyết định được đưa ra độc lập với ảnh hưởng của các quan chức được bầu”, ông Powell phát biểu vào năm 2015 tại Đại học Công giáo ở Washington. Đó là một bài phát biểu về sự ngu ngốc của các đề xuất đang thẩm thấu vào Quốc hội nhằm chấm dứt sự tách biệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khỏi chính trị. Khi đó, ông Powell là thành viên của Hội đồng Thống đốc Fed, và phải ba năm sau ông Powell mới trở thành chủ tịch Fed.

Ông nói thêm: “Như lịch sử gần đây của Mỹ đã chỉ ra, các quan chức dân cử thường thúc đẩy các chính sách dễ dàng hơn nhằm phục vụ các lợi ích chính trị ngắn hạn, với cái giá phải trả là lạm phát cao hơn và thiệt hại đối với sức khỏe và sự ổn định lâu dài của nền kinh tế”.

Áp lực cho người hùng

Nhưng ông Powell có thực hành những gì ông ấy rao giảng không? Một cuộc thăm dò của Gallup được công bố vào ngày 09/05 cho thấy ông ấy đang hứng chịu sức ép mà bạn có thể mong đợi đối với một người chống lại “các chính sách dễ dàng hơn”. Tỷ lệ phần trăm công chúng có “rất hoặc khá tin tưởng” vào ông Powell đã giảm 7 điểm so với một năm trước. “Mức tín nhiệm 36% dành cho ông Powell là mức thấp nhất mà Gallup ghi nhận đối với ông ấy trong suốt 6 năm ông ấy làm chủ tịch Fed. Đây cũng là kết quả thấp nhất mà Gallup có được đối với bất kỳ Chủ tịch Fed nào trước đây”, Gallup cho biết.

Trước khi quá chú tâm vào những phát hiện này, chúng ta hãy để ý tới một thực tế đáng buồn rằng những người dân Mỹ bình thường không thực sự biết Cục Dự trữ Liên bang là gì hoặc làm gì. Một phần không nhỏ là nhờ vào sự biến mất của môn giáo dục công dân khỏi các lớp học ở Mỹ và sự thiếu vắng hướng dẫn cơ bản về kinh tế, hoặc về các chức năng hoặc chính sách kinh tế của chính phủ liên bang. Một năm trước, một cuộc thăm dò của Axios/Ipsos cho thấy chỉ 34% người Mỹ trưởng thành biết rằng Fed có nhiệm vụ ổn định giá cả. Một phần năm thừa nhận họ không biết gì về các trách nhiệm của Cục Dự trữ Liên bang; 33% khác nói rằng họ không biết nhiều lắm; và 38 phần trăm nói rằng họ chỉ biết một chút; chỉ có 7% người trưởng thành tuyên bố rằng họ biết nhiều về các chức năng của Fed. Gần một nửa - 47% - có ấn tượng sai lầm rằng Quốc hội phải thông qua bất kỳ biện pháp nào mà Cục Dự trữ Liên bang thực hiện.

Trong cuộc khảo sát của Gallup, thứ cho thấy sự thiếu tin tưởng đối với ông Powell, ông đã được đánh giá cùng với Tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng Tài chính (và là người tiền nhiệm của ông Powell) Janet Yellen, và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Quốc hội. Thật thú vị, các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội đạt điểm cao hơn một chút so với tất cả các quan chức khác trong khảo sát của Gallup.

Ảo mộng Gatsby của Chủ tịch Fed
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về trần nợ tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 09/05/2023 tại Washington, DC, Mỹ. Tổng thống Biden đã phát biểu sau cuộc họp với các nhà lập pháp của Quốc hội khi họ tiếp tục đàm phán về việc nâng trần nợ để tránh tình trạng vỡ nợ của chính phủ. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Tuy nhiên, với lạm phát vẫn ở mức khoảng gấp đôi so với mức tỷ lệ thấp trước COVID và nền kinh tế đang trong hoặc gần suy thoái, sự đổ lỗi từ công chúng đã lan rộng, khiến mọi người ở Washington đều phải chịu trách nhiệm về nền kinh tế. Không đời nào ông Powell có thể thoát khỏi cơn thịnh nộ đó.

Đối mặt với tình trạng lạm phát tồi tệ nhất kể từ những ngày xếp hàng tại các trạm xăng vào những năm 1970, ông Powell đã làm gì? Tuần trước, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã tiến hành một lần tăng khiêm tốn đối với lãi suất của Quỹ Liên bang áp dụng cho khoản vay liên ngân hàng, tăng chúng thêm 25 điểm cơ bản lên đến phạm vi 5 - 5,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 của Fed trong khoảng thời gian hơn một năm, và có thể là lần cuối cùng.

Đầu tháng này, các đảng viên đảng Dân chủ cực tả được dẫn dắt bởi Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân chủ - Massachusetts) và Chủ tịch Hội Cấp tiến của Quốc hội, Dân biểu Pramila Jayapal (Dân chủ - Washington), đã viết thư cho ông Powell tuyên bố rằng, các chính sách của ông có thể “khiến hàng triệu người Mỹ phải mất việc”, cáo buộc ông "phản ứng thái quá" và kêu gọi ông Powell "tôn trọng nhiệm vụ kép của Fed trong việc thúc đẩy việc làm cũng như chống lạm phát, tạm dừng tăng lãi suất và tránh tạo ra một cuộc suy thoái phá hủy việc làm và tàn phá các doanh nghiệp nhỏ". Fed của ông Powell cũng bị giới cánh hữu chỉ trích.

Đó chính xác là loại áp lực chính trị mà ông Powell thề rằng ông không được nhượng bộ. Trên thực tế, Fed dưới sự lãnh đạo của ông Powell đã không đạt được mức độ thắt chặt tiền tệ cần thiết để chế ngự lạm phát Biden. Đây cũng là suy nghĩ của ông Mickey Levy, Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Mỹ và châu Á tại Berenberg Capital Markets, và ông Michael Bordo, Giám đốc Trung tâm Lịch sử Tài chính và Tiền tệ tại Đại học Rutgers. Họ đã khẳng định điều đó trong một tài liệu trình bày trước Ủy ban Thị trường Mở Bóng tối [một tổ chức độc lập được thành lập để đánh giá FOMC của Fed) vào tháng trước: “Mặc dù Fed đã tăng lãi suất đáng kể, Lãi suất Quỹ Liên bang thực vẫn âm, điều mà theo tiêu chuẩn lịch sử cho thấy Fed vẫn đang kích thích [nền kinh tế]". Nói cách khác, cho dù Fed có vẻ đã rất cứng rắn trong khoảng 1 năm qua, nhưng nó vẫn chưa đủ cứng rắn.

Phản anh hùng trên sân khấu Washington

Ông Powell đã đúng vào năm 2015: sự độc lập của Ngân hàng Trung ương là vô cùng quan trọng. Bằng chứng về điều này là sau nhiều thập kỷ nằm dưới sự định hướng chính trị, Ngân hàng Trung ương Anh vào năm 1997 đã được trao quyền độc lập khỏi Kho bạc Anh trong việc hoạch định chính sách, nhờ công của một chính phủ Lao động. Ngân hàng Trung ương của Anh vừa rồi đã thực hiện đợt tăng lãi suất thứ 12 liên tiếp để chống lạm phát. Đây là điều không thể xảy ra trước khi cơ quan này trở nên độc lập. Như cựu Phó Chủ tịch Fed Stanley Fischer đã chỉ ra, “các nhà nghiên cứu sau đó đã liên hệ sự độc lập này với sự suy giảm cả phí rủi ro lạm phát dài hạn và kỳ vọng lạm phát” ở Anh.

Ông Fischer, người được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào vị trí số hai trong Fed, cũng cảnh báo rằng “các tầm nhìn chính trị thường ngắn hơn những tầm nhìn cần được tính đến khi đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ”.

Ông Powell, 8 năm trước, đã tuyên bố, “Quốc hội đã khôn ngoan trao cho Fed các công cụ cần thiết để thực hiện chính sách tiền tệ và ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai, cũng như sự độc lập quan trọng để thực hiện công việc của mình mà không chịu tác động bởi ảnh hưởng chính trị ngắn hạn”.

Thật không may, ông Powell đã không sử dụng những công cụ đó như một người hùng. Công việc tại Fed của ông Powell giống như những bữa tiệc hoành tráng của Jay Gatsby trong tiểu thuyết The Great Gatsby, thứ cuối cùng chỉ mang đến sự thất vọng và chán chường [Jay Gatsby là nhân vật có những tham vọng và ước muốn lớn lao và đẹp đẽ, nhưng cuối cùng đã có một kết cục đau lòng. Anh thường tổ chức những bữa tiệc khổng lồ để thu hút sự chú ý của bạn gái cũ]. Vai diễn đáng thương của ông Powell là vai phản anh hùng (một nhân vật quan trọng nhưng lại thiếu phẩm chất anh hùng) trên sân khấu Washington.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Thomas McArdle từng là người viết bài phát biểu tại Tòa Bạch Ốc cho Tổng thống George W. Bush. Ông hiện đang viết bài cho IssuesInsights.com.



BÀI CHỌN LỌC

Ảo mộng Gatsby của Chủ tịch Fed