Apple tự làm hoen ố hình ảnh khi chiều lòng Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đáp lại những ưu ái từ phía Bắc Kinh, Apple vẫn luôn chiều lòng chính quyền Trung Quốc và tự làm hoen ố hình ảnh của chính mình, điều được thể hiện rõ qua việc hạn chế tính năng AirDrop trong các vụ biểu tình mới đây tại Trung Quốc. Apple nên đẩy mạnh việc di dời các nhà máy khỏi Trung Quốc, tránh tiếp tay cho chế độ độc tài xấu xa này.

Trung Quốc được cho là đã đối xử tốt với Apple. Một lực lượng lao động ngoan ngoãn. Tiền công rẻ mạt. Một thị trường đại chúng lớn và cơ cấu quản lý thống nhất. Tất cả đã thúc đẩy lợi nhuận của Apple bùng nổ.

Khoảng 16% lô hàng điện thoại thông minh ở Trung Quốc, thị trường công nghệ lớn nhất thế giới, là iPhone.

Vì vậy, khi Bắc Kinh nói nhảy, Apple sẽ nhảy. Công ty này hiện đang hạn chế chức năng AirDrop ở Trung Quốc, thứ được các nhà hoạt động Trung Quốc sử dụng để phân phối tài liệu ủng hộ dân chủ. Theo Bloomberg, những hạn chế này sẽ được mở rộng áp dụng cho tất cả iPhone trên toàn cầu vào năm 2023.

Apple đang đàn áp nhiều hơn quyền tự do ngôn luận và hệ quả tất yếu của nó là quyền tự do lắng nghe ở Trung Quốc.

Hãy rời nhà máy khỏi Trung Quốc!

Việc phong tỏa do COVID-19, bạo loạn của người lao động và các vấn đề về nguồn cung ở Trung Quốc đang khiến Apple cuối cùng cũng phải lo lắng. Trụ sở chính của Apple ở Cupertino, California, đã bắt đầu gây áp lực buộc các nhà cung cấp của mình chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone sang Ấn Độ và Việt Nam.

Nhiều công nhân Trung Quốc sản xuất các sản phẩm của Apple được tuyển dụng bởi các nhà cung cấp của Apple, những bên đóng vai trò như trung gian. Trên cơ sở đó, công nhân của họ ở Trung Quốc có thể bị đối xử tệ hơn so với các nhân viên mà Apple thuê trực tiếp. Mặc dù các công nhân này sản xuất iPhone hàng ngày, nhưng Apple có thể khẳng định họ không thực sự là nhân viên của Apple.

Tuy nhiên, họ đang bắt đầu nổi loạn do mức lương thấp, tiền thưởng không được trả và phải đối mặt với phong tỏa do COVID trong các nhà máy của họ. Vụ nổi loạn của các công nhân đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Tình hình gần giống như lao động cưỡng bức, làm hoen ố hình ảnh của Apple.

Mức lương khoảng 5 USD một giờ là không đủ đối với nhiều lao động trẻ. Sự thất bại của ban quản lý trong việc cung cấp các khoản tiền thưởng ký hợp đồng đã hứa đã gây ra bạo loạn vào tháng trước tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu, Trung Quốc. Cảnh sát đã dùng vũ lực khuất phục một số người.

Nhà cung cấp lớn nhất của Apple, Foxconn, chiếm 3,9% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào năm 2021. Hàng xuất khẩu của Foxconn đã cung cấp ngoại tệ mạnh cho Bắc Kinh để thúc đẩy việc mở rộng quân sự toàn cầu và các chiến dịch tạo ảnh hưởng xấu xa. Trung Quốc là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới và chế độ này tham gia vào các chính sách diệt chủng đối với các nhóm thiểu số dân tộc và tôn giáo, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và Pháp Luân Công.

Di chuyển các nhà máy của Apple ra khỏi Trung Quốc là một sự cải thiện đối với Apple, khách hàng của họ và thế giới. Nó chuyển doanh thu từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, giúp kiềm chế quyền lực đang gia tăng của Bắc Kinh.

Ví dụ, kế hoạch sản xuất iPhone ở Ấn Độ sẽ củng cố nền dân chủ châu Á đang phát triển thịnh vượng và các hệ thống liên minh châu Á, thứ đóng vai trò quan trọng trong việc kiềm chế Trung Quốc.

Apple tự làm hoen ố hình ảnh khi chiều lòng Bắc Kinh
Tình trạng bất ổn mới bùng phát tại nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc, vào ngày 23/11/2022. (The Epoch Times chụp màn hình tài khoản Twitter của Stephen McDonell)

Việc Apple chuyển đến Việt Nam cũng có thể giúp kiềm chế Bắc Kinh. Việt Nam đã tự bảo vệ mình chống lại Trung Quốc, với nhiều kết quả khác nhau, từ thế kỷ 15. Các cuộc xung đột tương đối gần đây giữa hai nước bao gồm việc Bắc Kinh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và cuộc xâm lược miền bắc Việt Nam năm 1979.

Apple được cho là có kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất tại Trung Quốc khỏi Foxconn, nhà cung cấp có trụ sở tại Đài Loan, sang các công ty Trung Quốc đại lục như Công ty Công nghệ Wingtech và Công ty Công nghiệp Chính xác Luxshare. Động thái đó, ngay cả khi nó liên quan đến hoạt động sản xuất mới bên ngoài Trung Quốc, có thể đặt nhiều quyền lực hơn vào tay Bắc Kinh.

Chiều lòng Bắc Kinh

Vào tháng 11, Apple đã hạn chế việc sử dụng tính năng AirDrop trên điện thoại được bán ở Trung Quốc, khiến người dùng khó giao tiếp với nhau hơn thông qua mạng ngang hàng Bluetooth WiFi (khác với mạng internet do ĐCSTQ kiểm soát).

Điều này cản trở những người biểu tình, những người đã đẩy mạnh sử dụng AirDrops kể từ tháng 10, phân phát kín đáo các áp phích, hình ảnh và khẩu hiệu điện tử chống lại chế độ và ủng hộ dân chủ.

Apple tự làm hoen ố hình ảnh khi chiều lòng Bắc Kinh
Cảnh sát và người dân xô xát trong cuộc biểu tình phản đối chính sách 'zero-COVID' của chính quyền Trung Quốc tại Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 27/11/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

“Người đàn ông trên cầu”, người đã giương cao các biểu ngữ chống ông Tập Cận Bình trên các cây cầu ở Bắc Kinh trước khi ông bị bắt vào tháng 10, đã truyền cảm hứng việc sử dụng AirDrop vì dân chủ này.

Trong các cuộc biểu tình ở Hong Kong năm 2019, các nhà hoạt động cũng đã sử dụng chức năng AirDrop để liên lạc mà không cần thông qua mạng internet do cảnh sát Hong Kong giám sát.

Apple vốn có lịch sử chiều lòng Bắc Kinh. Vào năm 2019, Apple đã ẩn biểu tượng cảm xúc cờ Đài Loan khỏi người dùng ở Ma Cao và Hong Kong, đồng thời xóa các mạng riêng ảo (VPN), hữu ích trong việc trốn tránh sự kiểm duyệt của chế độ, khỏi kho ứng dụng Trung Quốc của hãng.

Người tiêu dùng Trung Quốc không thể sử dụng cả Apple TV+, các podcast trả phí, iTunes Store, Apple Arcade và Apple Books.

Chức năng AirDrop được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2013. Mặc dù trong một số trường hợp hiếm hoi, người dùng gửi thư rác cho nhau thông qua các tin nhắn không mong muốn hoặc mang tính lạm dụng, quyền tự do quyết định khi nào chấp nhận tin nhắn của người dùng không nên bị hạn chế bởi việc ra quyết định của Apple ở California, vốn bị ảnh hưởng bởi chế độ độc tài ở Bắc Kinh.

Có nhiều lựa chọn tốt hơn để cải thiện vấn đề bảo mật của iPhone hơn là cấm chức năng của nó, thứ vốn được sử dụng phục vụ quyền tự do ngôn luận.

Mỹ và các quốc gia yêu chuộng tự do khác nên yêu cầu tất cả điện thoại thông minh phải cung cấp cho người dùng toàn quyền kiểm soát chức năng AirDrop của chính họ. Chúng ta, những người dùng, nên quyết định tin nhắn nào chúng ta có thể chấp nhận từ những người dùng khác. Đó là quyền tự do của người tiêu dùng trong việc lựa chọn lắng nghe người khác, và quyền tự do lắng nghe đó là hệ quả tất yếu của quyền tự do ngôn luận.

Chỉ cần 2 người để nói chuyện và AirDrop, và Cupertino không nên can thiệp.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Anders Corr - The Epoch Times

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Apple tự làm hoen ố hình ảnh khi chiều lòng Bắc Kinh