Bắc Kinh ăn miếng trả miếng lệnh trừng phạt, EU ‘dọa’ bác bỏ thỏa thuận đầu tư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Căng thẳng tồi tệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Trung Quốc vi phạm nhân quyền có thể gây nguy hiểm cho một thỏa thuận đầu tư mà hai bên đã đàm phán gần đây.

Ngày 22 tháng 3 vừa qua, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bốn quan chức Trung Quốc và một thực thể vì vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương, tây bắc Trung Quốc. Động thái này là một phần trong hành động phối hợp chống lại Bắc Kinh của Mỹ và các đồng minh bao gồm Anh và Canada.

Trung Quốc đã nhanh chóng ăn miếng trả miếng, công bố một danh sách đen gồm 10 cá nhân - bao gồm cả các nhà lập pháp châu Âu - và 4 thực thể.

Phản ứng của Bắc Kinh lần lượt dẫn đến cảnh báo từ một số thành viên của Nghị viện châu Âu (MEP - Member of European Parliament), nói rằng họ sẽ không phê chuẩn thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc đã được thống nhất vào tháng 12 năm ngoái.

Bà Kathleen van Brempt, một MEP thuộc nhóm Đảng Xã hội và Dân chủ cánh tả cho biết: “Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với MEP là điều kiện tiên quyết để chúng tôi đàm phán với chính phủ Trung Quốc về thỏa thuận đầu tư .

S&D là nhóm chính trị lớn thứ hai trong Nghị viện Châu Âu, với 145 MEP.

Ông Reinhard Bütikofer, một MEP của Đức, cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng việc phê chuẩn thỏa thuận giữa EU và Trung Quốc “sẽ không trở nên khả thi hơn” sau khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt để “trừng phạt” quyền tự do ngôn luận.

Ông Bütikofer là một nhà lập pháp từ nhóm Greens, Liên minh Tự do Châu Âu và là chủ tịch phái đoàn Trung Quốc của Nghị viện Châu Âu.

Trong khi đó, MEP Miriam Lexmann người Slovakia từ nhóm Trung hữu của Đảng Nhân dân châu Âu nói trong một tweet rằng hành động của Trung Quốc “sẽ làm rõ rằng họ không quan tâm đến việc trở thành một đối tác mà muốn trở thành một đối thủ có hệ thống làm suy yếu các giá trị và nguyên tắc cơ bản”.

S&D cho biết Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc vào đầu năm 2022. Các cuộc đàm phán kéo dài 7 năm và thỏa thuận, nếu được thông qua, sẽ cho phép các nhà đầu tư châu Âu “tiếp cận chưa từng có” vào thị trường Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết vào tháng 12 năm 2020.

Nhưng ngay cả trước các lệnh trừng phạt trả đũa hôm thứ Hai (22 tháng 3) một số nhà lập pháp châu Âu đã nêu ra ba lo ngại lớn về thỏa thuận, gây nghi ngờ về khả năng nó được thông qua.

Bắc Kinh triệu tập đại sứ EU

Bắc Kinh cho biết trong một tuyên bố rằng Thứ trưởng Ngoại giao Qin Gang đã triệu tập ông Nicolas Chapuis, đại sứ EU tại Trung Quốc ngay tối thứ Hai để phản đối các lệnh trừng phạt của EU.

Tuyên bố của Bắc Kinh ra hôm 23 tháng 3 cho biết các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Trung Quốc dựa trên “những lời nói dối và thông tin sai lệch” về Tân Cương, theo CNBC, đồng thời cảnh báo EU không nên làm xấu đi quan hệ Châu Âu-Trung Quốc.

Các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Ân xá Quốc tế và các tổ chức quốc tế bao gồm Liên hợp quốc đã cáo buộc Trung Quốc giam giữ hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong các trại tạm giam.

Người Duy Ngô Nhĩ bị bắt vào trại cải tạo hơn 1 triệu người
Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị bắt vào trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc (Nguồn ảnh: Getty Images).

Trong một tuyên bố chung hôm thứ Hai vừa qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng như các bộ trưởng ngoại giao của Canada và Vương quốc Anh cáo buộc “Chương trình đàn áp sâu rộng của Trung Quốc bao gồm những hạn chế nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo, sử dụng lao động cưỡng bức, giam giữ hàng loạt trong các trại giam giữ, cưỡng bức triệt sản và phá hủy di sản của người Duy Ngô Nhĩ”.

Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc lao động cưỡng bức, và tuyên bố rằng các trại này là trại cải tạo để loại bỏ chủ nghĩa cực đoan và dạy cho mọi người những kỹ năng làm việc mới.

Anh, Mỹ, Canada cũng “vào cuộc”

Anh, Mỹ, Canada đã ngay lập tức tuân theo lệnh trừng phạt của EU đối với các quan chức Trung Quốc. Điều đáng chú ý là danh sách các quan chức bị trừng phạt của Vương quốc Anh khớp với danh sách của Liên minh Châu Âu.

Danh sách của Vương quốc Anh phản ánh bốn quan chức và một thực thể theo quyết định của EU, vốn đã dẫn đến việc quét sạch các bài phản đối của Trung Quốc nhắm vào các nhà lập pháp, học giả và các nhà ngoại giao có khả năng ở châu Âu.

"Bằng cách hành động với các đối tác của chúng tôi, tổng cộng 30 người trong số chúng tôi, chúng tôi đang gửi thông điệp rõ ràng nhất tới chính phủ Trung Quốc, rằng cộng đồng quốc tế sẽ không làm ngơ trước những vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống đối với các quyền cơ bản của con người, và chúng tôi sẽ hành động để yêu cầu những người có trách nhiệm giải trình", Ngoại trưởng Anh Dominic Raab phát biểu trước quốc hội hôm thứ Hai.

Bà Lisa Nandy, thành viên của Công Đảng Anh, nói: "Tôi chắc chắn rằng Vương quốc Anh sẽ đoàn kết với các nghị sĩ Châu Âu đồng nghiệp của chúng ta, những người đã bị chính phủ Trung Quốc trừng phạt đáp trả. Đây là một cuộc tấn công không thể chấp nhận được đối với các nhà lập pháp dân chủ".

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người sẽ đến Brussels trong tuần này để gặp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, tuyên bố: "Hoa Kỳ hoan nghênh hành động trừng phạt nhân quyền của EU hôm thứ Hai. Chúng tôi hoan nghênh việc EU sử dụng của công cụ mạnh mẽ này để thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với hành vi lạm dụng nhân quyền trên quy mô toàn cầu". Washington đã xử phạt 2 trong số các quan chức Trung Quốc, vì vậy chỉ cần thêm 2 cái tên nữa vào thứ Hai.

Trong khi đó, Canada cũng tham gia hành động tương tự vào ngày cựu quan chức ngoại giao Michael Kovrig bị xét xử bí mật ở Bắc Kinh trong một vụ được nhiều người coi là ngoại giao con tin để đáp trả việc Canada bắt giữ giám đốc điều hành cấp cao của hãng viễn thông Huawei Mạnh Vãn Châu.

Ông Marc Garneau, Bộ trưởng Ngoại giao Canada cho biết: “Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra ở Tân Cương dưới bàn tay của nhà nước Trung Quốc.

Ngọc Minh - Đức Duy

Nguồn:

https://www.cnbc.com/2021/03/23/retaliatory-eu-china-sanctions-could-jeopardize-new-investment-deal.html

https://www.politico.eu/article/uk-us-canada-follow-eu-sanctions-on-china-officials/

 

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh ăn miếng trả miếng lệnh trừng phạt, EU ‘dọa’ bác bỏ thỏa thuận đầu tư