Bắc Kinh bế tắc khi ngăn đà vỡ nợ DNNN nhưng vẫn ráo riết đàn áp kinh tế tư nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Evergrande và Huarong có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong cơn hồng thủy “vỡ nợ” khu vực DNNN sắp tới của Trung Quốc. Bất chấp sự thất bại của DNNN và khủng hoảng vỡ nợ của khu vực này, Bắc Kinh vẫn đang ráo riết quốc hữu hóa, đàn áp khu vực tư nhân. Cả hai trụ cột của nền kinh tế đều đang bị tổn thương gân cốt trầm trọng.

Nền kinh tế chạy theo tăng trưởng cao của Bắc Kinh dựa vào hai trụ cột chính là kinh tế nhà nước, đại diện là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), và khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, cả hai khu vực này hoặc là đang chịu sự đàn áp của ĐCSTQ hoặc là đang tự tạo ra khủng hoảng do vay nợ bừa bãi để phục vụ thành tích tăng trưởng vì mục tiêu chính trị của quan chức địa phương.

Cả hai trụ cột kinh tế bị tổn thương trầm trọng do ‘nhân họa’, không hiểu động lực tăng trưởng tới đây của nền kinh tế này sẽ là gì nếu không phải là các con số tăng trưởng giả mạo?

Kinh tế tư nhân bị đàn áp mạnh nhất sau mở cửa

Trụ cột thứ hai, chính là khu vực kinh tế tư nhân, khu vực đóng góp ¾ GDP của Bắc Kinh và tạo rao 80% số việc làm trên toàn quốc, đang chịu đựng cuộc cách mạng quốc hữu hóa lần hai của ĐCSTQ, nguy cơ mất trắng tài sản, quyền kinh doanh, mô hình kinh doanh, tài nguyên và sở hữu trí tuệ vào tay ĐCSTQ gần như là chắc chắn với rất nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn và thành công.

Cơ quan quản lý của Bắc Kinh đã lập hồ sơ để điều tra, và các phương tiện truyền thông đảng liên tiếp đưa tin chỉ trích các tập đoàn tư nhân này. Cả hai đều là đưa ra những tin tức lớn hầu như mỗi ngày, khiến thị trường chứng khoán lao dốc. Alibaba, Didi, Tencent, Soho China ...bay mất hàng trăm tỷ USD khi Bắc Kinh thậm chí muốn ngăn dòng tiền của nước ngoài đổ vào các doanh nghiệp này; ngành công nghiệp giáo dục, công nghiệp trò chơi, công nghiệp sản xuất bia, sữa bột, công nghiệp làm đẹp y tế, công nghiệp chip... đều lao dốc, và có sự xáo trộn.

Cho tới nay, hàng trăm doanh nghiệp tư nhân, những cái tên và ngành đã liệt kê ở trên hoặc đã bị quốc hữu hóa, buộc phải sáp nhập với DNNN hoặc bị xé lẻ, bị siết chặt hoạt động, bị điều tra và giám sát....

Trước sự đàn áp này, TTCK của Trung Quốc lao dốc không phanh. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải 50 (50 doanh nghiệp lớn nhất), CH50... đã ghi danh mình vào chỉ số mất điểm lớn nhất (so với đầu năm) so với bất kỳ thị trường khác ở Châu Á và thế giới.

Nợ của DNNN địa phương là hố đen

Theo Economist, một tài liệu lưu hành trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc vào đầu tháng 7 đã gây ra sự bất an trong giới đầu tư và các quan chức địa phương. Tài liệu này có tên gọi là “Văn bản số 15”, một chỉ thị quy định việc các NHTM phải ngừng cho các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) vay.

Các LGFV chính là các DNNN địa phương và các công ty con liên kết với nó, được chính quyền địa phương tạo ra, chống lưng để tăng vay nợ từ hệ thống NHTM, phục vụ các mục đích đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo việc làm và tăng trưởng.

Nhóm LGFV này, cho đến nay vẫn chưa được phép vỡ nợ, có khoảng 48,7 ngàn tỷ nhân dân tệ (CNY), tương đương với 7,5 ngàn tỷ USD nợ. Trong đó, khoảng 11,9 ngàn CNY trong số đó là nợ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Các DNNN địa phương và công ty con của nó thường vay ngân hàng để trả nợ lãi trái phiếu (theo Economist).

Tuy nhiên, một quan chức của NHTW Trung Quốc (PBOC) đã từng chia sẻ với NTDVN hồi năm 2020 rằng nợ của nhóm LGFV thực sự là một hố đen với PBOC. Thứ mà PBOC làm được là nhận biết tình trạng nguy hiểm này và cố gắng giảm bớt bong bóng nợ của khối này mà thôi.

Do vậy, nếu NHTM ngừng cho nhóm LGFV này vay nợ, thì tức là vỡ nợ TPDN sẽ trở thành cơn đại hồng thủy thực sự của nền kinh tế Trung Quốc. Một cơn đại hồng thủy mà đến cả PBOC cũng không lường trước được quy mô và sức tàn phá của nó.

“Nếu các ngân hàng không cho họ thay máu”, một nhà đầu tư địa phương nói với truyền thông Trung Quốc, “các LGFV sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng vỡ nợ”.

Bế tắc

‘Văn bản số 15’ cùng với hầu hết các tài liệu tham khảo về nó trên các phương tiện truyền thông nhà nước biến mất sau khi ra đời không lâu.

Một số nhà đầu tư tin rằng văn bản đó có thể đã phải rút lại thay thế bằng một văn bản khác ít nghiêm trọng hơn, nới lỏng hơn với khối LGFV.

Một số khác cho rằng các NHTM địa phương Trung Quốc đang thi hành chỉ thị này nhưng chỉ thị vẫn phải ‘giấu đi’ vì lo ngại tâm lý bán tháo khiến thị trường tài chính đổ vỡ hàng loạt. Ngoài ra, khi áp dụng chỉ thị này, thị trường TPDN có thể sẽ hỗn loạn hơn. TPDN do các LGFV phát hành chiếm 10% thị phần của nền kinh tế Trung Quốc (theo Economist).

Các nhà quản lý nhà nước về thị trường tài chính của Bắc Kinh dường như đang bế tắc. Họ vừa phải ra chính sách để ngăn chặn việc huy động vốn vay từ các DNNN quản lý yếu kém vừa phải đảm bảo làm sao các DNNN hoạt động tồi tệ có thể phá sản theo nguyên tắc thị trường mà không làm thị trường hỗn loạn. Thêm vào đó, chính sách cũng phải đảm bảo các LGFV lành mạnh vẫn có thể tiếp cận được vốn vay, phát hành nợ bằng TPDN của nhóm này không bị ảnh hưởng bởi nhóm LGFV yếu kém.

Vấn đề ở chỗ, trong một thị trường không minh bạch về thông tin, việc phân loại LGFV tốt xấu, khỏe yếu - với các nhà đầu tư - hoàn toàn dựa vào niềm tin. Mặt khác, dường như cuộc thanh trừng các quan chức đại phương, thâu tóm quyền lực về tài sản công của Bắc Kinh đang gia tăng. Hiện nay, rất nhiều quan chức đang vận hành các DNNN như vậy bị ngã ngựa. Điều này cũng khiến các quyết định đầu tư trở nên rủi ro hơn vì sự mạnh - yếu của các LGFV còn được quyết định bởi yếu tố chính trị sau đó.

Vỡ nợ kỷ lục

Theo Wind, một nhà cung cấp dữ liệu, các vụ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu trong nước của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục, với các công ty thiếu thanh toán khoảng 97 tỷ CNY tiền gốc trong nửa đầu năm 2021, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

China Fortune Land đã vỡ nợ với một trái phiếu trị giá 530 triệu USD vào tháng Hai, đây là vụ vỡ nợ lớn nhất từ ​​trước đến nay của một nhà phát triển bất động sản của đất nước.

Chongqing Energy Investment, một công ty nhà nước sản xuất phần lớn than của thành phố Trùng Khánh, đã vỡ nợ vào tháng 3, làm giảm niềm tin vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với các tập đoàn quốc doanh.

Theo S&P, cơ quan xếp hạng tín nhiệm, đáng lo ngại hơn là quy mô và hồ sơ của một số công ty đang gặp khó khăn. Các vụ vỡ nợ đầu tiên của DNNN chỉ nằm ở các doanh nghiệp quy mô nợ khoảng 1 tỷ CNY TPDN phát hành trong nước. Hiện nay, các doanh nghiệp có nguy cơ vỡ nợ đều là các doanh nghiệp có quy mô nợ rất lớn, lên tới 9 tỷ CNY nợ TPDN với doanh nghiệp.

Evergrande, một gã khổng lồ bất động sản đang gặp khó khăn, đang phải trả hơn 100 tỷ USD nợ trong và ngoài nước. Một loạt sai lầm và áp lực pháp lý ngày càng tăng đã dẫn đến sự suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Trái phiếu nước ngoài của Evergrande đã được giao dịch ở mức dưới 50 xu (0,5 USD), một mức giá của trái phiếu rác.

Các DNNN do trung ương quản lý trực tiếp từng được cho là không thể sụp đổ thì cũng đã sụp đổ. China Huarong, một nhà quản lý tài sản nhà nước với hơn 40 tỷ USD nợ nước ngoài và trong nước, đang nằm trong giai đoạn ‘tái cơ cấu’, thông tin tài chính của Huarong hoàn toàn biến mất trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kong, nơi ông lớn này niêm yết. Từng là một trong những tập đoàn tài chính quyền lực nhất Trung Quốc, nhưng công ty này vẫn chưa công bố kết quả hoạt động cho năm 2020, khiến các nhà đầu tư đoán già đoán non về tình hình tồi tệ của sổ sách và đặt cược vào sự sụp đổ của nó.

Những rủi ro này đe dọa phá vỡ sự yên bình mà các nhà kỹ trị ở Bắc Kinh miêu tả. Nhưng các cơ quan quản lý có thể sẵn sàng chấp nhận tình trạng vỡ nợ lớn hơn so với trước đây. Họ đã giành quyền kiểm soát trong hai lĩnh vực quan trọng giúp cho việc phá sản trở nên dễ dàng hơn. Một là sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các công ty ngỗ ngược do chính quyền cấp tỉnh và thành phố sở hữu. Khi vỡ nợ, các nhóm này thường được phép thực hiện các giao dịch nội bộ mang lại lợi ích cho các chủ nợ có quan hệ tốt nhưng loại trừ những người khác. Các nhà đầu tư tham gia vào những tình huống như vậy nói rằng điều này đang thay đổi.

Ví dụ, vụ vỡ nợ của Yongcheng Coal vào tháng 11/2020. Một cuộc điều tra sau vụ vỡ nợ cho thấy công ty đã chuyển đổi tài sản để cố gắng trả ít hơn cho một số chủ nợ. Các cơ quan quản lý đã nhanh chóng vào cuộc để làm rõ cho tất cả các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài, rằng các mánh khóe kế toán sẽ không ngăn công ty thanh toán hết mức có thể. Điều đó làm giảm bớt lo ngại của các nhà đầu tư về cách họ có thể bị đối xử trong tình trạng vỡ nợ và quan trọng là giữ cho thị trường thanh khoản ngay cả khi nhiều công ty gặp khó khăn hơn.

Các cơ quan quản lý cũng đã nắm được nhiều quyền kiểm soát hơn đối với quá trình tái cơ cấu. Các hoạt động tái cơ cấu do nhà nước hậu thuẫn từng bị sa lầy trong mờ mịt. Điều đó đã thay đổi; sau khi Tập đoàn sáng lập Đại học Bắc Kinh (PUFG), một tập đoàn liên kết với trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, vỡ nợ vào năm 2019, nhiều điều khoản về việc tái cơ cấu của nó đã được công khai. S&P lưu ý rằng một thỏa thuận đã được thực hiện chỉ trong 581 ngày, so với mức trung bình là 679 ở Trung Quốc. Sau khi tái cơ cấu do tòa án chỉ đạo, tỷ lệ thu hồi tài sản của PUFG là 31,4%, đánh bại tỷ lệ thu hồi trung bình là 23,7% trong 50 thương vụ tái cơ cấu khác của Trung Quốc.

Nếu tình trạng tồi tệ của Evergrande vẫn tiếp diễn, nhiều nhà đầu tư tin rằng nó có thể được phép vỡ nợ và chuyển sang tái cơ cấu. Edmund Goh của Aberdeen Standard Investments cho biết Huarong, với hoạt động kinh doanh rộng lớn, được coi là mang nhiều rủi ro cho hệ thống hơn Evergrande. Điều này có nghĩa là một gói cứu trợ do nhà nước làm trung gian, trái ngược với một khoản cứu trợ dựa trên thị trường, có thể đi trước.

Các LGFV có thể gây ra rủi ro lớn nhất và khó lường nhất. Larry Hu của Macquarie, một ngân hàng đầu tư, cho biết vụ vỡ nợ đầu tiên “sẽ gây ra nhiều xáo trộn cho thị trường”. Nếu các cơ quan quản lý thực thi Văn bản số 15, một vụ vỡ nợ lớn có thể xảy ra trong những tháng tới.

Lê Minh

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh bế tắc khi ngăn đà vỡ nợ DNNN nhưng vẫn ráo riết đàn áp kinh tế tư nhân