Quan chức Bắc Kinh: Khi sự ‘thâm nho’ không thắng nổi nạn quan liêu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đất nước Trung Quốc thường được miêu tả là bậc thầy của tư duy dài hạn hay “thâm nho”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường được khen ngợi là những người giỏi “chơi bài dài hơi”, là bậc thầy về tư duy chiến lược. Các cán bộ hàng đầu của Bắc Kinh được nhận xét là luôn nhìn xa trông rộng: họ lập kế hoạch, chuẩn bị và âm mưu cho tương lai.

Nhưng có một điều kỳ lạ liên quan thảm họa nhân khẩu học sắp xảy ra ở Trung Quốc: Đất nước này đang già đi và nhanh chóng, điều này đang đe dọa sự phát triển kinh tế của đại lục. Vấn đề không có gì mới. Các chuyên gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong nhiều năm qua.

Ngược lại với cách Bắc Kinh giải quyết thách thức trong việc xây dựng đường sắt cao tốc hoặc ngăn chặn sự bùng phát COVID-19 - với sự tham gia hết mình của nhà nước. Giống như một con nai bị mắc vào đèn pha, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như tê liệt, không thể có phản ứng ngay cả khi con tàu tốc hành già cỗi chuẩn bị cán qua nó.

Cách thức mà chính quyền Trung Quốc giải quyết vấn đề này là nâng mức trần về số con mà mỗi cặp vợ chồng được phép có, từ 2 lên 3 con. Biện pháp này khiến các nhà phân tích phải ngán ngẩm, họ dự đoán nó sẽ không có nhiều tác dụng.

“Nhân khẩu học có lẽ là đại diện cho một lĩnh vực chính sách xã hội mà [các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh] vẫn đang cố gắng đưa ra những biện pháp và tư duy cũ kỹ”, Mei Fong, tác giả của tác phẩm “Một con: Câu chuyện về Thí nghiệm Cực đoan nhất của Trung Quốc”, nhận xét.

Thống Kê, Dân Số Thế Giới, Tăng Trưởng Dân Số, Người
“Nhân khẩu học có lẽ là đại diện cho một lĩnh vực chính sách xã hội mà [các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh] vẫn đang cố gắng đưa ra những biện pháp và tư duy cũ kỹ”, Mei Fong. (Pixabay)

Chính sách dân số sai lầm của chính phủ Trung Quốc cho thấy cách ĐCSTQ điều hành và phơi bày những điểm yếu chiến lược, đối lập hẳn với danh tiếng thiên tài chiến lược. Những người Cộng sản Trung Quốc có thể bị mắc kẹt trong những rắc rối quan liêu, dẫn đến những quyết định hy sinh lợi ích lâu dài cho lợi ích trước mắt.

Các cán bộ của Bắc Kinh có thể không phải đối mặt với các cuộc bầu cử, nhưng họ cần phải biện minh cho sự tồn tại hợp pháp của chế độ mình, đặc biệt là khi nó ngày càng trở nên độc đoán, phạm những tội ác diệt chủng, áp bức người dân một cách vô nhân đạo hơn. Việc chứng minh quyền cai trị, chiều chuộng công chúng hoặc duy trì sự ổn định xã hội đều có thể cản trở ĐCSTQ lập kế hoạch dài hạn.

Ví dụ, các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng Trung Quốc quá phụ thuộc vào các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng, khu chung cư và nhà máy để duy trì tăng trưởng. Kết quả là nợ và lãng phí làm tổn hại đến sự phát triển của nền kinh tế, nhưng ĐCSTQ, cố gắng đạt được các mục tiêu tăng trưởng cao, đã chây ỳ không chịu cải cách. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo nước này chính trị không thể thoát khỏi các lề lối quản lý cổ, ví dụ như việc duy trì một hệ thống đăng ký hộ khẩu, khiến mọi người phải về quê để làm các giấy tờ hành chính cơ bản, điều này cản trở lực lượng lao động lưu động của đất nước này được hưởng phúc lợi gia đình và kéo lùi hiệu quả kinh tế chung của cả nước.

Chính quyền hiện tại dường như kém khả năng hoạch định chính sách sáng tạo hơn những chính phủ tiền nhiệm. Ông chủ hiện nay của ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực ở một mức độ chưa từng thấy kể từ thời Mao Trạch Đông. Những quyết định quan trọng không thể được đưa ra nếu ông ta chưa xem xét hoặc không dựa trên những ý tưởng bất chợt của ông này.

ÔngCarl Minzner, một chuyên gia về chính phủ Trung Quốc tại Trường Luật Đại học Fordham, nói: “Các động cơ kỹ thuật được tinh chỉnh của nhà nước Trung Quốc - chúng đang dần bị mài mòn.

Vấn đề dân số có lẽ là ví dụ tai hại nhất của sự tê liệt chính sách. Kết quả cuộc điều tra dân số mới nhất, được công bố vào tháng 5 năm nay, cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình: Quy mô của nhóm người từ 65 tuổi trở lên có thể sẽ tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ tới trong khi lực lượng lao động thu hẹp lại, khiến Trung Quốc trở thành một “xã hội siêu già”. Một ủy ban của chính phủ Trung Quốc đã ước tính rằng người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 1/3 dân số cả nước vào năm 2050.

Có vẻ khó hiểu khi quốc gia đông dân nhất thế giới, với 1,4 tỷ người, lại cần thêm người. Nhưng trong một xã hội đang già đi, một số lượng lớn người già, những người kém làm việc năng suất hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào chăm sóc sức khỏe và lương hưu sẽ cần được hỗ trợ bởi một nhóm nhỏ hơn tương ứng: những người trẻ lao động năng suất. Gánh nặng mà sự lệch lạc này tạo ra cho các gia đình, chính phủ và nền kinh tế có thể kéo lùi sự tăng trưởng của quốc gia.

Trong một nghiên cứu hồi tháng 2/2021, Công ty nghiên cứu Capital Economics đã chỉ ra rằng già hóa là lý do chính khiến Trung Quốc có thể không vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới vào năm 2050.

Trớ trêu thay, việc tối đa hóa lợi ích kinh tế đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc hạn chế sự gia tăng dân số ngay từ đầu. Càng ít trẻ sơ sinh, quốc gia càng nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo. Nỗ lực này có từ nửa thế kỷ trước với chiến dịch những năm 1970 gây áp lực buộc các cặp vợ chồng kết hôn muộn hơn, khoảng cách giữa các lần sinh con dài hơn và sinh ít hơn. “Chính sách một con” thậm chí còn nghiêm ngặt hơn, chỉ cho phép các cặp vợ chồng sinh một con, được đưa ra vào năm 1979, khi bắt đầu cải cách tư bản chủ nghĩa của đất nước.

Trẻ Em, Trong Tương Lai, Châu Lục, Phi, Tay, Hân Hoan
“Chính sách một con” thậm chí còn nghiêm ngặt hơn, chỉ cho phép các cặp vợ chồng sinh một con, được đưa ra vào năm 1979, khi bắt đầu cải cách tư bản chủ nghĩa của đất nước. (Ảnh: Pixabay)

Đánh giá tác động của chính sách một con không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc sẽ giảm theo thời gian ngay cả khi không có chính sách kế hoạch hóa gia đình, vì đây thường là tác động của sự giàu có và đô thị hóa. Chính sách này đã đẩy nhanh tốc độ già hóa của xã hội Trung Quốc. Chính sách này cũng làm lệch lạc cân bằng giới tính của Trung Quốc. Nhiều trẻ sơ sinh nữ bị bỏ rơi hoặc phá thai. Số nam giới của đất nước hiện nhiều hơn nữ tới 40 triệu người.

Kéo theo đó là những mất mát khôn lường: nỗi đau của những dòng họ bị cắt đứt, những vết sẹo tinh thần do phá thai, triệt sản và những tổn thương do các hành vi ngược đãi khác của những người thực thi chính phủ. Theo một đánh giá năm 2018, các quan chức đã “quy hoạch dân số khi họ lập kế hoạch hàng hóa”.

Ông Minzner của Fordham đổ lỗi hiện tượng này cho quán tính quan liêu của chính quyền Bắc Kinh. Một bộ máy kiểm soát sinh đẻ đã ra đời từ chính sách một con. Các quan chức địa phương được đo lường mức độ hoàn thành công việc một phần dựa trên kết quả kiểm soát sinh đẻ. Hệ thống này và các biện pháp khuyến khích thực hiện kế hoạch hóa đã làm cho nó hoạt động gắn liền với cấu trúc của chính phủ.

Trong con mắt của các quan chức, giới hạn sinh đẻ cũng vẫn còn tính hữu dụng của chúng. Chính phủ Trung Quốc vẫn muốn hạn chế các bộ phận dân chúng — hầu hết là các nhóm thiểu số. Báo động về tỷ lệ sinh cao hơn ở những người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở vùng xa xôi phía tây Tân Cương, chính quyền đã buộc các phụ nữ Duy Ngô Nhĩ phải kiểm soát sinh đẻ, triệt sản và phá thai trên quy mô toàn diện.

Ở một khía cạnh nào đó, gốc rễ của vấn đề thậm chí còn sâu xa hơn, tận trung tâm chế độ cai trị của ĐCSTQ. ĐCSTQ quảng bá với công chúng là ĐCSTQ không thể sai lầm: Giữ im lặng và đứng ngoài chính trị, thì ĐCSTQ hứa sẽ cung cấp đầy đủ. Điều đó làm cho giới lãnh đạo ĐCSTQ phải thừa nhận thất bại về mặt chính trị. Điều này đặc biệt xảy ra với chính sách một con, vốn là trọng tâm trong chương trình của nó, và đã xâm phạm nghiêm trọng đến đời sống cá nhân của các gia đình Trung Quốc. Sau tất cả những gì đã xảy ra, việc tự thú với dân rằng chính sách đã sai lầm là một rủi ro chính trị quá lớn với ĐCSTQ.

Ông Wang Feng, một nhà xã hội học tại UC Irvine, nói với tôi: “Tính hợp pháp… phải nằm trong tâm trí của Tập Cận Bình”. Đây là lý do tại sao, Wang giải thích, chính phủ đang cố gắng ngụy trang những gì rõ ràng là một cuộc rút lui như một sự thay đổi hướng đi. “Nó thực sự không phải là từ bỏ một chính sách; đó là về việc thực hiện một chính sách mới”, ông nói. “Họ muốn thể hiện rằng họ luôn là người làm chủ tình hình”.

Chính phủ đã phát đi tín hiệu rằng họ có thể chủ động hơn trong việc thúc đẩy sinh con. Tuy nhiên, sự suy giảm nhân khẩu học mà Trung Quốc đang trải qua có thể đơn giản là không thể khắc phục được. Ông Wang nói: “Vấn đề là rất lớn, và họ đã chậm chân trong trò chơi này.
Tuy nhiên, chúng ta không thể bác bỏ khả năng ĐCSTQ sẽ đảo ngược hoàn toàn. Trong 5 thập kỷ qua, Bắc Kinh đã sử dụng bộ máy đàn áp của mình để trấn áp các trường hợp sinh đẻ ; nó có thể cố gắng sử dụng chính chiếc máy đó để ép người dân sinh thêm con. Tuy nhiên, nhiệm vụ mới đó có thể khó khăn hơn đáng kể. Ông Fong, tác giả cuốn “Một Con” cho biết: “Việc kiểm soát và ngăn ngừa sinh đẻ dễ dàng hơn nhiều. "Bạn không thể bắt mọi người có con"!

Lê Minh

Theo The Atlantic



BÀI CHỌN LỌC

Quan chức Bắc Kinh: Khi sự ‘thâm nho’ không thắng nổi nạn quan liêu