Rơi vào đường cùng, Bắc Kinh buộc phải kiểm duyệt ‘tin tức tài chính độc hại’ trên các phương tiện truyền thông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tin tức tiêu cực về kinh tế, tài chính giờ cũng bị Bắc Kinh liệt kê vào danh sách tin tức độc hại cho ĐCSTQ, cần kiểm duyệt gắt gao. Các nền tảng, các tài khoản cá nhân đã đăng tin như vậy ở đại lục có thể buộc phải cải chính và bị trừng phạt. Chính sách kiểm duyệt tin kinh tế tài chính này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền kinh tế này đang có bất ổn rất lớn; lớn đến mức nó có thể đe dọa sự tồn vong của ĐCSTQ.

Trang báo tiếng trung Secretchina đã viết “chúng tôi, các phương tiện truyền thông phát tán thông tin có hại cho nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự cải chính.”

Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch kéo dài hai tháng để cải chính tin tức kinh tế - tài chính. Các nền tảng thương mại và tài khoản mạng xã hội phát tán thông tin "có hại" về nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một đòn trừng phạt mạnh của Chính quyền Bắc Kinh.

Thông tin kinh tế - tài chính là ‘độc hại’ và ‘cần kiểm soát

Song song với động thái kiểm duyệt ‘tin tức kinh tế - tài chính độc hại’, một cơ quan nhà nước về công nghệ thông tin đang nỗ lực sử dụng công nghệ đám mây để liên kết với các doanh nghiệp tư nhân trong việc kiểm soát thông tin kinh tế - tài chính.

Hãng tin Bloomberg đưa tin rằng Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố vào cuối ngày thứ Sáu tuần trước, yêu cầu các trang web thương mại và nền tảng xã hội chỉ được đưa tin dưới sự giám sát của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, các cơ quan quản lý bảo hiểm.

Các cơ quan này, về cơ bản đều thuộc về mạng lưới an ninh tài chính quốc gia. Với các nền kinh tế khác, gồm cả Việt Nam, thì các cơ quan quản lý nhà nước trong mạng lưới này, về cơ bản chỉ chịu trách nhiệm giám sát rủi ro tuân thủ, rủi ro thị trường, rủi ro hệ thống phát sinh trong nền kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính mà thôi. Tuy nhiên, riêng với Bắc Kinh, các cơ quan giám sát kinh tế - tài chính như vậy đã phải phối hợp với Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc để ban hành ra danh sách các hành vi vi phạm quy định công bố thông tin kinh tế - tài chính độc hại.

Theo Bloomberg, các hành vi vi phạm mà nhóm các cơ quan giám sát an toàn tài chính của Bắc Kinh liệt kê bao gồm các thông tin vu khống ác ý trên thị trường tài chính Trung Quốc và diễn giải sai các chính sách và dữ liệu kinh tế trong nước. Ngoài ra, việc dẫn lại các báo cáo của phương tiện truyền thông nước ngoài và diễn giải sai các chủ đề tài chính trong nước cũng sẽ trở thành mục tiêu tấn công ngay cả khi họ “không bày tỏ ý kiến ​​và đưa ra nhận định”.

Phương tiện truyền thông chính thức bằng tiếng Anh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu, đã báo cáo rằng các nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất của Trung Quốc là WeChat, Douyin, Sina Weibo và Kuaishou đã phản hồi các yêu cầu chính thức vào thứ Bảy để bắt đầu cải chính các tài khoản "tự truyền thông" trong ngành tài chính. WeChat tuyên bố trong một tuyên bố hôm thứ Bảy rằng từ nay đến ngày 26 tháng 10, các tài khoản tự truyền thông tài chính "bôi nhọ thị trường tài chính" và "tung tin đồn" sẽ bị nền tảng này trừng phạt (thu hồi hoặc khóa lại).

Các đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tham dự hội nghị lập pháp bù nhìn của chế độ ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 28/5/2020. (Kevin Frayer / Getty Images)
Các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vẫn chưa hiểu hết những thách thức về nhân khẩu học mà họ phải đối mặt. Họ có vẻ tin vào dự đoán của các nhà kinh tế nhà nước - dựa trên dữ liệu chính thức (bị bóp méo) - rằng GDP của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cho đến khi nó vượt quá GDP của Hoa Kỳ. Chính niềm tin đó đã thúc đẩy họ theo đuổi chiến lược mở rộng. (Kevin Frayer / Getty Images)

Như vậy, phạm vi kiểm duyệt tin kinh tế - tài chính của Bắc Kinh rất rộng, từ các phương tiện truyền thông cho tới các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội hoạt động độc lập.

Chính sách này báo hiệu rằng, toàn bộ số liệu về kinh tế -tài chính, toàn bộ nhận định, phân tích chuyên gia về các số liệu vĩ mô hay tình hình tài chính từ vi mô đến vĩ mô của Bắc Kinh đều phải được sản xuất bởi truyền thông nhà nước Trung Quốc, theo quan điểm lợi ích của chính quyền Bắc Kinh. Tất cả các phương tiện truyền thông trong nước, các tài khoản cá nhân đều chỉ được phép trích dẫn từ nguồn tin gốc đã được chính quyền Bắc Kinh nhào nặn theo ý chí của chính quyền này. Các phương tiện truyền thông và tài khoản cá nhân muốn sản xuất nội dung gốc về kinh tế - tài chính phải đăng ký với cơ quan chức năng.

Tại sao Bắc Kinh lại sợ các số liệu và các phân tích tự do về tình trạng kinh tế - tài chính?

Trong vài năm trở lại đây, các thông số kinh tế -tài chính vĩ mô của Bắc Kinh ngày một xấu đi. Chưa bàn tới chuyện các con số tăng trưởng GDP, tỷ lệ nợ xấu, cân đối ngân sách, dự trữ ngoại hối,.. có trung thực hay không, trong con mắt sắc sảo của các nhà phân tích kinh tế - tài chính, các bất cân đối lớn của nền kinh tế Trung Quốc, các rủi ro chết người về tài chính đều có thể được phơi bày bằng.

Ví dụ, các thông tin về vỡ nợ trái phiếu kỷ lục trên thị trường vốn quốc tế và trong nước đã làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài. Các bài phân tích về tình trạng thanh trừng lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn như China Huarong, Tập đoàn Đại học Bắc Kinh được kiểm chứng thông qua các hành vi công bố báo cáo tài chính và tuyên bố ‘tái cơ cấu’ mập mờ của chính phủ. Qua các số liệu tài chính như vậy, các nhà phân tích kinh tế ước lượng số tiền hàng trăm tỷ USD mà Bắc Kinh có thể phải bỏ ra để giải cứu các con cưng DNNN của họ. Ước tính, khối nợ của riêng ông lớn bất động sản (một trong 128 DNNN trung ương của Bắc Kinh) Evergrande hiện lên tới 300 tỷ USD, bằng GDP của Việt Nam, Campuchia và Myanmar cộng lại. Vừa qua Bắc Kinh phải bỏ ra 15.9 tỷ USD giải cứu China Huarong (theo Bloomberg) và khoảng 7 tỷ USD nữa giải cứu một DNNN lớn khác.

Đáng lưu ý, động thái giải cứu này song hành với việc các tập đoàn tư nhân đang phải hiến tặng tài sản cho ĐCSTQ theo chiến lược ‘thịnh vượng chung’ mà ông Tập Cận Bình mới tuyên bố gần đây ở Trung Nam Hải. Ít nhất, tập đoàn kinh tế tư nhân Tencent đã ‘tặng” 7,7 tỷ USD cho ĐCSTQ (theo trang Bưu điện Hoa Nam buổi sáng). Nhiều tập đoàn tư nhân khác vội vã tuyên bố các khoản quyên tặng khổng lồ. Hiển nhiên, Bắc Kinh không thích các thông tin tài chính về tình trạng bết bát và giải cứu DNNN tuyên bố song hành với tin các tập đoàn kinh tế tư nhân ‘tự nguyện’ quyên góp vì sự thịnh vượng chung.

Nhưng chưa hết, các nhà kinh tế học độc lập chỉ cần nhìn vào số liệu thống kê chính thống của Bắc Kinh có thể tìm ra vô số lỗ hổng về số liệu tăng trưởng. Ví dụ, tăng trưởng của khu vực sản xuất có dấu hiệu tăng cao bất thường ở một chỉ số thành phần nào đó trong khi hiện trạng của ngành đó có vấn đề, hay số liệu tăng trưởng của các tỉnh thành báo cáo lên trung ương có thể không đáng tin ra sao, hoặc số liệu tiêu thụ điện thực tế cho thấy khu vực sản xuất đang không hoạt động như báo cáo thành tích của Bắc Kinh... .

Thực tế, các chuyên gia kinh tế của Trung Quốc cũng như quốc tế không quá khó khăn chứng minh số liệu giả mạo về dân số, tăng trưởng, cân đối đối ngoại của Bắc Kinh, ước lượng tình trạng nợ xấu, bong bóng nợ bất động… . Đã có vô số bài báo vạch trần sự thiếu tin cậy từ dữ liệu vĩ mô mà chính quyền này công bố, đồng thời cũng phân tích rất sâu sắc về các rủi ro hệ thống cực lớn mà nền kinh tế này phải đối mặt. Một số rủi ro trong đó thậm chí có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tài chính.

Gần đây nhất, thông tin kinh tế về việc ngân sách Trung Quốc đang rỗng thực sự là thông tin đánh vào tử huyệt với Bắc Kinh. Lưu ý rằng, thông tin này được các chuyên gia kinh tế tổng hợp từ thực trạng tài chính ngân sách của nhiều tỉnh thành, địa phương khắp Trung Quốc. Tình trạng nợ nần của địa phương, ngân sách địa phương nợ lương cho giáo viên, lời hứa đền bù ít ỏi đến đáng thương từ ngân sách cho các hộ gia đình sau lũ lụt… là chứng minh rất thuyết phục cho tình trạng ‘rỗng ngân sách’.

Hiển nhiên, Bắc Kinh không muốn mọi thông tin như vậy xuất hiện trên truyền thông, dù ở dạng nào, trên nền tảng nào. Muốn vậy, mọi thông tin về đền bù, nợ lương công chức, viên chức, nợ địa phương, vỡ nợ, nợ xấu… tất cả đều phải nằm trong danh sách thông tin bị kiểm duyệt, cấm đăng tải mà Bắc Kinh đang bắt đầu thi hành.

Chính sách kiểm duyệt tin kinh tế tài chính này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền kinh tế này đang có bất ổn rất lớn; lớn đến mức nó có thể đe dọa sự tồn vong của ĐCSTQ.

Loại bỏ dịch vụ CNTT của tư nhân để tăng cường kiểm duyệt tin kinh tế - tài chính

Mặt khác, theo báo cáo của Reuters, có thêm những dấu hiệu cho thấy rằng trong khi tận tâm kiềm chế sức mạnh của những gã khổng lồ Internet đại lục, các nền tảng đám mây thuộc sở hữu nhà nước cũng sắp được mở cửa cho các tổ chức công đang sử dụng dịch vụ đám mây của khu vực tư nhân, các tổ chức công cần phải di dời dữ liệu của họ tới "Đám mây điện tử nhà nước Trung Quốc". Hiện tại, hầu hết các tổ chức công đang sử dụng các dịch vụ đám mây do các nhà khai thác khu vực tư nhân như Huawei, Alibaba và Tencent cung cấp.

Theo một tài liệu mà Reuters có được, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Thiên Tân, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các doanh nghiệp của chính quyền địa phương, đã tuyên bố trong tài liệu ngày 12/8 rằng theo hướng dẫn của Hội đồng Nhà nước, các công ty sử dụng dịch vụ nền tảng đám mây bên bên thứ ba không được phép gia hạn sau khi hợp đồng hiện tại hết hạn. Cơ quan này tuyên bố rằng công tác chuẩn bị cho Đám mây điện tử Trung Quốc sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 8 năm nay, tất cả các tổ chức công phải hoàn thành việc chuyển dữ liệu sang đám mây nhà nước trước ngày 30 tháng 9 năm sau.

China Electronics Cloud là một doanh nghiệp nhà nước do Tập đoàn Điện tử Trung Quốc (CEC) phát triển, được cho là một hệ thống CNTT độc lập và có thể điều khiển được. Công ty này sử dụng chip Trung Quốc vi xử lý Phytium và hệ điều hành Kylin, gọi tắt là PK System. "China Electronic Cloud" chủ yếu cung cấp dịch vụ đám mây cho các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân thông thường không thể sử dụng.

Phó chủ tịch của một công ty CNTT Trung Quốc chuyên thúc đẩy nội địa hóa nói với phóng viên Caijing rằng một đám mây tự trị và có thể kiểm soát thì hiệu quả và mức độ thuận tiện của nó còn xa mới tiệm cận được hiệu quả từ dịch vụ công nghệ đám mây cung cấp bởi khu vực tư nhân.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Rơi vào đường cùng, Bắc Kinh buộc phải kiểm duyệt ‘tin tức tài chính độc hại’ trên các phương tiện truyền thông