Báo động đỏ: Nếu Trung Quốc thành công trong cuộc 'đại chiến công nghệ', thế giới sẽ chỉ được ‘sơn màu đỏ’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc tin rằng họ đang trên đà chiếm lĩnh thế giới. Tại "Hai kỳ họp" đang diễn ra ở Bắc Kinh, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công khai nói với chúng ta rằng họ sẽ thực hiện mục tiêu đầy tham vọng của mình. Nếu chính quyền này thành công, phần còn lại của thế kỷ 21 sẽ chỉ được “sơn màu đỏ”.

May mắn thay, Mỹ đang bắt đầu vận động chính mình. Tuy nhiên, người Mỹ cần phải hành động ngay lập tức. Công nghệ là cuộc chạy đua vũ trang thực sự của thời đại chúng ta.

Ngày 5/3, tại cuộc họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc - cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Quốc - Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, bắt đầu từ năm nay.

Cuộc chạy đua vũ trang ‘công nghệ’

Theo kế hoạch này, Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu 7% mỗi năm để đạt được "những bước đột phá lớn" trong các lĩnh vực "công nghệ biên giới". Cụ thể, quốc gia này sẽ dành nguồn lực cho trí tuệ nhân tạo; thông tin lượng tử; chất bán dẫn; khoa học não bộ; gen và công nghệ sinh học; y học lâm sàng và sức khỏe; không gian sâu, biển sâu, và đất sâu.

Hơn nữa, Bắc Kinh cũng đang thảo luận về Chương trình nghị sự 2030 về Đổi mới Khoa học Kỹ thuật và các ”Mục tiêu Tầm xa” đến năm 2035. Sáng kiến ​​Made in China 2025 “khét tiếng” hiện nay của ông Tập Cận Bình - trên bề mặt kế hoạch này là sự vi phạm các nghĩa vụ thương mại - nhưng chắc chắn nỗ lực này vẫn đang được tiến hành.

Trung Quốc đang dốc toàn lực cho điều mà Wang Zhigang - người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ - gọi là sự phát triển của một "hệ sinh thái mới" cho sự đổi mới. Trong hệ sinh thái đó, Trung Quốc đã có thể dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực quan trọng, chẳng hạn như "truyền thông lượng tử không thể bị hack".

Tiến bộ gần đây của Trung Quốc rất ấn tượng. Một thập kỷ trước, Bắc Kinh không được coi là một đối thủ công nghệ. Nhưng không có gì ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo ĐCSTQ biến chế độ của họ trở thành một cường quốc về công nghệ. Ngoài hành vi trộm cắp, họ đã áp dụng một cách tiếp cận kiên quyết, có phương pháp và đầy kỷ luật để phát triển những sáng tạo của riêng mình.

Bắc Kinh đang nổ lực lớn nhằm làm chủ các công nghệ quan trọng - do nhà nước chỉ đạo và được chính phủ tài trợ.

Camera an ninh AI (trí tuệ nhân tạo) với công nghệ nhận dạng khuôn mặt được nhìn thấy tại Triển lãm Quốc tế Trung Quốc lần thứ 14 về An ninh và An toàn Công cộng tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 24 tháng 10 năm 2018. (Ảnh của NICOLAS ASFOURI / AFP / Getty)
Camera an ninh AI (trí tuệ nhân tạo) với công nghệ nhận dạng khuôn mặt được nhìn thấy tại Triển lãm Quốc tế Trung Quốc lần thứ 14 về An ninh và An toàn Công cộng tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 24 tháng 10 năm 2018. (Ảnh của NICOLAS ASFOURI / AFP / Getty)

Tài trợ của chính phủ là chiến thuật quan trọng của Trung Quốc - với mức tăng 7% mỗi năm về chi tiêu công nghệ trong nửa thập kỷ qua. Ye Yujiang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cơ bản của Bộ Khoa học và Công nghệ, vừa thông báo rằng chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi, trong khi Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 vừa hoàn thành.

Mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Hoa Kỳ

Nỗ lực của Bắc Kinh phụ thuộc vào các dự án lớn “từ trên xuống dưới”. Hãy lấy Phòng thí nghiệm Quốc gia về Khoa học Thông tin Lượng tử - một cơ sở trị giá hàng tỷ USD trải rộng trên gần 35 ha ở Hợp Phì, thủ phủ của tỉnh An Huy làm ví dụ. Đây là phòng nghiên cứu lượng tử lớn nhất thế giới.

Ý tưởng là đưa tất cả các nhà nghiên cứu của Trung Quốc đến một địa điểm duy nhất. Một số người cho rằng đây không phải là một ý kiến ​​hay nếu tập trung công việc lượng tử của quốc gia vào một nơi. Những người khác tin rằng "việc đặt cược lớn" vào nghiên cứu lượng tử ngay từ đầu là không thông minh, bởi vì nên thu hút vốn từ các lĩnh vực quan trọng khác.

Tuy nhiên, phòng thí nghiệm này hiện là niềm hy vọng của Trung Quốc về lượng tử. "Điều này nghe có vẻ hơi lỗi thời, thậm chí theo kiểu Liên Xô, nhưng nó có thể giúp Trung Quốc có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc đua", Guo Guoping, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hợp Phì của Trung Quốc, cho biết.

Những nỗ lực công nghệ của Hoa Kỳ trong thế kỷ này đã lan rộng và nhiều người ủng hộ cách tiếp cận “chung tay” này. Như Chris Fall thuộc Văn phòng Khoa học của Bộ Năng lượng đã nói với tờ Washington Post: "Vẻ đẹp của cách chúng ta làm khoa học ở đất nước này là nó không từ trên xuống dưới".

Các công ty của Mỹ như IBM và Google đã dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực quan trọng, chẳng hạn như điện toán lượng tử - mà không có sự hỗ trợ đáng kể của liên bang. Tuy nhiên, trong việc xây dựng các mạng 5G trên thế giới - thế hệ thứ năm của truyền thông không dây, cho phép kết nối các thiết bị chưa từng có - thì cách tiếp cận “để thị trường tự làm” đã gần như thất bại hoàn toàn. Chẳng hạn, không có công ty Mỹ nào cạnh tranh được với Huawei Technologies của Trung Quốc, tập đoàn mà cựu Tổng thống Trump chính thức tuyên bố là "mối đe dọa an ninh quốc gia" vào tháng 8/2019.

Ảnh chụp logo của công ty Trung Quốc Huawei tại các văn phòng chính của ở Reading, phía tây London, vào ngày 28/1/2020. (Ảnh: Daniel - Olivas / AFP / Getty Images)

Như Eric Schmidt, cựu giám đốc điều hành của Google và hiện là chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo, đã tuyên bố trong phiên điều trần tại Thượng viện vào tháng 2/2021: "Mối đe dọa từ sự lãnh đạo của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng là một cuộc khủng hoảng quốc gia, và cần phải được xử lý trực tiếp ngay bây giờ".

Trong cuộc khủng hoảng này, Mỹ sẽ phải áp dụng một cách tiếp cận toàn xã hội. Ông Steve Chien thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực cho biết: “Chúng ta cần học viện, chúng ta cần công nghiệp, chúng ta cần các nhà thầu quốc phòng truyền thống, chúng ta cần các công ty công nghệ và chúng ta cũng cần các doanh nghiệp nhỏ”.

Nói tóm lại, để cạnh tranh, Mỹ sẽ phải từ bỏ "chủ nghĩa cơ bản thị trường tự do" và đi vào lĩnh vực kinh doanh sáng tạo công nghệ. Chúng ta cần bắt đầu một loạt "các Dự án Manhattan" - và nên làm nhanh chóng.

Washington không xa lạ với những nỗ lực từ trên xuống dưới, chẳng hạn như việc huy động nhanh chóng trong Thế chiến lần thứ II, cuộc chạy đua lên Mặt Trăng năm 1960 và việc xây dựng hệ thống đường cao tốc Liên bang. Thật không may, thị trường tự do không thể đáp ứng tình trạng khẩn cấp mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt. Cách tiếp cận của Trung Quốc đang phát huy tác dụng, và Mỹ phải tiến nhanh.

Cuộc chiến không gian

Brandon Weichert, tác giả cuốn “Chiến thắng không gian: Cách nước Mỹ duy trì một siêu cường”, nói với Gatestone: “Hoa Kỳ cần đầu tư ít nhất 1 nghìn tỷ USD và tốt hơn là đầu tư nhiều hơn vào công nghệ”.

Trong hình ảnh phát tay này do NASA cung cấp, một tên lửa SpaceX Falcon Heavy mang theo 24 vệ tinh trong khuôn khổ sứ mệnh của Chương trình Thử nghiệm Không gian-2 (STP-2) của Bộ Quốc phòng được phóng từ Khu liên hợp Phóng 39A, Thứ Ba, Ngày 25 tháng 6 năm 2019 tại Trung tâm Không gian Kennedy của NASA ở Florida. Bốn trọng tải khoa học và công nghệ của NASA sẽ nghiên cứu nhiên liệu phi thuyền không độc hại, điều hướng không gian sâu, "bong bóng" trong các lớp tích điện của bầu khí quyển trên của Trái đất và bảo vệ bức xạ cho các vệ tinh nằm trong số hai chục vệ tinh sẽ được đưa vào quỹ đạo. (Ảnh của Joel Kowsky / NASA qua Getty Images)
Hình ảnh cho thấy một tên lửa SpaceX Falcon Heavy mang theo 24 vệ tinh trong khuôn khổ sứ mệnh của Chương trình Thử nghiệm Không gian-2 (STP-2) của Bộ Quốc phòng được phóng từ Khu liên hợp Phóng 39A, Thứ Ba, Ngày 25 tháng 6 năm 2019 tại Trung tâm Không gian Kennedy của NASA ở Florida. (Ảnh của Joel Kowsky / NASA qua Getty Images)

Nhiều người đồng tình với ý kiến trên. David Goldman, phó tổng biên tập của Asia Times, khuyến nghị khôi phục hoạt động Nghiên cứu và Phát triển của liên bang như các cấp của chính quyền tổng thống Reagan. Điều đó được hiểu là cần thêm 200 tỷ USD/năm cho chi tiêu này.

Ông Weichert nói: "Chính quyền Biden đã nói về sự cần thiết phải duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ của Mỹ, nhưng họ đang yêu cầu 1,9 nghìn tỷ USD tiền ‘từ trên trời rơi xuống’ để kích thích kinh tế và chỉ chi tiêu số tiền rất nhỏ cho loại đầu tư vào công nghệ này để nâng cao năng suất trong tương lai".

Ông Weichert cho rằng người Mỹ coi những đổi mới "chẳng khác gì những công nghệ kỳ lạ huyền ảo - mà người ta có thể xem trong phần tiếp theo của phim khoa học viễn tưởng Star Trek - hơn là trong thế giới thực".

Người Trung Quốc đang "dốc toàn lực", vì họ nhận ra rằng việc đưa những ước mơ này thành hiện thực ở Trung Quốc sẽ đảm bảo rằng ĐCSTQ tồn tại, khởi sắc và lập nên các quy tắc của một trật tự thế giới mới.

Tác giả: Gordon G. Chang là tác giả của cuốn sách ”Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, ông là thành viên cao cấp xuất sắc của Viện Gatestone, và là thành viên của Ban cố vấn này.

Thủy Tiên



BÀI CHỌN LỌC

Báo động đỏ: Nếu Trung Quốc thành công trong cuộc 'đại chiến công nghệ', thế giới sẽ chỉ được ‘sơn màu đỏ’