Bị cô lập khỏi thế giới là nỗi sợ hãi lớn nhất của ĐCSTQ: Chuyên gia nhận định

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nỗi sợ hãi lớn nhất đối với nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình là Trung Quốc bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Theo ông Gordon Chang, thành viên cấp cao của Viện Gatestone (Mỹ), điều đó đang thực sự diễn ra.

Khủng hoảng chuỗi cung ứng là nguyên nhân thế giới đẩy mạnh ‘thoát Trung’

Nói chuyện trên chương trình “China Insider” số gần đây của EpochTv, ông Chang cho biết các tập đoàn đa quốc gia đã bắt đầu chuyển nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc vì mong muốn xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn.

Ông Chang nói: “Thế giới đang làm điều đó vì lý do kinh tế - không phải chính trị, không phải địa chính trị - mà vì lý do kinh tế”.

Rất nhiều tập đoàn gặp rắc rối với chuỗi cung ứng khi chính sách "zero-COVID" của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến Thượng Hải và các thành phố khác bị phong tỏa kéo dài. Hàng triệu người bị giam giữ trong nhà, chính quyền yêu cầu xét nghiệm hàng loạt ở các khu vực ghi nhận các ca nhiễm bệnh. Cách tiếp cận nặng tay đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhà máy và làm chậm quá trình vận chuyển hàng hóa.

Tuy nhiên, không chỉ các biện pháp kiểm soát COVID hà khắc mới thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Ông Chang cho biết mối quan hệ của chính quyền Trung Quốc với Nga cũng khiến các chuỗi cung ứng hiện có trở nên không đáng tin cậy. “Chúng không đáng tin cậy vì Trung Quốc đang ủng hộ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, sự kiện vốn đang thúc đẩy sự chia rẽ trong hệ thống quốc tế”, ông Chang nói.

ĐCSTQ đã tuyên bố quan hệ đối tác “không có giới hạn” với Moscow trước cuộc đổ quân của Nga vào nước láng giềng; và ĐCSTQ cũng đã nhận nhiều chỉ trích về sự ủng hộ ngầm của họ đối với Moscow trong suốt cuộc chiến đang diễn ra. Cho đến nay, chính quyền này vẫn từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga, bất chấp lời kêu gọi ngày càng tăng từ Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia khác.

Dù không muốn Trung Quốc bị cô lập, ông Tập vẫn sẽ theo đuổi các chính sách hiện tại

Theo ông Chang, mặc dù các chính sách của ĐCSTQ đã góp phần tạo nên trào lưu thế giới ‘thoát Trung’, nhưng đó không phải là tình huống mà Trung Quốc mong muốn vì nước này là bên được hưởng lợi lớn nhất trong giai đoạn toàn cầu hóa và trong quá trình Trung Quốc hội nhập hệ thống quốc tế.

Tiến trình ‘thoát Trung’ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, nhưng ông Tập Cận Bình chính là tác giả của việc phi toàn cầu hóa tại Trung Quốc hiện nay.

Ông Chang cho biết nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cảnh báo thế giới không nên tách rời khỏi quốc gia này trong bài phát biểu qua video tại Diễn đàn châu Á Boao hàng năm.

Hôm 21/04, ông Tập đã đề xuất cái mà ông gọi là "sáng kiến ​​an ninh toàn cầu" mới do Trung Quốc lãnh đạo, đề cao các nguyên tắc bao gồm "tính không thể chia cắt về an ninh" - một khái niệm mà Nga sử dụng để biện minh cho cuộc tấn công vào Ukraine. Ông Tập phát biểu: “Các quốc gia trên thế giới giống như những hành khách trên cùng một con tàu, những người cùng chung số phận ... ý nghĩ ném bất kỳ ai ra khỏi tàu chỉ đơn giản là không thể chấp nhận được”.

Theo ông Chang, khi ông Tập nói về việc không thể chia cắt về mặt an ninh, ông ấy đã để lộ nỗi sợ hãi lớn nhất của mình, nỗi sợ về thế giới đang tách rời khỏi Trung Quốc. “Những gì ông Tập thực sự đang nói là thế giới không nên ném Trung Quốc ra khỏi tàu”.

Ông Chang suy đoán, mặc dù sợ trào lưu ‘thoát Trung’, nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn sẽ đẩy mạnh các chính sách hiện tại, ví dụ như Zero-Covid hay quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và Moscow, nếu ông ấy có được nhiệm kỳ thứ 3 vào mùa thu này.

“Tôi nghĩ rằng ông ấy [Tập Cận Bình] sẽ đẩy mạnh các chính sách [hiện có], rõ ràng là chúng không tốt cho đất nước [Trung Quốc], không tốt cho nền kinh tế, và sẽ mang đến kết cục tồi tệ cho Trung Quốc”.

Thế giới cần ‘thoát Trung’

Theo ông Chang, thế giới cần tách khỏi ĐCSTQ, mặc dù điều đó rất khó khăn bởi vì ĐCSTQ nắm giữ nền kinh tế lớn mạnh của Trung Quốc.

“Tôi tin rằng thế giới cần bắt đầu tự bảo vệ mình khỏi sự thâm độc của Trung Quốc, nghĩa là cắt đứt quan hệ, không thương mại, không đầu tư, không hợp tác kỹ thuật, cắt đứt quan hệ ngoại giao. … Tôi biết điều đó nghe có vẻ mạo hiểm … [nhưng] con đường nguy hiểm và rủi ro nhất chính là tiếp tục với những chính sách [hiện có] - những thứ đã đưa chúng ta vào mớ hỗn độn này”, ông Chang nói.

“Chúng ta đã bỏ lại những điều tốt nhất trong lịch sử để đến với những điều tồi tệ nhất, nhưng đó là bởi vì chúng ta có những đánh giá sai lầm về Trung Quốc; và những đánh giá này đã chuyển thành chính sách giúp Trung Quốc trở nên hiếu chiến hơn và làm suy yếu khả năng phòng thủ của chính chúng ta”, ông Chang nói.

Đức Duy

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Bị cô lập khỏi thế giới là nỗi sợ hãi lớn nhất của ĐCSTQ: Chuyên gia nhận định