Các khoản cho vay bí mật tiết lộ Trung Quôc đang thao túng khắp Á - Phi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trang Reuters vừa công bố bộ cơ sở dữ liệu tiết lộ về các khoản vay của Trung Quốc cho các quốc gia đang phát triển. Các điều khoản trong thỏa thuận vay của Trung Quốc nêu rõ “con nợ”, trong trường hợp này là những nước đang phát triển, phải ưu tiên trả nợ cho Trung Quốc trước các chủ nợ khác, kèm theo yêu cầu phải giữ bí mật khoản vay.

Bộ dữ liệu - được AidData, một phòng nghiên cứu thuộc Đại học William & Mary (bang Virginia, Mỹ), tổng hợp trong 3 năm, dựa trên 100 hợp đồng cho vay của Trung Quốc với 24 quốc gia ít phát triển và thuộc nhóm thu nhập trung bình, một số quốc gia này đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần chồng chất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trung Quốc hiện quốc gia là chủ nợ lớn nhất thế giới, chiếm 65% tổng số nợ song phương chính thức trị giá hàng trăm tỷ đô la trên khắp châu Phi, Đông Âu, Mỹ Latinh và châu Á.

“Trung Quốc là chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới, tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang thiếu thông tin cơ bản về các điều khoản và điều kiện cho vay của nước này đối với bên đi vay”, theo Anna Gelpern – giáo sư luật tại Đại học Georgetown, Mỹ chia sẻ.

Các nhà nghiên cứu tại AidData, Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) có trụ sở tại Washington, Viện Kiel của Đức và Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã so sánh các hợp đồng cho vay của Trung Quốc với các hợp đồng cho vay lớn khác để đưa ra đánh giá có hệ thống đầu tiên về các điều khoản pháp lý đối với nước ngoài của Trung Quốc và phát hiện ra một số đặc điểm bất thường đối với các thỏa thuận mở rộng cũng như các công cụ hợp đồng tiêu chuẩn để tăng cơ hội trả nợ.

Điều đáng chú ý trong các thỏa thuận này là các điều khoản bảo mật ngăn người vay tiết lộ các chi tiết của hợp đồng như: điều khoản của khoản vay, các thỏa thuận tài sản thế chấp không chính thức có lợi cho người cho vay Trung Quốc so với các chủ nợ khác. Bên cho vay cũng phải cam kết không tái cơ cấu tập thể các khoản vay từ Trung Quốc. Các hợp đồng cũng đi kèm với quyền lợi giúp Trung Quốc hủy bỏ các khoản vay hoặc đẩy nhanh việc trả nợ.

Scott Morris, thành viên cấp cao tại CGD và đồng tác giả của báo cáo, cho biết kết quả đặt ra câu hỏi về vai trò của Trung Quốc với tư cách là một trong nhóm các nền kinh tế lớn G20 đã đồng ý một "khuôn khổ chung". Đây là một cam kết nhằm giúp các quốc gia nghèo đối phó với áp lực tài chính do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bằng cách cho phép họ tái cơ cấu gánh nặng nợ nần.

Khuôn khổ yêu cầu đối xử công bằng với tất cả các chủ nợ, bao gồm cả các chủ nợ tư nhân, nhưng ông cho biết hầu hết các hợp đồng được kiểm tra đều cấm các quốc gia tái cơ cấu các khoản vay đó theo các điều kiện bình đẳng và hợp tác với các chủ nợ khác.

Ông Morris chia sẻ: “Đó là một điều khoản cấm rất đáng lưu ý và nó dường như đi ngược lại với những cam kết mà Trung Quốc đang đưa ra tại G20”. Đồng thời, ông nhận định rằng Trung Quốc có thể sẽ không thực thi những cam kết đó trong các điều khoản của hợp đồng cho vay với các quốc gia đang phát triển.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Trước đây, Trung Quốc từng nói rằng các tổ chức tài chính của họ, chứ không chỉ các chủ nợ chính thức của nước này, đang làm việc để giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần của các quốc gia châu Phi.

Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh cho biết vào rằng họ đã gia hạn nợ cho các nước đang phát triển trị giá tổng cộng 2,1 tỷ USD theo chương trình G20, mức cao nhất trong số các thành viên của nhóm về số tiền được hoãn nợ.

Các tài liệu được các nhà nghiên cứu kiểm tra cho nghiên cứu bao gồm 23 hợp đồng ký với Cameroon, 10 với Serbia và Argentina cũng như tám với Ecuador.

Những khoản cho vay này cũng khiến cho nhiều quốc gia nghèo hoặc đang phát triển có nguy cơ rơi vào bẫy nợ cao hơn qua hình thức các khoản vay mang mục tiêu chính sách đối ngoại, các sáng kiến ngoại giao, hay hạ tầng kỹ thuật của Trung Quốc.

Quyền lực chủ nợ của Trung Quốc đã phát huy tác dụng tối đa trên bàn cờ chính trị của thế giới, điều này giúp Bắc Kinh che dấu và 'cả vú lấp miệng em" với toàn bộ thế giới về các tội ác chống lại loài người mà nó tạo ra.

80 nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á - Phi, đều là các con nợ của Trung Quốc, gần đây nhất đã lên tiếng bênh vực Trung Quốc về tội ác diệt chủng Tân Cương, Tây tạng sau khi Mỹ và các nước Châu Âu tuyên bố chung cáo buộc Trung Quốc về vi phạm nhân quyền trầm trọng với dân tộc này.

Không chỉ Tân Cương, tội ác mổ cướp tạng các học viên Pháp Luân Công của Trung Quốc còn rõ ràng và tàn ác hơn nhiều, nhưng với sức mạnh kim tiền và sự giảo hoạt của Trung Quốc, tội ác vẫn đang ngông nghênh diễn ra tại đại lục. Dòng tiền từ mổ cướp tạng, diệt chủng người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, lại quay trở lại thành nợ với các nền kinh tế đang phát triển. Và các nền kinh tế khắp toàn cầu, những kẻ hưởng lợi từ Trung Quốc, vì lợi ích kinh tế - chính trị (chủ yếu là kinh tế cá nhân của nhóm chính trị gia) vẫn tiếp tục "nhắm mắt làm ngơ". Lương tâm con người khắp thế gian, đang nghèo nàn và đáng thương hơn bao giờ hết.

Đức Duy

Theo Reuters

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Các khoản cho vay bí mật tiết lộ Trung Quôc đang thao túng khắp Á - Phi