Bị thất hứa hàng tỷ USD, Philippines ‘cứng rắn’ với Trung Quốc, quay sang ‘dựa vào’ Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều năm qua Philippines đã xích lại gần Trung Quốc, nhưng giờ đây, với việc hàng tỷ USD mà Trung Quốc hứa đầu tư cho Philippines đã không thành hiện thực và Bắc Kinh ngang ngược bành trướng trên Biển Đông, Tổng thống Rodrigo Duterte chắc hẳn đã thất vọng và đang ngả về phía Hoa Kỳ.

Hôm thứ Ba (ngày 22/9), nhà lãnh đạo Philippines đã đưa ra lời biện hộ mạnh mẽ nhất chưa từng có đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 (có lợi cho Philippines), khi cho rằng yêu sách lãnh thổ rộng lớn của Bắc Kinh ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế.

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Duterte cho biết quyết định này “hiện là một phần của luật pháp quốc tế, nằm ngoài sự thỏa hiệp và nằm ngoài khả năng của các chính phủ để xem nhẹ, giảm bớt hoặc từ bỏ”.

“Chúng tôi kiên quyết bác bỏ các nỗ lực phá hoại nó. Chúng tôi hoan nghênh việc ngày càng có nhiều tiểu bang ủng hộ phán quyết này và điều mà nó tượng trưng - chiến thắng của lý trí trước sự hấp tấp, của luật pháp trước sự rối loạn, của sự thân thiện trước tham vọng”, ông Duterte thẳng thắn nói, mặc dù không nêu tên Trung Quốc.

Philippines ‘bài Trung’, quay lại hợp tác với Hoa Kỳ

Khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã “cưỡng lại” việc đề cập đến phán quyết của tòa , với mong muốn giữ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong khi tuyên bố "tách biệt" khỏi Mỹ (dưới thời Obama) - đồng minh quân sự lớn nhất của Philippines trong nhiều thập kỷ.

Nhưng trong những tháng gần đây, chính phủ của ông đã bắt đầu quay trở lại với Mỹ, đồng minh vốn được người dân Philippines ưa chuộng, khi Bắc Kinh tăng cường vũ lực ở Biển Đông và nền kinh tế Philippines bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Giờ đây, “có nhiều không gian hơn để những người chỉ trích Trung Quốc được lắng nghe và gây ảnh hưởng”, Malcolm Cook, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak và điều phối viên của dự án Philippines, cho biết. Ông nói thêm rằng các quan chức vốn được cho là “bài Trung”, đã bước lên vị trí dẫn đầu trong khi ông Duterte quay lại “nương tựa” Hoa Kỳ.

“Các trọng số trong chính sách đối ngoại của Philippines đối với Mỹ và Trung Quốc đã thay đổi trong năm nay theo hướng thiên về Hoa Kỳ”, ông Cook cho biết.

Philippines tạo điều kiện cho các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ trong khi bắt đầu gia tăng chỉ trích về các động thái của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp (Ảnh: NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)
Philippines tạo điều kiện cho các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ trong khi bắt đầu gia tăng chỉ trích về các động thái của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp (Ảnh: NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)

Vào tháng 6/2020, Philippines tạo điều kiện cho các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ trong khi bắt đầu gia tăng chỉ trích về các động thái của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp. Tháng này, ông Duterte đã ân xá cho một lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ bị kết tội vào năm 2015 vì giết một người chuyển giới Filipina.

Tuần này, Philippines hoan nghênh Mỹ và các quốc gia khác đóng vai trò duy trì an ninh ở Biển Đông, sau tuyên bố tương tự của Việt Nam hồi đầu tháng 9/2020. Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ và gọi đây là “động lực lớn nhất của quân sự hóa Biển Đông”.

Liên minh Mỹ - Philippines là liên minh lâu đời nhất trong khu vực, với một hiệp ước phòng thủ chung được ký kết vào năm 1951 quy định rằng, một trong hai quốc gia sẽ đáp trả bằng quân sự trong trường hợp có một cuộc tấn công vào bên kia.

‘Muộn còn hơn không’

Philippines là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Đông Nam Á với hơn 291.000 trường hợp nhiễm bệnh, và nền kinh tế của nước này dự kiến ​​sẽ giảm tới 6,6% trong năm nay.

Trong những tháng gần đây, Philippines cáo buộc Bắc Kinh khảo sát vùng biển mà cả hai nước tuyên bố chủ quyền, sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển để thu giữ thiết bị đánh cá gần bãi cạn tranh chấp, công bố các cơ sở nghiên cứu rạn san hô mới và chĩa súng laser vào tàu Hải quân Philippines. Hơn nữa, lời hứa hàng tỷ USD cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc dành cho Philippines đã không thành hiện thực. Chính quyền Philippines có lẽ đã bắt đầu "tỉnh ngộ".

“Tôi có thể thề với các bạn, các cường quốc phương Tây sẽ ở Biển Đông. Chúng tôi tin vào cán cân quyền lực, rằng tự do của người dân Philippines phụ thuộc vào cán cân quyền lực ở Biển Đông”, Ngoại trưởng Teodoro Locsin nói với các nhà lập pháp trong một phiên điều trần ở Manila hôm thứ Hai (ngày 21/0).

Đại sứ đã nghỉ hưu Lauro Baja, người từng là đại diện thường trực của Philippines tại Liên Hiệp Quốc và hai lần là chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cho biết phán quyết của trọng tài "lẽ ra phải được nêu lên cách đây ba năm" khi Philippines thắng kiện.

"Bây giờ, đã muộn, nhưng muộn còn hơn không", ông Baja nói với South China Morning Post.

Đức Duy

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Bị thất hứa hàng tỷ USD, Philippines ‘cứng rắn’ với Trung Quốc, quay sang ‘dựa vào’ Hoa Kỳ