Biển Đông 'nóng lên': Nhật Bản sẽ thỏa thuận bán vũ khí cho Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga sẽ ký thỏa thuận xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng cho Việt Nam khi ông đến thăm Hà Nội vào tuần tới, cho thấy tầm quan trọng của liên kết khu vực sẽ như một “bức tường thành” chống lại Trung Quốc

Tiếp theo việc Mỹ dự kiến bán 7 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan, sẽ là động thái từ phía Nhật Bản, khi vào ngày 14/10, Tokyo tiết lộ rằng sẽ tăng cường an ninh hàng hải của riêng mình ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Hồi tháng 5/2020, Mỹ cho biết có kế hoạch thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” bằng cuộc đối thoại nhóm “bộ tứ kim cương” (Nhóm QUAD) gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và mời thêm 3 quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand.

Vào ngày 7/9, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đã ký công hàm trao đổi về khoản viện trợ ODA không hoàn lại trị giá 2 tỷ Yên Nhật, tương đương gần 500 tỷ đồng, giúp Việt Nam phòng chống dịch COVID-19.

Tiếp theo, quan hệ Việt-Nhật sẽ có bước tiến mới, khi cùng chung mục đích “chống Trung”.

Nhật Bản chú trọng liên kết khu vực - Bức tường thành ‘chống Trung’

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ sử dụng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình để ký kết thỏa thuận xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng tiên tiến cho Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội vào tuần tới.

Vào thứ Ba (ngày 13/10), ông Suga cho biết sẽ đến thăm Việt NamIndonesia, và sẽ ký thỏa thuận này với người đồng cấp Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thỏa thuận được nhiều người coi là một trong những động thái mới nhất của Tokyo nhằm nâng cấp năng lực của các quốc gia đồng minh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như một bức tường thành chống lại các động thái hung hăng của Bắc Kinh nhằm kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn, bao gồm cả vùng tranh chấp Biển Đông.

Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với xuất khẩu các hệ thống vũ khí vào năm 2014 nhằm tạo điều kiện cho các công ty trong nước có công nghệ quân sự tiên tiến tiếp cận thị trường mới. Tàu ngầm mới nhất của Nhật là tàu chiến 3.000 tấn mang tên Taigei, đã được ra mắt vào ngày 14/10 tại một nhà máy đóng tàu ở phía tây Nhật Bản, khi nước này tăng cường an ninh hàng hải của mình.

Tuy nhiên, cạnh tranh trên trường toàn cầu rất khốc liệt và các công ty Nhật đã không đạt được nhiều thành tựu như dự đoán. Điều này khiến họ không muốn đầu tư vào phát triển thiết bị quân sự tiên tiến và khiến chính phủ lo ngại rằng các nhà sản xuất quốc phòng trong nước sẽ chuyển sang các sản phẩm có lợi hơn, khiến quân đội Nhật Bản phụ thuộc nhiều hơn vào việc mua thiết bị từ nước ngoài, chủ yếu từ Hoa Kỳ.

Toshimitsu Shigemura - giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda của Tokyo cho biết: “Việc ông Suga chọn đến thăm các nước Đông Nam Á cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên là rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ điều này cho thấy chính phủ Nhật đánh giá cao tầm quan trọng của việc xây dựng liên minh chống Trung Quốc trong khu vực”.

Ông nói: “Trong một vài năm, Nhật Bản đã nỗ lực để đưa Hà Nội đến gần Tokyo hơn thông qua viện trợ, thương mại, du lịch và người lao động đến Nhật Bản”.

Vào tháng 8/2020, Nhật Bản đã công bố thỏa thuận trị giá 348 triệu USD để đóng 6 tàu tuần tra mới cho lực lượng tuần duyên của Việt Nam. Thỏa thuận này được coi là sự ủng hộ của Tokyo đối với chính sách của Hà Nội trong việc chống lại sự xâm phạm của Trung Quốc vào các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Hỗ trợ năng lực hàng hải cho Việt Nam

Các nhà quan sát cho rằng chuyến thăm cảng Cam Ranh, phía đông nam Việt Nam, của ba tàu thuộc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản từ ngày 9/10 cũng không phải là một sự ngẫu nhiên.

Hải đội - tàu ngầm Shoryu, tàu khu trục Ikazuchi và tàu sân bay trực thăng Kaga - đã tiến hành các cuộc tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông trước khi ghé thăm Vịnh Cam Ranh, đây được coi là một động thái có tính toán nhằm củng cố lập trường của Nhật Bản rằng các tàu có thể thực hiện quyền tự do đi lại qua vùng biển mà Trung Quốc hiện tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Cho đến nay, Nhật Bản mới chỉ ký một thỏa thuận xuất khẩu thiết bị quân sự với Philippines vào tháng 8/2020 về hệ thống radar cảnh báo và điều khiển do Mitsubishi Electric phát triển. Philippines là một quốc gia khác đang tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền của các bãi cạn và đảo san hô nằm rải rác ở Biển Đông.

Stephen Nagy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo quốc tế Tokyo, cho biết: “Tôi chắc chắn rằng Nhật Bản sẽ cung cấp công nghệ và hợp tác hàng hải cho Việt Nam để nước này có thể chống chọi tốt hơn với Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp này”.

“Việt Nam sẽ không gây chiến trên bộ với Trung Quốc nên thỏa thuận này sẽ tập trung rất nhiều vào việc cải thiện năng lực hàng hải của họ, điều này cũng đóng góp vào cam kết được lặp lại của cả hai nước đối với một môi trường hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông”, ông Nagy nói.

Không có thông tin chi tiết về các hệ thống vũ khí sẽ được cung cấp bởi Tokyo, nhưng các nhà sản xuất thiết bị quốc phòng Nhật Bản trong những năm gần đây đã tiết lộ về: hệ thống radar giám sát dựa trên laser tiên tiến, công nghệ dò mìn, xe tấn công đổ bộ, chuyên gia tầm xa, máy bay tuần tra hàng hải, công nghệ bay không người lái dưới nước, vũ khí nhỏ và áo giáp.

Cũng có thể Nhật Bản sẽ đồng ý chia sẻ thông tin tình báo thu thập được từ các lực lượng hàng hải và vệ tinh do thám của họ. Tuy nhiên, bất cứ điều gì diễn ra tại các cuộc thảo luận ở Hà Nội cũng có thể khiến Bắc Kinh không hài lòng, các chuyên gia cho biết.

Ông Shigemura cho rằng Bắc Kinh sẽ “lo ngại” vì họ phản đối bất kỳ mối quan hệ chặt chẽ nào giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ông Nagy cũng cho biết Thủ tướng Suga sẽ thận trọng để tránh gây phản cảm với Bắc Kinh quá sâu.

“Ông Suga vẫn có ý định đưa quan hệ với Trung Quốc đi đúng hướng sau chính quyền của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, vì vậy ông ấy sẽ không thúc ép để gây áp lực quá mạnh với họ”, ông Nagy nói.

“An ninh là một lĩnh vực mà Nhật Bản và Việt Nam có thể hợp tác, nhưng ông ấy cũng sẽ quan tâm đến các thỏa thuận liên quan đến cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng đa dạng và ‘dấu chân lớn hơn’ cho các tập đoàn Nhật Bản tại Việt Nam như một cách để thúc đẩy liên minh”, Nagy cho biết.

Đức Duy



BÀI CHỌN LỌC

Biển Đông 'nóng lên': Nhật Bản sẽ thỏa thuận bán vũ khí cho Việt Nam