Bloomberg: Không loại trừ khả năng Mỹ tiếp tục siết chặt dòng vốn chảy vào doanh nghiệp Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bloomberg không loại trừ khả năng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ tiếp tục siết chặt dòng vốn đầu tư từ Mỹ đổ vào Trung Quốc cũng như hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc huy động vốn trên thị trường vốn của Mỹ thông qua nâng cao các rào cản kỹ thuật về minh bạch thông tin, năng lực tài chính…

Trong bối cảnh Trung Quốc đang hứng chịu dịch bệnh do virus Corona - vốn đã và đang làm suy yếu nền kinh tế này - thì các thông điệp chính sách của Mỹ dường như không vì thế mà nới lỏng hơn với đại lục.

Mỹ phát đi tín hiệu tiếp tục leo thang thương chiến bất chấp virus Corona và Thỏa thuận thương mại giai đoạn một Mỹ - Trung đã được ký

Bộ Thương mại Mỹ đã công bố hôm thứ Hai (3/2) vừa qua về việc sửa đổi luật chống thao túng tiền tệ. Theo đó, các quy định mới được sửa đổi sẽ đưa Trung Quốc tái gia nhập vào các quốc gia thao túng tiền tệ. Quy định mới cũng dọn đường cho Mỹ đánh thuế trừng phạt lên Trung Quốc (trong đó không ngoại trừ Việt Nam).

Không những vậy, các thảo luận chính sách về việc ngăn dòng vốn đầu tư của Mỹ đổ vào doanh nghiệp Trung Quốc cũng như ngăn doanh nghiệp Trung Quốc hút vốn từ thị trường vốn của Mỹ vẫn đang được chính quyền của ông Trump nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng. Tài phiệt Phố Wall nỗ lực vận động hành lang với Chính phủ Mỹ để xóa bỏ ý tưởng về vấn đề này do giới đầu tư Phố Wall e ngại chính sách này sẽ hạn chế khả năng mở rộng kinh doanh của họ tại Trung Quốc (theo Bloomberg).

Tuy nhiên, nhiều trợ lý hàng đầu của ông Trump, dưới tư cách cá nhân hoặc công khai, vẫn đang thảo luận về việc ban hành gói chính sách này. Tổng thống Trump và các cố vấn của mình coi đây như một trong những biện pháp hữu hiệu bảo vệ nhà đầu tư Mỹ và ép Bắc Kinh phải tuân thủ các quy tắc của Mỹ ngay cả khi Thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã được ký kết giữa hai nước.

Larry Kudlow, một trong những cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng nhiều cơ quan chính phủ đang tích cực nghiên cứu vấn đề này. Ông khẳng định: “Chúng tôi đã xem xét rất nhiều thứ. Chúng tôi chưa đưa ra bất cứ một chính sách cụ thể nào, nhưng đó là một nghiên cứu liên cơ quan”.

Mỹ đang thúc đẩy pháp lý để tạo điều kiện áp chính sách siết chặt dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc và ngăn doanh nghiệp Trung Quốc hút vốn trên thị trường vốn của Mỹ

Tại Quốc hội, Thượng nghị sĩ Marco Rubio tiếp tục thúc đẩy pháp lý để xem xét những tác động khi Mỹ đổ tiền đầu tư nhiều hơn vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc. Tháng trước, một ủy ban của Quốc hội đã lắng nghe cả ngày các chứng cứ từ các chuyên gia về “China’s Quest for Capital” (tạm dịch “Điều tra Trung Quốc về vốn”).

“Cả hai đảng trong Quốc hội ngày càng đồng thuận rằng mối quan hệ tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc xứng đáng được xem xét kỹ lưỡng - đặc biệt là cách Đảng Cộng sản Trung Quốc khai thác thị trường vốn và các quy tắc minh bạch của Mỹ”, ông Rubio, một người của Đảng Cộng hòa Florida nói. “Trong khi tôi hy vọng chính quyền sẽ thực hiện thì rõ ràng là Quốc hội cần hành động để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về các hoạt động ranh mãnh của mình khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ và người nghỉ hưu Mỹ gặp rủi ro”.

Ông Rubio đã đề nghị một số dự luật về vấn đề này, bao gồm một dự luật sẽ ngăn chặn quỹ hưu trí chính phủ đầu tư vào một số công ty Trung Quốc và một dự luật khác có thể chặn một số cổ phiếu Trung Quốc giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ nếu họ không tuân thủ các quy tắc kiểm toán của Mỹ.

Ông Kudlow cho biết ngay cả khi có “một số điểm tương đồng” giữa các yêu cầu của các nhà lập pháp và cái mà Nhà Trắng đang đòi hỏi, thì chính quyền cũng đang theo đuổi kế hoạch của riêng mình tách hẳn các nhà lập pháp như Rubio. Ông nói rằng nỗ lực này “không chỉ nhắm riêng tới Trung Quốc” và bổ sung rằng Nhà Trắng không bao giờ có ý định loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch Mỹ (theo Bloomberg).

Báo cáo Goldman về tác động của chính sách này (nếu có) lên nền kinh tế Trung Quốc

Trong báo cáo tháng 10/2019 của Goldman, các nhà đầu tư của Mỹ đang nắm giữ khoảng 785 tỷ đô la cổ phần của Trung Quốc (tính đến tháng 9/2019). Goldman cho biết, thị trường Mỹ là một trong ba điểm đến phổ biến nhất để giúp các công ty Trung Quốc tăng vốn.

Khi Hoa Kỳ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng trước, nhiều công ty Phố Wall đã chuyển sự chú ý trở lại vào lời hứa của Bắc Kinh về việc mở cửa hơn nữa thị trường tài chính và phớt lờ nguy cơ chính sách đang được thảo luận có thể trở thành hiện thực.

Thỏa thuận thương mại giúp các ngân hàng Mỹ hoạt động tại Trung Quốc dễ dàng hơn do có quy định rằng Bắc Kinh sẽ gỡ bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài cho các công ty chứng khoán vào tháng Tư. Các ngân hàng đầu tư toàn cầu trước đây đã phải đối mặt với những rào cản khi mở rộng kinh doanh tại quốc gia châu Á này. Luật pháp của đất nước này yêu cầu các công ty nước ngoài kinh doanh chứng khoán địa phương thông qua liên doanh với các đối tác Trung Quốc - những đối tác này nắm giữ quyền kiểm soát vốn góp cổ phần.

“Thời điểm này, chính quyền ít quan tâm đến việc đối kháng với Trung Quốc theo cách có thể gây nguy hại cho các cam kết mua hàng trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nhất là khi giờ đây Trung Quốc đang phải gánh chịu áp lực do virus Corona”, Leland Miller, giám đốc điều hành của China Beige Book cho biết.

Thủy Tiên

Theo Bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

Bloomberg: Không loại trừ khả năng Mỹ tiếp tục siết chặt dòng vốn chảy vào doanh nghiệp Trung Quốc