Bộ mặt thật của ngành ngân hàng Trung Quốc - Lý do người dân không thể rút tiền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các số liệu chính thức tích cực của ngành ngân hàng Trung Quốc đang che giấu những thực tế đáng lo ngại: cách phân loại rủi ro khoản vay quá linh hoạt, tỷ lệ dự trữ thấp và mức vốn thấp lịch sử. Không có nhiều giải pháp cho chính quyền Bắc Kinh để cải thiện hệ thống ngân hàng; và sẽ cần một sự tái thiết lớn để quay trở lại con đường phát triển bền vững hơn.

Tình trạng của các ngân hàng ở Trung Quốc đang là tâm điểm của những lo ngại về nền kinh tế và tăng trưởng toàn cầu. Với hình ảnh đám đông giận dữ bên ngoài các ngân hàng và xe tăng trên đường phố ở một thành phố để dập tắt sự bất mãn về việc không thể rút tiền, chúng ta nên đặt câu hỏi về tình trạng thực sự của các ngân hàng Trung Quốc.

Các vấn đề đáng lo ngại trong ngân hàng Trung Quốc

Về mặt chính thức (tức là theo công bố của nhà nước), các ngân hàng Trung Quốc đang hoạt động tốt. Các khoản nợ xấu là thấp và được xử lý một cách có kiểm soát. Các ngân hàng vẫn thoải mái trong giới hạn quy định về tăng trưởng cho vay; và tiền gửi tiếp tục tăng. Tuy nhiên, cũng như đối với tất cả mọi thứ từ Trung Quốc, những thứ đằng sau các số liệu thống kê chính thức cho thấy các vấn đề đáng lo ngại.

Thứ nhất, cách phân loại khoản vay ở Trung Quốc không nắm bắt được mức độ rủi ro vỡ nợ thực sự. Việc phân loại các khoản cho vay ở Trung Quốc vẫn được biết đến là linh hoạt một cách đáng lo ngại. Các ngân hàng Trung Quốc có thể đặt ra tiêu chuẩn cho các khoản cho vay được phân loại là nợ xấu - theo cách sẽ không được các cơ quan quản lý ở các nước khác chấp nhận. Đây là một thực tế mà họ công khai thừa nhận.

Ở hầu hết các hệ thống pháp lý, khoản thanh toán lãi suất quá hạn 90 ngày sẽ làm thay đổi cách phân loại (khoản thanh toán đó). Trong khi đó, một số ngân hàng Trung Quốc cho biết họ không thay đổi phân loại khoản vay thành "đáng nghi ngờ" cho đến khi “hoạt động của bên vay bị đình chỉ trong ít nhất nửa năm”. Việc ngừng hoạt động của một công ty sẽ làm cho bất kỳ khoản nợ chưa thanh toán nào trở nên đáng ngờ.

Thứ hai, các ngân hàng Trung Quốc có tỷ lệ đòn bẩy cao và thiếu vốn. Tỷ lệ dự trữ theo tỷ lệ (tương ứng với quy mô) đối với tất cả các ngân hàng ở Trung Quốc hiện chỉ là 8,4% tổng vốn. Đây là mức giảm so với hơn 21% của một thập kỷ trước. Điều này có nghĩa là các ngân hàng Trung Quốc có ít vốn hơn đáng kể để có thể gánh chịu các khoản lỗ, đồng thời ít tiền mặt hơn để người gửi tiền rút. Những con số về dự trữ vốn này là các con số chính thức. Ngay cả những thay đổi nhỏ đối với lượng nợ xấu, một vấn đề hết sức đáng ngờ đã được đề cập ở đoạn trước, cũng có thể nhanh chóng làm suy giảm con số 8,4% đó (nợ xấu sẽ khiến vốn dự trữ của ngân hàng giảm đi).

Bộ mặt thật của ngành ngân hàng Trung Quốc, Lý do người dân không thể rút tiền
Người dân xếp hàng bên ngoài một ngân hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 02/06/2022. (Ảnh: Hu Chengwei / Getty Images)

Thứ ba, các ngân hàng đang đối mặt với làn sóng người đi vay với tâm lý căng thẳng khi mà vốn của họ đang ở mức thấp lịch sử và họ đã làm giả dữ liệu trong một thời gian dài. Các chính quyền địa phương đã chứng kiến ​​doanh thu sụt giảm do hoạt động kinh tế suy yếu do COVID-19 và bất động sản. Khu vực bất động sản, chiếm khoảng 30% GDP, đang chịu áp lực rất lớn; cả người mua và các nhà phát triển đều cảm nhận được áp lực. Nói cách khác, ngay khi ngân hàng cần vốn nhất, thì ngân hàng lại đang có mức vốn thấp nhất trong nhiều năm.

Cần tái thiết ở quy mô lớn

Tin xấu là Bắc Kinh có rất ít các lựa chọn sẵn có để xử lý vấn đề của ngành ngân hàng; nguyên nhân đến từ việc nhiều năm qua, Bắc Kinh thúc đẩy việc mở rộng nhanh chóng chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Việc tái cung cấp vốn cho các ngân hàng sẽ cần một khoản tiền khổng lồ, đòi hỏi việc tạo ra đáng kể lạm phát hoặc việc phá giá đồng CNY (nhân dân tệ) của Trung Quốc so với USD. Do người tiêu dùng đang vay nợ quá mức và giá bất động sản cao nên người tiêu dùng không có tâm lý vay thêm - trong khi việc vay thêm này lại có thể giải cứu chính quyền địa phương cũng như các nhà phát triển bất động sản.

Môi trường quốc tế cũng không thuận lợi hơn chút nào. Trong nhiều năm, Trung Quốc được hưởng lợi từ một chu kỳ kinh doanh có tính đồng bộ với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đang nhanh chóng thắt chặt (chính sách tiền tệ) do mức lạm phát gần hai con số, trong khi Trung Quốc đang tìm cách giảm bớt áp lực tài chính (nới lỏng chính sách) đối với một nền kinh tế đang suy giảm nhanh chóng.

Khi lãi suất giữa Trung Quốc và Mỹ dần tương đương, điều đó gây áp lực lớn hơn khiến dòng vốn rời khỏi Trung Quốc. Các ngân hàng Trung Quốc đã thắt chặt các giới hạn đối với việc chuyển tiền ra nước ngoài bằng USD, nhưng điều này chẳng giúp được gì để ngăn chặn tình trạng dòng vốn thất thoát khỏi Trung Quốc.

Một thực tế khắc nghiệt là cần có sự thiết lập lại lớn về giá tài sản Trung Quốc và vốn ngân hàng để Trung Quốc có thể quay trở lại con đường phát triển kinh tế bền vững hơn. Bất động sản ở các thành phố lớn của Trung Quốc đang đắt đỏ hơn rất nhiều so với thu nhập; và những ngày tháng người dân Trung Quốc có thể tiết kiệm đã lùi vào quá khứ. Hiện tại, thực tế là người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc là những đối tượng mắc nợ nhiều nhất trên thế giới, và tốc độ tăng trưởng đang suy giảm nhanh chóng. Không có lối thoát đơn giản nào cho tình hình này. Thời kỳ sử dụng tăng trưởng nhanh để giải quyết các vấn đề đã qua đi.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Đức Duy

Theo Christopher Balding - The Epoch Times

Tác giả Christopher Balding từng làm việc tại Đại học Fulbright Việt Nam và Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh. Ông chuyên nghiên cứu về kinh tế, thị trường tài chính và công nghệ Trung Quốc. Là thành viên cao cấp của tổ chức Henry Jackson Society, ông đã sống ở Trung Quốc và Việt Nam trong hơn một thập kỷ trước khi chuyển đến Mỹ.



BÀI CHỌN LỌC

Bộ mặt thật của ngành ngân hàng Trung Quốc - Lý do người dân không thể rút tiền