Bộ Tài chính chấn chỉnh tình trạng NHTM ép khách hàng mua bảo hiểm: Chưa đủ ngăn rủi ro!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo tin từ Chính phủ, Bộ Tài chính vừa ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm, không để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng chèo kéo, gợi ý, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm cùng với các sản phẩm tài chính khác khi vay vốn, tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Điều này rất tốt nhưng chưa đủ để ngăn rủi ro hệ thống.

Ngăn chặn NHTM chèo kéo, ép buộc khách mua bảo hiểm

Theo trang Chính phủ, văn bản của Bộ Tài chính cho biết, liên quan tới công tác quản lý thị trường bảo hiểm, trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty môi giới bảo hiểm nhằm hạn chế tối đa tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm, cũng như đảm bảo tối đa quyền lợi của người mua bảo hiểm.

Đặc biệt, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã giao Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm chủ động giám sát chặt chẽ thị trường bảo hiểm, không để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng chèo kéo, gợi ý, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm cùng với các sản phẩm tài chính khác khi vay vốn, tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

Bộ tài chính cho rằng thời gian qua vẫn có tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn.

Về việc này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp tục yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm. Tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan.

Phối hợp với NHNN

Bộ trưởng chỉ đạo phải tổ chức công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân và doanh nghiệp về các sản phẩm bảo hiểm biến tướng nêu trên. Phân công cán bộ trực 24/7 và kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để có biện pháp thanh tra, phối hợp với cơ quan công an và thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.

Cùng với đó, tiến hành rà soát và báo cáo đánh giá rủi ro tình hình thị trường bảo hiểm Việt Nam, có đánh giá về thực trạng số lượng, hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, tái bảo hiểm so với quy mô thị trường và đặc biệt là việc tuân thủ các quy định trong hoạt động huy động, đầu tư vốn (nếu có) của các doanh nghiệp bảo hiểm tại một số lĩnh vực có hệ số rủi ro cao.

Niềm tin bị xói mòn và rủi ro hệ thống

Trong khi Bộ Tài chính nhiệt tình lên tiếng về hành vi "trái quy định pháp luật" này của các hãng bảo hiểm khi đặt đại lý tại chính các NHTM, thì cơ quan chủ quản của các NHTM lại chưa có hành động chính sách đủ mức để ngăn chặn hành vi này; vốn tạo ra rủi ro rất lớn với chính các NHTM, làm mất mát niềm tin của người gửi tiền, niềm tin của khách hàng với hệ thống NHTM.

Việc chỉ ngăn chặn hành vi chèo kéo, ép buộc khách hàng (gửi tiền và vay vốn) mua bảo hiểm chưa đủ ngăn rủi ro hệ thống, xói mòn niềm tin vào hệ thống NHTM.

Với bất kỳ NHTM nào, với bất kỳ hệ thống ngân hàng nào thì niềm tin của người gửi tiền, niềm tin của khách hàng là tài sản lớn nhất, quý giá nhất.

Đáng tiếc, tài sản này đang bị xói mòn trầm trọng.

Việc chỉ ngăn chặn hành vi chèo kéo, ép buộc mua bảo hiểm ở NHTM như hiện nay giống như chỉ gióng lên một hồi chuông; chỉ nêu lên vấn đề, rồi sửa ngọn mà quên sửa gốc vậy.

Về cơ bản NHTM vẫn được quyền bán bảo hiểm cho khách hàng của họ. Thậm chí, sau đợt thanh tra này, rất có thể việc chèo kéo, cung cấp thông tin không đầy đủ cho khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ tại các NHTM vẫn tiếp diễn. Tất cả đang tạo ra rủi ro lây nhiễm chéo giữa lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm.

Thứ nhất, khi sản phẩm bảo hiểm được bán tại quầy huy động tiền hoặc phòng tín dụng của các NHTM, sản phẩm đó được gắn với hình ảnh, uy tín và giá trị của NHTM đó. Tuy nhiên, bản thân nhân viên NHTM không tư vấn hết lộ trình đóng bảo hiểm, mức tổn thất của khách hàng đóng bảo hiểm khi ngừng đóng trước hạn hoặc muốn rút tiền đóng bảo hiểm ra trước hạn. Điều này khiến nhiều khách hàng sau 5 năm bị ép mua bảo hiểm muốn rút tiền ra thì chỉ nhận được 10 - 15% giá trị tiền đã đóng. Lúc này, cảm xúc của bất kỳ khách hàng nào chính là mình bị NHTM lừa. Niềm tin với hệ thống NHTM suy giảm trầm trọng. Một tài sản quý giá nhất làm nên sự ổn định của hệ thống đã bị xói mòn trước sự im lặng của các cơ quan quản lý nhà nước trong rất nhiều năm tháng.

Thứ hai, trường hợp các hãng bảo hiểm - cũng được xem như một định chế tài chính (có huy động tiền từ bảo hiểm, có đầu tư ngắn và dài hạn...) - gặp rủi ro phá sản hoặc không thể chi trả bảo hiểm; lúc này với tư cách là đại lý, các NHTM chính là nơi để người mua bảo hiểm đến đòi nợ. Rủi ro chéo như vậy rất nguy hại cho hệ thống ngân hàng cũng như cho lĩnh vực bảo hiểm. Sự đổ vỡ của một định chế có thể kéo theo nhiều định chế khác ở lĩnh vực khác.

Bởi vậy, việc ngăn chặn hành vi này là chưa đủ. NHNN, Bộ Tài chính và trên nữa là Chính phủ, Quốc hội Việt Nam cần phải đảm bảo các NHTM không trở thành đại lý bán các sản phẩm tài chính của lĩnh vực khác như bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp cho khách hàng của họ. Rủi ro đạo đức đang gia tăng khi nhân viên NHTM cần kiếm tiền. Cùng với rủi ro đạo đức chính là niềm tin - tài sản quý giá nhất của hệ thống ngân hàng - đang biến mất.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Bộ Tài chính chấn chỉnh tình trạng NHTM ép khách hàng mua bảo hiểm: Chưa đủ ngăn rủi ro!