Bộ trưởng Hang Chuon Naron: Người viết lên câu chuyện thành công nổi tiếng thế giới cho ngành giáo dục Campuchia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nỗ lực cải cách quyết liệt những năm qua giúp giáo dục Campuchia "lột xác" và công lớn thuộc về vị Bộ trưởng Giáo dục, Thanh niên và Thể thao, TS Hang Chuon Naron. Sau 7 năm tại vị, ông đã đưa lại cho giáo dục Campuchia một diện mạo tươi mới mà nhiều quốc gia phải thèm muốn.

Thời điểm ông Hang Chuon Naron - một chính trị gia và nhà kinh tế học sinh năm 1962 - bắt đầu đảm nhận chức vụ năm 2013, nền giáo dục Campuchia đang chìm vào tình trạng chạy đua theo thành tích, chất lượng xuống cấp, giáo viên yếu và thiếu, học sinh không có khả năng cạnh tranh, nạn gian lận thi cử và tham nhũng tràn lan trong hệ thống.

TS Chuon Naron cùng nhiều quan chức hiểu rõ Campuchia phải tìm ra con đường đi mới khi đất nước thoát khỏi danh sách thu nhập thấp, vì các ngành sử dụng lao động thô sơ sẽ dần được thay thế bởi các ngành công nghiệp tri thức chuyên sâu. Và giáo dục phải mở đường cho sự "lột xác" đó.

Chương trình hành động 8 điểm để cải cách hệ thống

Bộ trưởng Hang Chuon Naron quyết tâm cải cách giáo dục thông qua chương trình hành động gồm 8 điểm. Đó là: Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, tăng cường đội ngũ quản lý, thắt chặt mọi kỳ thi, cải cách giáo dục cấp cao hơn, phát triển các kỹ năng mềm và kỹ thuật cho người trẻ tuổi, cải cách mạnh mẽ quản lý tài chính công, cải cách giáo dục và thể thao, và thiết lập ngân hàng chất xám cho ngành giáo dục.

Việc đầu tiên ông cho làm là chống gian lận thi cử trung học để đưa chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Và ông cho coi thi cực kỳ nghiêm nhặt và đưa tỷ lệ tốt nghiệp PTTH của Campuchia vốn toàn gần như tuyệt đối về thực chất. Khi đó dân biểu tình và nhiều người chống đối, xong ông dám đối mặt và làm bằng được, quyết không chùn bước.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của Campuchia từ 80% trong năm 2013 giảm mạnh còn 25,7% năm 2014. Nghĩa là thực chất chỉ có 1/4 xứng đáng đậu PTTH mà thôi. Sau đó học sinh phải bỏ công sức ra “học thật”.

Nhờ sự quyết liệt và vững vàng của ông trong cải cách giáo dục, tỷ lệ này trong các năm sau được cải thiện đáng kể (năm 2015 là 56%, năm 2016 là 62%, năm 2017 là 63,84% và năm 2019 là 68%), và điều đáng nói là không còn bóng dáng của tệ hối lộ và gian lận.

Những học sinh đạt điểm A trong kỳ thi này khi cải cách chỉ còn 11 em, nay đạt 400 em.

Tiếp đó, Bộ trưởng Chuon Naron bắt tay cải cách chương trình giảng dạy. Các ủy ban chuyên gia được thành lập nhằm liên tục chỉnh sửa và đổi mới chương trình giảng dạy ở mọi cấp học.

Về sách giáo khoa, ông cho làm lại nội dung theo hướng cho phép học sinh tham gia tích cực hơn vào các bài học.

Việc kế tiếp ông cho tăng lương giáo viên lên 300% cho toàn bộ 130 ngàn người. Và 80% tổng ngân sách giáo dục của Campuchia hiện nay là giành cho lương giáo viên. Đồng thời giáo viên buộc phải nâng cao trình độ. Bộ Giáo dục xây dựng các kế hoạch với mục tiêu nâng cao trình độ của tất cả giáo viên-đòi hỏi họ phải có bằng cử nhân thay cho bằng trung cấp (chỉ phải học 2 năm) như hiện nay. Riêng đối với giáo viên THPT, tiến tới sẽ phải có bằng thạc sĩ.

Trả lời phỏng vấn của tờ Southeast Asia Globe vào tháng 10/2017, Bộ trưởng Hang Chuon Naron chia sẻ: "Chúng tôi nhận ra vấn đề nằm ở đội ngũ giáo viên. Trong chế độ Khmer Đỏ, 80% giáo viên đã bị sát hại, vì vậy chúng tôi đã phải tuyển dụng một lượng đông đảo những người không đủ điều kiện làm giáo viên".

Khẳng định trình độ của giáo viên là vấn đề quan trọng nhất, chủ trương mới của Bộ trưởng Chuon Naron có mục đích khuyến khích họ tham gia một chương trình đào tạo bồi dưỡng từ 1-2 năm, với mục tiêu "phải đáp ứng được tiêu chuẩn".

Về nhân lực giáo dục, ông chỉ thị cho các trường công lập phải giám sát chặt chẽ nhân viên của mình, xử phạt những người đi muộn, về sớm hoặc bỏ tiết. Lập luận mà ông đưa ra là những hành vi này ảnh hưởng tiêu cực đến chương trình giảng dạy, làm tăng khối lượng công việc cho đồng nghiệp, giảm thời gian học tập của học sinh, kéo theo tác động xấu tới toàn bộ xã hội.

Ông cực kỳ chú trọng vào đào tạo cho sinh viên và học sinh về kỹ thuật số qua việc xây dựng thí điểm các trường học Thế hệ mới. Campuchia đã đầu tư hàng triệu USD vào cơ sở hạ tầng của Trường học Thế hệ Mới, thư viện điện tử, đào tạo giáo viên và đưa Công nghệ thông tin vào lớp học. (Ảnh minh họa)
Ông cực kỳ chú trọng vào đào tạo cho sinh viên và học sinh về kỹ thuật số qua việc xây dựng thí điểm các trường học Thế hệ mới. Campuchia đã đầu tư hàng triệu USD vào cơ sở hạ tầng của Trường học Thế hệ Mới, thư viện điện tử, đào tạo giáo viên và đưa Công nghệ thông tin vào lớp học. (Ảnh minh họa)

‘Thanh niên là trụ cột quan trọng của quốc gia’

Ông cực kỳ chú trọng vào đào tạo cho sinh viên và học sinh về kỹ thuật số qua việc xây dựng thí điểm các trường học Thế hệ mới. Campuchia đã đầu tư hàng triệu USD vào cơ sở hạ tầng của Trường học Thế hệ Mới, thư viện điện tử, đào tạo giáo viên và đưa Công nghệ thông tin vào lớp học.

Về giáo dục thanh thiếu niên, ông rất chú trọng những kỹ năng quan trọng để các con có thể hội nhập toàn cầu, đó là kỹ năng tự học hiệu quả, kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng mềm và kỹ năng ngôn ngữ, đạo đức., học STEM và khả năng làm chủ kỹ thuật số.

Vị tiến sĩ triết học này cho rằng "Thanh niên là trụ cột quan trọng của quốc gia, họ phải được trang bị kiến ​​thức. Đó là kiến ​​thức chung, học tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, kỹ năng nghề và kiến ​​thức toàn diện. Bản thân thanh niên cần tích cực giải quyết các vấn đề xã hội, tham gia giải quyết việc làm cho chính thanh niên, đoàn kết tốt, tôn trọng bản sắc dân tộc".

Một trọng điểm nữa mà Campuchia đang theo đuổi là cải cách hệ thống các trường đại học. Mục tiêu đặt ra là sinh viên tốt nghiệp phải có đủ kỹ năng để làm việc tốt trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0). Với tốc độ số hóa nhanh chóng, thị trường việc làm cũng trở nên cạnh tranh hơn, đòi hỏi trình độ kỹ năng và năng lực cao.

"Sự thiếu hụt kỹ năng là một rào cản cho phát triển kinh tế, cho tăng trưởng, nhằm thu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các nhà đầu tư tìm kiếm lao động có tay nghề cao nhưng chúng tôi không có đủ, đồng thời có nhiều sinh viên ra trường không thể tìm được việc làm", Bộ trưởng Naron trả lời báo chí hồi năm 2015.

Nền giáo dục Campuchia đã bắt đầu hái ‘quả ngọt’

Những quyết sách táo bạo của TS Hang Chuon Naron đã cho những kết quả ban đầu tốt đẹp. Gian lận thi cử và tham nhũng giáo dục dần biến mất. Chất lượng giáo dục được đưa về thực chất và tăng trưởng ổn định.

Nhờ có công sức của ông mà tỷ lệ trẻ em đi học tiểu học tăng từ 87 % năm 2000 lên 98 %, tỷ lệ học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tăng lần lượt là 57 % và 30 %. Tỷ lệ học đại học chưa đầy 1% dân số hồi năm 2000 hiện nay đã vọt lên 15%. Học sinh Campuchia đã bắt đầu tham gia các kỳ thi quốc tế và về giáo dục đại học, Viện Công nghệ Campuchia được công nhận không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu.

Ông luôn toàn tâm toàn ý cho giáo dục, năm 2018, sau khi trúng cử Nghị sỹ quốc hội 13 ngày, ông xin từ chức để chỉ làm Bộ trưởng Giáo dục cho thật tốt. Ông quản lý tài chính cho ngân sách giáo dục rất nghiêm ngặt do trước đó ông từng làm thứ trưởng Bộ Tài chính Campuchia.

Bản thân Hang Chuon Naron cũng là một con người của học hỏi, của tiến bộ, ông là một học giả không ngừng chinh phục các đỉnh cao trí tuệ, là tấm gương thiết thực cho mọi học sinh.

Ông tốt nghiệp đại học Luật và quan hệ quốc tế Kiev và có bằng tiến sĩ Kinh tế quốc tế tại trường MGIMO danh giá của Nga. Ông học và lấy bằng thạc sỹ Luật từ một chương trình liên kết với Đại học Lumière University Lyon 2 của Pháp. Trong khi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông tiếp tục học tiến sĩ giáo dục và lấy bằng năm 2018 tại Đại học Chualongkom Thái Lan. Ông rất tích cực tham gia các chương trình và diễn đàn giáo dục toàn cầu để tìm đường đi nước bước phát triển giáo dục nước nhà. Ông thông thạo tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, đang học tiếng Thái...và là tác giả nhiều cuốn sách nghiên cứu quan trọng.

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện trực tuyến hồi tháng 3/2016, Hang Chuon Naron là vị Bộ trưởng được yêu mến nhất Campuchia. Có tới 72% số người tham gia khảo sát bày tỏ sự yêu quý dành cho ông.

Trước những thành tích đạt được, Thủ tướng Hun Sen trong bài phát biểu hồi tháng 2/2020 thừa nhận ngành giáo dục của Campuchia đã chứng kiến rất nhiều tiến bộ trong một thập niên qua, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục coi ngành này là ưu tiên số 1 trong phát triển đất nước.

"Chúng ta phải tiếp tục cố gắng để xử lý tất cả các vấn đề đang ở phía trước. Thời đại của nền kinh tế số và công nghệ đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực", Thủ tướng Campuchia khẳng định.

Campuchia nổi tiếng thế giới như một câu chuyện thành công về chuyển đổi và cải cách giáo dục. Dưới thời Khmer Đỏ những năm 1970, phần lớn hệ thống giáo dục bị phá huỷ. Nhưng Campuchia đã đạt được sự tiến bộ to lớn, mở rộng sự tiếp cận của trẻ em với giáo dục.

Ngày nay, số trẻ em được đến trường nhiều hơn bao giờ hết, tăng từ 82% năm 1997 lên gần 98% trong năm học 2017-2018. (Theo UNICEF)

Trong tổng số 141 quốc gia, kỹ năng của học sinh, sinh viên Campuchia tốt nghiệp đứng thứ 104 (Việt Nam đứng thứ 116); Kỹ năng số của người dân: 112 (Việt Nam: 97); Tư duy phản biện trong giảng dạy: 76 (Việt Nam: 106); Tỷ lệ học sinh/giáo viên ở bậc tiểu học: 124 (Việt Nam: 75); Mức độ dễ dàng tìm kiếm lao động lành nghề: 123 (Việt Nam: 96)...

Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

Bộ trưởng Hang Chuon Naron: Người viết lên câu chuyện thành công nổi tiếng thế giới cho ngành giáo dục Campuchia