Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Chính phủ sẽ không giải cứu SVB

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, tình hình của SVB khác với cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008, và chính phủ sẽ không tiến hành cứu trợ. Trong khi đó, lại tiếp tục có thêm một ngân hàng lớn sụp đổ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã thông báo hôm Chủ nhật (12/03) rằng chính phủ liên bang sẽ không giải cứu Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) hiện đã sụp đổ nhưng cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ những người gửi tiền đang lo lắng.

Trong một cuộc phỏng vấn vào Chủ nhật với chương trình “Face the Nation” (Đối mặt với quốc gia) của CBS News, bà Yellen đã không cung cấp nhiều chi tiết cụ thể về những gì cơ quan của bà hoặc Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) có thể làm để bảo vệ tiền của người gửi. Nhưng vị Bộ trưởng Tài chính, người trước đây là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang dưới thời Tổng thống Obama, nhấn mạnh rằng tình hình của SVB khác với cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 2008, thứ dẫn đến việc giải cứu trên diện rộng các công ty tài chính. Các quan chức chính phủ vào thời điểm đó cho biết các biện pháp giải cứu là nhằm bảo vệ ngành tài chính và nền kinh tế của Mỹ.

FDIC chỉ bảo hiểm cho lượng tiền gửi lên tới 250.000 USD cho mỗi tài khoản, và các nhà phân tích nói rằng một số công ty và nhà đầu tư giàu có có nhiều hơn số tiền được bảo hiểm trong SVB. Đã có những lo ngại rằng người lao động tại một số công ty công nghệ và công ty mới thành lập sẽ không nhận được tiền lương của họ tại thời điểm hiện tại.

“Tôi xin nói rõ rằng trong cuộc khủng hoảng tài chính [năm 2008], có những nhà đầu tư và chủ sở hữu của các ngân hàng lớn mang tính hệ thống đã được giải cứu, và chúng tôi chắc chắn không tìm cách” cứu trợ SVB, bà Yellen cho biết hôm Chủ nhật khi trả lời câu hỏi về khả năng giải cứu ngân hàng này. “Và những cải cách đã được thực hiện có nghĩa là chúng tôi sẽ không lặp lại điều đó nữa”, bà nói thêm. “Nhưng chúng tôi quan tâm đến người gửi tiền và tập trung vào việc cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ”.

Bà Yellen xác nhận các cơ quan quản lý của Mỹ đang làm việc nhanh chóng để đối phó với bất kỳ sự lây lan nào có thể xảy ra trước khi thị trường mở cửa vào thứ 2 ở châu Á. Bà không cung cấp thêm chi tiết về các bước đang được thực hiện.

“Chúng tôi chắc chắn đang làm việc để xử lý tình hình một cách kịp thời”, bà nói.

Với việc Phố Wall chuẩn bị hứng chịu tác động của sự sụp đổ vào thứ 2, bà Yellen đã cố gắng trấn an người Mỹ rằng sẽ không có hiệu ứng domino. SVB, chủ yếu phục vụ các công ty công nghệ và nhà đầu tư công nghệ, là ngân hàng lớn thứ 16 của quốc gia và là trường hợp sụp đổ ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử Mỹ sau sự sụp đổ của Washington Mutual vào năm 2008, thứ vào thời điểm đó là chất xúc tác cho sự suy thoái diễn ra sau đó của nền kinh tế.

Bà nói: “Hệ thống ngân hàng Mỹ thực sự an toàn và được có nguồn vốn tốt". “Nó dẻo dai”.

Tuy nhiên, chỉ sau sự sụp đổ của SVB 2 ngày, cũng vào hôm Chủ nhật, các cơ quan quản lý của Mỹ đã thông báo rằng họ đang can thiệp để đóng cửa Ngân hàng Signature, một ngân hàng tiền mã hóa khổng lồ. Sự sụp đổ của Ngân hàng Signature chính là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 3 trong lịch sử Mỹ ngay sau SVB.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Chính phủ sẽ không giải cứu SVB
Một nhân viên nói với người dân rằng trụ sở chính của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã đóng cửa ở Santa Clara, California, Mỹ, vào ngày 10/03/2023. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Trong khi đó, các báo cáo đã chỉ ra rằng có tới 85% tài khoản SVB không được bảo hiểm. Khi được hỏi liệu số tiền đó có được trả lại hay không, bà Yellen tỏ ra không rõ ràng.

“Tôi sẽ không bình luận về các chi tiết của tình hình vào thời điểm này. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng tôi nhận thức rất rõ về những vấn đề mà người gửi tiền sẽ gặp phải, nhiều người trong số họ là các doanh nghiệp nhỏ sử dụng lao động trên khắp đất nước”, Bộ trưởng Tài chính nói với CBS. “Và tất nhiên, đây là một mối lo ngại đáng kể và chúng tôi đang làm việc với các cơ quan quản lý để cố gắng giải quyết những mối lo ngại này”.

“Tôi thực sự không thể bình luận về tác động sẽ ra sao. Tôi nghĩ nó phụ thuộc vào cách giải quyết tình huống này”, bà nói. “Và đó là điều mà chúng tôi đang xử lý. Nhưng [chúng tôi] biết rõ rằng nhiều công ty khởi nghiệp có tiền gửi và các công ty đầu tư mạo hiểm có tiền gửi tại ngân hàng này đã bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của nó. Vì vậy, đây là điều mà chúng tôi đang cố gắng giải quyết”.

SVB bắt đầu trượt dốc dẫn đến mất khả năng thanh toán khi người gửi tiền của họ bắt đầu rút tiền hàng loạt trong bối cảnh lo ngại về tình trạng sức khỏe của ngân hàng. Sau đó, ngân hàng đã phải bán lỗ trái phiếu để trang trải các khoản rút tiền đó, dẫn đến sự sụp đổ đột ngột trước khi các cơ quan quản lý ở California đóng cửa ngân hàng và chỉ định FDIC tiếp quản.

Tiếp tục với cuộc phỏng vấn với CBS, bà Yellen lưu ý rằng việc tăng lãi suất - thứ mà các thành viên hội đồng Fed nói là nỗ lực chống lại lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ - là vấn đề cốt lõi đối với Ngân hàng Thung lũng Silicon. Bà lưu ý rằng các tài sản như trái phiếu và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp đã mất đi giá trị thị trường khi lãi suất tăng cao.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Chính phủ sẽ không giải cứu SVB
Một khách hàng (trái) đọc thông báo về việc đóng cửa Ngân hàng Thung lũng Silicon tại trụ sở ngân hàng ở Santa Clara, California, Mỹ, vào ngày 10/03/2023. (Ảnh: NOAH BERGER/AFP qua Getty Images)

Bảo vệ tất cả người gửi tiền

Tuy nhiên, những người gửi tiền tại SVB có thể cảm thấy được trấn an khi các cơ quan quản lý ngân hàng đã công bố một biện pháp khẩn cấp vào Chủ nhật để bảo vệ toàn bộ tiền gửi tại SVB.

Bộ Tài chính Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang và FDIC đã tiết lộ kế hoạch này trong một tuyên bố chung.

“Hôm nay chúng tôi đang thực hiện các hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng của chúng ta", tuyên bố viết.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, sau khi tham khảo ý kiến của Tổng thống và các cơ quan quản lý, đã phê duyệt kế hoạch “bảo vệ hoàn toàn tất cả những người gửi tiền”.

Hiện tại, số tiền được bảo vệ tối đa do FDIC cung cấp cho bất kỳ người gửi tiền nào là 250.000 USD. Tuy nhiên, theo kế hoạch mới, tất cả các khoản tiền gửi, cả được bảo hiểm và không được bảo hiểm, đều sẽ được bảo vệ.

“Những người gửi tiền sẽ có quyền tiếp cận tất cả số tiền của họ bắt đầu từ thứ 2, ngày 13/03. Người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào liên quan đến việc xử lý Ngân hàng Thung lũng Silicon”.

“Các cổ đông và một số chủ nợ không có bảo đảm sẽ không được bảo vệ. Quản lý cấp cao cũng đã bị loại bỏ. Bất kỳ thiệt hại nào đối với Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi để hỗ trợ những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ được phục hồi với một đánh giá đặc biệt đối với các ngân hàng, theo yêu cầu của pháp luật”.

Các cơ quan quản lý cũng đã công bố một biện pháp tương tự đối với Ngân hàng Signature có trụ sở tại New York.

“Tất cả những người gửi tiền của tổ chức này sẽ được an toàn”, tuyên bố chung cho biết.

Ngoài ra, Fed đã công bố vào Chủ nhật rằng họ sẽ cấp thêm vốn cho các tổ chức lưu trữ tiền gửi đủ điều kiện để giúp đảm bảo các ngân hàng có thể đáp ứng các yêu cầu của tất cả những người gửi tiền của họ.

“Cục Dự trữ Liên bang đã chuẩn bị để xử lý bất kỳ áp lực thanh khoản nào có thể phát sinh”, tuyên bố của Fed cho biết.

Là một phần trong nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã công bố thành lập chương trình tài trợ dành cho ngân hàng BTFP mới nhằm bảo vệ tiền gửi tại các tổ chức đổ vỡ.

Bộ Tài chính sẽ “cung cấp tới 25 tỷ USD từ Quỹ Bình ổn Giao dịch như một sự hỗ trợ cho BTFP”, Ngân hàng Trung ương tuyên bố.

Lời cảnh báo

Vào thứ 7, hơn 3.000 CEO và người sáng lập công ty đại diện cho khoảng 220.000 người lao động đã một bản kiến nghị kêu gọi bà Yellen và các quan chức khác hỗ trợ người gửi tiền của SVB. Họ cảnh báo rằng hơn 100.000 việc làm có thể bị cắt giảm nếu không có hành động nào được thực hiện.

Bản kiến ​​nghị kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn theo quy định và đặt ra yêu cầu về vốn đối với các ngân hàng khu vực, đồng thời yêu cầu điều tra bất kỳ “hành vi sai trái hoặc quản lý yếu kém” nào của các Giám đốc điều hành SVB, theo hãng tin Reuters.

Đồng thời, một số tỷ phú và nhà phân tích đã lưu ý rằng sự sụp đổ của ngân hàng sẽ là lời cảnh báo cho người Mỹ rằng nền kinh tế Mỹ có thể đang rơi vào suy thoái. Ông Bill Ackman, một nhà đầu tư quỹ phòng hộ là tỷ phú, đã viết một dòng Twitter dài vào thứ 7 (11/03) nói rằng chính phủ Mỹ chỉ có 48 giờ để khắc phục sự cố, cho thấy tình hình tồi tệ có thể lan rộng.

Chuyên gia Jeffrey A. Tucker cho rằng, sự sụp đổ của SVB chính là điềm báo cho viễn cảnh tồi tệ của ngành tài chính của Mỹ. Sau những chính sách yếu kém được thực hiện trong thời gian dài, với đỉnh điểm là các biện pháp phản ứng trong giai đoạn Covid, không ai ở Fed hay cấp lãnh đạo cao nhất của Mỹ có thể sửa chữa các vấn đề vào lúc này.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Chính phủ sẽ không giải cứu SVB