Bong bóng chứng khoán các gã khổng lồ công nghệ Mỹ phát nổ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Fed hoảng sợ tăng lãi suất, bong bóng chứng khoán của các ông lớn công nghệ Mỹ được định sẵn sẽ phát nổ. Các gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã quá xa rời các quy tắc thị trường tự do, phản bội lại niềm tin của người dùng khi biến mình trở thành kẻ tuyên truyền triết lý thức tỉnh và các ưu tiên của chính quyền.

Sự sụp đổ được định sẵn của các ông lớn công nghệ

Mức tăng điểm phi thường trên Phố Wall vào ngày 28/10 thật đáng kinh ngạc, nhưng ta cần tìm hiểu các chi tiết của mức tăng điểm đó. Cổ phiếu công nghệ, những cổ phiếu đã hoạt động rất tốt trong vòng 3 năm qua và thậm chí từ năm 2009, đã không tham gia vào sự tăng điểm mạnh mẽ đó. Sự mạnh mẽ tập trung cả vào những cổ phiếu giá trị, cổ phiếu của các công ty cổ điển với định giá phản ánh tài sản thực tế và thu nhập và có khả năng trả cổ tức.

Điều gì giải thích cho sự tăng điểm đột ngột? Không có một lý do duy nhất để giải thích, nhưng đó cũng là ngày xuất hiện tin tức tuyệt vời nhất mà chúng ta có được từ các doanh nghiệp Mỹ trong ba năm qua: Elon Musk tiếp quản thành công Twitter và nhanh chóng sa thải các giám đốc điều hành cấp cao nhất của nó, người đã đàn áp các luồng thông tin tự do kể từ khi xuất hiện các biện pháp đối phó đại dịch COVID-19. Họ có tính đảng phái một cách công khai và rất hung hăng. Ông Musk thực sự đã giải phóng Twitter và có kế hoạch cắt giảm lớn chi phí lao động tại công ty này.

Sự việc liên quan tới ông Musk là một khung cảnh đẹp đáng để chiêm ngưỡng bởi vì nó mang một thông điệp: Mọi thứ không phải là đã vô vọng. Tất cả chưa bị mất hết. Doanh nghiệp tự do có thể trở lại. Ngành công nghiệp của Mỹ có thể được cứu trong những điều kiện thích hợp. Và đây cũng là thời điểm rất tuyệt vời vì nó diễn ra trước cuộc bầu cử giữa kỳ chỉ 10 ngày và có nhiều dấu hiệu cho thấy sức mạnh độc quyền của chủ nghĩa nhà nước thức tỉnh có thể bị phá vỡ. (Thức tỉnh: có nhận thức mạnh mẽ về các vấn đề xã hội như bất bình đẳng, môi trường…)

Thách thức lớn đối với thị trường tài chính là tốc độ tăng nhanh nhất của lãi suất quỹ liên bang trong toàn bộ thời kỳ hậu chiến. So sánh với các mức khác trong lịch sử, tỷ lệ này không cao: 3,08%. Điều quan trọng là tốc độ và độ dốc của đường cong đi lên: Nó gần như thẳng đứng. Chúng ta chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này trước đây. Nó phản ánh rõ ràng một Fed hoàn toàn hoảng loạn đang cố gắng đảo ngược ảnh hưởng của cơn hoảng loạn trước đó vào năm 2020, khi nó khiến thế giới tràn ngập trong 6,3 nghìn tỷ USD tiền rởm để bù đắp cho các đợt phong tỏa do đại dịch.

Câu hỏi mà mọi người đang đặt ra bây giờ là, những loại hình doanh nghiệp nào tồn tại được trong môi trường khát tiền này? Chính sách lãi suất bằng 0 ngớ ngẩn đã trở thành chuẩn mực sau vụ phá sản bất động sản năm 2008, tạo ra mọi loại biến dạng của thị trường trong suốt 10 năm. Fed đã thận trọng rời xa chính sách này từ năm 2017 trở đi cho đến khi nó đột ngột được kêu gọi để tài trợ cho chi tiêu quốc gia điên cuồng từ tháng 03/2020.

Fed đã thực hiện nhiệm vụ, và chúng ta có hậu quả: mọi thứ cao ngất trời, thu nhập thực tế giảm và sự giận dữ của cử tri.

Một lần nữa, trước đây chúng ta chưa bao giờ thấy Fed hoảng sợ ở mức độ này nhanh như vậy. Rõ ràng là không ai tại Fed để tâm đến những đảm bảo hàng ngày của chính quyền Biden rằng lạm phát không quá tệ và đang dần được chế ngự. Ông Powell quyết tâm để lại di sản của mình không phải như một người ủng hộ cho lạm phát, mà là một người có tư tưởng cứng rắn nhằm tiêu diệt lạm phát, giống như ông Paul Volcker. Trên thực tế, ông Powell phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn hơn, do tác hại sâu sắc của các chính sách lãi suất bằng 0.

Các công ty thực sự làm ra những thứ thực sự có thể tồn tại trong môi trường thắt chặt tiền bạc, lãi suất cao bởi vì tài chính của họ ổn định. Các công ty trôi nổi dựa vào tín dụng giá rẻ và hy vọng định giá cổ phiếu tăng cao vô hạn phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt trong môi trường như vậy. Chúng ta đã biết điều này từ muôn thuở, nhưng bằng cách nào đó, bài học không bao giờ được ghi nhận. Sự bùng nổ - đổ vỡ dot-com dường như được định sẵn sẽ xảy ra một lần nữa.

Lao dốc vì phản bội lại niềm tin

Bị ảnh hưởng tiêu cực một cách mạnh mẽ vào cuối tuần trước là Alphabet (trước đây gọi là Google), Meta (trước đây gọi là Facebook) và Amazon. Tất cả những công ty này đều là những công ty hoạt động rất tốt trong thời gian phong tỏa. Cả ba đều hân hoan tham gia kiểm duyệt theo chỉ đạo của chính phủ liên bang và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Apple đã bị ảnh hưởng ít nhất trong số các công ty công nghệ vì công ty này đã tránh các cuộc chiến về văn hóa / COVID.

Bong bóng chứng khoán các gã khổng lồ công nghệ Mỹ phát nổ?
Một tài xế xe tải Amazon Prime cố gắng rẽ ở Los Angeles, California, Mỹ, vào Ngày Amazon Prime, ngày 12/07/2022. (Ảnh: FREDERIC J. BROWN / AFP qua Getty Images)

Hãy cùng xem xét sự thay đổi của vốn hóa thị trường các công ty so với cùng kỳ năm trước:

  • Meta: -78%
  • Microsoft: -29,4%
  • Alphabet / Google: -35,6%
  • Amazon: -39%
  • Nvidia: -46,8%
  • Disney: -37%
  • Netflix: -57,5%

YouTube (thuộc sở hữu của Alphabet) đã gỡ video của các nhà khoa học và chuyên gia phân tích dữ liệu có mâu thuẫn với các ưu tiên của chính phủ. Hiện tại, Facebook vẫn đang làm điều này và bắt ép tất cả người dùng phải đọc các tuyên truyền của chính phủ hơn là suy nghĩ của bạn bè họ. Amazon thậm chí đã ngắt kết nối của các công ty đã chọn sử dụng nền tảng máy chủ của họ.

Điều này có ảnh hưởng gì đối với lòng tin của người dùng? Nó đã phá vỡ lòng tin đó và cũng phá vỡi toàn bộ mô hình kinh doanh của các công ty này. Tất cả chúng ta đã được thúc giục trong 15 năm qua để xây dựng mạng lưới kết nối, phát triển kênh của chúng ta, tương tác nhiều hơn với người hâm mộ và tạo nhiều nội dung hơn nữa để các công ty này kiếm tiền. Họ lấy dữ liệu và buôn bán quyền tiếp cận nó và rồi chúng ta có các quảng cáo có trả tiền. Toàn bộ hệ thống phụ thuộc cơ bản vào việc người dùng tin tưởng các công ty có thể bảo vệ lợi ích của họ.

Nhưng thay vì tìm cách có được sự tin tưởng đó, các công ty đã dành những năm tháng vừa qua để phản bội lại niềm tin. Không thể hiểu làm thế nào mà họ có thể đi lạc xa khỏi các nguyên tắc cơ bản của doanh nghiệp tự do đến như vậy? Câu trả lời đơn giản là họ đã tự giải phóng mình khỏi các nguyên tắc của thị trường. Với nguồn tín dụng dễ dàng và các thị trường đầy bong bóng, được hỗ trợ bởi các chính sách nhốt mọi người trong nhà và áp đặt việc sử dụng bắt buộc, các công ty này đã dẫn đầu làn sóng. Họ tăng cường chế độ kiểm duyệt của mình, đầu tư vào nhiều lớp nhân lực và cơ cấu quản lý, lợi dụng mọi nguyên nhân thời thượng, và đăng ký trở thành người tuyên truyền triết lý thức tỉnh và các ưu tiên của chế độ.

Thay đổi lớn

Trong những năm này, chúng ta đã chứng kiến ​​một sự thay đổi đáng kể. Trong toàn bộ thời kỳ hậu chiến, những người có thành tích cao nhất trên thị trường đại chúng có xu hướng xếp các ưu tiên chính trị của họ theo Phòng Thương mại và Đảng Cộng hòa. Tất cả những điều đó đã thay đổi với sự nổi lên của các Gã khổng lồ công nghệ, những đối tượng dựa vào sự hỗ trợ của mạng xã hội. Đột nhiên, những người chơi thống trị trong ngành trở thành những người ủng hộ Đảng Dân chủ.

Bong bóng chứng khoán các gã khổng lồ công nghệ Mỹ phát nổ?
Một tấm biển trước trụ sở Meta vào ngày 28/04/2022 tại Menlo Park, California, Mỹ. (Ảnh: Justin Sullivan / Getty Images)

Người ta có thể cho rằng sự thay đổi này có liên quan đến sự thay đổi thế hệ. Những người khoảng 30 tuổi sống là giám đốc những công ty này được giáo dục trong môi trường đại học bị tha hóa, nơi rao giảng triết học cánh tả trong khi lại kiểm duyệt những cốt lõi của các lý tưởng phương Tây. Câu hỏi đặt ra là những nhân vật này đã vươn lên nắm quyền như thế nào?

Đây là nơi mà Fed xuất hiện. Theo quan điểm của ông David Stockman, Fed đã trở thành quỹ không giới hạn của tiền dễ dàng được dùng để trợ cấp cho thế giới quan này.

“Hoạt động ‘điều tiết nội dung’ lừa đảo của Twitter không phải là duy nhất, mà là triệu chứng của sự biến thái trên quy mô rộng hơn nhiều đối với việc quản lý công ty trên khắp Thung lũng Silicon và phần lớn các công ty ở Mỹ”, ông Stockman viết. “Thị trường chứng khoán được định giá cao một cách huyền hoặc do việc in tiền khủng khiếp của Fed, đến mức mà các Giám đốc điều hành được cho nghỉ phép để theo đuổi sở thích chính trị và hệ tư tưởng của họ một cách tùy ý, thay vì tập trung vào lợi nhuận và thua lỗ. Có nghĩa là, giá cổ phiếu đã được nâng lên một đỉnh cao kỳ dị dựa trên những bội số định giá hoàn toàn vô lý, thứ đã được các cổ đông phớt lờ.

“Ví dụ, đó là khi các Giám đốc điều hành của Disney tấn công các giá trị gia đình mà thương hiệu của nó dựa trên hoặc khi Amazon cấm những cuốn sách hoàn toàn có thể bán được hoặc khi Facebook loại bỏ những nội dung và những người dùng quá kích động mà Mark Zuckerberg cho là vô ích đối với tư tưởng của đảng Dân chủ. Ngay cả PayPal, trớ trêu thay lại là nguồn gốc ban đầu cho khối tài sản của ông Musk, cũng tham gia vào cuộc chiến”.

Tương lai là tự do

Những nhận định trên một lý thuyết hấp dẫn. Chúng có giá trị đối với tôi. Nhưng chúng nói gì về tương lai? Cơ sở người dùng của Facebook đang già đi và ngày càng ít tương tác hơn, và không có gì ngạc nhiên: Hoàn toàn không ai cần thêm sự khuyến khích để đọc thêm những thứ vô nghĩa từ CDC. Việc ông Zuckerberg thực sự tin rằng quyền truy cập vào thế giới ảo với các bộ đeo headset sẽ bằng cách nào đó cứu công ty của ông là một điều gây sửng sốt. Trong khi đó, niềm tin vào các nền tảng như YouTube và LinkedIn (do Microsoft sở hữu) đã bị phá vỡ bởi các chính sách kiểm duyệt nội dung này.

Một thế giới eo hẹp về tiền bạc đang dần xác định lại thực tế là gì, không chỉ đối với thị trường tài chính mà còn đối với thị trường lao động. Những vụ sa thải tại các ông lớn công nghệ là một lời cảnh tỉnh: Hãy học một kỹ năng và làm việc hiệu quả hoặc đối xử tử tế với Cha và Mẹ, những người vẫn còn căn phòng dưới tầng hầm đang chờ bạn. Tỷ lệ thất nghiệp chắc chắn sẽ tăng lên khi cuộc suy thoái đang tới, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến những người có kỹ năng thị trường giống như cách nó ảnh hưởng tới giới tinh hoa latte (latte thường được gắn với phe cánh tả), những người cổ vũ cho các cuộc phong tỏa, kiểm duyệt những người bất đồng chính kiến, và hoàn toàn bỏ phiếu cho đảng Dân chủ.

Ông Musk biết chính xác lịch sử này đang đi đến đâu và đã quyết định đầu tư vào chính ý tưởng về tự do. Tất cả chúng ta nên làm vậy.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Jeffrey A. Tucker - The Epoch Times

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Bong bóng chứng khoán các gã khổng lồ công nghệ Mỹ phát nổ?