Bong bóng Dotcom có vỡ lần nữa sau 20 năm?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bong bóng Dotcom đã vỡ một lần vào năm 2001 và kéo theo các cuộc khủng hoảng kinh tế. Giờ đây, khi thị trường chứng khoán xuất hiện quá nhiều đặc điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng trước đó, liệu khủng hoảng Dotcom có lặp lại một lần nữa sau 20 năm?

Dotcom là từ chỉ các công ty sử dụng internet làm nền tảng chính trong hoạt động kinh doanh. Lý do có tên dotcom xuất phát từ địa chỉ mạng URL mà khách hàng sử dụng để truy cập vào các website, ví dụ như www.amazon.com. Chữ ".com" ở cuối URL là viết tắt cho từ "commercial", nghĩa là "thương mại". Phần lớn sản phẩm của các công ty này là các dịch vụ được cung cấp thông qua internet, nhưng cũng có thể đi kèm với sản phẩm hiện vật. Một số công ty dotcom không cung cấp bất kỳ sản phẩm hiện vật nào.

Bong bóng Dotcom là cách miêu tả hiện tượng thị trường chứng khoán khi giá cổ phiếu của các công ty công nghệ lên cao một cách bất thường. Hiện tượng này xảy ra khi cổ phiếu của các công ty này bị đầu cơ hoặc nhận được sự kỳ vọng thái quá từ phía các nhà đầu tư. Tất nhiên, cũng giống khi chúng ta thổi bong bóng vậy: càng to càng thích, nhưng lại càng dễ vỡ.

Kinh tế Mỹ nhanh chóng rơi vào suy thoái khi bong bóng dotcom vỡ trong giai đoạn 1995 - 2000

Mặc dù bong bóng dotcom đã khiến kinh tế Mỹ thịnh vượng một cách thần kỳ trong giai đoạn 1995 - 2000, nó cũng là nguyên nhân khiến nền kinh tế này nhanh chóng rơi vào suy thoái khi nó “phát nổ”.

Các công ty dotcom mang đến làn sóng mới trong nền kinh tế thế giới cuối những năm 1990. Giá trị của các công ty này tăng nhanh hơn bất kì ngành công nghiệp nào khác cùng thời. Mặc dù trên thực tế, hầu hết các công ty internet có rất ít tài sản vật chất, phần lớn các công ty này lại được định giá rất cao trên thị trường chứng khoán vào lúc ban đầu.

Ngoài ra, các nhà đầu tư đã rót một số lượng lớn vốn vào các công ty dotcom do bị hấp dẫn bởi những dự đoán về ngành công nghệ. Rất nhiều công ty dotcom chỉ tập trung vào việc tăng trưởng và quảng bá thương hiệu với mục tiêu đạt được giá trị cao trên thị trường chứng khoán, bất chấp việc các công ty này bán được rất ít sản phẩm trên thực tế.

Vào giai đoạn đó, nước Mỹ trở nên thịnh vượng hơn bao giờ hết. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tới 4,9% mỗi năm (so với mức trung bình 2,75% trong thời kỳ 1972 - 1995). Điều đáng nói là trong giai đoạn đó, mức độ tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ cao và ổn định, tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức thấp, nhưng kỳ lạ là vấn đề lạm phát... cũng thấp.

Chỉ số NASDAQ (chỉ số thị trường chứng khoán Nasdaq) có lúc lên đến đỉnh cao nhất mọi thời đại, ở mức 5132,52 điểm (gấp đôi mức hiện tại là 2803,32).

Theo lý thuyết kinh tế vĩ mô, khi kinh tế tăng trưởng nhanh hơn (hoặc tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn) thì sẽ kéo theo tỷ lệ lạm phát cao hơn. Điều này thể hiện qua đường cong Phillips (Phillips curve) và được công nhận trong hầu hết các giáo trình kinh tế vĩ mô cơ bản. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ giai đoạn 1995 - 2000 lại không như vậy. Điều này đã khiến cho các nhà kinh tế gọi đây là New Economy (nền kinh tế mới).

Bong bóng dotcom vỡ vào năm 2001 khi nhiều công ty internet bắt đầu công bố việc thiếu hụt lợi nhuận. Một số nhà đầu tư nhanh chóng chuyển tiền đầu tư của họ sang các công cụ tài chính khác, dẫn đến tình trạng bán tháo và sụt giảm giá cổ phiếu. Một lượng lớn các khoản đầu tư đã bị mất, dẫn đến một cuộc suy thoái nhẹ ở Mỹ và các quốc gia khác.

bong-bong-dotcom-tham-hoa-hay-dieu-than-ky-cua-kinh-te-the-gioi-phan-1

Bong bóng Dotcom lần 1

Bong bóng Dotcom lần 1 diễn ra trong hoàn cảnh hàng loạt các tiến bộ về công nghệ máy tính xuất hiện. Windows 95 ra đời với nhiều đột phá hơn khiến cho nhu cầu sử dụng máy tính tăng nhanh. Nhu cầu đó đã khởi động một “cuộc chiến” công nghệ khốc liệt về phần cứng, khiến cho giá cả mỗi chiếc PC giảm nhanh chóng. Điều này đã đưa máy tính đến với từng công ty, khiến cho năng suất lao động tăng cao (1,25% mỗi năm so với mức tối đa 0,02% của giai đoạn 1972 - 1995).

Bên cạnh đó, nó cũng khuyến khích sự ra đời của hàng loạt các công ty, dịch vụ công nghệ và sự kỳ vọng lớn của các nhà đầu tư. Đây được xem là nguyên nhân chính của bong bóng dotcom.

PC ảnh hưởng đến năng suất lao động. Không chỉ là công cụ hỗ trợ cho các ngành trực tiếp sử dụng PC, nó còn hỗ trợ gián tiếp và cực kỳ hiệu quả cho tất cả các ngành khác. Những công việc như tính toán thu chi, quản lý nhân sự, nghiên cứu... đều hưởng lợi lớn từ sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của PC.

Ngày 9/8/1995, công ty Netscape IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng). Ngay trong ngày hôm đó, giá mỗi cổ phiếu của Netscape có lúc tăng hơn 5 lần so với giá dự kiến (75 USD so với giá dự kiến là 14 USD). Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên, mỗi cổ phiếu của Netscape có giá 58,25 USD, tổng giá trị tương đương 2,9 tỷ USD giá trị thị trường. Trong suốt năm 1995, giá trị công ty này tăng gấp đôi sau mỗi quý. Đây được coi là dấu hiệu bắt đầu của bong bóng dotcom lần thứ nhất.

Vào 2 năm sau đó, “bong bóng” này chính thức "phồng to" với hàng loạt khoản đầu tư trị giá hàng chục tỷ USD được đổ vào lĩnh vực này.

bong-bong-dotcom-tham-hoa-hay-dieu-than-ky-cua-kinh-te-the-gioi-phan-1

Thành công của Netscape kéo theo sự ra đời của hàng loạt công ty công nghệ, dịch vụ mạng và tạo ra niềm tin của các nhà đầu tư vào các công ty này. Đây chính là bong bóng dotcom (Dot-com Bubble). Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, nó đã khiến cho thế giới công nghệ phát triển nhanh chóng, đồng thời việc ứng dụng công nghệ vào quản lý, sản xuất đã khiến cho năng suất lao động tăng lên. Đây là nguyên nhân chính khiến cho nền kinh tế tăng trưởng khá lâu dài và ổn định. Bong bóng dotcom đã góp phần kéo chỉ số Dow Jones và NASDAQ lên những mốc cao mới trong suốt giai đoạn 1995 - 2000 với đỉnh cao là mức 5132,52 điểm (và 5048,62 điểm lúc đóng cửa) vào ngày 10/3/2000.

bong-bong-dotcom-tham-hoa-hay-dieu-than-ky-cua-kinh-te-the-gioi-phan-1

Ngoài ra, việc giá cổ phiếu (nói chung đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ tăng nhanh) khiến cho tiêu dùng của các nhà đầu tư tăng nhanh. Giá cổ phiếu tăng nhanh khiến các nhà đầu tư cổ phiếu cảm thấy tài sản của mình tăng lên. Lúc đó, họ sẽ tiêu dùng nhiều hơn (hiệu ứng tài sản). Nhu cầu cá nhân nhờ vậy tăng lên cùng hiệu ứng lan tỏa của nó tới sản xuất của các ngành khác nhau trong nền kinh tế khiến đầu tư tư nhân tăng. Nói cách khác, nhờ giá cổ phiếu tăng, tổng cầu tăng lên khiến cho nền kinh tế phát triển thịnh vượng hơn.

Đạt đỉnh cao vào đầu năm 2000 với hơn 5000 điểm nhưng chỉ đến cuối năm, chỉ số NASDAQ đã giảm tới 50%. Thậm chí, vào cuối năm 2002, chỉ số này còn xuống rất sát mốc 1000 điểm. Thị trường dotcom sụp đổ cộng thêm một số sự kiện như vụ 11/9 đã khiến cho kinh tế Mỹ tụt dốc nhanh chóng.

Đương nhiên, nguyên nhân chính của việc này chính từ sự phát triển quá nóng và không bền vững: giá của các cổ phiếu tăng quá nhanh vượt xa giá trị thật của chúng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, đạo luật Growth Tax Relief Reconciliation Act năm 2003 là nguyên nhân của vụ việc.

Một ví dụ tiêu biểu cho nạn nhân của hiện tượng này - một trang web chuyên bán các sản phẩm cho thú cưng có tên là Pets.com đã không thể giành đủ thị phần để sống sót sau khi Bong bóng Dotcom vỡ, ngay cả khi đã chi hơn 2 triệu USD cho quảng cáo trong Super Bowl vào tháng 1 năm 2000. Trong 9 tháng đầu năm 2000, công ty đã báo cáo khoản lỗ khoảng 147 triệu USD. Dù giá cổ phiếu công ty đạt đỉnh tại mức 14 USD/cổ phiếu vào đầu năm 2000, giá đã giảm xuống dưới 1 USD sau khi các khoản lỗ được công bố và cuối cùng, công ty buộc phải phá sản.

Liệu bong bóng quỹ ETF có góp phần thổi phồng bong bóng dotcom lần 2?

Việc bong bóng dotcom phát nổ được là điều không có gì bất ngờ. Được "bơm phồng" bởi các nhà đầu tư và sự kỳ vọng quá đáng của thị trường nên chỉ cần một tác động nho nhỏ sẽ khiến nó "phát nổ". Có một hình ảnh so sánh khá hay về thị trường khi đó như một con voi đi xe đạp, nếu tiến lên thì không sao nhưng chỉ cần chậm một chút, tất cả sẽ sụp đổ.

Cổ phiếu các đại gia công nghệ tại Wall Street được nhà đầu tư rất ưa chuộng vài năm qua. Tính riêng năm 2019, cổ phiếu Apple đã tăng gần 70% năm nay, dẫn đầu trong các mã thuộc chỉ số DJIA. Microsoft cũng tăng gần 50%. Còn Facebook vẫn tăng hơn 50% bất chấp nhiều scandal. Và từ cuối năm 2019, giới chuyên gia đã liên tục cảnh báo giá trị của các hãng này bị thổi phồng và đầu cơ đã dẫn đến những rủi ro nhất định cho thị trường tài chính của Mỹ.

Năm 2020, chưa kịp điều chỉnh về đúng giá trị của mình, sự xuất hiện của Covid-19 khiến thị trường tài chính toàn cầu rúng động, cổ phiếu công nghệ của Mỹ - bởi vậy - trở thành nhóm cổ phiếu mất mát đầu tiên trong giai đoạn lịch sử này.

Không những vậy, gần đây, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Michael J. Burry, người sáng lập quỹ đầu cơ Scion Capital, cho biết giá trị cổ phiếu trên thị trường đang không phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp do cơ chế lãi suất méo mó và “lách” chuẩn Basel III, điều này phản ánh qua “bong bóng các quỹ ETF” trên thị trường chứng khoán.

Ông cho biết: chính sách lãi suất thấp của các Ngân hàng Trung ương và chuẩn mực an toàn theo quy định của Basel III đã khiến giá cả trên thị trường tín dụng phản ánh nhiều hơn hoặc ít hơn giá trị thực. Nói cách khác, lãi suất không còn phản ánh chính xác rủi ro nữa. Thêm vào đó, đầu tư thụ động đã khiến giá cổ phiếu bị méo mó. Việc đầu tư dựa vào chỉ số, mô hình, và bắt chước chiến lược của các quỹ ETF, quỹ tương hỗ... đã khiến các nhà đầu tư quên mất việc phải phân tích thực trạng doanh nghiệp để tìm ra giá trị thực của tài sản mà mình muốn đầu tư.

Theo ông Burry, tình trạng này cực kỳ giống với bong bóng chứng khoán hóa các khoản nợ thế chấp có tài sản đảm bảo (CDO) trước Đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Khi đó, phân tích cơ bản giá trị thực của tài sản - chất lượng thực của CDO không được thực hiện. Khi đó dòng vốn đầu tư quá lớn vào tài sản này chỉ dựa trên các mô hình phân tích rủi ro đoạt giải Nobel mà đã được chứng minh là không còn đúng nữa.

Giá trị tài sản của các quỹ ETF trên toàn cầu tăng gấp 6 lần sau 10 năm, đơn vị: tỷ đô la Mỹ, nguồn: Statista

Ông Burry cho biết, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không thể giảm tỷ trọng vị thế đối với các sản phẩm phái sinh và các chiến lược mua/bán (không giao tài sản cơ sở) được sử dụng để giúp rất nhiều các quỹ cân đối dự phòng với dòng tiền và giá cả mỗi ngày. Khái niệm cơ bản này đã từng gây ra sụp đổ thị trường năm 2008. Tuy nhiên, ông Burry cũng nhấn mạnh rằng ông không biết thời điểm cụ thể sẽ là bao giờ: “Giống như hầu hết các bong bóng, nó càng kéo dài, cuộc khủng hoảng sẽ càng tồi tệ”.

Nhận định của ông Burry khiến chúng ta liên tưởng đến rủi ro của Deutsche Bank. Định chế tài chính khổng lồ này có tới 5 năm liên tiếp không thể sinh lời, và đang ôm giữ khối tài sản phái sinh lên tới 53,5 nghìn tỷ USD - cao gấp 3 lần GDP của liên minh EU.

Bong bóng Dotcom lần một là người hùng hay tội đồ của giới công nghệ là tùy vào quan điểm của mỗi người. Tuy nhiên, đáng quan tâm hơn là có vẻ như bong bóng này đang có nguy cơ vỡ thêm một lần nữa.

Mộc Trà

Theo vietnambiz.vn và genk.vn



BÀI CHỌN LỌC

Bong bóng Dotcom có vỡ lần nữa sau 20 năm?