Bong bóng nợ kỷ lục và vỡ nợ kỷ lục từ Trung Quốc đến Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bong bóng nợ kỷ lục khiến các cụm từ liên quan đến đổ vỡ tài chính như "default" (mất khả năng trả nợ đúng hạn), "margin call" (cuộc gọi tăng ký quỹ đảm bảo tỷ lệ an toàn cho tài khoản vay nợ để đầu tư tài sản tài chính)... sẽ trở thành các thuật ngữ đáng quan tâm nhất trong năm 2021...

Quả bóng nợ lớn kỷ lục và nóng bỏng khắp toàn cầu sau đại dịch

Khối nợ toàn cầu, gồm nợ của các chính phủ, công ty và hộ gia đình, đã được bơm thêm 24 nghìn tỷ USD vào năm ngoái để bù đắp thiệt hại kinh tế của đại dịch, nâng tổng số nợ toàn cầu lên mức cao nhất mọi thời đại là 281 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2020, tương đương hơn 355% GDP toàn cầu, theo báo cáo của Viện của Tài chính Quốc tế (IIF). Giám đốc nghiên cứu bền vững Emre Tiftik và nhà kinh tế Khadija Mahmood của IIF tại Washington cho biết các nền kinh tế khắp toàn cầu, cả khối chính phủ cũng như tư nhân, có thể có ít lựa chọn ngoài việc tiếp tục vay vào năm 2021. Điều này có nghĩa là chúng ta tiếp tục chứng kiến khối nợ kỷ lục mới sẽ được thiết lập trong năm 2021.

Thực ra, đại dịch không chỉ là nguyên nhân gây ra nợ kỷ lục. Chẳng qua là mức nợ toàn cầu cứ năm sau lại soán ngôi kỷ lục của năm trước đó do hàng thập kỷ chính sách tiền tệ giá rẻ đã kích thích nợ và bơm phồng giá tài sản tài chính toàn cầu. Khối nợ toàn cầu ngày một mở rộng và liên tiếp đạt kỷ lục, gấp hơn 3 lần GDP toàn cầu: nợ gấp 3,22 lần tổng số của cải làm ra trong 1 năm (năm 2020 con số này 3,55 lần), theo công bố của IIF hồi quý 3/2019. Báo cáo cho thấy Trung Quốc và Mỹ là hai con nợ lớn nhất của thế giới, chiếm hơn 60% mức tăng trưởng nợ toàn cầu năm 2019.

Đại dịch chỉ kích thích các chính phủ tăng chi tiêu, tăng thâm hụt ngân sách (vay nợ để bù đắp thâm hụt) để kích thích tăng trưởng kinh tế mà thôi.

Nợ toàn cầu được bơm phồng không chỉ vì chính sách tiền tệ giá rẻ và cung tiền khổng lồ mà còn vì chi tiêu khủng của các chính phủ do được cổ vũ bởi học thuyết sai lầm của Keynes rằng bàn hay hữu hình trong chi tiêu của chính phủ có thể kích thích tăng trưởng hiệu quả. Hiệu quả mà Keynes khẳng định trong chi tiêu của chính phủ đã được chứng minh trong thực tiễn là thấp hơn nhiều so với khu vực tư nhân bằng nhiều nghiên cứu nghiêm cẩn. Các nghiên cứu nghiêm túc đối với một loạt các cuộc khủng hoảng kinh tế lơn, từ lạm phát đình trệ lớn của thập kỷ 1970 đến thập kỷ mất mát ở Nhật Bản sau chương trình chi tiêu chính phủ trong những năm 1990, gần đây nhất là cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu [2008-2009] đã chứng minh rằng không có chương trình kích thích [chi tiêu chính phủ] nào ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới thành công.

Đúng như vậy, tăng trưởng vẫn ì ạch, thất bại kinh tế gia tăng nhưng vỡ nợ khu vực tư tại 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu với các kỷ lục mới soán ngôi kỷ lục cũ.

Các vụ vỡ nợ trái phiếu tăng cao kỷ lục tại Trung Quốc

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các công ty Trung Quốc đã vỡ nợ 74,75 tỷ NDT (11,4 tỷ USD) trái phiếu trong nước trong 3 tháng đầu năm 2021, cao hơn gấp đôi so với kỷ lục được thiết lập một năm trước đó, trong khi số nợ trái phiếu ra nước ngoài tăng gần gấp ba lần lên 3,7 tỷ USD.

Các khoản vỡ nợ trung bình hàng tháng trong nước trong nửa cuối năm 2020 đã tăng từ mức 9,2 tỷ NDT trong nửa đầu năm lên 13,6 tỷ NDT, chiếm 47%. Khoảng 39 công ty Trung Quốc cả trong nước và nước ngoài đã vỡ nợ gần 30 tỷ USD trái phiếu vào năm 2020, đẩy tổng giá trị lên cao hơn 14% so với năm 2019.

Các công ty vỡ nợ ở Trung Quốc bao gồm Tập đoàn nắm giữ cổ phần điện và than Yongcheng - vỡ nợ với trái phiếu 1 tỷ NDT, nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup do chính phủ hậu thuẫn - vỡ nợ với trái phiếu 1,3 tỷ NDT. Một ví dụ khác là Huachen Automotive Group Holdings, công ty bị vỡ nợ vào tháng 11 năm ngoái, vụ vỡ nợ của công ty này thống trị các tiêu đề báo chí trong một thời gian dài.

Các công ty bất động sản chiếm 27% trong tổng số 15,1 tỷ USD nợ không thể trả của quý trước đối với trái phiếu trong nước và nước ngoài. Các nhà phát triển bất động sản có tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc tăng nhanh chóng trong vài năm qua. Trong quý đầu tiên của năm nay có 2 công ty vỡ nợ là Công ty Phát triển Đất đai China Fortune và Công ty Tập đoàn Bất động sản Thiên Tân, cả hai đều không trả được hơn 10 tỷ NDT trái phiếu. Công ty máy tính Tsinghua Unigroup Co. và Hainan Airlines Holding Co. cũng đứng đầu danh sách các công ty có khoản nợ lớn không thể trả đúng hạn vào đầu năm 2021.

Vụ vỡ nợ đình đám nhất là Tập đoàn Đại học Bắc Kinh. Các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ trái phiếu USD của tập đoàn này với con số lên tới 82 tỷ USD. Không chỉ trái phiếu USD phát hành cho các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn này cũng đã bị vỡ nợ 36,5 tỷ NDT (tương đương 5,6 tỷ USD) trái phiếu trong nước (theo Financial Times).

Vụ đổ vỡ gây hoang mang thực sự trên thị trường tài chính Trung Quốc ngay đầu năm 2021 lại đến từ một trong 4 công ty nhà nước xử lý nợ xấu của Trung Quốc là China Huarong Asset Management Ltd., gọi tắt là China Huarong. Sự việc xảy ra khi China Huarong đã không thể công bố báo cáo tài chính tại sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông trước hạn chót ngày 31/3 vừa qua. Nhà chức trách chỉ công bố rằng công ty này đang trong quá trình "tái cấu trúc". Thuật ngữ "tái cấu trúc" các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thường ám chỉ rằng doanh nghiệp đó đã rơi vào trạng thái phá sản, tương tự với trường hợp Tập đoàn Đại học Bắc Kinh.

Cho đến nay, chưa có bất kỳ phản hồi nào của cơ quan có thẩm quyền về tình trạng của China Huarong. Điều này có nghĩa 22 tỷ USD trái phiếu, một khoản nợ xấu trong hệ thống tài chính Trung Quốc được China Huarong bán ra thế giới, có thể trở thành rác.

Sự đổ vỡ của ông lớn nhà nước ôm nợ xấu này hiện đang lây lan sự hoang mang và tâm lý bán tháo nhiều tài sản tài chính trên thị trường tài chính Trung Quốc. Khi công ty xử lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc bất lực trong việc xử lý nợ xấu và bắt đầu đổ vỡ, đó sẽ không phải là sự đổ vỡ thông thường, đó là dấu hiệu khởi đầu cho sự đổ vỡ của hệ thống.

Hàng loạt các vụ vỡ nợ đã làm dấy lên tình trạng bán tháo trên thị trường trái phiếu trong nước của Trung Quốc, thị trường này có lẽ là một trong những thị trường lớn nhất thế giới, khi chính phủ trung ương của họ phá vỡ giả định lâu nay rằng họ sẽ bảo đảm cho tất cả các trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

"Việc phát hành trái phiếu tín dụng ở một số tỉnh đã bị đóng băng kể từ khi có các vụ vỡ nợ, điều này có thể làm tăng rủi ro tái cấp vốn trong toàn bộ không gian tín dụng và gây ra khủng hoảng tài chính khu vực", ông Peter Ru, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại công ty quản lý đầu tư tư nhân Neuberger Berman (Mỹ), cho biết.

Ông Owen Gallimore, nhà phân tích tín dụng cấp cao của ngân hàng ANZ tại Singapore cho biết: “Có rất nhiều tiêu cực trên thị trường trái phiếu. Các trái chủ chỉ đầu tư vì nhận thấy có được sự hỗ trợ, chứ không phải vì trái phiếu này đảm bảo được các nguyên tắc cơ bản. Phần lớn các công ty phát hành cho vay quá mức và chỉ giao dịch dựa trên sự đảm bảo ngầm".

Xếp hạng tín nhiệm luôn cực tốt trước mọi vụ phá sản: Từ Mỹ tới Trung Quốc

Tại Mỹ, các tổ chức xếp hạng bị cáo buộc là nguyên nhân tạo ra các cuộc khủng hoảng tài chính lớn - từ sự sụp đổ thị trường tài chính của thành phố New York vào giữa những năm 1970, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, vụ bê bối Enron năm 2001, đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ngay trước khi tập đoàn Enron vỡ nợ năm 2001, xếp hạng tín nhiệm của hãng này vẫn được đánh giá mức tốt nhất. Tương tự như vậy với nợ dưới chuẩn của Mỹ trước 2008, các khoản nợ dưới chuẩn được đánh giá mức tốt, đáng tin cậy bất chấp rủi ro tài chính quá lớn. Các đánh giá này khiến tiền đổ vào các khoản nợ xấu, làm phình to bong bóng nợ và thị trường tài sản để rồi sụp đổ ngay sau đó.

Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P đã xếp hạng tín dụng AAA (mức xếp hạng cao nhất hiện có) cho một phần lớn các khoản vay rủi ro nhất trên thị trường nợ có thế chấp (CDO) năm 2007. Khi bong bóng bất động sản vỡ vào năm 2007, nhiều khoản vay đã trở nên tồi tệ do giá nhà đất giảm và các chủ nợ xấu không có khả năng tái cấp vốn.

Trung Quốc không ưa thích 03 ông lớn xếp hạng tín nhiệm toàn cầu của Mỹ, họ dùng các hãng xếp hạng tín dụng trong nước của họ. Nhưng kết quả chẳng khác gì. Nói nặng lời, vẫn là công cụ giúp các nhà phát hành nợ lừa dối nhà đầu tư mà thôi. Một dạng thuốc gây mê.

Theo Reuters, hơn 90% các tổ chức phát hành nợ được xếp hạng của Trung Quốc đã được xếp hạng AA hoặc cao hơn trước khi vỡ nợ. Nhiều nhà đầu tư biết rằng các tổ chức xếp hạng trong nước không đáng tin cậy, đặc biệt là đối với một số DNNN “xác sống” được xếp hạng AAA.

Giữa xếp hạng tại Trung Quốc và xếp hạng của 03 ông lớn xếp hạng ở Mỹ thường khác biệt trung bình từ 7 đến 8 khía cạnh. Nhưng kết quả cuối cùng có vẻ không khác nhau là bao.

Tháng 11/2020, Yongcheng Coal & Power Holding Group, một công ty khai thác mỏ ở Hà Nam thuộc sở hữu của chính quyền tỉnh, đã không thanh toán được tiền gốc và lãi cho một thương phiếu trị giá 1 tỷ NDT mặc dù được xếp hạng AAA. Điều này gây ra làn sóng bán tháo trên thị trường trái phiếu.

Ngay sau khi thị trường đi xuống, người ta phát hiện ra rằng nhiều trái phiếu của các công ty được xếp hạng AAA và AA đã trở thành trái phiếu rác, chủ tịch NIFD Li Yang, cho biết.

Điều này dẫn đến việc nhiều công ty nhà nước hủy bỏ kế hoạch gây quỹ do nhà đầu tư không còn lòng tin vào tình hình tài chính của họ mặc dù các công ty này được xếp hạng đầu tư. Các công ty chứng khoán, kế toán và cơ quan xếp hạng liên quan đang bị các cơ quan quản lý Trung Quốc điều tra về vai trò của họ trong vụ bê bối trái phiếu Yongcheng.

Nhiều trái phiếu do các công ty Trung Quốc phát hành, bao gồm cả các công ty nhà nước, được đánh giá là có cấp độ đầu tư cao nhưng tỷ lệ vỡ nợ của trái phiếu AA+ lại là một con số đáng kinh ngạc, lên đến 82% vào năm ngoái, dữ liệu của NIFD cho thấy.

“Một trái phiếu AA tốt sẽ tốt hơn nhiều so với một trái phiếu được xếp hạng AAA xấu, vì vậy bạn không thể chỉ nhìn vào xếp hạng tín dụng. Cần phải tránh các doanh nghiệp nhà nước được xếp hạng AAA với tình trạng dư thừa năng lực và có gánh nặng lịch sử nặng nề”, ong Yun Zhanhua, Phó chủ tịch của First Capital Securities, cho biết trong một buổi hội thảo.

Các nhà quản lý Trung Quốc ngày càng lo ngại về hậu quả từ các biện pháp kinh tế khẩn cấp được áp dụng từ đầu năm nay. Tỷ lệ nợ trên GDP của quốc gia này đã tăng từ 245,4% cuối quý 3 năm 2019 lên 266,4% GDP cuối quý ba năm 2020, theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS).

Tại Mỹ, các vụ vỡ nợ bắt đầu đến từ các cuộc gọi ký quỹ

Một cuộc gọi ký quỹ là gì? Nhiều quỹ đầu cơ và các nhà đầu tư lớn đặt cược đòn bẩy vào cổ phiếu bằng cách sử dụng tài khoản ký quỹ, vay nợ để đầu tư vào tài sản tài chính.

Tài khoản ký quỹ cho phép nhà đầu tư vay tiền từ các nhà môi giới (là các ngân hàng thương mại lớn, các định chế tài chính...) để mua các sản phẩm tài chính, thường là cổ phiếu, trái phiếu. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy để mua một lượng cổ phiếu lớn hơn so với lượng tiền mặt hoặc tài sản khác của nhà đầu tư. Kỹ thuật này thường được gọi là mua “ký quỹ” và nó đi kèm với rủi ro cao.

Khi thị trường không đi lên mà đi xuống thì đây là lúc các cuộc gọi ký quỹ phát huy tác dụng. Một nhà đầu tư mua cổ phiếu ký quỹ, nhà môi giới yêu cầu người vay phải có một số lượng tài sản thế chấp tối thiểu để đảm bảo vị thế an toàn nhất định. Nếu nhà đầu tư không đáp ứng được mức tối thiểu này trong bất kỳ thời điểm nào khi nắm giữ cổ phiếu, thì nhà môi giới sẽ thực hiện một cuộc gọi ký quỹ, tức là yêu cầu bổ sung thêm tiền mặt hoặc buộc phải bán tháo tài sản đang nắm giữ dù là bán lỗ.

Nếu nhà đầu tư không thể đáp ứng mức tối thiểu này, thì người đi vay có thể sẽ bị vỡ nợ, dẫn đến thiệt hại cho nhà môi giới.

Vào ngày 26 tháng 3 năm 2021 vừa qua, Archegos vỡ nợ do các lệnh dừng ký quỹ (margin call) từ một số ngân hàng đầu tư toàn cầu, bao gồm Credit Suisse và Nomura Holdings, cũng như Goldman Sachs và Morgan Stanley. Những ngân hàng này cũng chính là những tổ chức cho quỹ Archegos vay để đầu cơ. Theo Bloomberg, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của quỹ này chỉ đạt mức 1:5, mức cực kỳ rủi ro.

Sự sụp đổ bất thường này diễn ra khi thị trường thanh khoản tốt, giá cổ phiếu tăng chóng mặt, lạm phát chưa tăng, lãi suất cực thấp, các công cụ khuyến khích nợ vẫn đang hết sức mở rộng cửa cho mọi nhà đầu tư cá nhân và tổ chức… Bất chấp bối cảnh “đẹp như mơ” của giới đầu cơ và đầu tư tại Mỹ cũng như toàn cầu, cơ cấu vốn và tài sản của Archegos Capital Management yếu ớt đến mức quỹ phòng ngừa rủi ro này mất khả năng trả nợ, bị tổ chức môi giới ra lệnh dừng ký quỹ (margin call) và thất bại trong việc thanh lý tài sản (chính là các cổ phiếu đang nắm giữ) để giảm tỷ lệ ký quỹ.

Bên cạnh đó, việc một quỹ đầu cơ nhỏ của Mỹ trên Phố Wall vỡ nợ đã khiến khối lượng cổ phiếu mà quỹ này đang giữ bị bán tháo trên TTCK của cả Mỹ và Trung Quốc.

Một người đang đi dạo trên Phố Wall, New York trong khi virus corona Vũ Hán khiến hầu hết các công ty và thị trường tài chính phải đóng cửa, vào ngày 23/4/2020. (Ảnh: Getty)
Một người đang đi dạo trên Phố Wall, New York trong khi virus corona Vũ Hán khiến hầu hết các công ty và thị trường tài chính phải đóng cửa, vào ngày 23/4/2020. (Ảnh: Getty)

Theo Business Insider, quỹ này đang bán tháo ra thị trường 20 tỷ USD cổ phiếu đang nắm giữ gồm cổ phiếu của các hãng truyền thông Mỹ, các doanh nghiệp công nghệ lớn của Trung Quốc. Khối lượng bán tháo khủng đã khiến TTCK Mỹ và Trung Quốc bay mất nhiều tỷ USD chỉ trong vài ngày.

Morgan Stanley và Goldman Sachs, các broker của Archegos, đã gây ấn tượng mạnh vào ngày 26/3 với doanh số bán hàng (cổ phiếu mà Archegos có vị thế bán) khổng lồ. Theo Bloomberg, các chủ nợ của quỹ Archegos có thể lỗ tới 9 tỷ USD (tạm tính sau tuần đầu tiên vỡ nợ).

Morgan Stanley được cho là đã bán khoảng 13 tỷ USD cổ phiếu trong các công ty như nhà điều hành trình duyệt Internet Trung Quốc Baidu (BIDU), công ty dạy kèm trực tuyến Trung Quốc GSX Techedu (GSX), trang thương mại điện tử hàng xa xỉ Farfetch có trụ sở tại London. (FTCH) và kênh truyền hình Discovery (DISCA).

Goldman Sachs được cho là đã bán được 6,6 tỷ USD cổ phiếu của Baidu - vốn được mệnh danh danh là "Google của Trung Quốc", công ty có hệ thống cửa hàng giảm giá trực tuyến Trung Quốc VIPShop Holdings (VIPS) và công ty công nghệ truyền thông trực tuyến Tencent Music Entertainment (TME), một liên doanh giữa Spotify (SPOT) và gã khổng lồ trò chơi Trung Quốc và chủ sở hữu siêu thị WeChat là Tencent Holdings (TCTZF).

Cổ phiếu của Baidu đã giảm 5% tại sàn giao dịch Hong Kong vào thứ Hai (ngày 29/3). Baidu đã tiến hành niêm yết thứ cấp tại thành phố này vào tuần trước, huy động được 23,7 tỷ đô la Hong Kong (3 tỷ USD).

Bilibili (BILI), nhà sản xuất trò chơi điện tử Trung Quốc niêm yết trên sàn Nasdaq, bắt đầu giao dịch tại Hong Kong vào thứ Hai với đợt chào bán thứ cấp - thu được 20,2 tỷ đô la Hong Kong (2,6 tỷ USD). Cổ phiếu của Bilibili (HK: 9626) mất 1,0% để đóng cửa ở mức giá 800 đô la Hong Kong - giảm so với mức giá "may mắn" của họ là 808 đô la Hong Kong.

Trong làn sóng rủi ro vỡ nợ doanh nghiệp, làn sóng thanh trừng các tập đoàn tài chính công nghệ lớn trong nước, các công ty công nghệ Trung Quốc rơi vào cảnh "hoạ vô đơn chí" khi Phố Wall có "kẻ vỡ nợ". Giá cổ phiếu của doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc mà quỹ phòng ngừa rủi ro Archegos Capital Management đang phải bán tháo sụt giá thê thảm.

Sự kiện này dường như nhắc nhở Bắc Kinh rằng khi tiền giá rẻ ngập Phố Wall, Trung Quốc sẽ không chỉ là kẻ hưởng lợi mà cũng đồng thời là kẻ gánh rủi ro trực tiếp từ bong bóng tài sản do dòng tiền này tạo nên. Bởi thế, khoản tiền khổng lồ 1,9 nghìn tỷ USD của chính quyền ông Biden và các chương trình “nới lỏng định lượng” của Fed sẽ không hề dễ chịu với một nền kinh tế đang chất chứa quá nhiều bong bóng tài sản, bất cân đối vốn như Trung Quốc.

Thủy Tiên - Hữu Nguyên

NGUỒN TIN THAM KHẢO

  1. https://www.iif.com/Portals/0/Files/content/Global%20Debt%20Monitor_Feb2021_vf.pdf
  2. https://www.e-elgar.com/shop/usd/what-s-wrong-with-keynesian-economic-theory-9781785363757.html
  3. https://financialpost.com/pmn/business-pmn/chinas-record-surge-of-defaults-driven-by-property-developers
  4. http://globalchinacenter.shss.ust.hk/media_reports/debt-chinas-state-owned-firms-spotlight-credit-tightening-raises-default-pressure
  5. https://www.bloomberg.com/news/articles/2021-01-11/china-s-record-30-billion-bond-defaults-seen-rising-this-year
  6. https://citywireselector.com/news/what-is-going-on-with-china-s-corporate-debt-drama/a1460083
  7. https://qz.com/1991073/how-many-funds-are-a-margin-call-away-from-failing-like-archegos/
  8. https://www.proactiveinvestors.com/companies/news/945168/investment-banks-tumble-over-us-hedge-fund-defaults-on-massive-margin-call-945168.html
  9. https://www.vernonlitigation.com/blog/2021/march/banks-face-billions-in-losses-as-archegos-defaul2/
  10. https://citywireselector.com/news/credit-suisse-expects-significant-losses-after-us-hedge-fund-defaults-on-margin-calls/a1487423



BÀI CHỌN LỌC

Bong bóng nợ kỷ lục và vỡ nợ kỷ lục từ Trung Quốc đến Mỹ