Buộc phải cắt giảm 95% gia súc, nông dân Hà Lan chiến đấu chống lại Tái lập vĩ đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giữa những mối lo về khủng hoảng lương thực và chuỗi cung ứng toàn cầu, quy định mới về môi trường của Hà Lan yêu cầu nông dân Hà Lan phải cắt giảm tới 95% số lượng gia súc. Trong khi đó, cơ sở khoa học của các quy định mới này tỏ ra không xác đáng và còn nhiều vấn đề. Theo một chính trị gia Hà Lan, thực chất nông dân Hà Lan, những người có lịch sử gắn bó sâu sắc với đất đai, đang phải chiến đấu chống lại kế hoạch Tái lập vĩ đại của những người ủng hộ chủ nghĩa toàn cầu.

Nông dân Hà Lan lâm vào đường cùng

Tại Hà Lan, nông dân sản xuất sữa Martin Neppelenbroek đang lâm vào đường cùng.

Các quy định mới về môi trường sẽ yêu cầu ông Neppelenbroek phải cắt giảm 95% số lượng gia súc. Ông ấy nghĩ rằng ông sẽ phải bán trang trại của gia đình mình.

“Tôi không thể vận hành một trang trại chỉ với 5%. Đối với tôi, mọi việc đã chấm dứt và kết thúc”, ông Neppelenbroek nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 07/07 với The Epoch Times.

“Theo các quy định, tôi không thể bán nó [trang trại] cho bất kỳ ai. Không ai muốn mua nó. [Nhưng] chính quyền muốn mua nó. Và đó là lý do tại sao họ [có] những quy định đó, tôi nghĩ vậy”.

Ông Neppelenbroek đã đưa ra nhận xét khi nói chuyện với ông Roman Balmakov, người dẫn chương trình "Facts Matter" (Sự thật là quan trọng) trên EpochTV, trong chuyến đi gần đây của ông Balmakov đến Hà Lan.

Buộc phải cắt giảm 95% gia súc, nông dân Hà Lan chiến đấu chống lại Tái lập vĩ đại
Nông dân chăn nuôi bò sữa Hà Lan Martin Neppelenbroek tại trang trại của mình ở Lemelerveld, Hà Lan, vào ngày 07/07/2022. (Ảnh: The Epoch Times)

Ông Neppelenbroek chỉ ra rằng không phải tất cả nông dân đều phải loại bỏ một lượng lớn đến vậy gia súc của họ.

Những người sống xa các khu vực được bảo vệ theo Natura 2000, một hiệp định của Liên minh châu Âu (EU) về bảo tồn các loài và môi trường sống, có thể sở hữu nhiều gia súc hơn.

Đó là bởi vì các quy định của chính quyền Hà Lan về oxit nitơ và phát thải amoniac được áp dụng cho các vùng gần các khu vực bảo vệ trên.

Nông dân, tài xế xe tải và những người khác trên khắp Hà Lan đã tham gia các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại các mục tiêu môi trường đó. Chính quyền Hà Lan đã đưa ra một kế hoạch cho toàn quốc gia và khu vực cụ thể vào ngày 10/06 nhằm giảm phát thải khí nhà kính nitơ.

Những người nông dân đang phải đối mặt với một mối nguy nếu không tuân thủ quy định: khả năng bị chính quyền cưỡng ép tịch thu tài sản.

NOS Nieuws đưa tin rằng bà Christianne van der Wal, Bộ trưởng Tự nhiên và Chính sách Nitơ của Hà Lan, đã không loại trừ việc trưng thu đất từ ​​những người nông dân bất hợp tác.

Theo một báo cáo từ Cục Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Mỹ, chính quyền Hà Lan cho biết cách tiếp cận của họ không thể đảm bảo tương lai cho tất cả nông dân Hà Lan.

Hiện tại, trang trại rộng hơn 70 mẫu Anh của ông Neppelenbroek có khoảng 130 con bò sữa. Trang trại của gia đình ông đã tồn tại trong nửa thế kỷ.

“Tôi là thế hệ thứ hai,” ông ấy nói và nói thêm rằng nhiều trang trại ở Hà Lan đã tồn tại trong các gia đình với thời gian lâu hơn nữa.

Người Hà Lan làm tốt hơn nhiều so với mức được kỳ vọng trong lĩnh vực nông nghiệp. Quốc gia nhỏ bé ven biển này là một trong 10 nhà xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới.

Ông Neppelenbroek nói: “Khi bạn không có nhiều không gian, bạn phải sử dụng nó một cách hiệu quả nhất có thể".

“Đây là một vùng châu thổ, và khí hậu không quá nóng, không quá lạnh. Đây là một nơi lý tưởng để nuôi trồng".

Ông Neppelenbroek thừa nhận rằng bò tạo ra rất nhiều amoniac thông qua chất thải cơ thể của chúng.

Tuy nhiên, “bạn không thể đổ lỗi cho chỉ một nhóm nhỏ ở quốc gia của bạn vì đã gây ô nhiễm môi trường”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng nông dân cảm thấy họ đang bị gây áp lực quá lớn.

Ông lập luận rằng việc đóng cửa các trang trại ở Hà Lan sẽ chỉ dẫn tới việc phải nhập khẩu thực phẩm từ nơi khác.

Ông lưu ý rằng phân bò có thể có lợi cho tình trạng sức khỏe của đất - chắc chắn nhiều hơn so với các loại phân tổng hợp cần dùng để thay thế nó.

Bò cũng có thể được cho ăn thức ăn thừa mà con người không ăn: “Chúng có thể giúp loại bỏ rất nhiều thứ mà chúng ta không thể sử dụng theo cách của con người…”, ông nói.

Giống như nhiều người khác ở Hà Lan, ông Neppelenbroek nghi ngờ chính quyền muốn sử dụng đất thu được để xây dựng nhà ở.

Những quy định về môi trường với cơ sở khoa học không xác đáng

Ông Jaap Hanekamp là người hay hoài nghi về các kết luận khoa học. Ông ấy không ngừng hỏi một câu hỏi đơn giản: "Nhưng, điều này có đúng không?".

Ông đặc biệt chỉ trích nền tảng khoa học của các tính toán của chính quyền Hà Lan về sự lắng đọng amoniac và nitơ oxit — cơ sở của các quy định về khí hậu yêu cầu việc giảm số lượng vật nuôi và khiến nhiều nông dân mất việc làm.

Ông cho rằng nó dựa trên những định nghĩa mơ hồ, sự coi trọng quá mức các đánh giá của chuyên gia, và chỉ tập trung một cách hạn hẹp vào thiệt hại thay vì tính toán cả thiệt hại và lợi ích.

Ông nói: “Giờ đây chúng ta đang coi nông dân như những người gây ô nhiễm, chấm hết, đó là một quan điểm rất kỳ lạ".

Ông Hanekamp, một ​​phó giáo sư hóa học tại Đại học College Roosevelt ở Hà Lan, đã đưa ra các bình luận trong cuộc phỏng vấn với ông Roman Balmakov, người dẫn chương trình “Facts Matter” (Sự thật là quan trọng) của EpochTV.

Một quyết định năm 2019 của tòa án Hà Lan ngăn cản việc xây dựng các cơ sở chăn nuôi đã gây ra một đợt phản đối trước đó của nông dân.

Buộc phải cắt giảm 95% gia súc, nông dân Hà Lan chiến đấu chống lại Tái lập vĩ đại
Nông dân biểu tình phản đối chính sách nitơ của chính quyền ở The Hague, Hà Lan, vào ngày 19/02/2020. (Ảnh: ROBIN VAN LONKHUIJSEN / ANP / AFP qua Getty Images)

Một bài báo trên tờ Science về các cuộc biểu tình đã mô tả một số tác hại do khí thải nitơ gây ra: “Tại 118 trong số 162 khu bảo tồn thiên nhiên của Hà Lan, sự lắng đọng nitơ hiện vượt quá ngưỡng rủi ro sinh thái trung bình 50%.

“Ở các cồn, bãi lầy và bãi thạch nam (nơi cây thạch nam sống), nơi sinh sống của các loài thích nghi với tình trạng thiếu nitơ, sự đa dạng của thực vật đã giảm khi các loại cỏ, cây bụi và cây ưa nitơ di chuyển đến".

“Các chất từ nitơ là chất dinh dưỡng - bạn cần chúng để phát triển cây trồng”, ông Hanekamp nói.

Ông Hanekamp tin rằng chính quyền đã tập trung vào nitơ trong khi gần như loại trừ các yếu tố khác ảnh hưởng đến tự nhiên, chẳng hạn như vị trí của nước ngầm so với bề mặt.

Ông cũng đặt câu hỏi liệu sự thay đổi của hệ sinh thái được thúc đẩy bởi sự gia tăng lắng đọng nitơ có thể được định nghĩa một cách hợp lý là “thiệt hại” hay không.

“Bản thân sự thay đổi về đa dạng sinh học là xấu, hay đó chỉ là sự thay đổi?”, ông đặt câu hỏi.

Ông chỉ ra rằng Hà Lan hoàn toàn không phải là một vùng đất hoang vu nguyên sơ. Phần lớn đất đai là nhân tạo, được cải tạo từ biển trong nhiều thế kỷ gần đây nhờ sự khéo léo của con người.

Ông Hanekamp đã xem xét kỹ lưỡng một thuật ngữ được sử dụng trong nghiên cứu sinh thái của chính quyền: “tải trọng tới hạn nitơ”.

Dưới “tải trọng tới hạn” của nó, một chất không được cho là gây ra mối đe dọa môi trường đáng kể.

Trong một bài báo gần đây, ông Hanekamp và đồng tác giả William Briggs đã mô tả một số vấn đề với bằng chứng được sử dụng để xác định tải trọng tới hạn của nitơ ở Hà Lan.

Thứ nhất, họ không tin rằng các định nghĩa về tải trọng tới hạn của nitơ là đủ chính xác. Ngoài ra, họ cho rằng vẫn chưa có đủ các nghiên cứu quy mô lớn và dài hạn về sự lắng đọng nitơ.

Ông Hanekamp nhấn mạnh rằng các mô hình có thể hữu ích — việc thực hiện 100.000 lần đo đạc trên toàn quốc sẽ không hẳn là dễ dàng hoặc rẻ tiền.

Tuy nhiên, sự không chắc chắn của việc lập mô hình gây khó khăn cho việc mô tả dòng nitơ dựa trên những thay đổi ở một trang trại cụ thể.

Điều đó đã không ngăn được Bộ trưởng Tự nhiên và Chính sách Nitơ Hà Lan công bố các mục tiêu giảm nitơ chi tiết, cụ thể cho từng khu vực vào tháng 6 năm nay.

Buộc phải cắt giảm 95% gia súc, nông dân Hà Lan chiến đấu chống lại Tái lập vĩ đại
Bộ trưởng Tự nhiên và Chính sách Nitơ của Hà Lan Christianne van der Wal - Zeggelink phản ứng sau khi một nhóm nông dân tụ tập bên ngoài nơi ở của cbà để phản đối các chính sách của chính quyền, ở Hierden, Hà Lan, vào ngày 10/06/2022. (Ảnh: - / ANP / AFP qua Getty Images)

Công bố này là nguyên nhân tạo ra đợt biểu tình mới nhất của nông dân.

“Chúng ta đã tạo ra ảo tưởng về tính chắc chắn đối với sự phát thải và lắng đọng. Đó hoàn toàn là một ảo tưởng về hoạch định chính sách”, ông Hanekamp nói.

“Vấn đề là chính quyền Hà Lan đã quyết định rằng những tải trọng tới hạn này đã được ấn định rõ ràng đối với chất lượng của môi trường sống mà chúng ta có. Và đó là một cách tiếp cận rất kỳ lạ đối với vấn đề này".

Ông Hanekamp lo lắng rằng một phân tích rủi ro-lợi ích xã hội toàn diện đã không được tiến hành. Ông cho rằng kết quả cuối cùng của các đề xuất về khí hậu của chính quyền vẫn chưa hoàn toàn được xác định.

“Nếu chúng ta thực hiện những điều này và chúng ta sẽ loại bỏ, như là, một phần ba số nông dân, chúng ta vẫn không biết kết quả liên quan tới những tải trọng tới hạn này sẽ ra sao, điều này thật vô nghĩa lý”, ông nói.

“Đúng vậy, chúng ta [sẽ] biết rằng một phần ba số nông dân [đã] biến mất, và về cơ bản, chúng ta đang giảm sản lượng và thu nhập của quốc gia, nhưng về lợi ích của việc đầu tư vào tự nhiên đang được quan tâm? Chúng ta không biết gì về điều đó”.

Nông dân Hà Lan đang chiến đấu chống lại Tái lập vĩ đại

Theo chính trị gia Hà Lan Thierry Baudet, nông dân Hà Lan đang phải chiến đấu chống lại kế hoạch “Tái lập vĩ đại” của những người theo chủ nghĩa toàn cầu thông qua các cuộc biểu tình phản đối các chính sách khí hậu nghiêm ngặt mới của chính quyền Hà Lan.

Tái lập vĩ đại là kế hoạch đang được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thúc đẩy.

“Vấn đề thực sự ở đây là Tái lập vĩ đại, sự di cư hàng loạt, [và] quản trị xuyên quốc gia. Và đó là lý do tại sao người dân đang bị phân tách — họ bị buộc phải mất đi kết nối của họ với đất đai. Và đó là lý do tại sao họ tấn công những người nông dân”, ông nói.

Ông Baudet, một thành viên của Hạ viện Hà Lan và lãnh đạo đảng chính trị Diễn đàn vì Dân chủ, đã đưa ra nhận xét trong cuộc phỏng vấn ngày 08/07 với ông Roman Balmakov, người dẫn chương trình “Facts Matter” (Sự thật là quan trọng) của EpochTV.

Trong một tập ngày 05/07 từ chương trình "Crossroads with Joshua Philipp" (Ngã tư với Joshua Philipp) của EpochTV, ông ấy cũng nói về các cuộc biểu tình của nông dân Hà Lan.

“Đây không chỉ là chuyện của Hà Lan - mà còn là của cả châu Âu”, ông Philipp nói, lưu ý rằng các cuộc biểu tình đã lan rộng khắp lục địa, một phần có liên quan đến các chính sách tương tự từ Ủy ban châu Âu.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 05/07 với The Epoch Times, ông Baudet cho biết chính sách của chính quyền phản ánh áp lực từ Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến việc quốc gia này tham gia vào mạng lưới Natura 2000 của EU.

“Làm thế nào mà trong thời đại mà mọi người đều đang nói về khả năng thiếu lương thực, các chuỗi cung ứng bất ổn, chính quyền Hà Lan [lại] đang theo đuổi chính sách này, điều sẽ dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng quốc tế và do đó, sự không chắc chắn cho người dân Hà Lan?", ông Baudet cho biết vào ngày 08/07.

“Câu trả lời là những người quản lý đất nước này đang tuân theo kịch bản do EU viết ra, để hiện thực hóa cái mà họ gọi là Tái lập vĩ đại. Họ muốn làm chúng ta phụ thuộc nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng quốc tế. Họ muốn làm suy yếu chủ quyền và quyền tự trị của Hà Lan”.

Ông Baudet và các chính trị gia Hà Lan khác, bao gồm cả thành viên Hạ viện Hà Lan Geert Wilders, đã khẳng định rằng chính quyền đang cố gắng mua đất nông nghiệp với giá rẻ để xây dựng thêm nhà ở cho người di cư.

Buộc phải cắt giảm 95% gia súc, nông dân Hà Lan chiến đấu chống lại Tái lập vĩ đại
Nông dân biểu tình với những con bò của họ bên ngoài tòa nhà Hạ viện, khi các Hạ nghị sĩ đang tranh luận về kế hoạch nitơ của nội các trong cuộc biểu tình của nông dân chống lại chính sách nitơ của nội các ở The Hague, vào ngày 28/06/2022. (Ảnh: JEFFREY GROENEWEG / ANP / AFP qua Getty Images)

Trong cuộc phỏng vấn ngày 08/07, ông Baudet thừa nhận rằng nhà nước không coi nhà ở cho người nhập cư là mục tiêu rõ ràng trong các chính sách nhắm tới nông dân của đất nước này.

Tuy nhiên, ông nói, chính quyền hiện tại, do Thủ tướng Mark Rutte lãnh đạo, đã biến việc duy trì di cư hàng loạt trở thành một mục tiêu rõ ràng.

Số liệu thống kê của chính quyền Hà Lan cho thấy di cư ròng (người nhập cư trừ người rời đi) đến đất nước này đã có xu hướng tăng trong những năm gần đây, phục hồi trở lại vào năm 2021 sau khi giảm trong năm COVID-19 2020.

Di cư ròng đến Hà Lan, quốc gia có khoảng 17,2 triệu người, tổng cộng là 108.275 người vào năm 2021.

Ông Baudet cho biết: “Nếu bạn tiếp nhận 100.000 người mỗi năm, thì lượng khí thải nitơ oxit của bạn sẽ tăng lên cho dù thế nào đi nữa,” ông Baudet nói, đặt nghi vấn về các ưu tiên của chính quyền trong việc tìm cách xóa sổ đất canh tác trong khi cho phép di cư ồ ạt để giúp thúc đẩy tăng trưởng dân số.

“Không ai thực hiện những phân tích bao trùm về những gì sẽ xảy ra với nền kinh tế trong dài hạn. Các chính sách của chúng ta nhất quán về mặt bản chất đối với nhau như thế nào?”.

Ông Baudet tin rằng có một yếu tố sâu sắc hơn, thậm chí mang tính tâm linh trong cuộc chiến tranh giành các trang trại của Hà Lan.

“Nông dân, và nói chung là những người sống trên đất đai, kiếm sống dựa vào đất đai (trồng trọt, chăn nuôi, săn bắn…) và sinh sống cùng với đất đai, có mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử mà họ vẫn tự hào. Họ thường là các công ty gia đình đã tồn tại trong gia đình đó trong nhiều thế hệ. Và vì vậy đây không phải là những con người hậu hiện đại, hậu lịch sử, hậu dân tộc”, ông nói. (tiền tố hậu ám chỉ sự theo sau, vượt ra ngoài; hậu dân tộc, chẳng hạn, là chỉ việc suy giảm vai trò và ảnh hưởng của dân tộc, quốc gia, nhường chỗ cho các tổ chức siêu quốc gia và quốc tế)

Buộc phải cắt giảm 95% gia súc, nông dân Hà Lan chiến đấu chống lại Tái lập vĩ đại
Nông dân Hà Lan Jan van Kempen trong vụ thu hoạch khoai tây ở Zuidoostbeemster, Hà Lan vào ngày 10/08/2018. (Ảnh: LEX VAN LIESHOUT / AFP qua Getty Images)

“Họ là những người vì gia đình đáng tự hào, những người có công việc kinh doanh riêng của họ, những người sống dựa vào mảnh đất của chính họ, [và] những người có mối liên hệ với lịch sử và thiên nhiên của đất nước này. Và vì vậy, họ trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với kế hoạch hậu lãnh thổ, hậu bản sắc của những người theo chủ nghĩa toàn cầu”. (phong trào bản sắc: đề cao quyền của những tộc người châu Âu, da trắng)

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Buộc phải cắt giảm 95% gia súc, nông dân Hà Lan chiến đấu chống lại Tái lập vĩ đại