Buôn người đằng sau BRI ở Campuchia - nạn nhân bị kéo vào vòng xoáy tội lỗi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nạn nhân của vụ buôn người tới Campuchia, người đã bị ép buộc phải thực hiện các vụ lừa đảo, sau khi trốn thoát được đã tố cáo các nhà phát triển bất động sản BRI của Trung Quốc là đối tượng đứng đằng sau các tội ác quốc tế. Một trong các hành vi tội ác đã lan từ Trung Quốc sang Mỹ là 'vỗ béo lợn để giết thịt'.

Nhà phát triển BRI đứng sau các tội ác quốc tế

Sau vụ lừa đảo và buôn người quốc tế gần đây bị phanh phui với nạn nhân là hàng nghìn công dân nói tiếng Trung Quốc từ Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong, thông tin chi tiết về các tổ chức lừa đảo đang được phơi bày khi nhiều nạn nhân được giải cứu đã lên tiếng.

Nhiều thông tin đã chỉ ra rằng các nhà phát triển bất động sản thuộc Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có trụ sở tại Campuchia là thủ phạm chính của các tội ác quốc tế.

Chính phủ tham nhũng của Campuchia đã chấp nhận khoản vay BRI từ Bắc Kinh; số tiền này đã nuôi dưỡng một trong những người đàn ông giàu nhất Trung Quốc, người bị truy nã vì thu được một khối tài sản khổng lồ từ hoạt động cờ bạc trực tuyến và đã trốn sang Campuchia.

Gần đây, FBI báo cáo rằng các hành vi tội phạm có liên quan, được gọi là Pig Butchering (Vỗ béo lợn để giết thịt), đã lan sang Mỹ từ Trung Quốc và đã biến nhiều người Mỹ trở thành nạn nhân trong những năm qua.

Nạn nhân lên tiếng

Tan Ban Kheng (41 tuổi), một người Trung Quốc đến từ Malaysia, nói với truyền thông địa phương về ba tuần bị giam giữ ở Campuchia sau khi trốn thoát sang Malaysia. Trong thời gian bị giam giữ, ông ấy bị buộc phải thực hiện hành vi lừa đảo.

Ông Tan cũng chia sẻ chi tiết về các hoạt động bất hợp pháp mà ông ấy chứng kiến khi bị giam giữ trong một khu phức hợp ở Campuchia với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times.

Ông Tan thường xuyên bị quấy rối và đe dọa vì đã tiết lộ những trò lừa đảo với giới truyền thông. Ông nói rằng một trong những thủ phạm chính liên quan đến buôn người và lừa đảo là Tập đoàn Bất động sản Hoàng tử (Tập đoàn Hoàng tử), một nhà phát triển Trung Quốc đang kinh doanh tại Campuchia theo thỏa thuận BRI của Bắc Kinh.

Ông Tan cáo buộc Tập đoàn Hoàng tử có nhiều cơ sở kinh doanh ngầm ở Campuchia có liên quan đến lừa đảo, mại dâm và ma túy.

Buôn người đằng sau BRI ở Campuchia - nạn nhân bị kéo vào vòng xoáy tội lỗi
Một trong nhiều cơ sở sòng bạc của Trung Quốc ở Sihanoukville, thủ phủ ven biển của tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia vào ngày 13/12/2018. (Ảnh: TANG CHHIN SOTHY / AFP qua Getty Images)

Ông Tan là giám đốc nhà máy ở Trung Quốc, người đã trở về Malaysia khi dịch COVID-19 bùng phát.

Vào đầu tháng 5, ông đã có bốn cuộc phỏng vấn trực tuyến cho vị trí trưởng nhóm dịch vụ khách hàng với một công ty ở Campuchia. Vào ngày 06/05, ông Tan bay đến Campuchia.

Một người đàn ông đã gặp ông Tan tại sân bay và đón ba người đàn ông khác trên đường đến văn phòng của công ty. Sau đó, ông nhận ra rằng những người đàn ông được đón và tự nhận là nhân viên thực ra ở đó để ngăn ông trốn thoát.

Ông Tan được đưa đến một khu phức hợp được bảo vệ nghiêm ngặt bởi lính đánh thuê Campuchia. Khu phức hợp này là một phần của Khu nghỉ dưỡng và Sòng bạc Victory Paradise (viết tắt là Khu nghỉ dưỡng), thuộc sở hữu của Tập đoàn Hoàng tử.

Khu nghỉ dưỡng trên đỉnh đồi này có tầm nhìn ra Sihanoukville, một thành phố ven biển ở Campuchia, bao gồm 10 tòa nhà cao tầng, được kiểm soát chặt chẽ bởi những người đàn ông có vũ trang, những người mà sau này ông nhận ra là các cựu chiến binh Campuchia.

Dưới chân đồi, những người đàn ông mặc áo sơ mi dài tay đen và quần tây mang theo gậy dài hoặc súng lớn; và những lính canh với những con chó săn liên tục tuần tra xung quanh khu đất.

Có kịch bản lừa đảo dành cho tất cả mọi người

Trước đại dịch COVID-19, Campuchia nổi tiếng với nạn buôn người và lừa đảo, nhưng tình hình đã ngày càng gia tăng, ông Tan nói.

Tại khu nhà, hộ chiếu của ông Tan bị tịch thu và ông được cảnh báo là không được bỏ trốn vì họ đã trả tiền vé máy bay, tiền ăn ở và tiền đặt cọc cho ông ấy. Ông Tan được chỉ định vào một nhóm, và trong hai ngày được đào tạo về cách lừa đảo, đánh bạc trực tuyến bất hợp pháp và lừa đảo tình cảm trực tuyến. Ông đã học về các trò lừa đảo trực tuyến khác nhau liên quan đến việc làm, chuyện tình cảm, đầu tư tiền điện tử, khiến các đối tượng mục tiêu chụp ảnh khỏa thân, và hoạt động đe dọa.

Mỗi nhóm 10 người được trang bị điện thoại di động, hai máy tính, bảy hoặc tám tài khoản giả mạo, kịch bản lừa đảo, v.v., để nhắm mục tiêu vào sinh viên mới tốt nghiệp, cha mẹ đơn thân và người về hưu. Ông Tan nói, “có kịch bản cho tất cả mọi người. Hiếm có người nào không bị lừa”.

Điện thoại và máy tính của nhóm của họ được kết nối với một màn hình lớn do giám sát viên theo dõi. Bất kỳ hành vi sai trái nào đều đảm bảo sẽ bị đánh và giật bằng dùi cui điện.

Ông Tan ước tính có khoảng 7.000 người trong toàn bộ khu nghỉ dưỡng. Nhiều nạn nhân đã chọn ở lại vì sợ bị trả thù. Những người khác tự nguyện vì họ không có cách nào khác để kiếm sống trong thời kỳ đại dịch.

Buôn người đằng sau BRI ở Campuchia - nạn nhân bị kéo vào vòng xoáy tội lỗi
Một phòng làm việc của Khu nghỉ dưỡng và Sòng bạc Victory Paradise nơi ông Tan Ban Kheng, nạn nhân của vụ lừa đảo qua mạng Campuchia, làm việc. Ông Tan đã chuyển hình ảnh cho một người bạn trước khi một người bảo vệ tìm thấy điện thoại di động của ông. (Ảnh: Tan Ban Kheng)

Trốn thoát và tố cáo

Ông Tan tìm cách gọi được điện cho gia đình, tiết lộ tình hình của mình và nhờ cảnh sát giúp đỡ. Nhưng trong vòng nửa giờ sau khi thực hiện cuộc gọi, một nhân viên bảo vệ đã đột nhập vào phòng của ông Tan, đè ông xuống đất, sử dụng máy dò để xác định vị trí ba điện thoại di động ông Tan đã giấu và khiến ông Tan tiết lộ mật mã của mình.

Ông Tan đã chụp ảnh ghi lại những gì ông ấy nhìn thấy ở khu phức hợp bằng điện thoại của mình gần như hàng ngày.

Những kẻ lừa đảo đã tìm thấy thông tin về đời sống cá nhân của ông Tan, bao gồm tên của gia đình ông Tan và gia đình vợ của ông, từ điện thoại di động của ông Tan. Không chỉ thế, họ đã chuyển hết tiền của ông ra khỏi tài khoản.

Sau khi vụ việc xảy ra, vợ ông Tan ở Trung Quốc đã nhận được những cuộc điện thoại cảnh báo.

Ông Tan đã bị tát vào mặt nhiều lần trong khi người khác chĩa súng vào ông. Ông bị đánh bằng một cái ghế. Ba người đàn ông kéo ông Tan vào một phòng giam nhỏ, và để ông ấy ở đó trong hai ngày. Phòng giam có cửa sắt, không có cửa sổ, nồng nặc mùi nước tiểu và phân.

Không có thông gió. “Tôi ngất đi, cảm thấy mệt như chết… Tôi không ăn uống gì; Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ chết”, ông nói.

Khi thả ông Tan ra khỏi phòng giam, họ đã chụp nhiều ảnh khác nhau về cảnh ông khỏa thân, cận cảnh các bộ phận cơ thể của ông, sau đó quay phim ông lên xe, đi lại, mang hành lý, mỉm cười, v.v. Ông Tan, cảm thấy buồn nôn, yếu ớt, kiệt sức, và đói, đã làm theo mệnh lệnh của họ suốt cả buổi chiều.

Ông Tan được cho biết phải làm như họ nói hoặc sẽ bị bán đi một nơi khác.

“Tôi đã cầu nguyện với Chúa Giê-su, bởi vì tôi là một người theo Thiên Chúa Giáo", ông Tan nói. Ông ấy tuân theo 100% mệnh lệnh của người giám sát để có thể sống sót, đồng thời cố gắng quan sát và ghi nhớ những gì ông ấy gặp phải hàng ngày.

Ông Tan đã tìm hiểu về cấu trúc của khu nghỉ dưỡng.

Vào gần cuối tháng 5, ai đó đã tốt bụng giấu ông Tan trong xe của họ và chở ông ấy ra khỏi khu nghỉ dưỡng.

Ông Tan đã đưa tất cả số tiền mặt của mình, khoảng 300 USD, cho người lái xe. “Tôi không tin tưởng bất kỳ cảnh sát địa phương nào, thậm chí ngay cả đại sứ quán”, ông nói, vì nhiều người đã cảnh báo ông ấy rằng cảnh sát địa phương cũng là một phần của các băng nhóm.

Trở lại Malaysia, ông ấy đã báo cáo những gì đã xảy ra với mình và những gì ông đã chứng kiến ​​với cảnh sát ba lần nhưng cả họ và chính quyền đều không có bất kỳ biện pháp nào. “Tôi đã rất giận dữ, rất tức giận. Công ty tuyển dụng trực tuyến đó tiếp tục tuyển người đến khu nghỉ dưỡng”, ông nói.

Vào tháng 6, ông Tan bắt đầu nhận được các cuộc gọi lạ yêu cầu ông rút lại các tuyên bố của mình trên các phương tiện truyền thông và bản báo cáo với cảnh sát, nhưng ông Tan đã không tuân theo.

Buôn người đằng sau BRI ở Campuchia - nạn nhân bị kéo vào vòng xoáy tội lỗi
Khu nhà ở nằm tại Khu nghỉ dưỡng và Sòng bạc Victory Paradise ở Campuchia dành cho các nạn nhân bị buộc phải thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến sau khi bị lừa và bị bán sang Campuchia. (Ảnh: Tan Ban Kheng)

Hang ổ tội phạm

Ông Tan chỉ ra rằng Tập đoàn Hoàng tử, theo thông tin công khai vốn là một nhóm các nhà phát triển bất động sản, có một chuỗi hoạt động kinh doanh lừa đảo khổng lồ trên khắp thế giới, với một hệ thống rửa tiền được thiết lập tốt.

Ông Tan cho biết ông biết về Tập đoàn Hoàng tử sau khi ông bị buôn bán đến Khu nghỉ dưỡng. Người quản lý ở Khu nghỉ dưỡng từng nói với ông rằng Tập đoàn Hoàng tử là ông chủ lớn đứng sau Khu nghỉ dưỡng. Ông Tan nói rằng Tập đoàn Hoàng tử tham gia vào các hoạt động kinh doanh gian lận, mại dâm và ma túy, sử dụng nhiều địa điểm của tậo đoàn ở Campuchia.

Trong số rất nhiều khu phức hợp và khu nghỉ dưỡng mà tập đoàn đã xây dựng ở nhiều vùng khác nhau của Campuchia, Khu nghỉ dưỡng Victory Paradise tọa lạc tại Sihanoukville nổi tiếng với các hoạt động kinh doanh thuộc thế giới ngầm.

Các chủ sở hữu và ông chủ của Tập đoàn Hoàng tử được hưởng đặc ân của chế độ gia đình trị và các kết nối ở cấp cao nhất với chính quyền Campuchia. Ông Tan nói rằng tầng lớp quản lý của tập đoàn chủ yếu là người Trung Quốc đại lục và người Malaysia.

Ông nói rằng Campuchia là một quốc gia cực kỳ tham nhũng. Các nhà chức trách Campuchia coi đất nước như tài sản tư nhân và điều hành quốc gia như một doanh nghiệp tư nhân.

Theo Chỉ số Đánh giá Tham nhũng năm 2021, Campuchia là quốc gia tham nhũng nhất trong khu vực ASEAN.

Ông Tan mô tả các cơ sở bên trong Khu nghỉ dưỡng: các chợ nhỏ, tiệm làm tóc, phòng khám, trung tâm cấp phép, nhà hàng, trung tâm giải trí, căng tin, trung tâm ma túy, spa massage mại dâm, quán karaoke, và tiệm xăm, tất cả đều được bảo vệ bởi quân đội vũ trang mạnh mẽ, camera giám sát, và một con chó ngao Tây Tạng.

Vào ngày 16/08, Tập đoàn Hoàng tử đã đưa ra một tuyên bố làm rõ về việc lừa đảo việc làm của những người mạo danh Tập đoàn Hoàng tử.

Buôn người đằng sau BRI ở Campuchia - nạn nhân bị kéo vào vòng xoáy tội lỗi
Bản đồ của Khu nghỉ dưỡng và Sòng bạc Victory Paradise do ông Tan Ban Kheng, nạn nhân của vụ lừa đảo qua mạng Campuchia, cung cấp. (Ảnh: Tan Ban Kheng)

Lừa đảo việc làm ở Campuchia đã lừa nhốt hàng nghìn người Đài Loan tại Campuchia, hầu hết đều bị giam giữ ngược với ý muốn của họ. Họ phải đối mặt với việc bị đánh đập bằng dùi cui điện và thậm chí là mổ cướp nội tạng.

Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, ông Ngô Chiêu Nhiếp, bình luận vào ngày 20/08 rằng những hoạt động bất chính này là hậu quả của sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Sihanoukville là một địa bàn chiến lược của BRI của Trung Quốc. Dòng vốn, lao động và xây dựng lớn của Trung Quốc đã nhanh chóng biến thị trấn yên bình bên bờ biển ban đầu trở thành trung tâm của các tổ chức tội phạm cùng với sự xuất hiện của một loạt các doanh nghiệp và sòng bạc do Trung Quốc tài trợ chỉ trong vài năm.

Năm 2017, chính phủ Campuchia chấp nhận khoản cam kết hỗ trợ 240 triệu USD của Trung Quốc và hai nước đã ký 13 hiệp định cơ sở hạ tầng và thương mại trong khuôn khổ BRI.

Theo trang web của mình, Tập đoàn Hoàng tử chủ yếu tham gia vào việc phát triển khách sạn, chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm và đồ uống, và các hoạt động từ thiện. Tập đoàn có một loạt các dự án đột phá ở Campuchia trong chuỗi công nghiệp bất động sản.

Vỗ béo lợn để giết thịt

Tập đoàn Hoàng tử đã gia nhập thị trường Campuchia vào năm 2015, và trở thành tập đoàn hàng đầu tại quốc gia này. Chủ tịch, ông Chen Zhi, đã phát triển mối quan hệ rất thân thiết với Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Ông Chen, còn được gọi là Neak Oknha Chen Zhi - một công tước Campuchia được ông Hun Sen tôn vinh vì những đóng góp tài chính đáng kể - là một công dân Trung Quốc đã có được quốc tịch Campuchia và sau đó trở thành cố vấn của ông Hun Sen, một phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin vào hồi tháng 8.

Một bài báo năm 2021 của Trung Quốc đã ca ngợi thành công của ông Chen ở Campuchia, mặc dù cách ông Chen kiếm được tài sản là điều ít được biết đến.

Một người trong cuộc tiết lộ, “Ông ấy rời Trung Quốc vào năm 2009 và biến mất”, nhưng vào năm 2018, người đàn ông bí ẩn này “bất ngờ xuất hiện” với tư cách là người giàu có ảnh hưởng nhất ở Campuchia, bài báo cho biết.

Tuy nhiên, cư dân mạng Trung Quốc mô tả ông Chen là: “Một kẻ bị truy nã”, “Kiếm được hũ vàng đầu tiên bằng cách điều hành cờ bạc trực tuyến”, “Kiểu người này có lẽ bắt đầu bằng tiền bẩn. Nếu ông ấy đến Campuchia sớm như vậy, ông ấy có thể là kẻ khởi đầu cho những trò lừa đảo vỗ béo lợn để giết thịt”.

FBI đã báo cáo vào tháng 4 rằng "Trò lừa đảo [Vỗ béo lợn để giết thịt] được đặt tên theo cách những kẻ lừa đảo nuôi các nạn nhân của họ bằng những lời hứa hẹn về sự lãng mạn và giàu có trước khi cắt đứt và lấy hết tiền của họ". (Giống với việc vỗ béo lợn trước khi giết thịt).

Theo báo cáo của FBI, trò lừa đảo này bắt đầu ở Trung Quốc, nhưng đang ngày càng phổ biến hơn ở Mỹ.

Năm 2021, Trung tâm Khiếu nại Tội phạm Internet của FBI đã nhận được hơn 4.300 đơn khiếu nại liên quan đến các vụ lừa đảo tiền điện tử thông qua thao túng tình cảm, dẫn đến thiệt hại hơn 429 triệu USD, FBI cho biết.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Buôn người đằng sau BRI ở Campuchia - nạn nhân bị kéo vào vòng xoáy tội lỗi