Các cảng biển Trung Quốc chuẩn bị ứng phó với cú đánh thứ hai khi virus phá hủy xuất khẩu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các cảng biển và công ty vận chuyển của Trung Quốc đang chuẩn bị ứng phó với làn sóng gián đoạn chuỗi cung ứng thứ hai có thể sâu hơn và kéo dài hơn so với thời gian phong tỏa vì virus Corona Vũ Hán của quốc gia này, trong bối cảnh sự lây lan của virus trên toàn thế giới đang làm đóng băng cầu quốc tế.

Với việc Bắc Kinh chỉ báo cáo các ca nhiễm mới lẻ tẻ trong nước kể từ tháng 3, các công nhân đã được phép quay trở lại nơi làm việc, các nhà máy đang khởi động lại và các cảng đang gấp rút xuất đi các đơn hàng tồn đọng.

Tuy nhiên với sự bùng phát virus hiện đang làm quá tải các hệ thống chăm sóc sức khỏe và đóng cửa các kênh hậu cần ở các nền kinh tế lớn khác, các nhà phân tích và các nhà xuất khẩu đang cảnh báo rằng nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm được sản xuất và vận chuyển ra khỏi Trung Quốc dường như sẽ giảm mạnh.

“Chúng tôi dự đoán tác động trong ngắn hạn đối với tăng trưởng thương mại trong các quý tới có thể là tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay, vì các nền kinh tế bị đình trệ và cầu nước ngoài đang đối mặt với sự sụp đổ cận kề do các biện pháp kiểm dịch quy mô lớn tại các nền kinh tế lớn”, ông Rahul Kappor, phó chủ tịch của IHS Markit, cho biết.

Khối lượng xử lý container của Trung Quốc đã giảm 10,6% trong hai tháng đầu năm 2020 so với năm trước, trong khi xuất khẩu giảm 17,2%.

Và trong khi sản lượng tăng trở lại vào tháng 3 khi các hoạt động sản xuất và hậu cần được khởi động lại, thì các nhà xuất khẩu lại lo ngại rằng các lô hàng xuất ra nước ngoài có thể sẽ giảm mạnh hơn trong những tháng tới.

“Các cảng biển và các công ty vận chuyển đang có một mối lo chung - đó là virus corona đang bùng phát ở nước ngoài sẽ cản trở nhu cầu và rồi sẽ gây thiệt hại cho sản xuất tại Trung Quốc”, ông Ding Li, tổng thư ký của Hiệp hội Cảng biển Trung Quốc, cho biết.

Sự sụt giảm xuất khẩu có thể kéo dài trong suốt năm 2020, Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cao cấp về Trung Quốc tại Capital Economics, ước tính xuất khẩu quý II của Trung Quốc có thể thu hẹp 30% so cùng kỳ năm ngoái.

Đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh

Các số liệu hàng hóa được theo dõi chặt chẽ cho thấy sự chậm lại của cầu tác động như thế nào đến các trung tâm quan trọng.

Tỷ lệ sử dụng tàu container từ Thượng Hải đến Bắc Mỹ và châu Âu chỉ ở mức 85% trong tuần trước, giảm 10 điểm phần trăm so với một tuần trước đó, dữ liệu được theo dõi bởi Shanghai Shipping Exchange cho thấy.

Giá cước vận tải cũng giảm xuống, với các tuyến châu Âu giảm 3,1% hàng tuần tính đến ngày 27/3 xuống còn 764 USD trên mỗi đơn vị tương đương 20 feet (TEU), và các tuyến đến Bờ Tây Hoa Kỳ giảm 2,2% xuống mức 1.515 USD mỗi TEU.

Ông Ding nói thêm có thể sẽ mất thời gian để dữ liệu xử lý hàng hóa cho thấy mức độ đầy đủ của sự thu hẹp nhu cầu toàn cầu vì nhiều cảng biển vẫn đang giải quyết nốt hàng tồn đọng.

Khối lượng xử lý container hàng ngày tại cảng lớn nhất Trung Quốc ở Thượng Hải vào tuần trước đã đạt 110.000 TEU, khoảng 90% mức trước đại dịch virus, và các cảng khác cũng đang cố gắng chuyển hàng cho khách hàng nước ngoài trước khi các nước ban bố lệnh hạn chế di chuyển nghiêm ngặt hơn.

“Bây giờ chúng tôi còn lo lắng căng thẳng hơn hồi tháng 2, khi mà chúng tôi có đơn hàng nhưng không thể hoàn thành được. (Giờ đây) tôi không có kế hoạch sản xuất hoặc đơn hàng nào trong tháng 4 cả”, một nhà xuất khẩu thép cho biết.

Sự không chắc chắn về triển vọng nhu cầu cũng đang đè nặng lên thị trường nguyên liệu, với giá thép cuộn cán nóng (được sử dụng trong ngành ô tô và thiết bị) tuần này giảm xuống mức thấp nhất trong bốn tháng qua.

Các nhà sản xuất dệt may cũng đang cảm thấy những tác động của nhu cầu quốc tế giảm.

“Nhiều nhà xuất khẩu đã được khách hàng thông báo về việc hủy đơn hàng trong hai tháng tới ... dẫn đến áp lực ngày càng tăng đối với chuỗi cung ứng của các công ty thượng nguồn”, theo tuyên bố của Hội đồng Dệt may Quốc gia Trung Quốc (CNTAC) vào tuần trước.

Một khảo sát của CNTAC cho thấy 37% trong số 242 công ty đã báo cáo về việc hủy đơn hàng xuất khẩu vào tuần trước, trong khi số lượng doanh nghiệp báo cáo đơn hàng xuất khẩu giảm ít nhất một nửa so với mức trước khi bùng phát virus đã tăng 11,4 điểm phần trăm lên 26,4%.

Hiệp hội Cảng biển Trung Quốc dự kiến ​​khối lượng xử lý container tại Trung Quốc sẽ giảm từ 5% đến 10% trong quý II so với một năm trước, trong khi nhập khẩu nguyên liệu công nghiệp như than và quặng dự kiến cũng ​​sẽ chậm lại theo đà giảm của sản xuất trong nước.

“Mục tiêu duy nhất của chúng tôi trong năm nay là duy trì được hoạt động kinh doanh ... và chỉ mong rằng đơn hàng xuất khẩu sẽ có trở lại sau tháng 7”, một nhà xuất khẩu nông sản có trụ sở tại Sơn Đông cho biết.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Các cảng biển Trung Quốc chuẩn bị ứng phó với cú đánh thứ hai khi virus phá hủy xuất khẩu