Các chính trị gia phương Tây đối mặt với lạm phát theo cách thật hài hước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù vấn đề lạm phát đã được giới chuyên gia cảnh báo từ ít nhất hơn một năm trước, giới chính trị gia phương Tây có vẻ rất ngạc nhiên và bối rối khi đối mặt với vấn đề này. Những nhà chính trị tự cao tự đại đang thể hiện sự ngơ ngác và bất lực. Họ còn đang bận rộn với vấn đề chống biến đổi khí hậu, hay tìm cách áp dụng các quy định pháp luật nghiêm ngặt để giải quyết những vấn đề nhỏ nhặt.

Cựu Thủ tướng Anh Harold Macmillan đã từng nói với một nhà báo rằng, điều khó khăn nhất về chính trị là “các sự kiện, anh bạn thân yêu của tôi, các sự kiện”. Các sự kiện luôn xảy ra theo cách đặc biệt, và làm bạn ngạc nhiên. Nhưng đôi khi, như lời mà vị giáo viên già dạy nhạc cho tôi từng nói trong những khoảnh khắc minh mẫn hiếm hoi, "vấn đề không phải là nhạc cụ, mà là chính bạn". Đôi khi các sự kiện xảy ra khá là dễ đoán trước và chính sự ngạc nhiên, bối rối và sự bất lực trong việc đối phó mới là điều làm chúng ta bất ngờ.

Chẳng hạn, vị cố vấn luận văn già của tôi, với sự minh mẫn quen thuộc, đã nhận xét rằng trong khi Thế chiến thứ nhất thực sự là một cú sốc, thì Thế chiến thứ hai đã xảy ra “khá đúng theo kế hoạch”. Mặc dù vậy, sự kiện đó đã gây ngạc nhiên cho rất nhiều nhà hoạch định chính sách và học giả, trong khi nhiều người bình thường chỉ phản ứng: "Ôi, nó đây rồi".

Ngạc nhiên trước tình trạng lạm phát đã được dự đoán trước

Điều trên khiến tôi, một lần nữa, nghĩ tới lạm phát. Một email từ tờ báo The Australian vừa cho tôi biết, "RBA [Ngân hàng Dự trữ Úc - ngân hàng trung ương của Úc] chuẩn bị cho đợt tăng lãi suất 'lớn hơn dự kiến’” và tôi nghĩ “được dự kiến bởi ai?”. Có lẽ là các nhà kinh tế học. Hoặc không, vì trong câu chuyện chính các nhà kinh tế học đã chờ đợi điều bất ngờ này.

Chờ đợi một điều bất ngờ không được chờ đợi, điều này có vẻ mâu thuẫn và buồn cười. Khi nói về chính sách công, chúng ta nên nghiêm túc. Tuy nhiên, người ta có thể thấy hài hước khi chính những quan chức phương Tây, những người đã không thể nhận thấy lạm phát đang đến, thì bây giờ, vì các lý do tương tự, cũng không thể hành động dứt khoát để ngăn chặn lạm phát.

Thay vào đó, “lạm phát ảnh hưởng đáng kể tới tham vọng về cơ sở hạ tầng của ông Biden”, theo NBC đưa tin; và Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg lẩm bẩm: “Chắc chắn điều đó tạo thêm áp lực, và đó là điều mà chúng tôi cần theo dõi và quản lý chặt chẽ”. Đằng sau sự khiếm khuyết khi diễn đạt là sự khiếm khuyết về tri thức.

Sau đó là vấn đề giá xăng. Một mẩu tin ngắn, được lưu truyền rộng rãi ngày 05/06 của Canadian Press cho biết: “Giá xăng tiếp tục xu hướng tăng trên phần lớn Canada vào cuối tuần và các chuyên gia cảnh báo rằng sẽ còn nhiều đợt tăng xảy ra trong tuần này. Hiệp hội Ô tô Canada cho biết giá xăng trung bình trên toàn quốc đã tăng lên gần mức 2,06 CAD [đô-la Canada] vào Chủ nhật, tăng gần 3 xu so với một ngày trước đó và cao hơn 11 xu so với một tuần trước”.

Những thông tin trên có bất ngờ không? Các chuyên gia ít ra cũng đã thấy trước điều này sẽ đến cách đây một năm, hoặc lâu hơn. Nhưng các nhà chính trị của phương Tây đã không thể có biện pháp đối phó gì. Họ là những người đã giành nhiều thập kỷ tìm cách nào đó khiến giá xăng tăng cao nhưng lại không ảnh hưởng tới chi phí sinh hoạt. Một lần nữa các sự kiện khiến họ bất ngờ. Nhưng đó là bởi họ đã không để ý tới các quy tắc kinh tế cơ bản.

Các chính trị gia phương Tây đang làm gì?

Một số chính trị gia đổ lỗi rằng một phần nguyên nhân của lạm phát là do chi phí xăng tăng cao. Với cách diễn đạt điềm tĩnh, họ làm bạn trong phút chốc không để ý rằng, nói giá cả tăng cao được tạo ra bởi một sự tăng giá khác (giá xăng) là một việc làm ngớ ngẩn. Thực ra thì, vị anh hùng chính trị của tôi, cựu Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge cũng đã từng phát biểu: “Khi một số lượng lớn người dân không thể tìm được việc làm, nạn thất nghiệp sẽ xảy ra” (Một điều hiển nhiên và khiến người ta buồn cười khi nghe được). Nhưng như thường lệ, "Silent Cal” [Cal yên lặng - biệt danh của vị cựu Tổng thống] đang chế nhạo sự tự cao tự đại trong thời hiện đại, tinh tế đến nỗi mục tiêu bị chế nhạo đã hiểu lầm (Thật trớ trêu, ý nghĩa của lời mỉa mai đôi khi chỉ rõ ràng với một bộ phận khán giả). Về việc ra quyết sách, ông Coolidge biết phải làm gì, chứ không bị bất lực [như các chính trị gia hiện tại]. Cắt giảm thuế, cắt giảm các quy định, trả bớt nợ và hạn chế can thiệp vào nền kinh tế.

Trong khi đó, các chủ ngân hàng trung ương hiện đại tập trung vào việc ngăn cản việc nhiệt độ sẽ tăng 0,1°C vào năm 2100 đến nỗi họ không thể bận tâm đến việc ngăn giá cả tăng 10% vào năm 2023 (đó là nếu chúng ta may mắn). (Tìm kiếm trên trang web RBA về “biến đổi khí hậu” đem tới 9.856 kết quả; trong khi đó “lạm phát” chỉ đem tới 4.978 kết quả)

Các chính trị gia phương Tây đã phải sử dụng các quy định hà khắc, được thiết kể để chống lại nổi dậy hoặc xâm lược, nhằm xử lý các vi phạm đỗ xe. Hoặc để chống lại "chứng bài trừ Hồi giáo" hoặc cấm một nghị sĩ tham gia Hạ viện, điều lần đầu tiên xảy ra sau 75 năm, vì lý do vặt vãnh (người cuối cùng bị đối xử như vậy là một điệp viên ủng hộ Stalin đã bị kết án; còn hiện tại là trường hợp một người không thể khẳng định mình đã tiêm vaccine).

Nhận xét của cựu Thủ tướng Macmillan (đã nói ở trên) được cho là thể hiện sự khôn ngoan của ông. Nhưng có thể thấy rằng ông cũng là một trong những người có được quyền lực chủ yếu do sự may mắn đến từ các sự kiện ngoại cảnh. Mặc dù vậy, ông có một bản lý lịch khác hẳn với các chính trị gia hiện đại. Trong Thế chiến thứ nhất, ông nổi tiếng với việc bị thương nặng và nằm trong một hố đạn ở Somme (Pháp) trong 12 giờ. Ông đã giả chết khi kẻ thù đi ngang qua và giữa những lần giả chết, ông đọc tác phẩm của Aeschylus (nhà soạn kịch Hy Lạp cổ đại) nguyên bản bằng tiếng Hy Lạp. Một cách muộn màng, ông cũng đã phản đối việc nhân nhượng Hitler vào cuối những năm 1930.

Những chính trị gia tự cao tự đại nhưng lại ngơ ngác trước các sự kiện dễ đoán định

Để đánh bại lạm phát, chúng ta cần những người chín chắn sẵn sàng ủng hộ các quan điểm ít phổ biến dựa trên những quy tắc kinh tế đúng đắn và trung thành với điều đó. Để giảm giá xăng, chúng ta cần ít thuế carbon hơn, đồng thời phát triển mạnh hơn các nguồn hydrocacbon (năng lượng truyền thống) của chúng ta. Phương Tây không cần những chính trị gia tự cao tự đại nhưng lại ngơ ngác trước các sự kiện có thể đoán trước, giống như những con hươu đứng yên khi bị lóa mắt bởi ánh đèn pha.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả John Robson là một nhà làm phim tài liệu, người viết bài cho National Post, biên tập viên của Dorchester Review, và là giám đốc điều hành của Climate Discussion Nexus. Phim tài liệu gần đây nhất của ông là “Môi trường: Một câu chuyện có thật” (The Environment: A True Story).

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Các chính trị gia phương Tây đối mặt với lạm phát theo cách thật hài hước