Các chuyên gia cảnh báo: Kinh tế Trung Quốc năm nay có thể tồi tệ hơn năm 2020

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang giảm mạnh, trong đó một số ngân hàng lớn thậm chí sẽ sụt giảm xuống dưới 3%. Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu dữ liệu kinh tế tháng 8 được công bố vào thứ Sáu (16/9) gây thất vọng, dự báo tăng trưởng kinh tế nước này có thể sẽ còn hạ thấp hơn nữa.

Các nhà phân tích đã hạ dự báo tăng trưởng của họ đối với Trung Quốc nhiều lần kể từ khi ĐCSTQ công bố mục tiêu chính thức khoảng 5,5% vào tháng 3.

Tờ Bloomberg đưa tin, hầu hết các chuyên gia hiện dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở mức 3,5% , theo khảo sát của phương tiện truyền thông. Đây sẽ là con số thường niên tồi tệ thứ hai trong hơn bốn thập kỷ, sau con số 2,3% của năm 2020.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Morgan Stanley và Barclays tin rằng tăng trưởng có thể chậm hơn nữa trong bối cảnh nhiều rủi ro tăng lên vào cuối năm.

Không chỉ “chính sách zero COVID” nghiêm ngặt của ĐCSTQ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà khủng hoảng bất động sản, hạn hán cùng nhu cầu yếu trong và ngoài nước sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế của nước này gặp không ít khó khăn.

Bà Jian Chang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Barclays, đã cắt giảm dự báo tăng trưởng xuống 2,6% từ 3,1%, với lý do "thị trường bất động sản điêu đứng, tăng cường phong tỏa vì COVID-19 và nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh".

Bà chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ mà các nhà phát triển phải đối mặt sẽ kéo dài đến năm 2023, và sự thiếu tự tin vào thị trường nhà ở cũng sẽ cản trở đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.

Dữ liệu kinh tế chính thức của tháng 8, công bố vào thứ Sáu (16/9), dự kiến ​​sẽ không thay đổi nhiều trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bán lẻ và đầu tư, tờ Bloomberg cho biết.

Dữ liệu cho tháng 9 cũng có vẻ không được cải thiện ngay, trong đó các chỉ số ban đầu cho thấy thị trường nhà ở đang thu hẹp hơn nữa và ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng do hạn chế đi lại.

Một tòa nhà của Tập đoàn Evergrande ở Bắc Kinh, hôm 29/7/2022 (Ảnh: Bloomberg/GettyImages)

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã không công bố bất kỳ biện pháp nới lỏng nào vào thứ Năm (15/9), vì các biện pháp nới lỏng sẽ gây thêm áp lực giảm giá của đồng CNY và khiến cho dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc ngày một trầm trọng.

Theo phân tích của tờ Bloomberg, lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc vẫn là “chính sách zero COVID”. Năm nay, dịch bệnh đã lan đến mọi tỉnh thành ở khắp Trung Quốc. Các thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến và Thành Đô đã bị phong tỏa, các cơ sở kinh doanh bị đóng cửa để ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch. Ngay cả ở những nơi không có ổ dịch, việc kiểm tra cũng phải được thực hiện thường xuyên.

Điều này đã gây ảnh hưởng đến năng lực tiêu thụ hàng hóa và phải mất nhiều tháng để phục hồi, ngay cả khi đã dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh phong tỏa.

Chỉ số chính thức về niềm tin của người tiêu dùng đã chạm đáy trong gần một thập kỷ vào tháng 4 và hầu như không phục hồi kể từ đó. Ngành du lịch đã bị phá hủy nặng nề.

Ông Ernan Cui, nhà phân tích tại Gavekal Dragonomics cho biết: “Nền kinh tế tổng thể gần như chắc chắn sẽ xấu đi trong tháng 8 do các hạn chế về COVID và có thể xấu đi một lần nữa vào tháng 9”.

Ông Triernan viết trong một ghi chú: “Việc phong tỏa nhiều lần ở các thành phố lớn như Thâm Quyến khiến các hộ gia đình bị gián đoạn tiêu dùng, thúc đẩy họ tiết kiệm hơn. Động thái này giống hệt như hành vi tiêu dùng ở thời điểm đầu của đại dịch".

Các nhà phân tích tại Nomura và Goldman Sachs đều dự đoán rằng "chính sách zero COVID" khó có thể được nới lỏng nhanh chóng sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ. Các chuyên gia dự đoán chính sách này sẽ được duy trì cho đến ít nhất là tháng 3 năm sau.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs tin rằng sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20, ĐCSTQ vẫn sẽ tập trung vào việc duy trì sự ổn định và nếu có thay đổi thì sớm nhất sẽ phải đợi đến sau Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc năm 2023.

Ông Lu Ting, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Nomura, tin rằng sau khi nới lỏng chính sách phòng chống dịch bệnh, nền kinh tế Trung Quốc có thể bị sụt giảm một thời gian ngắn nữa do số ca nhiễm COVID và tử vong gia tăng.

Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng nhà đất đã dịu đi. Giá nhà đã giảm trong 11 tháng liên tiếp, với doanh số bán nhà trong tháng Bảy giảm khoảng 30% so với một năm trước đó. Dữ liệu sơ bộ của tháng 8 và tháng 9 cho thấy xu hướng này vẫn đang tiếp tục.

Cuộc khủng hoảng đã làm suy giảm tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc, những người "cất giữ" phần lớn tài sản của họ trong lĩnh vực bất động sản.

Cuộc khủng hoảng nhà ở đang ảnh hưởng đến ngành sản xuất của Trung Quốc. Sản lượng thép đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm vào tháng 7, và ngay cả khi có một số dấu hiệu phục hồi, nhu cầu vẫn rất yếu, với lượng tồn kho cuối tháng 8 cao hơn 41% so với đầu năm. Trong khi đó, sản lượng xi măng trong năm qua thấp nhất trong hơn một thập kỷ.

Bên cạnh đó, nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc cũng đang chậm lại. Đây cũng là một lực cản không nhỏ đối với ngành sản xuất.

Ngoài ra, Trung Quốc vừa trải qua mùa hè nóng kỷ lục, với hạn hán và nhiệt độ cao gây ra tình trạng thiếu điện ở một số khu vực, hạn chế sản lượng của các nhà máy trong tháng 7 và tháng 8 và gây hại cho mùa màng.

Tờ Bloomberg tin rằng tình trạng thiếu điện có khả năng vẫn tiếp diễn, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp như luyện kim loại kéo theo quy mô thiệt hại không nhỏ.

Đồng thời, các chính quyền địa phương cũng có thể gặp khó khăn về tài chính. Việc chi tiêu của họ tăng lên do họ cần trang trải chi phí kiểm tra và kiểm dịch COVID. Trong khi đó, doanh thu địa phương đang giảm mạnh do doanh thu bán đất sụt giảm và cắt giảm thuế.

Lam Giang

Theo The Epoch Times

Kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Các chuyên gia cảnh báo: Kinh tế Trung Quốc năm nay có thể tồi tệ hơn năm 2020