Các chuyên gia cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc tác động tiêu cực đến đổi mới sáng tạo toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 đã gây tổn hại đối với sự đổi mới sáng tạo công nghiệp ở các quốc gia phát triển, khiến các công ty - đặc biệt là ở Bắc Mỹ và Châu Âu - mất đi lợi thế cạnh tranh trong các ngành công nghiệp tiên tiến.

Trong nhiều năm trước đây, các nhà nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách đã nói rằng việc tăng trưởng kinh tế và mở rộng thương mại nhanh chóng của Trung Quốc sau khi gia nhập WTO có tác động tích cực đến nền kinh tế toàn cầu. Để bảo vệ quan điểm của này, khi đó bất kỳ tác động bất lợi nào của Trung Quốc đối với các thị trường phát triển đều được cho là “tạm thời” hoặc là “chỉ tác động tới người lao động trong các ngành công nghiệp công nghệ thấp hoặc một số khu vực nhất định”.

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Sáng tạo và Công nghệ Thông tin (ITIF), một nhóm chuyên gia cố vấn của Hoa Kỳ, lại cho thấy điều ngược lại.

Quan điểm thông thường “là rất lạc quan, nếu không muốn nói là quá lạc quan, tuy nhiên tác hại của việc này còn tệ hơn nhiều so với dự đoán”, ông Robert Atkinson, người sáng lập và chủ tịch của ITIF, cho biết trong một báo cáo có tựa đề “Ngăn cản đổi mới sáng tạo: Tác động kinh tế của Trung Quốc đối với các quốc gia phát triển”.

“Các tài liệu học thuật cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc, chủ yếu được hậu thuẫn bởi các chính sách bất công và trọng thương (khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu) đã gây tổn hại cho sự đổi mới trong nền kinh tế toàn cầu - đặc biệt là ở Bắc Mỹ và Châu Âu”, ông Atkinson viết trong báo cáo của mình.

Nghiên cứu, được tài trợ bởi ITIF và Quỹ Smith Richardson, xem xét các tài liệu học thuật về tác động của tăng trưởng kinh tế và chính sách thương mại của Trung Quốc đối với sự đổi mới toàn cầu.

Một trong những vấn đề quan trọng của nghiên cứu là nhiều nhà hoạch định chính sách đã tập trung vào việc các nước phương Tây bị mất đi nhiều việc làm do áp lực cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tổn thất không chỉ giới hạn ở khía cạnh việc làm.

Ông Atkinson nói: “Người ta ít quan tâm tới tác động của xu thế này đối với sự đổi mới của các nền kinh tế phát triển, và càng có ít người hơn chú ý tới tác động của nó tới sức sáng tạo toàn cầu”.

Trong nhiều năm, các nhà kinh tế tin rằng sự hội nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới đã thúc đẩy phúc lợi không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các nước khác. Họ tin rằng hội nhập thị trường toàn cầu đã làm tăng cái mà họ gọi là “hiệu quả phân bổ”, ví dụ như việc sản xuất hiệu quả các mặt hàng dệt may Anh hoặc rượu vang Bồ Đào Nha chẳng hạn.

Tuy nhiên, Atkinson nói rằng giả định này sẽ chỉ đúng khi các lực lượng trong thị trường đều hoạt động.

Ông viết: “Bây giờ là lúc mà các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách nên hiểu rằng thương mại theo chủ nghĩa trọng thương khác với thương mại dựa trên thị trường”.

Trung Quốc đã bắt tay vào các chính sách “trọng thương sáng tạo”, bao gồm việc đưa hàng trăm tỷ đô la trợ cấp của chính phủ để hỗ trợ các ngành công nghiệp chính của mình. Nó cũng đã sử dụng các chiến thuật khác nhau như gián điệp công nghiệp, trộm cắp qua mạng, liên doanh bắt buộc để đổi lấy việc tiếp cận thị trường, và mua lại các công ty nước ngoài để chiếm lấy các công nghệ nhạy cảm.

Theo ông Atkinson, những chính sách này đã thúc đẩy sự đổi mới của Trung Quốc, nhưng cái giá phải trả là sự đổi mới của các nền kinh tế phương Tây.

“Mô hình thương mại trọng thương có thể làm giảm sự đổi mới bằng cách thu hẹp thị trường và cắt giảm lợi nhuận mà các nhà sáng tạo cần để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Trung Quốc làm trầm trọng thêm cả hai động lực trên bằng cách nâng đỡ các đối thủ cạnh tranh yếu kém, đóng cửa thị trường, tạo ra sự dư thừa và hạn chế doanh thu”.

Đổi mới sáng tạo ở Mỹ

Nhiều công ty lớn của Mỹ, trong nhiều năm, đã chuyển hoạt động sản xuất sang các nước có chi phí thấp, chủ yếu là Trung Quốc. Những động thái như vậy được kỳ vọng là ​​sẽ giúp giảm chi phí và mang lại lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên hiện nay các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách buộc phải thừa nhận rằng những lựa chọn của họ đã mang lại nhiều hậu quả lâu dài, khiến Mỹ bị suy giảm khả năng cạnh tranh trong một số ngành công nghiệp.

Hai giáo sư Gary Pisano và Willy Shih của Trường Kinh doanh Harvard, đồng tác giả của cuốn sách “Sản xuất thịnh vượng: Lý do nước Mỹ cần phục hưng nền sản xuất” vào năm 2012, đã cho thấy rằng vị thế cạnh tranh của Mỹ trong một số ngành công nghiệp đã suy yếu theo thời gian cùng với sự suy giảm trong đổi mới công nghiệp.

Cuốn sách của Pisano và Shih đã liệt kê những ngành công nghiệp của Mỹ đang “có nguy cơ tuyệt chủng”, bao gồm chất bán dẫn và pin sạc.

Ví dụ, trong ngành năng lượng mặt trời, một lượng đáng kể các bí quyết cần thiết và cơ sở hạ tầng sản xuất đã di chuyển sang châu Á. Mặc dù pin mặt trời, còn được gọi là tế bào quang điện (PV), được phát minh ở Mỹ, nhưng chỉ có 3,7% sản lượng PV được sản xuất tại Bắc Mỹ vào năm 2017.

Cuốn sách cũng giải thích mối liên hệ mật thiết giữa việc phát triển sản phẩm và các cơ sở sản xuất tiên tiến, và rằng khi hai yếu tố này bị cách trở về mặt địa lý, thì sự đổi mới sáng tạo có thể bị cản trở.

Thanh Hương (biên dịch)

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Các chuyên gia cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc tác động tiêu cực đến đổi mới sáng tạo toàn cầu