Các chuyên gia cho rằng thuế quan của Mỹ là thứ duy nhất có thể buộc Bắc Kinh tuân thủ thỏa thuận thương mại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà kinh tế Stephen Moore cho biết, việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một được mong đợi nhiều vào ngày 15/1 là một chiến thắng lớn đối với Hoa Kỳ và sẽ là một cú hích thực sự cho nền kinh tế nước này.

Trong khi đó, các nhà phê bình đặt câu hỏi liệu chính quyền Trung Quốc có thực hiện theo những lời hứa trong thỏa thuận không, bao gồm việc mua thêm hàng hóa và bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ.

Ông Moore, nhà kinh tế trưởng tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation) và là cựu cố vấn kinh tế cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump vào năm 2016, nói với NTD của Epoch Times rằng ông rất ngạc nhiên khi thấy tổng thống nhận được “nhiều nhượng bộ như vậy từ Bắc Kinh trong thỏa thuận này”.

Các chỉ số chứng khoán chủ yếu đã đạt mức kỷ lục mới sau khi hiệp định thương mại được ký kết, và các nhà đầu tư bày tỏ sự lạc quan về việc giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 91,16 điểm, tương đương 0,31%, lên mức kỷ lục hơn 29.000 điểm; S&P tăng 6,2 điểm (0,19%) và Nasdaq Composite cũng tăng 7,37 điểm (0,08%).

Ông Moore nói: “Ít nhất, đây là một thỏa thuận ngừng bắn, và ít nhất, điều đó có nghĩa là sẽ không có sự leo thang thuế quan nào vào năm 2020. Vì vậy, đó là một tin rất tốt cho các nhà đầu tư, cho các doanh nghiệp và người lao động”.

Lạc quan

Mặc dù chính phủ Bắc Kinh đã ký vào văn bản này, nhưng theo ông Moore “việc liệu họ có tuân theo những gì họ đã ký kết không lại là một vấn đề khác”.

Ông nói thêm rằng thuế quan là “sức ảnh hưởng thực chất duy nhất” của Hoa Kỳ để khiến Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận.

“Nếu Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận này, và nếu quan hệ [giữa hai nước]... cải thiện”, thì chính quyền Hoa Kỳ có thể xem xét giảm thuế. “Tuy nhiên, trong vòng 12-18 tháng tới, Trung Quốc sẽ phải chứng tỏ rằng họ thực sự tuân thủ nghiêm túc những điều khoản của thỏa thuận”, ông nói thêm.

Hoa Kỳ hiện đang áp dụng mức thuế 7,5% đối với 120 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, từ TV màn hình phẳng, tai nghe Bluetooth, cho đến giày dép. Ngoài ra còn có mức thuế quan 25% đối với 250 tỷ đô la hàng hóa công nghiệp của Trung Quốc. Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ dỡ bỏ thuế quan nếu thỏa thuận thương mại giai đoạn hai thành công.

Một số quan chức Hoa Kỳ cũng hoan nghênh thỏa thuận này như là một bước vô cùng cần thiết để giải quyết vấn đề lạm dụng thương mại lâu đời của chính quyền Trung Quốc.

“Thỏa thuận này cuối cùng cũng san bằng sân chơi cho nền nông nghiệp Mỹ và sẽ là một vận may cho những người nông dân, chủ trang trại và nhà sản xuất Mỹ”, Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Sonny Perdue cho biết trong một tuyên bố, nói thêm rằng họ “mong muốn xuất khẩu hàng hóa tới người tiêu dùng Trung Quốc - những người rất thích các sản phẩm của Mỹ”.

Thượng nghị sĩ Michael McCaul (R-Texas), quan chức đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã cảm ơn tổng thống về “cách tiếp cận trực diện” của ông đối với các cuộc đàm phán, và bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận này có thể là bước đầu tiên để “san bằng sân chơi”.

Ông phát biểu trong một tuyên bố rằng: “Hành vi buôn bán không công bằng của Trung Quốc đã làm tổn hại đến sự đổi mới sáng tạo của Mỹ, ngăn chặn sự tiếp cận thị trường và làm méo mó thị trường toàn cầu”.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (D-N.Y.) lại gọi thỏa thuận thương mại là “một sự thất vọng tột cùng”. Ông nói rằng Hoa Kỳ đã nhượng bộ trước những lời hứa mơ hồ mà Trung Quốc không bao giờ có ý định thực hiện.

Ông nói: “Tôi sợ rằng [lãnh đạo Trung Quốc] Tập [Cận Bình] đang cười nhạo chúng ta sau lưng vì đã họ đã kiếm được rất nhiều từ những phí tổn của chúng ta”.

Thượng nghị sĩ Rick Scott (R-Fla.), người thường xuyên chỉ trích chính quyền Trung Quốc, cũng cảnh báo rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không bao giờ thực hiện thỏa thuận”, và nói thêm rằng quan hệ Mỹ-Trung “cũng liên quan đến vấn đề nhân quyền”.

Nhiều vấn đề có thể sắp xảy ra

Trung Quốc đã cam kết trong hai năm tới sẽ mua thêm 78 tỷ đô la sản phẩm do Hoa Kỳ sản xuất, cùng với 54 tỷ đô la năng lượng, 32 tỷ đô la sản phẩm nông nghiệp và 38 tỷ đô la dịch vụ.

Nhà phân tích Trung Quốc Gordan Chang bày tỏ nghi ngờ về việc Bắc Kinh sẽ thực hiện những lời hứa này, đặc biệt là việc mua hàng sản xuất.

Cơn sốt dịch tả lợn châu Phi và sâu keo gây hại đang “tàn phá nền nông nghiệp Trung Quốc”, khiến cho nước này buộc phải nhập khẩu nông sản để bù đắp sự thiếu hụt của mình.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc mua nhiều sản phẩm do Mỹ sản xuất hơn, thì khu vực sản xuất “vốn đang yếu kém” của Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn, và sẽ làm tổn thương thêm nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.

“Tôi không dám chắc rằng Trung Quốc sẽ thực sự tuân thủ lời hứa đó”, ông Chang nói với The Epoch Times.

Ngoài ra, ông Chang cũng cho biết là ông “không tin tưởng chút nào” đối với những lời hứa của Trung Quốc về bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ, điều mà ông coi là “một trong những thiếu sót lớn nhất” trong thỏa thuận giai đoạn một.

Ông nói: “Việc trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ hoặc truy cập vào tài sản trí tuệ nước ngoài là một phần trong hệ thống của [nhà lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình”.

“Đây là cách mà có thể giúp ông ấy hoàn thành mục tiêu Made in China 2025 - mục tiêu của ông ấy là thống trị công nghệ trên mọi lĩnh vực. Ông ta cần phải đánh cắp để hoàn thành mục tiêu của mình”, ông Chang nói thêm, đề cập đến chính sách công nghiệp nhằm biến Trung Quốc thành một cường quốc sản xuất công nghệ cao vào năm 2025.

Ông Chang cũng lưu ý về luật an ninh mạng mới của Trung Quốc, chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1. Luật này buộc các công ty phải trao các khóa mã hóa, điều rất quan trọng để bảo vệ tính bảo mật của thông tin được truyền và lưu trữ trên mạng, khiến cho mạng trở nên minh bạch với chế độ cộng sản Trung Quốc.

Ông Chang nói: “Tôi nghĩ rằng họ không nên ký vào thỏa thuận giai đoạn một trong khi chưa giải quyết vấn đề luật an ninh mạng bởi vì nó ảnh hưởng rất rộng”.

“Họ lấy tất cả thông tin của các công ty nước ngoài trên các máy chủ Trung Quốc của họ, điều đó có nghĩa là các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ trong thỏa thuận giai đoạn một sẽ không có hiệu lực”, ông nói.

Ông Moore tin rằng vấn đề thương mại sẽ là một trận chiến chưa có hồi kết.

“Đây là một cuộc tranh đấu quyết liệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cả hai đều ganh đua để tranh giành ưu thế về kinh tế”, ông nói. “Sẽ có rất nhiều, rất nhiều, rất nhiều vòng và đây mới chỉ là bước đầu tiên thôi”.

Thanh Hương (biên dịch)

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Các chuyên gia cho rằng thuế quan của Mỹ là thứ duy nhất có thể buộc Bắc Kinh tuân thủ thỏa thuận thương mại