Các công ty đa quốc gia tăng tốc chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau những vấn đề với chính sách zero-Covid hà khắc của ĐCSTQ, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục chịu thiệt hại do làn sóng bùng phát COVID mới đây tại Trung Quốc. Cộng thêm vấn đề về địa chính trị, các công ty đa quốc gia đang tăng tốc di dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc nhằm đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng.

Hai cách xử lý đại dịch cực đoan của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - từ việc thực hiện chính sách zero-COVID trước đây cho đến việc dỡ bỏ các hạn chế hiện tại mà không có kế hoạch nào - đặt ra những thách thức lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các công ty đa quốc gia đã cùng nhau tiến hành những nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào mạng lưới của Trung Quốc. Giờ đây, họ coi độ tin cậy và tính linh hoạt của chuỗi cung ứng quan trọng hơn chi phí và hiệu quả.

Các nước châu Âu và Mỹ bắt đầu thuê ngoài hoạt động sản xuất vào đầu những năm 1960. Các công ty châu Âu và Mỹ nắm quyền kiểm soát mảng tiếp thị và đổi mới và dần dần rời xa các phân khúc công nghiệp thượng nguồn là khai thác và chế biến nguyên liệu thô. Với lực lượng lao động lớn và rẻ, đất đai rẻ và thị trường rộng lớn, Trung Quốc đã nhận được vốn, công nghệ và hỗ trợ quản lý từ các công ty đã phát triển và mở cửa nền kinh tế cho ngoại thương.

Đặc biệt là kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, nước này đã trở thành “công xưởng của thế giới” về sản xuất truyền thống và là một phần không thể thiếu của mạng lưới cung ứng toàn cầu do lợi thế nhân khẩu học và lao động giá rẻ.

Tuy nhiên, tác động của đại dịch COVID-19 và những thay đổi của tình hình địa chính trị, ví dụ như cuộc chiến Nga - Ukraine, đã mang đến những thách thức lớn cho chuỗi cung ứng toàn cầu. An ninh và phòng ngừa rủi ro ngày càng trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp.

Ngày nay, chuỗi cung ứng toàn cầu đang hướng tới khu vực hóa, địa phương hóa và đa dạng hóa với tốc độ ngày càng nhanh. Các công ty đa quốc gia đang chủ động điều chỉnh chuỗi cung ứng của họ và thực hiện các chiến lược đa dạng hóa để cân bằng giữa an toàn và hiệu quả.

Chính sách Zero-COVID hà khắc của ĐCSTQ

Cách xử lý đại dịch COVID-19 của ĐCSTQ đã phơi bày những nguy cơ của việc phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc với tư cách là “công xưởng của thế giới”, khiến các nước phương Tây và các tập đoàn đa quốc gia cân nhắc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tạp chí Fortune đã đưa tin rằng 94% trong số 1000 công ty trong danh sách Fortune trên toàn thế giới đã trải qua sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong giai đoạn đầu của đại dịch.

Cái gọi là chính sách zero-COVID động kéo dài ba năm đã dẫn đến nhiều sự hỗn loạn và không chắc chắn hơn.

Hai tháng trước, nhà cung cấp lớn nhất của Apple, Foxconn, đã chứng kiến ​​làn sóng nhân viên nghỉ việc, phản đối và xung đột với cảnh sát do các biện pháp phòng chống COVID tại nhà máy của họ ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam của Trung Quốc. Do đó, iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max của Apple đã gặp phải tình trạng gián đoạn đơn hàng. Thông thường, quý IV hàng năm là mùa sản xuất bận rộn nhất, do nhà máy Trịnh Châu của Foxconn phải tăng tốc sản xuất và giao hàng trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.

Các công ty đa quốc gia tăng tốc chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu
Tình trạng bất ổn nổ ra tại nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc, hôm 23/11/2022. (Ảnh chụp màn hình tài khoản Twitter của Stephen McDonell qua The Epoch Times)

Apple lắp ráp hơn 90% iPhone của mình tại Trung Quốc, trong khi đối thủ điện thoại thông minh Samsung đã rời Trung Quốc vào năm 2019 và đã đa dạng hóa hoạt động lắp ráp tại ít nhất 4 quốc gia.

COVID tiếp tục tàn phá

Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ lại bị tàn phá do làn sóng lây nhiễm COVID hiện nay tại Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp, công ty logistics tại đất nước này đang phải ngừng sản xuất do hầu hết công nhân đều nhiễm dịch bệnh. Chẳng hạn, công nhân nhà máy ở Chiết Giang được yêu cầu nghỉ lễ sớm trước Tết Nguyên đán và trở lại làm việc sau hai tháng.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp vừa và nhỏ APEC 2022 được tổ chức tại Thâm Quyến vào ngày 22/12, Phó chủ tịch điều hành BYD Lian Yubo cho biết 20-30% nhân viên của công ty mắc COVID và bị cách ly tại nhà, dẫn đến năng lực sản xuất xe của BYD bị giảm, sản lượng trung bình hàng ngày sụt giảm ở mức 2.000-3.000 chiếc.

Hôm 24/12, Tesla đã đình chỉ sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải. Theo Reuters, nhiều công nhân và nhà cung cấp tại nhà máy đã nhiễm COVID.

Các công ty đa quốc gia tăng tốc chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu
Bệnh nhân nằm trên cáng tại bệnh viện Tongren ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 03/01/2023. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Ông Peter Lindstrom, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty vận tải Na Uy Torvald Klaveness, đã đăng trên Twitter hôm 21/12 rằng đợt bùng phát đã “vượt ngoài tầm kiểm soát” ở Trung Quốc và 90% người đại diện Trung Quốc làm việc cho công ty đều bị bệnh, theo The Telegraph. Những người đại diện này cư trú tại Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Ninh Ba và Quảng Châu.

Bà Bindiya Vakil, Giám đốc điều hành của công ty lập bản đồ chuỗi cung ứng Resilinc, nói với Financial Times: “Chúng ta sẽ thấy rất nhiều hoạt động bị ảnh hưởng bởi tình trạng vắng mặt của nhân viên, không chỉ ở các nhà máy mà còn ở các cơ sở kho bãi, phân phối, hậu cần và vận chuyển”.

Tăng tốc tách rời khỏi Trung Quốc

Sự độc quyền của chính phủ Trung Quốc đối với các thiết bị y tế quan trọng trong giai đoạn đầu của đại dịch đã phơi bày lỗ hổng của chuỗi cung ứng toàn cầu, đây là một hồi chuông cảnh tỉnh lớn đối với cộng đồng quốc tế.

Khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình vào năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi đánh giá 100 ngày về sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng của Mỹ vào Trung Quốc, đồng thời đề xuất hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác có cùng chí hướng về sự bền vững của chuỗi cung ứng.

Sau khi cuộc chiến Nga - Ukraine khiến phương Tây phải thúc đẩy chuyển hoạt động sản xuất khỏi các quốc gia độc tài và hướng tới các đồng minh, Liên minh châu Âu cũng đã tham gia vào xu hướng tách rời khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Tờ The Wall Street Journal đưa tin hôm 03/12 rằng Apple đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Công ty có kế hoạch tăng sản lượng iPhone tại Ấn Độ lên 45%, trong khi Việt Nam sẽ tập trung nhiều hơn vào việc lắp ráp Apple Watch, MacBook và các sản phẩm khác.

Tương tự, một số nhà sản xuất ô tô đang đẩy nhanh việc tổ chức lại chuỗi cung ứng của họ. Mazda đang chuyển hoạt động sản xuất một số bộ phận trước đây được sản xuất tại Trung Quốc sang thị trường nội địa Nhật Bản. Ford và GM đã chuyển hoạt động sản xuất phụ tùng sang các nhà máy ở Mỹ trong hơn một năm. Mercedes đang xem xét chuyển việc mua các bộ phận của mình sang các nhà cung cấp ở châu Âu, Mỹ hoặc Mexico.

“Đây không còn là thời đại mà chi phí là yếu tố thúc đẩy chính", ông Masahiro Moro, giám đốc điều hành cấp cao của Mazda, nói với Financial Times. "Ngay bây giờ, [sự] mạnh mẽ của chuỗi cung ứng của chúng tôi cũng cần được xem xét để đảm bảo việc mua sắm các bộ phận một cách ổn định”.

Chính phủ Trung Quốc hiếm khi thừa nhận thất bại của họ. Khi họ thỉnh thoảng làm như vậy, điều đó có nghĩa là tình hình đã rất thảm khốc.

Ông Wang Shouyang, giám đốc Viện Khoa học Trung Quốc, cho biết tại một diễn đàn chuỗi công nghiệp toàn cầu được tổ chức hôm 04/12/2022, rằng “các vấn đề chính mà an ninh chuỗi công nghiệp của Trung Quốc phải đối mặt là sự đứt gãy của chuỗi công nghiệp ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, sự phụ thuộc cao vào ngoại quốc đối với các công nghệ cốt lõi, và xu hướng rõ ràng của việc chuyển giao công nghiệp ra ngoại quốc”.

Theo The Epoch Times

Cát Duyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Các công ty đa quốc gia tăng tốc chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu