Các công ty thây ma đang là mối đe dọa đối với kinh tế thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thuật ngữ công ty thây ma hay xác sống được dùng để chỉ các công ty không sinh lời và mắc nợ nhưng vẫn còn hoạt động. Với việc duy trì mức lãi suất thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng, các ngân hàng trung ương đã nuôi dưỡng việc hình thành các công ty thây ma trong nhiều năm qua. Khi lãi suất bị thắt chặt để kiềm chế lạm phát, các công ty này sẽ phá sản hàng loạt, tạo ra thảm họa cho toàn thế giới.

Thây ma là một thứ tưởng tượng, không nên tồn tại trong thế giới thực. Tuy nhiên, thây ma lại tồn tại trong các nền kinh tế hiện đại.

Các công ty xác sống trong cuộc khủng hoảng kinh tế Nhật Bản những năm 1990

Zombies đã được Ricardo Caballero, Takeo Hoshi và Anil Kashyap giới thiệu như một thuật ngữ kinh tế trong bài báo của họ: “Cho vay xác sống và quá trình tái cơ cấu bị đình trệ ở Nhật Bản” vào năm 2008; họ đặt tên các công ty không sinh lời và mắc nợ nhưng vẫn hoạt động ở Nhật Bản là “công ty xác sống”. Các tác giả phát hiện ra rằng, sau cuộc khủng hoảng tài chính vào đầu những năm 1990, các ngân hàng lớn của Nhật Bản đã bơm tiền vào những công ty vay tiền để thoát vỡ nợ, hay còn gọi là thây ma hay xác sống. Lý do cho điều này là bản thân các ngân hàng lớn này đang gặp khó khăn nghiêm trọng.

Cuộc khủng hoảng tài chính đầu những năm 1990 bắt nguồn từ việc bãi bỏ các quy định trong lĩnh vực tài chính vào đầu những năm 1980, và những nỗ lực sâu rộng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nhằm hạn chế việc đồng Yên tăng giá bằng việc duy trì mức lãi suất thấp. Những động thái này đã tạo ra các bong bóng chứng khoán và bất động sản khổng lồ. Tại thời kỳ đỉnh cao, giá trị của cổ phiếu Nhật Bản cao gấp đôi giá trị thị trường của cổ phiếu Mỹ. Có thông tin rằng giá trị thị trường của khu đất Hoàng cung ở Tokyo vào thời điểm đó cao hơn giá trị thị trường của tất cả bất động sản ở California.

Nhiều ngân hàng và tập đoàn Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều vào thị trường chứng khoán và bất động sản. Khi bong bóng nổ vào năm 1990/1991, các tổ chức này đã phải gánh chịu những tổn thất nghiêm trọng đẩy họ vào cảnh vỡ nợ. Chính quyền cho phép và, trong một số trường hợp, thậm chí còn khuyến khích các ngân hàng gia hạn các khoản vay cho các doanh nghiệp ốm yếu và cho phép các ngân hàng bỏ qua các khoản lỗ do cho vay và phóng đại vốn của họ. Trong khi các biện pháp này đã cứu nguy cho ngành tài chính, lĩnh vực ngân hàng đã không được tái cơ cấu. Điều này làm giảm đáng kể việc cho vay của ngân hàng và các ngân hàng trở nên thiên vị các công ty ốm yếu làm ăn thua lỗ, vì các ngân hàng yếu kém cố gắng tránh bị thiệt hại thêm nếu công ty phá sản. Nền kinh tế Nhật Bản “bị thây ma hóa”.

Các ngân hàng trung ương đã tạo ra công ty thây ma

Thực tế là, kể từ cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu, các ngân hàng trung ương đã bơm tiền rẻ tràn ngập nền kinh tế. Điều này đã được thực hiện thông qua các chính sách lãi suất cực thấp và các chương trình nới lỏng định lượng (QE). Các chương trình QE đã dẫn đến việc giảm lợi tức (và tăng giá) đối với trái phiếu, ngay cả khi các ngân hàng trung ương chỉ mua trái phiếu chính phủ. Ví dụ, lợi tức của trái phiếu doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu giảm ngay lập tức, ngay cả khi đang xảy ra suy thoái kinh tế, sau khi Fed ban hành QE. Khi QE tiếp tục diễn ra, việc theo đuổi mức lợi tức cao đã khiến các nhà đầu tư tìm đến với các sản phẩm ngày càng rủi ro hơn, đẩy lợi tức trái phiếu của các công ty được xếp hạng tính nhiệm ở mức rác xuống thấp chưa từng thấy.

Môi trường lãi suất cực thấp này đã cản trở nghiêm trọng động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn: sự phá hủy mang tính sáng tạo (creative destruction).

Tăng trưởng kinh tế dài hạn được thúc đẩy bởi các cải tiến kỹ thuật, như máy kéo sợi và robot công nghiệp hiện đại, điều giúp cải thiện năng suất, hiệu quả của sản xuất. Về bản chất, chúng làm tăng năng suất lao động của con người, do đó làm tăng tiền lương của nhân công và làm cho sản phẩm rẻ hơn. Nói một cách dễ hiểu, sự phá hủy mang tính sáng tạo là một quá trình, trong đó các phương pháp hiệu quả hơn (năng suất hơn) sẽ thay thế các cách thức sản xuất cũ và kém hiệu quả. Điều này xảy ra cả trong các công ty, bằng việc thay thế các cách thức sản xuất không sinh lời bằng các cách thức sản xuất hiệu quả hơn, và trong tổng thể nền kinh tế, nơi các công ty cũ làm ăn không có lãi thất bại và các công ty mới đạt được nhiều lợi nhuận hơn hơn thế chỗ. Các công ty mới, có lợi nhuận cao hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng năng suất bằng cách áp dụng các đổi mới công nghệ vào sản xuất. Điều này làm tăng thu nhập, tiền lương và mức sống của chúng ta.

Nói về sự phá hủy mang tính sáng tạo, cả thành công và thất bại của doanh nghiệp đều thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển kinh tế. Lợi nhuận thu được từ việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ có lãi sẽ tích lũy thu nhập và vốn, trong khi các thất bại sẽ cho thấy doanh nghiệp nào là bền vững.

Điều gì xảy ra, khi tiền (tín dụng) trở nên dồi dào và dễ dàng có được? Các công ty làm ăn không có lợi nhuận sẽ bắt đầu gia hạn khoản nợ của họ và tìm đến các nguồn vốn dễ dàng huy động để tiếp tục. Đây là những gì đã xảy ra sau khi các ngân hàng trung ương ban hành các biện pháp tiền tệ cực đoan của họ trong những năm 2010. Họ bắt đầu tạo ra các công ty xác sống, giống như các ngân hàng yếu kém của Nhật Bản đã làm vào những năm 1990.

Các công ty xác sống đang là mối đe dọa đối với kinh tế thế giới

Các công ty xác sống là mối đe dọa đối với nền kinh tế, bởi vì các công ty này hạn chế sự gia nhập thị trường của các công ty mới, năng suất hơn, hạn chế việc tạo việc làm trong nền kinh tế và khóa nguồn vốn trong khu vực không hiệu quả. Các công ty xác sống tìm cách tồn tại chứ không phải để phát triển. Họ tích trữ tiền và nợ, nhưng không đầu tư. Người lao động có thể giữ được việc làm, nhưng họ bị giam cầm vào việc sản xuất không có lãi.

Theo nghiên cứu của Natixis, một ngân hàng của Pháp, các tập đoàn zombie ở châu Âu đã tăng lên chiếm 21% tổng số công ty vào cuối năm 2019. Giờ đây, do “các gói cứu trợ đại dịch Covid-19”, tỷ lệ có thể sẽ cao hơn đáng kể. Theo dữ liệu do Deutsche Bank Securities tổng hợp, số lượng các công ty giao dịch đại chúng của Mỹ được phân loại là thây ma đã tăng lên gần 19% vào cuối năm 2020. Theo Bloomberg, vào tháng 11/2020, các tập đoàn thây ma của Mỹ ngồi trên một núi nợ cao đến mức khó tưởng tượng là 2 nghìn tỷ USD. Số lượng các công ty zombie niêm yết công khai cũng đã tăng thêm 200 công ty kể từ khi đại dịch bắt đầu. Đây là một ví dụ rõ ràng cho thấy các gói cứu trợ từ chính quyền và ngân hàng trung ương khiến nền kinh tế trở nên mong manh hơn.

Các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã nuôi dưỡng việc hình thành các công ty xác sống trong nhiều năm thông qua mức lãi suất cực thấp và các chương trình QE.

Thây ma không nên tồn tại trong thế giới thực. Khi tình trạng lạm phát tăng nhanh chóng mặt buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất mạnh mẽ trong những tháng tới, chúng ta sắp chứng kiến một cơn lũ phá sản của các công ty. Theo sau cơn lũ phá sản là tai họa cho tất cả chúng ta.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả ​​Tuomas Malinen là Giám đốc điều hành và Phó Giáo sư kinh tế. Ông đã dành 10 năm để nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế, bất bình đẳng thu nhập và các cuộc khủng hoảng kinh tế. Hiện tại, ông Tuomas làm việc tại GnS Economics, một công ty tư vấn kinh tế vĩ mô có trụ sở tại Helsinki, chuyên về dự báo kịch bản và phân tích, giáo dục cộng đồng về các rủi ro khác nhau đối với nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính toàn cầu.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Các công ty thây ma đang là mối đe dọa đối với kinh tế thế giới