Các giai đoạn ủ mưu và tham chiến của đồng nhân dân tệ nhằm soán ngôi USD (Kỳ 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Đồng nhân dân tệ (CNY) sẽ nhanh chóng thay thế vị trí của USD?" là thảo luận tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Tốc độ "quốc tế hoá" chóng mặt của CNY trong thời gian này khiến báo chí tốn nhiều giấy mực, đánh thức gã khổng lồ Mỹ đang say ngủ. Nhưng chính tốc độ quốc tế hoá quá nhanh của CNY trên nền tảng kinh tế bất ổn, nhiều sai lầm đang khiến CNY phải trả giá: nó đang trượt dốc...

Sự thất vọng của thế giới với đồng bạc xanh

Kể từ khi đồng bạc xanh của Mỹ không còn được đảm bảo bằng vàng cũng như nợ nần của các chính phủ bị phình to bởi chiến tranh, đồng USD buộc phải mất giá để cân bằng thương mại, để trả nợ,... nó đã tạo ra vô số thất vọng cho những người tin tưởng nó. Để có thêm thông tin về con đường xuống dốc của đồng bạc xanh, bạn có thể đọc thêm ở đây.

Sự thao túng của chính trị, của các tài phiệt tài chính (các ông chủ siêu ngân hàng toàn cầu, các quỹ đầu tư lớn nhất toàn cầu) đối với đồng bạc xanh ngày một lớn khiến ngày càng có nhiều người bất bình với quyền lực thống trị của đồng tiền này.

Mỗi lần đồng bạc xanh lạm phát, Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất, tiền USD trên khắp toàn cầu lại đổ về Mỹ tìm nơi trú ẩn. Sau khi lãi suất tăng, các khoản đầu cơ tài chính của Phố Wall và khắp toàn cầu lại bị mất giá và thậm chí là nổ bong bóng trên thị trường chứng khoán, tài chính. Kết quả là vỡ nợ và dòng tiền giải cứu từ chính quyền Hoa Kỳ, nơi in ra đồng bạc xanh, lại đổ vào cho các tài phiệt với lý do "họ quá lớn để có thể đổ vỡ" và bởi vì sự đổ vỡ của họ có thể tạo ra làn sóng đổ vỡ domino tồi tệ hơn cho nền kinh tế của Mỹ và toàn cầu. Cứ như vậy, sau mỗi khủng hoảng, các tài phiệt tài chính giàu có hơn; lý do là họ đã kịp làm giàu trước khủng hoảng, khi khủng hoảng diễn ra thì các khoản đầu tư lỗ của họ được cứu trợ bởi chính phủ, sau khủng hoảng lại được "hỗ trợ" bởi chính sách ưu đãi.

Ủy viên Wessel viết: “Tốc độ rót vốn của các nhà đầu tư Mỹ vào Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng lên, làm suy yếu khả năng chống lại các mối đe dọa mà các chính sách của Đảng cộng sản Trung Quốc gây ra cho đất nước và các giá trị của chúng ta. Đã đến lúc áp đặt các biện pháp hạn chế toàn diện đối với dòng tiền và kiềm chế các hoạt động làm thuê của Phố Wall, giới đầu tư tư nhân và các tổ chức đầu tư khác”. (Ảnh: tổng hợp)
Tiền rẻ - Lạm phát - Fed tăng lãi suất - Khủng hoảng đã trở thành chu kỳ kiếm tiền của Phố Wall (Ảnh: tổng hợp)

Mà lạm phát của đồng bạc xanh lại được tạo ra bởi chính Fed, nơi luôn cố gắng duy trì chính sách tiền rẻ (lãi suất thấp), không hạn chế đầu cơ, đánh bạc trên thị trường tài chính Phố Wall cho tới khi đồng bạc xanh mất giá, lạm phát bùng phát và chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu tạo ra một chu kỳ đổ vỡ mới.

Với tâm lý thất vọng về giá trị thực của đồng bạc xanh khi các chu kỳ khủng hoảng lặp đi lặp lại như vậy, thế giới manh nha hy vọng vào sức mạnh của một đồng tiền khác, có thể thay thế USD, công bằng hơn và không thể tạo ra lạm phát.

Bắt lấy cơ hội này, những kẻ xảo biện và có khả năng hùng biện đã tạo ra câu chuyện về tiền kỹ thuật số, ví dụ như đồng Bitcoin. Bitcoin và các đồng tiền tương tự được ca ngợi hết lời như một loại tiền tệ không thể truy ngược dấu vết giao dịch (vốn phù hợp với buôn lậu, giao dịch tội ác), một loại tiền tệ "không thuộc về chính phủ nào", "không bị mất giá trị vì số lượng giới hạn của nó". Nhưng không một ai trong số những kẻ hùng biện về Bitcoin và các loại tiền ảo khác nói sự thật rằng công nghệ tạo ra Bitcoin và tiền ảo lại không hề ưu việt, càng không phải là duy nhất. Tức là, thứ "tiền tệ" tương tự Bitcoin có thể tạo ra bởi vô số tay lập trình, công ty công nghệ trên khắp toàn cầu. Điều đó có nghĩa là loại tiền ảo này thực tế dễ dàng bị thao túng, dễ dàng bị lạm phát và mất giá chỉ trong một đêm. Một loại công cụ như thế không cách nào trở thành "tiền tệ".

Bởi vì, tiền tệ vốn là công cụ đo lường giá trị của cải. Công cụ đo lường nhất định phải bất biến, không co giãn bởi thời tiết, thời gian, không hao mòn, khó bị làm giả. Đây chính là lý do vàng vật chất là ứng cử viên duy nhất đáng tin cậy cho tới nay để trở thành kẻ hộ vệ, hay kẻ xứng danh đại diện cho đồng tiền mạnh.

Trong khi Mỹ trở nên suy yếu, các đối thủ chính trị của Mỹ bắt đầu tin rằng mơ ước soán ngôi sức mạnh thống trị tiền tệ của đồng bạc xanh có thể trở thành sự thật. Kẻ thù chính trị, hệ tư tưởng số một của Mỹ là Trung Quốc đã tận dụng tối đa cơ hội này, thúc đẩy quốc tế hoá đồng nhân dân tệ (CNY).

Cơ hội của CNY

Tham vọng soán ngôi Mỹ của chế độ Bắc Kinh chắc chắn không phải điều mới mẻ trong đầu các nhà lãnh đạo của đất nước này. Chỉ là lực bất tòng tâm.

Nhưng rốt cuộc, nhờ mở cửa, Trung Quốc nhanh chóng trở nên giàu có; dòng tiền đầu tư nước ngoài tràn Trung Quốc 1,4 tỷ dân với hy vọng tiêu dùng quốc gia này sẽ hấp thụ hết nguồn cung đang ngày một dư thừa từ Mỹ và các nền kinh tế phát triển.

Ở Trung Quốc khi đó, 1/6 dân số thế giới đang đói việc làm, đói lương thực trước tương lai bất định mà chế độ gây ra. Trước sức mạnh đàn áp và tẩy não của chính quyền, sau khi chứng kiến hàng chục triệu người chết đói sau Cách mạng văn hoá, Đại nhảy vọt,... thứ người dân tha thiết muốn là có việc làm, có cái ăn và nếu có thể là chút tiền tích luỹ cho tuổi già. Bởi vậy, việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại toàn cầu WTO được ví như cá gặp nước. Trong suốt 40 năm qua, Trung Quốc như miếng xốp khô hút không mệt mỏi dòng vốn ngoại khắp toàn cầu đang thiếu nơi để đầu tư sinh lời.

Xem thêm:

Phần 1: WTO và Trung Quốc lợi dụng nhau như thế nào?

Phần 3: Báo cáo của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ “vạch tội” Cơ quan Phúc thẩm - não bộ của WTO

Rất nhanh, dòng vốn ngoại và sự chăm chỉ, khát vọng của người Trung Quốc đã biến Trung Quốc trở thành đại công xưởng toàn cầu. Cùng với khối lượng dự trữ ngoại hối và vàng vật chất ngày một lớn, Trung Quốc đã tích luỹ không chỉ sức mạnh ngoại tệ mà còn sức mạnh mặc cả về ngoại giao - chính trị ngày một lớn khi nguồn cung ứng hàng hoá khắp toàn cầu chủ yếu tập trung tại Trung Quốc.

Từ đây, Trung Quốc không ngần ngại bộc lộ tham vọng bá chủ toàn cầu qua "Giấc mộng Trung Hoa", được công bố bởi ông Tập Cận Bình năm 2013. Về cơ bản, cuộc chiến này có thể chia làm ba giai đoạn.

Giai đoạn 1: Tích luỹ chờ thời

Đây là giai đoạn từ khi gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) năm 1997 đến trước 2012. Giai đoạn này được xem như giai đoạn chuẩn bị. Trung Quốc tăng cường hút vốn ngoại, tích luỹ USD, vàng vật chất qua thu hút vốn đầu tư nước ngoài, biến Trung Quốc thành đại công xưởng sản xuất toàn cầu. Giai đoạn này, dự trữ USD của Trung Quốc tăng từ 5 tỷ USD năm 1997 lên tới 3,3 nghìn tỷ USD năm 2012; tăng 660 lần so với 1997 và tương đương với 45% GDP của cả nền kinh tế!

Trong giai đoạn này, ngoài tích luỹ ngoại tệ và vàng vật chất để đảm bảo cho sức mạnh CNY, Trung Quốc sử dụng rất hiệu quả công cụ "thao túng tiền tệ", không ngừng hạ giá trị CNY so với USD để tạo ra hàng hoá Trung Quốc giá rẻ, xâm lược thị trường tiêu dùng toàn cầu bằng công cụ phá giá CNY. Quyền lực của quốc gia nắm chuỗi cung ứng toàn cầu ngày một gia tăng.

Thủ đoạn bóp méo thị trường của Trung Quốc
Một giao dịch viên ngân hàng đếm những xấp tiền CNY (nhân dân tệ) và USD tại một ngân hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 22/07/2005. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Đây là thời gian mà Trung Quốc dư thừa tiền đến mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại tại PBoC lên tới 20%; một tỷ lệ dự trữ mơ ước của bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền đồng của các NHTM tại NHNN Việt Nam là 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng; 1% đối với khoản tiền gửi trên 12 tháng.

Giai đoạn 2: Bắt đầu quốc tế hoá CNY - Thò chân cáo vào cuộc chơi tiền tệ toàn cầu

Được xác định từ năm 2012 đến năm 2022, giai đoạn tăng tốc quốc tế hoá CNY nhằm thực hiện soán ngôi USD. Đây là 10 năm trong hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đầu tiên của ông Tập Cận Bình.

Đây cũng là giai đoạn mà dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt đỉnh vào tháng 6/2014, lên tới gần 4 nghìn tỷ USD. Nếu không có cuộc chiến tranh thương mại của tổng thống Donald J. Trump cũng như cuộc "đảo chính tài chính năm 2015", rất có thể, dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh đã thiết lập một kỷ lục mới.

Giai đoạn này, đồng CNY không còn "ẩn mình chờ thời". Với 80% các hợp đồng thương mại toàn cầu được ký với Trung Quốc, Trung Quốc vạch chiến lược biến lợi thế này thành sức mạnh để nhanh chóng soán ngôi USD.

BẮC KINH, TRUNG QUỐC - 13 THÁNG 1: (CHINA OUT) Toàn cảnh tòa nhà Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) vào ngày 13 tháng 1 năm 2016 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Lễ khai trương Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 16 tháng 1. (Ảnh của VCG qua Getty Images)

Họ thuyết phục thế giới Ả - rập niêm yết giá dầu bằng CNY (dù chưa thành công), thành lập ngân hàng toàn cầu đóng vai trò như ngân hàng trung ương và ngân hàng đầu tư do Trung Quốc đứng đầu (AIIB) với đồng CNY là trung tâm để thay thế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vốn đang dẫn dắt bởi Mỹ và đồng USD. Trung Quốc cũng tăng cường cho vay bằng đồng CNY để phát triển hạ tầng qua Sáng kiến Vành Đai - Con đường các rất nhiều nền kinh tế khắp Á -Âu - Phi trên khắp toàn cầu.

Thành công lớn nhất trong giai đoạn quốc tế hoá này của CNY là đồng tiền đã tham gia vào rổ các tiền tệ quyền rút vốn đặc biệt của IMF (SDR), bước một chân đầu tiên vào quốc tế hoá. Đây cũng là giai đoạn Trung Quốc tăng cường quan hệ khuyến khích các NHTW của các nền kinh tế "thân thiện với Trung Quốc" tăng cường dự trữ CNY, đảm bảo an ninh ngoại tệ cho "nước bạn" bằng cách Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẵn sàng ký hợp đồng hoán đổi CNY mà các NHTW khác dự trữ lấy USD. Hơn 20 NHTW của các nền kinh tế đã dự trữ CNY và ký hợp đồng hoán đổi ngoại tệ như vậy với Bắc Kinh. Lưu ý rằng, hoán đổi đồng nội tệ của các nền kinh tế lấy USD một trong những công cụ thể hiện quyền lực rất lớn của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (Fed); công cụ này đặc biệt quan trọng với các nền kinh tế khi khủng hoảng xảy ra và dòng vốn USD tháo chạy khỏi quốc gia.

Giai đoạn 3: Tốc chiến nhờ cơ hội chiến tranh Nga - Ukraine

Chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra đã giúp Trung Quốc trở thành kẻ hưởng lợi lớn nhất về mặt chiến lược. Trong khi đó, Mỹ chứ không phải Nga hay Ukraine mới là kẻ mất mát nhiều nhất.

Chiến tranh Nga - Ukraine đã làm đảo chiều thế giới đơn cực, dẫn dắt bởi Mỹ và phương Tây sang thế giới đa cực, nơi các thế lực của Nga - Trung Quốc và Ấn Độ đang chia lại quyền lực với Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bước vào hội trường trong cuộc họp tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, hôm 21/3/2023. (Ảnh: Alexey Maishev/Sputnik/AFP/Getty Images)

Cuộc chiến mà quyền lực của Mỹ, thế độc tôn của "cảnh sát quốc tế" bị suy yếu, bị phân tán thực sự đã làm hài lòng Bắc Kinh; chế độ hưởng lợi từ cả kinh tế - chính trị và ngoại giao giờ chiến tranh Nga - Ukraine. Chiến tranh càng kéo dài, Trung Quốc càng hưởng lợi lớn hơn.

Gần như ngay lập tức, Trung Quốc đứng về phe của Nga và những quốc gia "thân thiện với Nga" để thành trung gian buôn bán dầu giá rẻ của Nga với chính các nước trừng phạt Nga [nhưng lại phụ thuộc vào năng lượng của Nga]. Trung Quốc thành công trong việc tăng cường tiền thanh toán quốc tế bằng CNY thay cho USD, tăng cường các cam kết với cả chục nền kinh tế về việc tham gia hệ thống thanh toán quốc tế đồng CNY, dự trữ ngoại hối bằng CNY thay vì USD (đảm bảo bằng các hợp đồng hoán đổi CNY lấy USD). Khan hiếm USD trong năm 2023 do Fed tăng lãi suất cũng trở thành cơ hội cho Bắc Kinh. Theo tổng kết của trang Lao Động, ít nhất 8 nền kinh tế khắp Á - Âu - Trung Đông đã đồng ý nhập khẩu hàng hoá bằng CNY thay vì USD như truyền thống trong năm 2023.

Trước tiến độ quốc tế hoá đồng CNY như vũ bão trong năm 2023, thế giới bắt đầu đặt câu hỏi rằng Trung Quốc mất bao lâu nữa để làm cho USD mất khả năng thống trị?

Gần như không mất thời gian đi tìm câu trả lời, đồng CNY đang lao dốc ngay cả khi USD bắt đầu suy yếu; một USD đã mua được 7,13 CNY (tỷ giá ngày 9/6/2023). Lần này, sự lao dốc của CNY có phải do Bắc Kinh cố ý để tiếp tục chiến thắng trong cuộc chiến hàng giá rẻ nữa không? Hay đơn giản là CNY đang phải trả giá vì nó đã bị quốc tế hoá quá nóng vội trong khi chưa đủ năng lực? Và sự thất bại nhìn thấy rõ của CNY trong vòng chiến tiền tệ năm 2023 này sẽ mang lại điều gì cho Trung Quốc?

Mời các bạn đón đọc "Các đòn đáp trả của USD trước CNY: Lạc đà gầy còn hơn ngựa béo (Kỳ 2)" .

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Các giai đoạn ủ mưu và tham chiến của đồng nhân dân tệ nhằm soán ngôi USD (Kỳ 1)