Các ngân hàng trung ương có thật sự hoạt động độc lập?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đầu tư chính xác và bền vững trong giai đoạn thế giới bùng phát đại dịch đòi hỏi người đầu tư phải xem xét cẩn thận chính sách của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) lớn. Câu hỏi đặt ra là liệu các NHTW có thật sự hoạt động độc lập vì lợi ích của người dân, hay họ phục vụ các mục đích chính trị?

Tháng 3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã dẫn đầu cuộc giải cứu nền kinh tế khỏi đại dịch Covid-19. NHTW Nhật Bản và NHTW châu Âu cũng là những nguồn hỗ trợ quan trọng cho thị trường tài chính và nền kinh tế.

Trong khi đó, NHTW Trung Quốc đã theo đuổi một chính sách cứng rắn hơn, đồng thời tránh tình trạng suy thoái kinh tế. Cổ phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc đã bị ảnh hưởng xấu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ và kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực phát triển nóng như bất động sản.

Tại Mỹ, nguyên nhân giá cổ phiếu tăng cao trong thời gian qua rất nhiều đến từ (1) quyết định cắt giảm lãi suất của Fed nhằm giữ cho thị trường tài sản luôn tràn ngập tiền mặt và (2) việc duy trì lãi suất vay dài hạn ở mức thấp. Chính quyết định của Fed đã tạo ra ít nhất 3 tỷ USD để bù đắp những ‘lỗ đen’ của nền kinh tế trong thời gian phong tỏa. Nhiều chuyên gia đã đầu tư từ mùa hè năm 2020 với dự đoán thị trường chứng khoán sẽ phục hồi mạnh nhờ số tiền mặt mà Fed bơm vào thị trường.

Khi năm 2021 kết thúc, câu hỏi đặt ra là liệu Fed có rút lại quá nhanh các biện pháp kích thích khi mà Fed đang tìm cách kiềm chế ‘thần lạm phát’.

Các ngân hàng trung ương có hoàn toàn hoạt động độc lập?

Thị trường tin rằng các NHTW lớn đều hoạt động độc lập. NHTW châu Âu ECB được thành lập dựa trên ý tưởng rằng các chuyên gia độc lập sẽ thiết lập mức lãi suất ngắn hạn sao cho lạm phát được giữ ở mức thấp. NHTW Nhật Bản và Fed cũng đặt mục tiêu lạm phát 2%.

Ý tưởng về các NHTW hoạt động độc lập đã xuất hiện trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này. Theo lý thuyết, những ngân hàng này sẽ được điều hành bởi những người khôn ngoan, không thiên vị, những người hiểu rất rõ về nền kinh tế và thị trường, đến mức họ biết khi nào nên mở rộng tiền và tín dụng, và khi nào nên thắt chặt tiền tệ bằng cách thay đổi lãi suất, để giữ lạm phát ở mức khoảng 2%.

Rất khó để biết tại sao người dân đều tin vào điều này. Trên thực tế, các nền kinh tế đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng nổ và phá sản của các ngân hàng, nơi các NHTW cho phép các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng và làm tăng giá trị tài sản. Năm 2008, nhiều ngân hàng đã sụp đổ, tạo nên một cuộc đại suy thoái. Các NHTW tìm cách đổ lỗi cho các ngân hàng thương mại về sự phát triển thái quá này mà không thừa nhận vai trò của họ trong vụ việc.

Thật khó để tìm thấy những người ‘trong sạch’. Người đứng đầu các NHTW thường được bổ nhiệm bởi Tổng thống hoặc Thủ tướng, và nhận được sự giúp đỡ của các Bộ trưởng Tài chính. Những người này đều có lợi ích chính trị trong các chính sách mà họ đưa ra. Năm nay, một số NHTW lớn đã dự báo lạm phát sẽ ở mức thấp hơn nhiều so với thực tế hiện nay.

Rất khó để xác định một NHTW có hoạt động hoàn toàn độc lập hay không. Thực tế cho thấy ảnh hưởng của các chính phủ lên các NHTW là rất rõ ràng.

Ông Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã sử dụng quyền lực của mình để bổ nhiệm Thống đốc NHTW. Ông Erdogan đã chọn một người sẽ giữ lãi suất ở mức thấp hoặc sẵn sàng cắt giảm lãi suất bất kể tỷ lệ lạm phát là bao nhiêu. NHTW Trung Quốc không giấu giếm trong tất cả các tuyên bố của mình rằng, họ coi nhiệm vụ chính là thực hiện các chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản.

Bản thân Fed từ lâu đã có nhiệm vụ kép: Giữ lạm phát ở mức thấp và đảm bảo tăng trưởng ổn định. Khi có tranh chấp giữa hai mục tiêu, Fed sẽ phải đưa ra quyết định thường là sau khi lắng nghe quan điểm của chính phủ.

Một số NHTW được cho là đã đưa ra các chính sách tài khóa ngông cuồng. Ở một số nước Mỹ Latinh, họ đã không thể hoặc không sẵn sàng bù đắp các khoản thấu chi của chính phủ, và cuối cùng đã khiến tỷ lệ lạm phát tăng lên mức rất cao. Các NHTW ở Argentina và Venezuela là những ví dụ tuyệt vời cho nhận định này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ‘tu sửa’ Fed, sử dụng quyền hạn của mình để bổ nhiệm người vào hội đồng thống đốc. Dường như ông Biden đang đàm phán về một nền tảng chính sách mới cho Fed để đưa Fed đến gần hơn với chương trình nghị sự của Đảng Dân chủ. Nhiều căng thẳng đã xuất hiện giữa Chủ tịch đương nhiệm của Fed, ông Powell và Phó chủ tịch mới được bổ nhiệm thuộc đảng Dân chủ, bà Lael Brainard.

Một Fed ‘mới’ sẽ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phát thải carbon và có thể đưa ra một lộ trình khắc nghiệt hơn đối với các hoạt động ngân hàng với tư cách là cơ quan quản lý.

Thị trường sẽ cần điều chỉnh để phù hợp với các NHTW đang có thiên hướng chính trị. Người đứng đầu NHTW mới được bổ nhiệm của Mexico có xuất thân từ hàng ngũ chính phủ. ECB là cơ quan giám sát các dự án của EU và sẽ luôn tính đến những gì cần thiết để củng cố và thúc đẩy liên minh kinh tế, tiền tệ, và chính trị này.

Khi năm 2021 sắp kết thúc, ngày càng có nhiều lo lắng về việc Fed sẽ rút lại các biện pháp kích thích nhanh như thế nào và lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong bao lâu. Tuy nhiên, có vẻ như nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục được kích thích với mức lãi suất bằng 0 và nhiều nguồn tiền bổ sung từ NHTW Nhật Bản và ECB. NHTW Trung Quốc không muốn kích hoạt suy thoái, nhưng họ đang giúp chính quyền kiềm chế các ông lớn trong giới doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Fed sẽ cố gắng tìm cách giảm lạm phát và Tổng thống Biden sẽ tìm kiếm các giải pháp để giải quyết nút thắt nguồn cung.

Phía trên là phân tích của tác giả John Redwood đăng trên Financial Times và được NTDVN lược dịch. Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thủy Tiên



BÀI CHỌN LỌC

Các ngân hàng trung ương có thật sự hoạt động độc lập?