Các nhà kinh tế tranh cãi liệu kinh tế Mỹ đã suy thoái hay chưa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp 2 quý tăng trưởng kinh tế âm, các quan chức Mỹ vẫn cho rằng kinh tế Mỹ không bị suy thoái, lý do chính là bởi Mỹ vẫn có một thị trường lao động mạnh mẽ. Nhiều tranh cãi đã nổ ra khi định nghĩa thông dụng về suy thoái bị thách thức. Thậm chí, thị trường lao động Mỹ còn bị nhận xét là yếu.

Tranh cãi nổ ra khi định nghĩa về suy thoái bị bóp méo

Nền kinh tế Mỹ đã suy giảm trong quý thứ hai liên tiếp, với tốc độ sụt giảm hàng năm là 0,9% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, theo dữ liệu mới từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA).

Mặc dù kết quả tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đáp ứng định nghĩa về suy thoái kỹ thuật, nhiều nhà kinh tế và các công ty Phố Wall đã không vội vàng tuyên bố suy thoái dựa trên ước tính sơ bộ.

Theo ông Peter Schiff, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Euro Pacific Capital, suy thoái kinh tế luôn được định nghĩa là hai quý trở lên có GDP âm.

Ông Schiff nói với The Epoch Times: “Đây là lần đầu tiên tôi phải chứng kiến người ta bóp méo nó [định nghĩa về suy thoái]".

Tuy nhiên, ông Preston Caldwell, người đứng đầu Bộ phận Kinh tế Mỹ của Morningstar, cho biết nền kinh tế Mỹ đã không suy thoái trong nửa đầu năm 2022, “bất chấp sự suy giảm của tổng sản phẩm quốc nội quý 2”.

Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (tổ chức của Mỹ có trách nhiệm ra công bố về suy thoái) vẫn chưa chính thức ra tuyên bố về suy thoái. Nhưng điều này không có nghĩa là điều đó không thể xảy ra, theo ông Sean Snaith, một nhà kinh tế học tại Đại học Trung tâm Florida.

Ông Snaith nói với Fox Business: “Chưa bao giờ xảy ra trường hợp mà GDP giảm trong hai quý liên tiếp và một cuộc suy thoái cuối cùng không được công bố".

Hơn nữa, nhiều chiến lược gia và nhà kinh tế ngày càng cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ xấu đi trong những quý tới.

Nhà kinh tế Mohamed El-Erian cho biết sau khi dữ liệu GDP được công bố rằng, các con số chỉ ra tình trạng lạm phát đình trệ nghiêm trọng hơn và rủi ro suy thoái kinh tế đáng báo động.

Ông El-Erian, khi phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào ngày 28/07, lưu ý rằng nền kinh tế đang "suy yếu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự kiến ​​của hầu hết mọi người".

Ông nói: “Lạm phát sẽ không giảm đủ nhanh, khi so sánh với tốc độ suy yếu của nền kinh tế, và điều đó sẽ đặt Fed vào cùng tình thế khó xử mà nó đang đối mặt”, ông nói.

Các nhà kinh tế tranh cãi liệu kinh tế Mỹ đã suy thoái hay chưa
Các nhà giao dịch làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào ngày 25/07/2022. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

Vì vậy, nếu đây không phải là một cuộc suy thoái, các nhà kinh tế và các chuyên gia Phố Wall sẽ đo lường điều gì để đưa ra quyết định chính thức rằng Mỹ đang đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế?

Chi tiết trong báo cáo kinh tế

Lý do đầu tiên cho việc không tuyên bố suy thoái có thể liên quan đến nội dung của báo cáo. Dữ liệu BEA nêu bật một số chi tiết về sự suy giảm GDP trong quý thứ hai.

Đầu tư vào hàng tồn kho giảm, chủ yếu là do sự sụt giảm trong thương mại bán lẻ từ các cửa hàng hàng hóa tổng hợp và đại lý xe động cơ. Đầu tư vào nhà ở cũng giảm trong bối cảnh hoa hồng của các nhà môi giới giảm.

Chi tiêu chính phủ sụt giảm cũng được phản ánh trong các con số GDP của quý. Chi tiêu của chính phủ liên bang suy giảm trong bối cảnh giảm chi tiêu phi quốc phòng. Trong khi đó, “sự giảm chi tiêu của chính quyền tiểu bang và địa phương được tạo ra bởi sự sụt giảm đầu tư vào các công trình”, BEA lưu ý. Chi tiêu vốn kinh doanh cũng giảm bớt trong quý vừa qua.

Nhưng những xu hướng này đã được bù đắp bởi sự gia tăng xuất khẩu và chi tiêu của người tiêu dùng.

Sẽ có hai ước tính nữa về GDP quý 2 được công bố, và những con số hiện nay có thể được điều chỉnh cao hơn hoặc thấp hơn.

“Mặc dù đây là một cuộc suy thoái kỹ thuật, nhưng Fed đã đúng khi nói rằng chúng ta chưa ở trong một cuộc suy thoái 'thực sự' vì tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang giảm và người tiêu dùng vẫn đang chi tiêu, nhưng dường như nó [suy thoái] chỉ còn là vấn đề thời gian", ông James Knightley, nhà kinh tế trưởng tại ING, đã viết trong một ghi chú ngày 28/07.

“Chúng tôi đặt kỳ vọng vào một sự phục hồi đáng kể trong GDP quý 3 ở mức khoảng 2%, trên cơ sở những cải thiện liên tục về những con số trong thương mại và sự phục hồi đối với đóng góp của hàng tồn kho; nhưng một lần nữa, điều này sẽ che giấu những gì đang diễn ra ở nhu cầu trong nước”.

Các nhà hoạch định chính sách công và các nhà phân tích cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng các chỉ số khác, bao gồm sản xuất công nghiệp, doanh số bán buôn-bán lẻ, nhu cầu tiêu dùng và thu nhập thực [sau khi điều chỉnh theo lạm phát].

Nhưng các quan chức liên tục nhấn mạnh rằng sự mạnh mẽ của thị trường lao động là lý do chính để cho rằng Mỹ không rơi vào suy thoái.

Các nhà kinh tế tranh cãi liệu kinh tế Mỹ đã suy thoái hay chưa
Một người đàn ông đi ngang qua tấm biển “chúng tôi đang tuyển dụng” ở Arlington, Virginia, Mỹ vào ngày 03/06/2022. (Ảnh: Olivier Douliery / AFP qua Getty Images)

Một thị trường lao động mạnh mẽ?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Tòa Bạch Ốc và nhiều nhà kinh tế cũng như nhà phân tích thị trường cho rằng sẽ khó để tuyên bố suy thoái kinh tế khi hoạt động tạo ra việc làm đang diễn ra mạnh mẽ.

Vào tháng 6, nền kinh tế Mỹ có thêm 372.000 việc làm, và tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,6%, theo Cục Thống kê Lao động.

Các nhà kinh tế khi xét đến các con số việc làm trong tháng 7 đang dự đoán sẽ có thêm 255.000 vị trí mới. Nếu chính xác, đây sẽ là mức tăng trưởng việc làm thấp nhất kể từ tháng 04/2021.

“Những cải thiện trong điều kiện thị trường lao động đang được phổ biến rộng rãi, bao gồm cả những người lao động ở cấp thấp hơn về tiền lương, cũng như đối với người Mỹ gốc Phi và Hispanic [những người tới từ châu Mỹ Latinh hoặc có nguồn gốc Tây Ban Nha]", Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các phóng viên trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (thuộc Fed) vào ngày 27/07. “Cầu lao động rất mạnh, trong khi nguồn cung lao động vẫn hạn chế, với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ít thay đổi kể từ tháng 1”.

Các nhà kinh tế tranh cãi liệu kinh tế Mỹ đã suy thoái hay chưa
Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều trần trước Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Các Vấn đề Đô thị của Thượng viện vào ngày 22/06/2022 tại Washington, DC. (Ảnh: Win McNamee / Getty Images)

Đồng thời, các chuyên gia đã bắt đầu thảo luận về rất nhiều diễn biến cho thấy thị trường lao động đang phát triển chậm lại.

Ông Schiff lưu ý rằng mức tăng lương thực (sau khi điều chỉnh theo lạm phát) đang “sụp đổ” và “đang giảm có thể với tốc độ nhanh nhất từ ​​trước đến nay”.

“Do đó đối với tôi, đó là một thị trường lao động yếu", ông nói. “Điều đó có nghĩa là thị trường lao động không thể tạo ra sự tăng lương. Nhân viên buộc phải chấp nhận sự cắt giảm [tiền lương], vậy làm thế nào mà đó là một thị trường mạnh mẽ?”.

Bộ Lao động Mỹ báo cáo, số trường hợp nộp đơn trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng lên mức 256.000 trong tuần kết thúc vào ngày 23/07, cao hơn mức dự báo của thị trường là 253.000. Mức trung bình trong bốn tuần, loại bỏ sự biến động hàng tuần, đã tăng lên gần mức 250.000. Con số này đã tăng lên hàng tuần kể từ giữa tháng 4.

Ông Bryce Doty, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Sit Investment Associates, cho biết các nhà kinh tế học có "một khái niệm đầy ảo tưởng về "suy thoái".

Ông Doty cho rằng người dân biết khi nào mức sống của họ đang giảm. Ông Doty nói: “Kể từ tháng 4 năm ngoái, lương thực [sau khi điều chỉnh theo lạm phát] đã âm. Người lao động đang đi lùi, khi chi phí tăng cao với tốc độ vượt quá sự tăng lương, dẫn đến sự suy giảm thực [sau các tính toán] trong những gì mọi người có thể mua được. Việc Fed tuyên bố đang tránh được một định nghĩa rõ ràng là thiếu sót về suy thoái và hướng tới các mục tiêu phá hủy nhu cầu và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp chỉ khiến hoàn cảnh khốn khổ của người lao động Mỹ trở nên tồi tệ hơn”.

Bảo Nguyên

Theo Andrew Moran - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà kinh tế tranh cãi liệu kinh tế Mỹ đã suy thoái hay chưa