Các nhà sản xuất Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giá cả hàng hóa nguyên liệu thô tăng và nhiều hạn chế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang khiến cho nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc phải tăng giá bán hàng hóa ra nước ngoài. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này dự báo khả năng áp lực lạm phát trên toàn cầu sẽ tăng cao.

Ông King Lau, người điều hành công ty Kam Pin Industrial Ltd có trụ sở tại Dongguan, ở tỉnh Quảng Đông, cho biết gần đây ông đã phải tăng giá hàng hóa xuất khẩu. Ông giải thích rằng việc nâng giá sản phẩm không thể tránh khỏi bởi giá cả nguyên liệu thô đã tăng tới 30% kể từ tết Nguyên Đán. Chi phí vận tải đã tăng đến 90% tính từ tháng 6/2020 dù rằng trên thực tế khách hàng mới là bên chi trả chi phí này.

"Khách hàng của chúng tôi hiểu, bởi vì điều đó đang xảy ra với nhiều loại ngành khác nhau bao gồm thiết bị gia dụng, điện thoại di động, xe cộ", ông Lau nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư lo ngại rằng hàng nghìn tỷ USD từ các gói kích cầu được tung ra trên khắp thế giới cuối cùng sẽ chỉ dẫn đến lạm phát chứ không đạt hiệu quả chính sách như các nhà hoạch định chính sách mong đợi, đặc biệt nếu mà tình trạng tắc nghẽn của chuỗi cung ứng kéo dài. Khi lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải thắt chặt chính sách, điều này có khả năng làm kìm hãm đà phục hồi kinh tế.

Với tỷ suất lợi nhuận vốn đã eo hẹp, các nhà máy Trung Quốc đang chuyển phải chi phí nguyên liệu và linh kiện cao cho các khách hàng nước ngoài, điều này sẽ chỉ làm cho xuất khẩu lạm phát ngày càng tăng cao hơn nữa.

Giá hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã tăng 2,1% trong năm nay (tính đến hết tháng 4), mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ tháng 3 năm 2012.

Giá bán lẻ tiêu dùng tháng 4 ở Mỹ cũng đã tăng cao nhất trong gần 12 năm. Đây là một dấu hiệu cho thấy chi phí giá đang bị chảy sang các nhà bán kẻ.

Ông Frederic Neumann, trưởng Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Châu Á tại HSBC, cho biết: “Do sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và nhu cầu thế giới đang dần phục hồi, các nhà sản xuất (Trung Quốc) ngày càng phải chuyển chi phí nguyên liệu thô cao hơn cho khách hàng nước ngoài của họ”.

Theo Reuters, trên DHgate, một trang thương mại điện tử của Trung Quốc chuyên giúp các nhà sản xuất nhỏ của Trung Quốc bán sản phẩm ra nước ngoài, giá quần áo và giày dép đã tăng khoảng 30% so với một năm trước đó, trong khi giá các sản phẩm giao thông như xe tay ga và xe đạp tăng tới 15%.

Nguyên nhân của sự tăng giá này là do giá nguyên liệu và chất bán dẫn tăng mạnh, cũng như chi phí hậu cần qua biên giới ngày một cao hơn. Nỗi sợ này đã tăng lên trong những ngày gần đây sau vụ việc siêu tàu vận tải container chặn kênh đào Suez, gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã chịu rất nhiều tác động từ đại dịch Covid-19 và nhu cầu chip máy tính cũng như nhiều loại hàng hóa khác tăng cao từ trước đó.

Việc các nhà máy Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra chi phí cao hơn để bảo vệ tỷ suất lợi nhuận của họ trái ngược với việc các nhà sản xuất Nhật Bản miễn cưỡng tăng giá bán và có nguy cơ mất thị phần.

Ông Wang Zengda, giám đốc của Trinx Bikes ở Quảng Châu, cho biết đối với nhiều đơn đặt hàng của nhà máy ông, thời gian giao hàng đã hơn một năm và khách hàng sẵn sàng thương lượng lại hợp đồng vì giá nhôm và thép, được sử dụng trong khung xe đạp tăng cao .

Chính phủ trung Quốc chưa có chiến lược rõ ràng để giải quyết vấn đề giá nguyên liệu tăng cao

Ông John Johnson, Giám đốc điều hành Trung Quốc, tại công ty tư vấn CRU, cho biết nếu chính quyền Trung Quốc muốn giảm bớt tác động của giá hàng hóa cao hơn, họ có thể sử dụng một số đòn bẩy chính sách, bao gồm giải phóng một số dự trữ hàng hóa, áp đặt các biện pháp kiểm soát giá và áp dụng các hình phạt đối với hành vi tích trữ.

Ông cũng cho biết thêm: “Giá sản xuất của Trung Quốc cao hơn tất nhiên sẽ dẫn đến giá nhập khẩu và CPI cao hơn đối với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác, nhưng đó sẽ không phải là mối quan tâm chính sách lớn đối với chính phủ Trung Quốc”.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết giá hàng hóa toàn cầu tăng và mức cơ bản thấp trong năm ngoái có thể tiếp tục thúc đẩy chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc, vốn đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 3 năm qua.

PPI chủ yếu bị ảnh hưởng bởi giá dầu thô, quặng sắt và đồng toàn cầu, PBOC cho biết.

Giá giao sau đối với quặng sắt nguyên liệu sản xuất thép trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc đã tăng 34% trong năm nay, trong khi thép cuộn cán nóng được sử dụng trong sản xuất đã tăng 38%.

Nhưng cho đến nay, giá sản xuất tăng cao vẫn chưa tác động đến lạm phát tiêu dùng vẫn còn nhẹ của Trung Quốc.

Nhiều khách hàng ở nước ngoài đang gặp khó khăn trước tình hình các nhà máy sản xuất của Trung Quốc tăng giá chóng mặt, một số họ đã ngừng đặt hàng mới.

Rõ ràng rằng các nhà sản xuất Trung Quốc sản xuất sản phẩm cho toàn bộ thế giới, và họ đang ngày một gặp khó trong việc giữ nguyên chi phí, đặc biệt khi mà sau đại dịch Covid-19, tình trạng phong tỏa đã làm cho công việc kinh doanh của họ khốn đốn. Trong quá khứ, các nhà máy của Trung Quốc với nguồn lao động rẻ thường giúp cho giá cả hàng hóa toàn cầu bình ổn, thế nhưng giờ đây thực tế này không còn đúng nữa bởi chi phí tài chính các nhà máy trên đang tăng lên nhanh chóng.

Lê Minh

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới