Quan chức tham nhũng Trung Quốc mất chỗ giấu tiền khi Ngân hàng Thụy Sĩ chấm dứt bảo mật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tài sản của các tỉ phú Trung Quốc, gồm rất nhiều quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tăng gần 9 lần trong 10 năm qua, và Thụy Sĩ là một trong những thiên đường giấu tiền của của họ. Tuy nhiên, điều này hiện nay đã thay đổi, khi Thụy Sĩ không còn giữ bí mật nghiêm ngặt các thông tin về khách hàng như trước.

Cơ quan Quản lý Thuế Liên bang Thụy Sĩ (FTA) gần như đã hoàn thành việc chuyển giao thông tin khách hàng ngoài nước tới hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy trung tâm tài chính nước ngoài (OFC) lớn nhất thế giới này đã từ bỏ hệ thống bảo mật thông tin khách hàng ngân hàng, vốn đã được duy trì 300 năm.

Sự kiện này đã chấm dứt việc sử dụng hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ làm một nơi trú ẩn an toàn cho các quỹ bất hợp pháp của những kẻ khủng bố và các nhà độc tài, bao gồm cả các quan chức tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Theo số liệu ngày 11/10/2021, Cơ quan Quản lý Thuế Liên bang Thụy Sĩ đã tiết lộ cho hàng trăm chính phủ biết thông tin tài chính của khoảng 3,3 triệu tài khoản ngân hàng.

Theo Cơ quan Quản lý Thuế Liên bang Thụy Sĩ, luật của Thụy Sĩ về trao đổi thông tin tự động có hiệu lực vào đầu năm 2017, và phù hợp với quy định về thuế quốc tế. Vào năm 2018, Thụy Sĩ đã bắt đầu trao đổi thông tin ngân hàng và thuế với Mỹ, châu Âu, và 36 vùng khác. Vào năm 2019, việc chia sẻ dữ liệu đã mở rộng sang một số quốc gia chuyên chế và toàn trị như Trung Quốc, Nga, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Cũng theo cơ quan này, họ đã ghi nhận khoảng 8.500 tổ chức tài chính có báo cáo (ngân hàng, quỹ, công ty bảo hiểm, …). Những tổ chức đó thu thập dữ liệu về khách hàng, rồi chuyển nó cho Cơ quan Quản lý Thuế. Sau đó, cơ quan này sẽ chia sẻ thông tin bao gồm tên của chủ tài khoản ngân hàng, địa chỉ, quốc gia cư trú và mã số thuế của họ, cũng như thông tin của các tổ chức tài chính có báo cáo, số dư tài khoản, và thu nhập từ vốn của họ.

Trang International Investment, khi trích dẫn báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston vào tháng 6/2018, đã cho biết rằng trong hàng trăm năm, Thụy Sĩ đã quản lý khoảng 1/3 tài sản tư nhân toàn cầu nhờ bảo mật thông tin ngân hàng nghiêm ngặt và lập trường chính trị trung lập.

Nhiều quan chức giàu có và quyền lực của ĐCSTQ đã cất giữ tài sản của họ ở các trung tâm tài chính nước ngoài như Thụy Sĩ, nhưng số tài sản cụ thể ở nước ngoài của họ vẫn được giữ bí mật.

Báo cáo hàng năm Billionaires Insights do tập đoàn ngân hàng Thụy Sĩ khổng lồ UBS và PwC đồng công bố vào tháng 10/2020 cho thấy, số lượng tỉ phú ở Trung Quốc đã tăng từ 325 người vào năm 2018 lên 415 người vào năm 2020; tổng quy mô tài sản của các tỉ phú Trung Quốc tăng vọt từ 962,4 tỉ USD năm 2018 lên gần 1,7 nghìn tỉ USD năm 2020; và tổng tài sản tăng 75%, tương đương tăng 718,5 tỉ USD trong hai năm.

Báo cáo cho biết số lượng tỉ phú toàn cầu đã tăng gấp đôi và tổng tài sản của họ đã tăng hơn gấp ba trong 10 năm qua, trong khi tài sản của các tỉ phú Trung Quốc đã tăng gần chín lần trong cùng thời kỳ.

Các quan chức ĐCSTQ chuyển hàng nghìn tỉ USD ra khỏi Trung Quốc

Tháng 08/2021, ông Viên Cung Di, một nhà công nghiệp Hong Kong có 20 năm kinh nghiệm kinh doanh ở Trung Quốc đại lục và quen thuộc với các gia đình cầm quyền hàng đầu của ĐCSTQ, đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản tiếng Trung của tờ Epoch Times rằng, ông ước tính những người quyền lực và giàu có của ĐCSTQ đã chuyển tổng cộng khoảng 10 nghìn tỉ USD tài sản ra khỏi Trung Quốc. Riêng gia tộc của cựu Bí thư ĐCSTQ là Giang Trạch Dân, tổng tài sản ở nước ngoài ước tính lên tới 1.000 tỉ USD.

Ông Viên nói rằng, ước tính của mình dựa trên số liệu do cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ trong lúc lẩn trốn ở Hong Kong vào năm 2013 dưới thời chính quyền Obama. Sau khi tiết lộ sự giám sát hàng loạt của CIA cho tờ Guardian - anh Snowden cho biết 4,8 nghìn tỉ USD đã bay khỏi Trung Quốc. Ông Viên tính toán rằng, ít nhất, số tiền tương đương đã rời khỏi Trung Quốc trong bảy năm sau đó.

Bắt đầu từ năm 1989, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của đảng trong gần 30 năm, cùng gia đình tích lũy được khối tài sản khổng lồ.

Giang Miên Hằng, con trai cả của Giang Trạch Dân, kiểm soát ngành công nghệ cao của Trung Quốc trong hơn 20 năm, kiểm soát các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thượng Hải. Giang Miên Hằng đã xây dựng vương quốc viễn thông rộng lớn của mình trong những năm đầu tiên dưới thời của Giang Trạch Dân, đồng thời cũng đứng đầu lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Trung Quốc, thu về khối tài sản khổng lồ.

Giang Miên Hằng có liên quan lớn đến vụ án giao dịch chứng khoán lớn nhất Trung Quốc, dính đến 1.200 tỉ nhân dân tệ (188 tỉ USD), và nhiều vụ án tham nhũng lớn với các thủ phạm đã bị điều tra và kết án: ông Châu Chính Nghị, nhà phát triển bất động sản và là “người giàu nhất Thượng Hải” được xếp hạng bởi Tạp chí Forbes; và Vương Duy Công, thư ký của cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Hoàng Cúc, người phụ trách năng lực tài chính quốc gia thời Giang Trạch Dân. Tất cả các vụ án này đều liên quan đến tham nhũng và tham ô tài sản nhà nước với số lượng khủng khiếp.

Ngày 09/12/2002, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã ban hành một báo cáo thường lệ cho tháng 5 đến tháng 9 dài 105 trang, trong đó trang 29 có ghi: “Đặc biệt, các ngân hàng Trung Quốc đã chuyển hơn 3 tỉ USD cho các văn phòng của chính họ tại các trung tâm ngân hàng ở Caribe”.

Tháng 07/2003, theo kênh truyền thông độc lập Secret China có trụ sở tại Mỹ đưa tin, ông Lưu Kim Bảo — người bị bắt giam vào năm 2005 với tư cách là Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Thượng Hải — đã thú nhận rằng, 2 tỉ USD trong số tiền trên đã được Giang Trạch Dân chuyển vào đêm trước Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 16 — họp vào ngày 08/11/2002 — như vốn liếng để tạo đường lui.

Con trai thứ hai của Giang Trạch Dân, Giang Miên Khang, chịu trách nhiệm điều phối chung về đất đai, phá dỡ, quy hoạch và xây dựng trên khắp Thượng Hải. Giang Miên Khang đồng thời thu lợi nhuận lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản; vốn là các ngành công nghiệp trụ cột, đóng góp tới 25% tăng trưởng GDP của nền kinh tế Trung Quốc.

Theo một cuộc điều tra của Reuters vào tháng 04/2014, cháu trai của Giang Trạch Dân là Giang Chí Thành đã thu được lợi nhuận khổng lồ ở Trung Quốc, thị trường đầu tư góp vốn tư nhân mới nổi lớn nhất thế giới. Anh này đã sử dụng các mối quan hệ chính trị của mình để thao túng các các hoạt động thâu tóm, đầu tư trên thị trường tài chính vì lợi nhuận cá nhân.

Theo báo cáo, Giang Chí Thành thành lập quỹ đầu tư Boyu Capital vào năm 2010, sau đó nhanh chóng chiếm đoạt 2,1 tỉ USD thông qua việc huy động vốn cho gã khổng lồ Internet Trung Quốc Alibaba. Trong khi đó, hai khoản đầu tư khác vào công ty mua bán nợ được nhà nước hậu thuẫn là China Cinda Asset Management và Sunrise Duty Free đã kiếm được hàng trăm triệu USD.

Theo ông Quách Văn Quý, một nhà tài phiệt Trung Quốc sống lưu vong ở Mỹ, Giang Chí Thành đã rửa thành công 500 tỉ USD ở nước ngoài và vận hành hàng nghìn tỉ USD tài sản thông qua các khoản đầu tư của mình.

Thụy Sĩ từ bỏ bảo mật ngân hàng dưới áp lực từ Mỹ, châu Âu

Các ngân hàng Thụy Sĩ đã bảo vệ bí mật của khách hàng trong khoảng 300 năm, nhưng phải đến năm 1934, Thụy Sĩ mới chính thức ban hành Luật Ngân hàng của mình. Trong đó quy định rằng, các tổ chức tài chính Thụy Sĩ có thể từ chối bất kỳ cuộc điều tra hoặc giám sát nào của chính phủ đối với tài khoản khách hàng, và thông tin tài khoản đó được bảo vệ vĩnh viễn, trừ khi có bằng chứng kết luận về hành vi phạm tội của người gửi tiền. Hơn nữa, khách hàng có thể chọn cách an toàn và ẩn danh nhất để tiến hành giao dịch của mình.

Thuế suất của Thụy Sĩ thấp hơn ở Mỹ và hầu hết các quốc gia châu Âu, những quốc gia có chính sách thuế và phúc lợi cao.

Tất cả những lợi thế này giúp những người giàu nhất, cũng như những kẻ khủng bố, tổ chức tội phạm, và thậm chí cả quan chức của các chính quyền độc tài, có thể cất giữ tiền của họ một cách an toàn. Tuy nhiên, một số đã sử dụng hệ thống này để trốn thuế, và tham gia vào các hoạt động phạm tội như rửa tiền.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Mỹ đã tăng cường áp lực buộc Thụy Sĩ phải giao ra tên của khoảng 52.000 khách hàng Mỹ có tài khoản bí mật tại UBS, bằng cách mở một cuộc điều tra gian lận thuế đối với ngân hàng này. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc rằng, UBS đã che giấu hàng tỉ USD tài sản không bị đánh thuế từ những người Mỹ đó, kênh Reuters đưa tin vào tháng 04/2010.

Tháng 07/2008, Thượng viện Mỹ cáo buộc các ngân hàng Thụy Sĩ, bao gồm cả UBS, đã giúp những người Mỹ giàu có tránh thuế thông qua các tài khoản nước ngoài trị giá khoảng 18 tỉ USD, dẫn đến thất thu thuế đáng kể hàng năm cho Mỹ.

Cuối cùng, để giải quyết hai cáo buộc chống lại UBS và tránh sự sụp đổ của ngân hàng vốn đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính, chính phủ Thụy Sĩ không chỉ đồng ý trả 780 triệu USD tiền phạt, mà còn cho phép UBS nộp danh sách khoảng 280 đối tượng trốn thuế nghiêm trọng của Mỹ. Ngoài ra, UBS hứa sẽ cung cấp thông tin về 4.450 khách hàng Mỹ trong vòng một năm. Thụy Sĩ do đó đã thoát khỏi chế độ giữ bí mật ngân hàng kéo dài hàng thế kỷ của mình.

Nhưng Mỹ vẫn không ngừng gây sức ép với Thụy Sĩ. Đạo luật Tuân thủ Thuế Tài khoản Nước ngoài của Mỹ (FATCA) được thông qua vào tháng 03/2010 để theo dõi việc trốn thuế của người Mỹ ở nước ngoài. FATCA yêu cầu các ngân hàng không phải ở Mỹ báo cáo cho cơ quan thuế Mỹ thông tin về tài sản của khách hàng Mỹ tại những ngân hàng đó.

Noi theo FATCA, Thụy Sĩ và 47 quốc gia thành viên khác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại cuộc họp thường niên vào tháng 05/2014 đã ký một Tiêu chuẩn Báo cáo Chung, một tiêu chuẩn mới để trao đổi tự động thông tin thuế toàn cầu giữa các quốc gia thành viên.

EU cũng đã gây áp lực với Thụy Sĩ, một quốc gia không thuộc EU. Tháng 12/2017, EU đưa Thụy Sĩ vào “danh sách xám” về các quốc gia bất hợp tác mà chưa thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn thuế quốc tế. EU đã để Thụy Sĩ trong danh sách đó cho đến tháng 10/2019, khi các cơ quan có thẩm quyền của Thụy Sĩ cam kết và bắt đầu hợp tác trao đổi dữ liệu thuế với hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả Jennifer Bateman và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Quan chức tham nhũng Trung Quốc mất chỗ giấu tiền khi Ngân hàng Thụy Sĩ chấm dứt bảo mật