Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế của sói Phố Wall thao túng thị trường nợ và thế giới này (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Theo tôi, thế giới ngày nay có hai siêu quyền lực. Một là nước Mỹ và hai là Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm của Moody's. Nước Mỹ có thể hủy hoại bạn bằng cách ném bom và Moody's có thể hủy hoại bạn bằng cách hạ xếp hạng tín nhiệm cổ phiếu của bạn. Và tin tôi đi, đôi khi chúng ta không thể biết được ai mới là kẻ quyền lực hơn". - Thomas L. Friedman [1] (1996)

Phần 1

Đi cùng với siêu quyền lực, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng trở thành đối tượng bị chỉ trích mạnh mẽ nhất - được xem là tội đồ của các cuộc khủng hoảng, bê bối tài chính lớn nhỏ trong nhiều thập kỷ gần đây.

Các điều tra của chính phủ Mỹ về các cuộc đại khủng hoảng cũng kết luận rằng việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm được miễn trách nhiệm giải trình, trách nhiệm hình sự, trong khi mô hình kinh doanh tồn tại xung đột lợi ích quá lớn là nguyên nhân giúp các tổ chức này trục lợi và lũng đoạn từ thị trường nợ vốn ngày càng phức tạp và hỗn loạn.

Vậy chẳng lẽ là các tổ chức xếp hạng tín nhiệm này, chứ không phải là các con sói Phố Wall - mới là thủ phạm tạo khủng hoảng hỗn loạn trên thị trường nợ sao? Thú vị là, cả hai nhận định này chẳng có gì mâu thuẫn, vì đứng đằng sau 3 hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới hiện nay chính là tài phiệt Phố Wall.

Nhìn lại lịch sử, quyền lực khổng lồ được trao cho 3 hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất hiện nay lại không đến từ cạnh tranh bình đẳng, mà đến từ quyết định chính sách đáng ngờ của các nhà lập pháp Mỹ từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Kể từ đây, quyền lực của Phố Wall càng mở rộng đáng sợ, ra ngoài khu vực nợ tư, vươn tới khu vực nợ công của mọi nền kinh tế khắp toàn cầu.

Cáo buộc lũng đoạn thị trường nợ

Các tổ chức xếp hạng bị cáo buộc là nguyên nhân tạo ra các cuộc khủng hoảng tài chính lớn - từ sự sụp đổ thị trường tài chính của thành phố New York vào giữa những năm 1970, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, vụ bê bối Enron năm 2001, đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ngay trước khi tập đoàn Enron vỡ nợ, xếp hạng tín nhiệm của hãng này vẫn được đánh giá mức tốt nhất. Tương tự như vậy với nợ dưới chuẩn của Mỹ trước 2008, các khoản nợ dưới chuẩn được đánh giá mức tốt, đáng tin cậy bất chấp rủi ro tài chính quá lớn. Các đánh giá này khiến tiền đổ vào các khoản nợ xấu, làm phình to bong bóng nợ và thị trường tài sản để rồi sụp đổ ngay sau đó.

Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P đã xếp hạng tín dụng AAA (mức xếp hạng cao nhất hiện có) cho một phần lớn các khoản vay rủi ro nhất trên thị trường nợ có thế chấp (CDO) năm 2007 [4]. Khi bong bóng bất động sản vỡ vào năm 2007, nhiều khoản vay đã trở nên tồi tệ do giá nhà đất giảm và các chủ nợ xấu không có khả năng tái cấp vốn.

Các nhà đầu tư tin tưởng xếp hạng AAA (có nghĩa là CDO có rủi ro thấp) đã mua vào số lượng lớn chứng khoáng, các chứng khoán CDO này ngay lập tức sau đó bị sụt giảm giá trị một cách đáng kinh ngạc hoặc không thể bán được với bất kỳ giá nào. Ví dụ, các nhà đầu tư tổ chức đã mất 125 triệu USD trên số CDO trị giá 340,7 triệu USD do Tập đoàn Credit Suisse phát hành, khoản nợ này được S&P xếp hạng AAA. [5] [6]

Các công ty trả tiền cho S&P, Moody's và Fitch để đánh giá các vấn đề nợ của họ. Mô hình kinh doanh xung đột lợi ích đã khiến các hãng xếp hạng tín nhiệm không khách quan, độc lập như lẽ ra nó phải có. [6]

Vào năm 2015, Standard and Poor's đã trả 1,5 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, các chính quyền tiểu bang khác nhau và quỹ hưu trí của Công chức California để giải quyết các vụ kiện - khẳng định rằng việc xếp hạng không chính xác của họ đã lừa dối các nhà đầu tư. [7]

Dù vậy, các khoản phạt này được cho là không đáng kể so với doanh thu khổng lồ từ thị trường xếp hạng tín nhiệm nợ ngày một phình lên theo quy mô nợ và sự hiện đại của thị trường tài chính trên toàn cầu.

Hiển nhiên, các hãng xếp hạng tín nhiệm đã “nói dối” nhà đầu tư và cơ quan giám sát chính phủ. Việc có mặt của họ trên thị trường nợ không hề làm thị trường minh bạch hơn mà góp phần giúp các con sói Phố Wall lũng đoạn thị trường nợ, phân phối lại tài sản sau mỗi cuộc khủng hoảng. Cả 3 hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu đều vô can trong các đánh giá xếp hạng sai lầm của mình, vì luật pháp Mỹ quy định các điều khoản bảo vệ họ; coi đánh giá xếp hạng của họ là tự do ngôn luận.

Và gần đây nhất, xếp hạng tín nhiệm chính phủ của các nền kinh tế này đang bị các học giả cáo buộc - sẽ khiến các nền kinh tế mới nổi khó phục hồi hơn sau đại dịch, chưa kể các cáo buộc rằng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có thể đưa ra kết quả xếp hạng “theo doanh thu” và “mối quan hệ chính trị” với các nền kinh tế mà nó đánh giá, ví dụ như Trung Quốc. Tất cả hoạt động thao túng này khiến các nhà đầu tư trên toàn cầu mất mát hàng tỷ USD trong mỗi cuộc khủng hoảng.

Trụ sở của Moody's ở New York vào ngày 18/9/2012. (EMMANUEL DUNAND/AFP/GettyImages)

Các cơ quan xếp hạng đáng lẽ ra có nhiệm vụ cung cấp thông tin an toàn về khả năng trả nợ của tổ chức phát hành. Xếp hạng là điều cần thiết để xác định mức lãi suất mà người vay phải trả. Được xem như "đặc sản" của nền tài chính tự do của Mỹ và phương Tây. Sự xuất hiện của nó như một tiêu chí đảm bảo sự minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư trên các thị trường này.

Nhưng nếu các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cạnh tranh lành mạnh, số lượng tổ chức trên thị trường đủ nhiều để không có tổ chức nào là độc quyền, không có một cá nhân, tổ chức tài phiệt nào thao túng phần lớn thị phần xếp hạng tín nhiệm này, hoặc giả các tổ chức xếp hạng tín nhiệm không tìm kiếm doanh thu bằng khoản chi trả của người phát hành nợ - thì sự xuất hiện của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm với thị trường nợ là hiệu quả và có ý nghĩa. Đáng tiếc, những gì đang diễn ra nhiều thập kỷ nay tại các thị trường tài chính phát triển, hiện đại và tự do hàng đầu thế giới của Mỹ và phương Tây đã không đáp ứng được bất kỳ tiêu chuẩn nào ở trên.

Bởi vậy, thị trường nợ và thông tin về chủ nợ không hề được “minh bạch”, nhà đầu tư nhỏ không hề được bảo vệ như tuyên bố về sứ mệnh tồn tại của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm này. Nhận định này hẳn góp thêm một lý do thích đáng về động lực tạo ra sự kiện GameStop vài tháng trước, làm chấn động Phố Wall.

Xếp hạng không chính xác làm sai lệch cả giá của các công cụ nợ và lãi suất phải trả cho chúng. Như lịch sử đã chứng minh, điều này tạo ra bong bóng tài sản cuối cùng sẽ vỡ ra, làm gián đoạn hoạt động của thị trường tài chính. Kẻ được lợi là các nhà phát hành nợ; kẻ nói dối hộ các nhà phát hành nợ là các hãng xếp hạng để kiếm tiền và không phải chịu trách nhiệm; chỉ các nhà đầu tư là thiệt hại tiền. Và bong bóng tài sản được bơm phồng bởi các bảng báo cáo, đánh giá xếp hạng tín nhiệm phi đạo đức như thế.

Siêu quyền lực đe dọa tồn vong của cả các quốc gia khác

Vào tháng 6/2012, khi Moody’s, một trong ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới - cũng là hãng có thị phần xếp hạng tín nhiệm lớn nhất trong 3 hãng, hạ điểm xếp hạng tín nhiệm của 15 ngân hàng quốc tế hàng đầu thế giới, cả Phố Wall chấn động, thị trường chứng khoán sụt giảm ngay lập tức sau tuyên bố này.

Phản ứng của thị trường khiến các ngân hàng bị hạ bậc tín nhiệm, các nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu, cổ phiếu của các ngân hàng này mất mát, sức hấp dẫn của các ngân hàng lớn trên thị trường nợ suy giảm, chi phí tài chính tăng… Đây là tất cả hệ lụy mà một định chế lớn phải chấp nhận khi bị hạ bậc xếp hạng, bất chấp việc họ có chấp nhận kết quả xếp hạng này hay không.

Citibank, một trong những ông lớn, siêu quyền lực của Phố Wall đã phản ứng với việc bị Moody’s hạ bậc tín nhiệm hồi năm 2012 bằng nhận định “tùy tiện và hoàn toàn không có cơ sở” (theo CNNMoney).

Không chỉ đe dọa sự tồn vong của các định chế tài chính Phố Wall, các công ty tham gia vào thị trường nợ khắp toàn cầu, quyền lực của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đe dọa sự ổn định của các chính phủ trên toàn cầu. Các cơ quan xếp hạng có rất nhiều quyền lực đối với giá trị và mức độ thu hút nợ bằng trái phiếu chính phủ.

Ví dụ, tiền mặt được các nhà đầu tư trao cho các chính phủ như Hy Lạp, theo thời gian, chính phủ Hy Lạp sẽ trả lại khoản đầu tư ban đầu nếu chính phủ này không vỡ nợ. Việc Hy Lạp bị hạ xếp hạng tín nhiệm báo hiệu niềm tin của Standard & Poor rằng Hy Lạp có khả năng vỡ nợ cao hơn đối với các khoản đầu tư. Nó khiến các nhà đầu tư mất hứng thú đầu tư vào trái phiếu từ Hy Lạp, điều này làm mất khả năng huy động tiền trên thị trường nợ của quốc gia này và.

Sai lầm tai hại của các nhà lập pháp Mỹ hay một 'tính toán' thành công của Phố Wall?

Moody's là tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới, cùng với Standard&Poor (S&P), Fitch Ratings, ba ông lớn này chiếm cứ 95% thị phần xếp hạng tín nhiệm toàn cầu, tức là không chỉ xếp hạng tín nhiệm người phát hành nợ, chất lượng nợ của khu vực tư mà còn cả khu vực công - là nợ và quản lý nợ của các chính phủ, nền kinh tế trên khắp toàn cầu.

Theo ước tính của Fox Business, tổn thất của các quỹ đầu tư của Phố Wall không ít hơn  19 tỷ USD; chỉ tính riêng với mã cổ phiếu của Gamestop. 
Theo ước tính của Fox Business, tổn thất của các quỹ đầu tư của Phố Wall không ít hơn 19 tỷ USD; chỉ tính riêng với mã cổ phiếu của Gamestop. (Getty)

Về mặt lịch sử, các hãng xếp hạng tín nhiệm được tạo ra để cung cấp cho các nhà đầu tư đánh giá khách quan về các khoản đầu tư, và các nhà đầu tư đã trả tiền để tiếp cận các xếp hạng. Tuy nhiên, vào những năm 1970, các tổ chức xếp hạng tín dụng bắt đầu tính phí các tổ chức phát hành các khoản nợ [đầu tư mới] để xếp hạng.

Năm 1975, các nhà lập pháp Hoa Kỳ - lo sợ sự gia tăng của các cơ quan xếp hạng vô đạo đức - đã chỉ định Standard & Poor's, Moody's và Fitch là các tổ chức xếp hạng duy nhất mà các ngân hàng và nhà môi giới có thể sử dụng để đánh giá mức độ tín nhiệm của các sản phẩm của họ.

Điều nực cười là, tại sao các nhà hành pháp Mỹ tại thời điểm đó không ngăn chặn rủi ro phát sinh do xung đột lợi ích, tức là không cho phép các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thu phí xếp hạng từ nhà phát hành, chỉ được phép thu phí xếp hạng từ nhà đầu tư? Thay vào đó, các nhà hành pháp Mỹ đã có một quyết định khó hiểu, dẹp bỏ thị trường cạnh tranh tự do, lành mạnh về xếp hạng nợ, chỉ công nhận - bằng luật pháp - ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất là Moody’s, Standard & Poor's và Fitch Ratings.

Các nhà lập pháp Mỹ năm 1975 không chỉ mang cả thị trường nợ toàn cầu giao cho 3 hãng lớn này, mà còn hào phóng trao cho họ một mỏ vàng quyền lực thống trị thị trường và tiền - tạo ra xung đột lợi ích trầm trọng trong đánh giá xếp hạng của họ: (1) được quyền thu phí từ các tổ chức phát hành nợ, các tổ chức kêu gọi đầu tư; (2) được miễn nhiễm trách nhiệm giải trình, trách nhiệm hình sự trước kết quả đánh giá xếp hạng vì xem đây như tự do ngôn luận.

Nên nhớ, chỉ cần xung đột lợi ích tồn tại thì rủi ro đạo đức tất yếu phát sinh, kết quả là các thất bại thị trường sẽ đổ lên đầu nhóm yếu thế, ví như các nhà đầu tư nhỏ trên Phố Wall, tài sản của khu vực dân cư có thu nhập thấp và trung bình.

Sự thật là, các nhà hành pháp Mỹ thông báo với người dân Mỹ rằng họ vì lý do đạo đức cần phải bảo vệ người dân Mỹ khỏi các hãng xếp hạng tín nhiệm không đáng tin - như một cái cớ hoàn hảo để trao quyền lực tập trung và cho phép 3 ông lớn xếp hạng này thoải mái hoạt động trong môi trường “xung đột lợi ích” - khiến đạo đức trong ngành xếp hạng tín dụng lao dốc không phanh.

Các cuộc khủng hoảng kể từ sau quyết định này liên tiếp được gắn với nguyên nhân suy đồi đạo đức của 3 hãng xếp hạng tín nhiệm này. Dù vậy, các hãng này chỉ bị phạt hành chính, họ không hề phải lo lắng các vi phạm của mình sẽ khiến họ bị loại khỏi thị trường và một hãng xếp hạng tín nhiệm nào đó sẽ thay thế họ theo quy luật thị trường. Quyền lực và sự suy đồi đạo đức của họ đồng thời được luật pháp Mỹ bảo hộ tuyệt đối!

Ai sở hữu siêu quyền lực này? Lại là các con sói Phố Wall?

Cổ đông lớn nhất của Moody's là Berkshire Hathaway Inc - sở hữu bởi tỷ phú Phố Wall Warren Buffett. Các cổ đông nhỏ hơn của Moody's đều là các quỹ đầu tư lớn nhất của Phố Wall, đứng sau là các gia tộc giàu có nhất thế giới. Mười cổ đông hàng đầu của S&P đại diện cho khoảng 41% cơ cấu vốn và mười hai cổ đông của Moody’s chiếm 76,25% cơ cấu vốn. Trong số các cổ đông chính, các cổ đông sở hữu 38% cổ phần của S&P cũng đồng thời là các cổ đông sở hữu tới 53% cổ phần của Moody’s.

Trong khi Fitch Ratings (chiếm khoảng 15% thị phần xếp hạng tín nhiệm) được sở hữu 100% bởi Hearst, một đế chế truyền thông có nền tảng hàng trăm năm tại Mỹ. Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc hiện được cho là cổ đông lớn nhất của đế chế Hearst.

Nghiên cứu của Kedia và các cộng sự (2017) chỉ ra rằng các cổ đông lớn của 3 hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới này có thể tác động tới kết quả xếp hạng của các hãng này cho các công ty mà họ sở hữu.

Như vậy, thị trường xếp hạng tín nhiệm toàn cầu, bao gồm mọi thị trường tài chính lớn nhất thế giới và các chính quyền trên toàn cầu, mỏ vàng siêu lợi nhuận và siêu quyền lực, hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát của các công lớn Phố Wall.

Thực tế, xếp hạng tín nhiệm của 3 ông lớn này hầu như không có khác nhau. Lý do không chỉ là vì bản thân 3 hãng xếp hạng tín nhiệm không hề độc lập vì sở hữu chéo lẫn nhau. Bên cạnh đó, báo cáo điều trần của Văn phòng dịch vụ công (đệ trình lên Thượng viện Hoa Kỳ) chỉ ra rằng vì đề giành giật khách hàng lớn trên thị trường nợ, những người phát hành nợ đã trả tiền cho các hãng xếp hạng, các hãng này đã chỉ đạo nhân viên của mình điều chỉnh kết quả xếp hạng tốt hơn hoặc tương đương với 2 đối thủ của họ trên thị trường.

Cải cách sau khủng hoảng 2008: An ủi cơn phẫn nộ của thị trường nhưng không hề chạm tới lợi ích của các con sói Phố Wall

Trước sự phẫn nộ của thị trường và các nhà đầu tư bị hại, Quốc hội Mỹ không thể không lắng nghe và Ủy ban chứng khoán Mỹ không thể không có động thái về chính sách sau khủng hoảng 2008 với các hãng xếp hạng tín nhiệm đầy tai tiếng này.

Warren Buffett không chỉ là một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại, ông còn là một trong những người có nhiều kinh nghiệm nhất. (Ảnh: Getty)
Cổ đông lớn nhất của Moody's là Berkshire Hathaway Inc - sở hữu bởi tỷ phú Phố Wall Warren Buffett. (Ảnh: Getty)

Tuy nhiên, những thay đổi chính sách để xóa bỏ "xung đột lợi ích" này của Ủy ban chứng khoán Mỹ chỉ như liều thuốc an thần làm dịu cơn phẫn nộ của thị trường, gốc rễ tạo ra xung đột lợi ích tại 3 hãng xếp hạng tín nhiệm không hề được chạm tới. Nói các khác, SEC đã hoàn toàn thất bại trong việc này, chính phủ Mỹ chẳng hề loại bỏ bất kỳ xung đột lợi ích nào.

Thứ nhất, quyền lực của 3 hãng xếp hạng tín nhiệm vẫn giữ nguyên, chỉ kết quả xếp hạng của 3 hãng này được công nhận cho các khoản nợ niêm yết và được nằm trong danh mục đầu tư của các tổ chức lớn.

Thứ hai, không giải quyết vấn đề sở hữu chéo giữa 3 hãng xếp hạng tín nhiệm này. Rủi ro tập trung và rủi ro thao túng do quyền lực độc quyền quá lớn chỉ tăng, không hề giảm.

Thứ ba, để xóa bỏ xung đột lợi ích trong việc các hãng xếp hạng tín nhiệm nhận tiền từ tổ chức phát hành nợ để xếp hạng, SEC đã đưa ra quyết định rằng các hãng xếp hạng tín nhiệm sẽ công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp, các tổ chức phát hành nợ không trả tiền cho các hãng này.

Tức là bên cạnh việc nhận tiền từ tổ chức phát hành nợ để xếp hạng, các hãng xếp hạng tín nhiệm cần làm việc xã hội là phải công bố xếp hạng của các tổ chức phát hành nợ nhưng không thuê họ xếp hạng.

Thoạt nghe dường như các hãng xếp hạng tín nhiệm sẽ phải gánh thêm trách nhiệm mang hình thức xã hội chủ nghĩa, làm theo năng lực, cống hiến hết mình vì tập thể vì đất nước. Nhưng như mọi mô hình phi thị trường khác, chính sách này hoàn toàn thất bại.

Moody’s Corp., S&P Global Inc., Fitch Ratings Inc. và Kroll Bond Rating Agency Inc. đều cho biết các công ty của họ đã không đưa ra bất kỳ xếp hạng không được trả tiền nào theo quy tắc của SEC. DBRS Inc. và Morningstar Inc.. Công ty gần đây đã hợp nhất, cho biết họ không công bố bất kỳ xếp hạng không được trả tiền nào vào năm 2019 và không mong đợi sẽ làm như vậy trong tương lai.

Lý do rất đơn giản: Các công ty xếp hạng không được trả tiền cho những khoản xếp hạng không được yêu cầu. Và nếu họ công bố xếp hạng không được trả tiền này, họ có nguy cơ làm phật lòng các nhà phát hành nợ không muốn xếp hạng thấp hơn, họ có thể mất đi thị phần của mình trong ngành công nghiệp béo bở này.

Quyền lực và can thiệp quá mức của các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế đang cản trở sức hồi phục kinh tế

Vào ngày 10 tháng 3, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's đã đưa Ethiopia vào diện xem xét để hạ bậc. Việc hạ bậc chính phủ Ethiopia không phải vì lo ngại bạo lực và đàn áp ở khu vực Tigray đông đúc của Ethiopia. Moody's đã kết luận rằng cam kết của chính phủ Ethiopia trong việc hỗ trợ nợ tư nhân làm tăng rủi ro trả nợ của chính phủ.

Đáng buồn là cam kết của Ethiopia vốn là cam kết khi tham gia vào Khuôn khổ chung xử lý nợ của G20 nằm trong Sáng kiến xử lý nợ (DSSI). Vì tham gia vào sáng kiến xử lý nợ của G20 này, quốc gia này đang bị Moody’s trừng phạt.

Trong khi DSSI nhằm mục đích cứu trợ ngay lập tức cho các quốc gia có thu nhập thấp trong đại dịch, thì Khung khổ chung được thiết kế để giúp các quốc gia có chủ quyền gặp khó khăn về nợ - sắp xếp lại hoặc giảm bớt các khoản nợ của họ. Đối với nhiều quốc gia, nó mang lại cơ hội tốt nhất để làm cho gánh nặng nợ của họ trở nên bền vững hơn. Nhưng giờ đây, mối đe dọa về việc hạ xếp hạng đang phủ bóng lên triển vọng của các quốc gia này.

Điều này chỉ ra một vấn đề mang tính hệ thống trong nền tài chính quốc tế: quyền lực lớn bất thường - và không cần thiết - được sử dụng bởi một số cơ quan xếp hạng tín nhiệm tư nhân, đang thao túng thế giới này, nếu cần là cả mục đích chính trị mà các hãng tư nhân này muốn.

Đe dọa về việc hạ cấp xếp hạng đang ngăn cản nhiều chính phủ theo đuổi chính sách chi tiêu tài khóa nghịch chu kỳ: chấp nhận thâm hụt ngân sách lớn trong chu kỳ suy giảm và củng cố tài khóa trong giai đoạn phục hồi. Giờ đây, với động thái mới nhất từ ​​Moody's, chính phủ các nước đang phát triển phải cân nhắc khi tham gia vào các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ với các chủ nợ tư nhân, ngay cả khi việc đàm phán này là một phần của các chương trình đa phương nhằm xóa nợ.

Phân tích về vấn đề này, bà Jayati Ghosh cho rằng nếu các nước G20 nghiêm túc về việc cải thiện tình trạng nợ của các nước đang phát triển trong cuộc khủng hoảng COVID-19, thì G20 nên bắt đầu bằng việc ủng hộ việc tạm ngừng xếp hạng tín nhiệm. Trong trung hạn, các cơ quan quản lý phải hành động để đảm bảo rằng các tổ chức xếp hạng đang hoàn thành vai trò ổn định thị trường đã định của họ, chứ không phải tiếp tục "nói dối" để kiếm lời và tạo khủng hoảng theo kịch bản của các con sói Phố Wall.

Muốn vậy, buộc phải giải quyết tận gốc xung đột lợi ích - chẳng hạn như bằng cách hạn chế sự phụ thuộc của các cơ quan vào các khoản thanh toán từ những người mà họ xếp hạng - là điều không thể không làm.

Trà Nguyễn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. The News Hour with Jim Lehrer: Interview with Thomas L. Friedman (PBS television broadcast, Feb. 13, 1996).
  2. Krall, Markus. "Governance and Conflicts of Interest in Financial Credit Rating Agencies", Revue internationale de droit économique, vol. vol. xxx, no. 2, 2016, pp. 185-195.
  3. Kedia, Simi & Rajgopal, Shivaram & Zhou, Xing (Alex), 2017. "Large shareholders and credit ratings," Journal of Financial Economics, Elsevier, vol. 124(3), pages 632-653.
  4. "Thought Leadership – Overview – S&P Dow Jones Indices". us.spindices.com. Archived from the original on May 27, 2017. Retrieved May 29, 2017.
  5. a b Klein, Joe (August 6, 2011). "Standard & Poor's Downgrades Itself". Time. Archived from the original on September 18, 2011. Retrieved August 6, 2011.
  6. ^ Tomlinson, Richard; Evans, David (May 31, 2007). "CDO Boom Masks Huge Subprime Losses, Abetted by S&P, Moody's Fitch". Bloomberg. Archived from the original on July 20, 2011. Retrieved August 6, 2011.
  7. Efing, Matthias; Hau, Harald (June 18, 2013). "Corrupted credit ratings: Standard & Poor's lawsuit and the evidence". VoxEU.org. Archived from the original on July 3, 2017. Retrieved May 28, 2017.
  8. Viswanatha, Aruna. "S&P reaches $1.5 billion deal with U.S., states over crisis-era..." reuters.com. Archived from the original on April 17, 2017. Retrieved April 28, 2018.
  9. https://www.project-syndicate.org/commentary/credit-rating-agencies-could-derail-economic-recovery-by-jayati-ghosh-2021-03?

  10. https://twitter.com/michaelxpettis/status/1372012165859835912



BÀI CHỌN LỌC

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế của sói Phố Wall thao túng thị trường nợ và thế giới này (Phần 2)