Các trang mua sắm trực tuyến Trung Quốc bị Hoa Kỳ xếp vào danh sách ‘các thị trường hàng giả khét tiếng’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cảnh sát Trung Quốc cho biết ít nhất 2 tỷ USD đã được những kẻ rửa tiền chuyển sang các tài khoản đánh bạc ở nước ngoài, thông qua các trang mua sắm trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc.

Âm mưu rửa tiền bên trong ‘những chiếc hộp rỗng’

Thời gian qua, nhiều người ở Trung Quốc thường nhận được các gói hàng rỗng. Thông thường, đây được cho là cách bán hàng “vô đạo đức” giúp thương gia tăng doanh số trên các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, phía sau những gói hàng đó là sự thật kinh hoàng về phương thức rửa tiền.

Theo SCMP, cảnh sát thành phố Vô Tích, phía tây bắc Thượng Hải vừa triệt phá đường dây rửa tiền, đánh bạc xuyên biên giới. Các nghi phạm đã sử dụng dịch vụ giao hộp hàng rỗng để tạo hồ sơ mua sắm trực tuyến, với mục tiêu che giấu các giao dịch bất hợp pháp.

Để đánh bạc trên các trang của nước ngoài và trốn tránh sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ Trung Quốc, người chơi sẽ đặt các lệnh mua hàng giả trên các trang mua sắm trực tuyến, dòng tiền sẽ được chuyển tiếp đến tài khoản của họ tại các trang đánh bạc.

Một trong các trang mua sắm trực tuyến thực hiện những giao dịch giả kiểu này khá phổ biến là Pinduoduo, nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai tại Trung Quốc.

Áp dụng ‘bí quyết thành công’ của Alibaba và Tencent cho Pinduoduo

Được thành lập vào tháng 9 năm 2015, Pinduoduo là dự án khởi nghiệp thứ 4 của Colin Huang, một cựu nhân viên Google với kinh nghiệm trong mảng thương mại điện tử. Kết hợp với đam mê trò chơi điện tử, Huang tìm ra được "bí quyết" thành công của cả Alibaba và Tencent để áp dụng cho Pinduoduo.

Lực lượng cảnh sát trên khắp Trung Quốc có lệnh bắt giữ hàng loạt đối tượng liên quan đến hoạt động rửa tiền thông qua các giao dịch mua bán hàng hóa giả mạo và các phương thức khác với số tiền lên đến 14 tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 2 tỷ USD trong những tháng gần đây.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang tìm hiểu sâu rộng các mạng lưới chuyển tiền xuyên quốc gia bất hợp pháp này. Đồng thời, chính phủ cũng đã phát động chiến dịch “Tấn công, ngăn chặn và kiểm soát hoạt động đánh bạc trực tuyến xuyên biên giới”.

Trong một vụ điển hình, cảnh sát ở thành phố Vô Tích, Trung Quốc, đã phát hiện 600 triệu gói hàng giả được chính những người làm việc trong các công ty chuyển phát nhanh đưa vào hệ thống theo dõi của công ty nhằm hoàn tất các giao dịch thương mại điện tử giả mạo. Nhiều mã số theo dõi các gói hàng giả này đã xuất hiện trong các vụ rửa tiền tại hai thành phố khác của Trung Quốc, nơi hơn 7 tỷ nhân dân tệ (1,03 tỷ USD) có thể đã được chuyển đến các trang web cờ bạc nước ngoài.

Một số con bạc cho biết họ sử dụng Pinduoduo để chuyển tiền ra nước ngoài cho mục đích đánh bạc. Hai “con bạc” Zheng Meiyu và Wang Kai, khai rằng họ đã chuyển khoảng 2 triệu Nhân dân tệ (hơn 295.000 USD) thông qua ứng dụng mua sắm. Wang cho biết ông đã thực hiện 477 giao dịch mua hàng thông qua Pinduoduo nhằm mục đích chuyển tiền.

Trong những tháng mùa hè năm nay, Wang và một nhóm người đánh bạc biểu tình bên ngoài trụ sở Pinduoduo ở Thượng Hải yêu cầu công ty hoàn trả cho họ khoản thua lỗ do đánh bạc. Họ mặc áo sơ mi đỏ với những chữ được viết nguệch ngoạc: “Kẻ làm ăn vô lương tâm Pinduoduo - hãy trả lại cho chúng tôi những đồng tiền mồ hôi nước mắt”.

Taobao, Pinduoduo bị Hoa Kỳ xếp vào danh sách ‘các thị trường hàng giả khét tiếng’

Các giao dịch mua hàng trực tuyến giả mạo có thể khiến các chỉ số tài chính về tổng khối lượng hàng hóa hay tổng giá trị đơn hàng bị thổi phồng. Pinduoduo được niêm yết trên sàn Nasdaq với vốn hóa thị trường đạt 96 tỷ USD.

Do tổng giá trị giao dịch (GMV) luôn được thổi phồng nên cổ phiếu của Pinduoduo luôn tăng mạnh, mặc dù Pinduoduo khẳng định họ không tính những đơn hàng được xác định là giả mạo hoặc phi pháp vào GMV.

Hoạt động của Pinduoduo cũng đã gây chú ý từ các nhà chức trách. Cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc do lo ngại vấn đề hàng giả đã ra lệnh cho công ty tăng cường giám sát hàng hóa và các đối tác cung ứng hàng hóa từ năm 2018.

Cùng với Taobao và một số nền tảng thương mại điện tử khác của Trung Quốc, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ xếp Pinduoduo vào danh sách “Các thị trường hàng giả khét tiếng” trong năm 2019.

Pinduoduo từng kiện công ty Chaping, Trung Quốc vì đưa tin cáo buộc rằng những người đánh bạc đã lợi dụng nền tảng của Pinduoduo để rửa tiền. Một tòa án ở Thượng Hải đã phạt Chaping 200.000 tệ (khoảng 30.000 USD), yêu cầu Chaping xóa bài viết, đồng thời đăng bài xin lỗi công khai.

Tuy nhiên, tòa án cũng nói "khách quan" rằng một số người sử dụng Pinduoduo có tham gia hoạt động rửa tiền và yêu cầu công ty tăng cường giám sát, "khắc phục những lỗ hổng trên nền tảng".

May May



BÀI CHỌN LỌC

Các trang mua sắm trực tuyến Trung Quốc bị Hoa Kỳ xếp vào danh sách ‘các thị trường hàng giả khét tiếng’