Cảng biển tắc nghẽn, chuỗi cung ứng gián đoạn: Mỹ sẽ ‘thoát Trung’ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn khi mà tình trạng ùn ứ tại các cảng trên toàn thế giới chưa được giải quyết. Điều này góp phần làm tăng giá thành sản phẩm, gây áp lực lên lạm phát đang ở mức cao ngất ngưởng của Mỹ và các quốc gia khác. Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đã đặt ra nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào trung tâm sản xuất Trung Quốc. Mỹ sẽ làm thế nào để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình?

Ùn ứ nghiêm trọng tại các cảng biển lớn nhất Trung Quốc và Mỹ

Sự bùng phát của biến thể Omicron đang làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn vận tải biển toàn cầu. Các cảng lớn tại Trung Quốc và Mỹ đều bị ùn ứ. Nhiều chuyên gia cảnh báo các nút thắt trong chuỗi cung ứng sẽ kéo dài ít nhất là tới nửa cuối năm nay.

Tại Trung Quốc, giới quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thực hiện nhiều đợt phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt - một hệ quả của chính sách “zero Covid” của Bắc Kinh. Vì lý do đó, nhiều nhà sản xuất tại công xưởng lớn nhất thế giới đã phải đóng cửa nhà máy. Tình trạng thiếu lao động và tắc nghẽn tại các cảng xảy ra ngày một nhiều. Các nhà kinh tế cảnh báo tác động tiềm tàng của đại dịch hiện đang ở mức đáng báo động. Những nút thắt cổ chai nghiêm trọng hơn có khả năng sẽ xuất hiện trong tương lai.

Bloomberg đưa tin vào ngày 13/01 rằng sau khi Covid-19 bùng phát ở thành phố cảng Ninh Ba của Trung Quốc, các hãng vận tải biển đã yêu cầu tàu chở hàng của họ chuyển hướng đến Thượng Hải để tránh bị chậm trễ. Điều này gây ra tình trạng quá tải tại cảng container lớn nhất thế giới này. Trong khi đó, Ninh Ba, cảng container lớn thứ ba thế giới, đã tạm ngừng vận hành một phần dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Một số tàu cũng đã chuyển hướng về phía nam Ninh Ba để đến một thành phố cảng khác là Hạ Môn.

Các nhà giao nhận vận tải cho biết, dòng tàu tấp nập vào Thượng Hải đã khiến các tàu container ở đó bị ùn ứ nghiêm trọng trong khoảng một tuần trở lại đây. Điều này sẽ có thể ảnh hưởng đến các cảng của Mỹ và châu Âu vốn đã tồn đọng nhiều tàu.

Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn khi mà tình trạng ùn ứ tại các cảng trên toàn thế giới chưa được giải quyết, cảng biển tắc nghẽn và chuỗi cung ứng gián đoạn đang gia tăng áp lực lạm phát tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, Mỹ sẽ thoát Trung và đa dạng hóa chuỗi cung ứng như thế nào?, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đặt ra nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và tránh phụ thuộc quá nhiều vào trung tâm sản xuất Trung Quốc
Một tàu chở hàng chất đầy container vừa rời cảng ở Haikou, tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, hôm 17/05/2021. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Tại Mỹ - thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, Los Angeles và Long Beach của California là 2 cảng biển nhộn nhịp nhất, nơi tiếp nhận khoảng 40% container được vận chuyển vào quốc gia này. Số lượng tàu neo đậu ở 2 cảng này đã trở thành một thước đo biểu thị sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Marine Traffic, một trang web theo dõi tàu trực tuyến, đã có 198 tàu container đậu bên ngoài 2 cảng Los Angeles và Long Beach vào ngày 13/01 theo giờ địa phương. Cùng với đó là 162 chiếc khác sắp cập cảng.

Vào tháng 10/2021, ông Robert Garcia, Thị trưởng của Long Beach, cho biết Mỹ đang đối mặt với tình trạng ứ đọng chưa từng có tại cảng Long Beach và Los Angeles do đại dịch Covid-19. Cùng với đó, những thay đổi lớn về sản xuất đã làm trầm trọng thêm các thách thức về chuỗi cung ứng vốn đã kéo dài hàng thập kỷ. Tại thời điểm ông Garcia chia sẻ đã có hơn 50 tàu container đang chờ dỡ hàng bên ngoài 2 cảng, một con số cao kỷ lục.

Dù đang bị ùn ứ, lượng hàng hóa nhập vào Mỹ qua 2 cảng Long Beach và Los Angeles vào tháng 12 lại giảm 14% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tháng giảm thứ 4 liên tiếp. Các tàu không thể dỡ hàng một cách nhanh chóng do container chất đầy khắp mọi nơi. Tình trạng thiếu lái xe và thiết bị dỡ hàng cũng ảnh hưởng tới công suất của các cảng. Không những thế, các nhà kho và trung tâm hậu cần ở gần các cảng cũng thiếu nhân sự và không có đủ chỗ cho hàng hóa.

Theo ông Jim McKenna, Giám đốc điều hành Hiệp hội Hàng hải Thái Bình Dương, các ca Covid-19 lan rộng trong nhân viên cảng, lái xe và nhân viên kho bãi đã khiến tình hình những tuần qua càng ngày càng tệ. Tính từ đầu tháng 01/2022 đến nay đã có 1.700 nhân viên cảng ở Bờ Tây nước Mỹ dương tính với Covid. Đây là con số cao hơn tổng số ca nhiễm của nhân viên cảng ở Bờ Tây trong cả năm 2021.

Theo ông Jock O'Connell, một nhà tư vấn thương mại quốc tế ở công ty nghiên cứu Beacon Economics, lực lượng lao động của chuỗi cung ứng đã kiệt sức. Lượng hàng hóa đã tăng nhanh vào cuối mùa hè năm 2020 và giữ nguyên vào năm 2021, đạt đỉnh điểm vào tháng 05/2021.

Trước tình trạng dồn ứ tại 2 cảng này, các nhà nhập khẩu đang tìm kiếm giải pháp từ các cảng khác tại Mỹ. Lượng hàng nhập vào Mỹ từ các cảng vùng Vịnh Mexico và ở Bờ Đông đang tăng lên từ nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ cũng đã bắt đầu xuất hiện ở các cảng này.

Nhằm làm giảm bớt tình trạng ứ đọng, vào tháng 10/2021, chính quyền Biden đã cho phép các cảng tại Nam California như cảng Los Angeles và Long Beach làm việc suốt cả ngày. Tuy nhiên kế hoạch này lại không được các tài xế xe tải ủng hộ.

Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn khi mà tình trạng ùn ứ tại các cảng trên toàn thế giới chưa được giải quyết, cảng biển tắc nghẽn và chuỗi cung ứng gián đoạn đang gia tăng áp lực lạm phát tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, Mỹ sẽ thoát Trung và đa dạng hóa chuỗi cung ứng như thế nào?, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đặt ra nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và tránh phụ thuộc quá nhiều vào trung tâm sản xuất Trung Quốc
Các tàu vận tải đang cập cảng tại California, hôm 12/01/2021. (Ảnh: John Fredricks / The Epoch Times)

Gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục tạo áp lực lên lạm phát tại Mỹ

Vận tải bằng đường biển chiếm ít nhất 90% lượng hàng hóa toàn cầu. Chi phí vận tải bằng đường biển đã tăng vọt trong năm qua do tình trạng tắc nghẽn tại các cảng.

Theo nhà cung cấp dịch vụ tư vấn vận tải biển Drewry, trong tuần kết thúc vào ngày 20/01, Chỉ số Container Thế giới (WCI) cho thấy chi phí vận chuyển bằng đường biển tăng 1,6% - lên mức 9.698,33 USD cho một container 40ft, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, giá cước vận chuyển từ Thượng Hải đến Los Angeles tăng 5% - tương đương 576 USD, đạt 11.197 USD; giá cước từ Thượng Hải đến New York tăng 2% - tương đương 216 USD, đạt 13.987 USD cho một container 40ft.

Theo số liệu từ công ty công nghệ vận tải Freightos, chi phí vận tải biển quốc tế của một container 40ft đã tăng từ mức 1.400 USD tại thời điểm bắt đầu đại dịch lên mức 11.000 USD vào tháng 09/2021.

Trong khi đó, theo dữ liệu mới nhất từ ​​Bộ Lao động Hoa Kỳ, vào tháng 12/2021, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng cao nhất kể từ tháng 06/1982. Nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh đã làm gia tăng tình trạng thiếu nguồn cung.

Cũng trong năm 2021, lạm phát bán buôn tại Mỹ đã tăng với tốc độ kỷ lục. Tháng 11 năm ngoái, chỉ số giá nhà sản xuất tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước đó, mức tăng lớn nhất kể từ khi chính phủ Mỹ bắt đầu tổng hợp dữ liệu này vào năm 2010.

Giáo sư Tạ Điền (Frank Tian Xie) từ Đại học Nam Carolina tại Aiken, nói với The Epoch Times vào ngày 13/01: “Ngành công nghiệp vận tải biển và các chuyên gia đều cho rằng những nút thắt trong chuỗi cung ứng khó có thể thuyên giảm trong năm nay. Khủng hoảng có thể kéo dài sang năm sau. Vì vậy, tôi e rằng vấn đề lạm phát của Mỹ sẽ không sớm được giải quyết".

Ông Tạ Điền cho biết thêm, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển đã gây ra tình trạng đình trệ trong hậu cần, khiến giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu tăng vọt, từ đó gia tăng áp lực lạm phát.

“Dịch bệnh đã khiến nhiều quốc gia ban hành những hạn chế khắc nghiệt, bao gồm cả Mỹ. Do đó, một số lượng lớn công nhân làm việc ở bến cảng và tài xế xe tải không được đi làm. Trong khi đó, các nước bắt đầu phục hồi kinh tế, sức mua của người dân khôi phục mạnh mẽ; nhu cầu đối với các sản phẩm từ Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác sẽ tăng lên đáng kể”, giáo sư Tạ nói.

Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn khi mà tình trạng ùn ứ tại các cảng trên toàn thế giới chưa được giải quyết, cảng biển tắc nghẽn và chuỗi cung ứng gián đoạn đang gia tăng áp lực lạm phát tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, Mỹ sẽ thoát Trung và đa dạng hóa chuỗi cung ứng như thế nào?, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đặt ra nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và tránh phụ thuộc quá nhiều vào trung tâm sản xuất Trung Quốc
Khách hàng mua sắm hàng hóa tại một siêu thị ở Chicago vào ngày 10/06/2021. (Ảnh: Scott Olson / Getty Images)

Đánh giá khả năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Mỹ

Tiến sĩ Hua Chia-cheng, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 13/01 rằng chìa khóa để khắc phục tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra nằm ở việc liệu đại dịch toàn cầu có hạ nhiệt một cách bền vững hay không. Ông dự báo tình trạng chuỗi cung ứng hỗn loạn có thể sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là nửa cuối năm nay.

Ông cũng đề cập đến một tác động lâu dài khác của đại dịch. Đó là việc phần lớn các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đang xem xét lại sự phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Ông Hua nói: "Để tránh nguy cơ tái diễn các cuộc khủng hoảng tương tự, thế giới sẽ đa dạng hóa các ngành công nghiệp để đảm bảo cho một chuỗi cung ứng ổn định".

Ông cho biết trong trung và dài hạn, chính phủ Mỹ có thể cân nhắc điều chỉnh chuỗi cung ứng sao cho họ có năng lực sản xuất các sản phẩm thiết yếu ngay trong nước, bao gồm các mặt hàng như khẩu trang và dược phẩm.

Vào ngày 20/01, tại một phiên họp trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế thế giới, đại diện thương mại Mỹ, bà Katherine Tai, cho rằng thế giới cần rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng trong đại dịch và cần củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.

Thực tế là, các công ty và chính phủ Mỹ cũng như các nước khác cần xem xét lại sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào các nước như Trung Quốc. Chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn bởi các khủng hoảng như Covid-19, nhưng cũng có thể là do một nguyên nhân chính trị. Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc cắt đứt nguồn cung đất hiếm, chất bán dẫn và nguyên liệu dược phẩm của Mỹ?

Trung Quốc đang thực hiện chiến lược "vòng tuần hoàn kép", tập trung hơn vào thị trường nội địa. Mục đích là giúp nền kinh tế nước này ít bị phụ thuộc hơn vào nhu cầu từ thị trường bên ngoài, cũng có nghĩa là nguồn cung của Mỹ và các quốc gia khác đang ngày càng ít được đảm bảo. Cần lưu ý là Trung Quốc đã có dự tính trước cho kịch bản gián đoạn chuỗi cung ứng. Bắc Kinh đã đẩy mạnh phát triển các thị trường tiêu dùng trong nước mà cần ít nguyên liệu từ nước ngoài, ví dụ như chất bán dẫn.

Tại Mỹ, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đã thể hiện rõ sự phụ thuộc của ngành sản xuất ô tô Mỹ vào các nhà máy sản xuất chip ở Đài Loan. Ngoài ra, ngành dược của Mỹ cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nguyên liệu dược và chất hóa học ở dạng tinh khiết từ Trung Quốc.

Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn khi mà tình trạng ùn ứ tại các cảng trên toàn thế giới chưa được giải quyết, cảng biển tắc nghẽn và chuỗi cung ứng gián đoạn đang gia tăng áp lực lạm phát tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, Mỹ sẽ thoát Trung và đa dạng hóa chuỗi cung ứng như thế nào?, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đặt ra nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và tránh phụ thuộc quá nhiều vào trung tâm sản xuất Trung Quốc
Một nhà máy của nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC ở Đài Trung, Đài Loan, ngày 25/3/2021. (Ảnh: Sam Yeh / AFP qua Getty Images)

Trong khi đó, chiến lược đưa sản xuất ở nước ngoài trở lại Mỹ đang gặp một trở ngại lớn. Trong những ngành mà chi phí nhân công là không lớn thì sản xuất trong nước không thành vấn đề; chẳng hạn như trong lĩnh vực thiết bị y tế, động cơ máy bay hay xe điện. Nhưng đối với các ngành chi phí nhân công lớn, đây là một thử thách cho các công ty và cả nền kinh tế Mỹ. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã xây dựng các nhà máy ở Trung Quốc vào đầu những năm 2000 do chi phí nhân công thấp. Giờ đây, để đưa việc sản xuất trở lại Mỹ, không những chi phí nhân công tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, mà chi phí di dời sản xuất cũng là vấn đề lớn. Nó bao gồm chi phí xây dựng nhà xưởng, đào tạo nhân lực, thiết lập chuỗi cung ứng. Liệu những người tiêu dùng Mỹ có sẵn lòng trả giá cao hơn cho các sản phẩm sản xuất ở Mỹ?

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các nước khác ngoài Trung Quốc có vẻ là chiến lược hợp lý hơn. Các công ty thiết bị viễn thông và máy tính ở Mỹ đã đi đầu trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng việc tiến hành di chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và Mexico. Mexico có vẻ là một quốc gia phù hợp với chiến lược này của Mỹ. Nước này có giá thành nhân công rẻ, dù không rẻ như châu Á, nhưng lại ở gần nước Mỹ và không bị phụ thuộc vào vận tải đường biển.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Cảng biển tắc nghẽn, chuỗi cung ứng gián đoạn: Mỹ sẽ ‘thoát Trung’ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng như thế nào?