Căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ & Đài Loan làm bùng nổ thương mại Mỹ - Đài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp phản đối gay gắt từ phía Trung Quốc, mối quan hệ đối tác giữa Đài Loan và Mỹ đã phát triển mạnh mẽ. Thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng hoá Trung Quốc là một trong những yếu tố chính khiến nhiều doanh nghiệp Đài Loan hoạt động ở đại lục quay đầu về nước; từ đó giúp thương mại Mỹ - Đài bùng nổ. Bên cạnh đó, nhu cầu chip phục vụ sản xuất của Mỹ tăng vọt; và Đài Loan lại là quốc gia cung cấp chất bán dẫn lớn nhất cho thị trường Mỹ.

Thương mại Mỹ - Đài bùng nổ

Thương mại giữa Mỹ và Đài Loan đang bùng nổ khi nhu cầu đối với chip máy tính toàn cầu tăng cao. Hòn đảo tự trị này cũng đang thu hút các nhà máy từ Trung Quốc trở về hoạt động tại quê nhà. Nguyên nhân đến từ việc nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ, bao gồm cả hàng điện tử, đang phải chịu mức thuế suất 25%.

Đài Loan hiện đứng thứ 8 trên toàn cầu về thương mại với Mỹ, sau Anh và đứng trên Việt Nam. Tháng 9 vừa qua, Đài Loan đạt kỷ lục khi xuất khẩu 72 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ trong thời gian 1 năm. Con số này tăng khoảng 70% so với năm 2017, một năm trước khi chính quyền Trump áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ & Đài Loan thúc đẩy thương mại Mỹ - Đài phát triển vượt bậc, thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng hoá Trung Quốc giúp thương mại Mỹ - Đài bùng nổ, Đài Loan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trở về quê nhà trong bối cảnh bùng nổ thương mại Mỹ - Đài
Các sản phẩm xuất khẩu từ Đài Loan sang Mỹ. (Nguồn dữ liệu: Bộ thương mại Hoa Kỳ)

Xuất khẩu của Mỹ sang Đài Loan đã tăng khoảng 35% so với mức trước khi áp thuế, lên 35 tỷ USD mỗi năm, cũng là một con số kỷ lục, theo dữ liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ. Sự tăng trưởng phần lớn đến từ việc Đài Loan mua dầu thô, máy móc, và ô tô của Mỹ.

Nguyên nhân thương mại Mỹ - Đài tăng trưởng thần tốc

Buôn bán trao đổi giữa Đài Loan và Mỹ tăng trưởng khi hai nước tăng cường mối quan hệ thương mại chính thức trước sự phản đối gay gắt của Bắc Kinh, vốn vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.

Đài Loan là nhà cung cấp chất bán dẫn lớn nhất của Mỹ. Sự phát triển mạnh mẽ trong xuất khẩu của Đài Loan cho thấy nhu cầu ngày càng tăng của nhiều ngành công nghiệp Mỹ đối với chip.

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất thúc đẩy thương mại giữa Đài Loan và Mỹ là mức thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc. Các khoản thuế này vẫn đang được duy trì dưới thời chính quyền Biden.

Nhiều công ty có trụ sở tại Đài Loan đã di dời ít nhất một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc đại lục về Đài Loan. Họ muốn tránh thuế, bởi thuế cao đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Chính phủ Đài Loan đã khuyến khích xu hướng này bằng cách giúp đỡ các công ty quay trở lại. Các nhà chức trách giúp doanh nghiệp giải quyết nhiều vấn đề về đất đai, vốn xây dựng, và nhân viên.

Căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ & Đài Loan thúc đẩy thương mại Mỹ - Đài phát triển vượt bậc, thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng hoá Trung Quốc giúp thương mại Mỹ - Đài bùng nổ, Đài Loan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trở về quê nhà trong bối cảnh bùng nổ thương mại Mỹ - Đài
Các container vận chuyển hàng hóa tại Cảng Los Angeles ở San Pedro, California, ngày 15/10/2021. (Ảnh: Patrick Fallon / AFP qua Getty Images)

Đài Loan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trở về quê nhà

Theo thông tin từ InvesTaiwan, một chương trình hỗ trợ của chính phủ Đài Loan, kể từ năm 2019, 243 công ty Đài Loan quay trở lại từ đại lục đã được hỗ trợ di dời. Các khoản hỗ trợ lên đến hơn 30 tỷ USD.

Ông Andrew Wylegala, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Đài Loan cho biết: “Các công ty nhận thấy họ cần phải tránh mức thuế mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc. Đây là một cơ hội tuyệt vời để đưa một phần hoạt động kinh doanh, từng chảy từ Đài Loan sang Trung Quốc, quay trở lại quê nhà".

Tập đoàn JC Grand có trụ sở tại Đài Bắc - công ty có sản phẩm ốc vít xây dựng và phần cứng kim loại được bán tại Mỹ - là một trong những nhà sản xuất đã chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Đài Loan.

20 năm trước, khoảng một nửa sản phẩm của JC Grand được sản xuất tại Chiết Giang, Trung Quốc. Tổng giám đốc Jon Hodowany của JC cho biết, khi công ty có nhu cầu mở rộng hoạt động, Đài Loan đã đưa ra các ưu đãi giúp doanh nghiệp của ông giảm chi phí mua thiết bị máy móc.

Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn là mức thuế đánh vào các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. "Thuế quan như những cái đinh đóng thêm vào quan tài", theo ông Hodowany. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ của JC Grand hiện đều đến từ Đài Loan.

Căng thẳng Trung - Đài thúc đẩy thương mại Mỹ - Đài

Khi chương trình InvesTaiwan kết thúc vào năm nay, Giám đốc điều hành chương trình Emile Chang cho biết ông đang xem xét kéo dài chương trình lên đến 3 năm nữa. Điều đó là cần thiết vì sự gia tăng căng thẳng xuyên eo biển hiện nay đã gây áp lực cho một số doanh nghiệp Đài Loan hoạt động tại Trung Quốc.

Chính phủ Đài Loan cũng tìm cách thắt chặt mối quan hệ kinh tế với Mỹ như một sự bảo vệ trước nguy cơ xâm lược tiềm tàng của Trung Quốc.

Tổng thống Thái Anh Văn đang tích cực tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ. Đầu năm nay, chính phủ ông Biden đã khôi phục các cuộc đàm phán trực tiếp với Đài Bắc, tổ chức các cuộc đàm phán chính thức lần đầu tiên sau 5 năm.

Căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ & Đài Loan thúc đẩy thương mại Mỹ - Đài phát triển vượt bậc, thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng hoá Trung Quốc giúp thương mại Mỹ - Đài bùng nổ, Đài Loan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trở về quê nhà trong bối cảnh bùng nổ thương mại Mỹ - Đài
Cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Chis Dodd và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn chụp ảnh tại Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 15/4/2021. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Đài Loan)

Ông Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, đe dọa Mỹ nên tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc; theo đó chỉ thừa nhận một chính quyền Trung Quốc, và Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

“Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức tiếp xúc chính thức và quân sự nào giữa Mỹ và Đài Loan; đồng thời phản đối việc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”, ông Liu Pengyu nói.

Bà Joanne Ou, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan, cho biết sự gia tăng thương mại Mỹ - Đài thể hiện rõ lợi ích chung giữa hai bên.

Thương mại Mỹ - Đài: Mối quan hệ đôi bên cùng có lợi

Phần lớn mức gia tăng trong xuất khẩu của Mỹ sang Đài Loan đến từ việc Đài Loan tăng cường mua dầu thô của Mỹ. Các nhà máy lọc dầu của Đài Loan cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, tránh chỉ phụ thuộc chủ yếu vào Trung Đông.

Căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ & Đài Loan thúc đẩy thương mại Mỹ - Đài phát triển vượt bậc, thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng hoá Trung Quốc giúp thương mại Mỹ - Đài bùng nổ, Đài Loan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trở về quê nhà trong bối cảnh bùng nổ thương mại Mỹ - Đài
Các sản phẩm xuất khẩu từ Mỹ sang Đài Loan. (Nguồn dữ liệu: Bộ thương mại Hoa Kỳ)

Đối với Mỹ, chất bán dẫn đã trở thành mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ ​​Đài Loan; số lượng nhập khẩu đang gia tăng nhanh chóng. Nhu cầu sử dụng chip trong các sản phẩm bao gồm ô tô, thiết bị gia dụng, và trò chơi điện tử đang ở mức cao, tạo nên thiếu hụt chip trên toàn cầu. Mỹ, cùng với nhiều nước khác, phụ thuộc vào Đài Loan để có thêm nguồn cung của mặt hàng này.

Bà Revital Shpangental, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Anemone Ventures có trụ sở tại Đài Bắc cho biết: “Vào năm 2020-2021, thế giới đắm chìm trong công nghệ. Mọi người phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ; và đã có một sự gia tăng lớn về nhu cầu dành cho công nghệ”.

Đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều người lao động phải làm việc tại nhà. Điều này tạo ra nhu cầu lớn về máy tính cá nhân, thiết bị điện tử, và chất bán dẫn cho các thiết bị đó; từ đó thúc đẩy xuất khẩu từ Đài Loan sang Mỹ. Hơn 70% các công ty chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Đài Loan làm việc trong ngành công nghiệp điện tử, theo ước tính từ Giám đốc điều hành Emile Chang của InvesTaiwan.

Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), một trong những nhà sản xuất chip tiên tiến và lớn nhất trên thế giới, đang là tâm điểm của thế giới. Năm vừa qua, công ty thông báo sẽ chi 100 tỷ USD trong vòng 3 năm tới cho nghiên cứu phát triển và mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, sự thống trị của Đài Loan trong lĩnh vực chip đã làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể trở nên quá phụ thuộc vào các con chip từ Đài Loan; đặc biệt là khi Bắc Kinh đang tăng cường kêu gọi thống nhất và tăng cường hiện diện quân sự gần Đài Loan.

Căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ & Đài Loan thúc đẩy thương mại Mỹ - Đài phát triển vượt bậc, thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng hoá Trung Quốc giúp thương mại Mỹ - Đài bùng nổ, Đài Loan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trở về quê nhà trong bối cảnh bùng nổ thương mại Mỹ - Đài
Một nhà máy của nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC ở Đài Trung, Đài Loan, ngày 25/3/2021. (Ảnh: Sam Yeh / AFP qua Getty Images)

Để giảm thiểu những lo ngại đó, giới chức Washington đang tìm cách đưa một số nhà máy sản xuất chip ở nước ngoài đến Mỹ. Intel, TSMC, và Samsung Electronics đang xây dựng các nhà máy trị giá hàng tỷ USD tại Mỹ. Intel đang đầu tư 20 tỷ USD vào nhà máy sản xuất chip tại Arizona. Tập đoàn Samsung quyết định xây dựng dây chuyền sản xuất chip 17 tỷ USD tại Texas. Trước đó, vào năm ngoái, TSMC cũng tuyên bố sẽ đầu tư 12 tỷ USD xây dựng một nhà máy chip tại Arizona.

Quá trình này sẽ mất nhiều năm. Ông Ryan Hass, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings, đánh giá rằng, vai trò của Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất chip giúp quốc đảo này dễ dàng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Mỹ.

Ông Hass nói: “Đài Loan quan trọng theo cách rất riêng. Chính quyền Biden cần làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Đài Loan bằng những biện pháp thiết thực”.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ & Đài Loan làm bùng nổ thương mại Mỹ - Đài