Căng thẳng Iran-Mỹ leo thang làm giảm 0,3% tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Capital Economics, một cuộc chiến toàn diện giữa Mỹ và Iran sẽ kéo nhiều quốc gia khác vào cuộc, gây tổn hại trực tiếp đến tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lạm phát toàn cầu.

Theo một nghiên cứu của Capital Economics, cuộc xung đột quy mô lớn và sự sụp đổ của nền kinh tế Iran có thể làm giảm 0,3% GDP toàn cầu năm 2020. Ước tính này tương tự dự báo tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia phân tích Jason Tuvey của Capital Economics cho rằng, những ảnh hưởng đối với các quốc gia Trung Đông khác phụ thuộc vào việc các quốc gia này có bị cuốn vào cuộc xung đột trực tiếp hay không, khi Iran có thể trả đũa Mỹ bằng cách đóng cửa eo biển Hormuz, đẩy giá dầu tăng cao trên toàn thế giới.

Giá dầu trong tuần vừa qua đã tăng 2,15% so với tuần trước, do căng thẳng giữa Mỹ và Iran bị đẩy lên nghiêm trọng, đe dọa đến nguồn cung dầu và triển vọng kinh tế thế giới. Cụ thể, ngày 3/1 Mỹ đã tổ chức tấn công sân bay tại thủ đô Baghdad của Iraq khiến thiếu tướng Qasem Soleimani, người đứng đầu đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran IRGC, bị thiệt mạng. Được biết, đây là vị thủ lĩnh có quyền lực thứ hai tại nước này. Cùng ngày, Iran lên tiếng cảnh báo sẽ trả thù Mỹ đối với hành động này. Các chuyên gia nhận định thị trường dầu thế giới sẽ còn tiếp tục biến động mạnh trong các tuần tới.

Giá xăng dầu toàn cầu tăng sẽ tác động không nhỏ tới việc tăng giá hàng hóa dịch vụ bởi xăng dầu là nhiên liệu đầu vào thiết yếu của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế. Như vậy, lạm phát toàn cầu và trong nước sẽ chịu tác động nhất định.

Tuy nhiên, trữ lượng dầu đá phiến và năng lực sản xuất dầu của nền kinh tế Mỹ sẽ phần nào kìm hãm mức tăng giá dầu do biến động từ Trung Đông. Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu ở mức khá thấp, mức độ tác động vào giá cả do giá dầu tăng sẽ tiêu cực hơn tại các nền kinh tế đang phát triển, có công nghệ sản xuất lạc hậu và phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô.

Với Việt Nam, giá dầu tăng sẽ làm tác động phần nào tới lạm phát, tuy nhiên lạm phát đang ở mức hợp lý trong khi tiền đồng có xu hướng giữ hoặc tăng giá (tỷ giá ổn định). Do vậy, việc sớm điều chỉnh giá dịch vụ công có thể hỗ trợ nền kinh tế trong nước ổn định về giá cả. Về cơ cấu thu ngân sách nhà nước của Việt Nam, thu từ dầu chiếm tỷ trọng ngày một nhỏ, hiện ở mức khoảng 3% trong tổng cơ cấu thu ngân sách nên việc tăng giá dầu thô tác động không nhiều tới nguồn thu trong năm 2020.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran được đẩy lên một cách bất ngờ cũng khiến giá vàng thế giới tăng mạnh trong tuần vừa qua (+2,71% w/w) và chạm đỉnh 4 tháng trở lại đây. Trong nước, ngày 06/01 giá vàng SJC chạm ngưỡng 44 triệu đồng/ lượng và có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, tùy thuộc vào căng thẳng Mỹ - Iran.

Trà Nguyễn (tổng hợp)

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Căng thẳng Iran-Mỹ leo thang làm giảm 0,3% tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020