Căng thẳng thanh khoản đáng 'báo động': Lãi suất liên ngân hàng nhảy vọt 13%/năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo số liệu của SBV vừa công bố, được trích dẫn bởi Vnexpress, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng đã nhảy vọt lên 13%/năm vào những ngày đầu tháng 2/2023; trước đó mức lãi suất vay liên ngân hàng kỳ hạn này ở mức 9,61% từ cuối tháng 12/2022. Dấu hiệu căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng ngày một rõ nét.

Trích dẫn nguồn tin từ Ngân hàng nhà nước (SBV), Vnexpress cho biết lãi suất liên ngân hàng ngày 2/2/2023 đã tăng vọt tới 13%/năm cho kỳ hạn 9 tháng. Trước đó, với kỳ hạn này, lãi suất liên ngân hàng (nơi các tổ chức tín dụng cho vay lẫn nhau) ở mức 9,61%; duy trì từ 26/12 cho tới trước ngày 2/2/2023.

Theo thông tin công bố của SBV trên website, lãi suất liên ngân hàng ngày 3/2/2023 ở mức 12%/năm với kỳ hạn 9 tháng. Như vậy, lãi suất liên ngân hàng đã giảm 1 điểm phần trăm sau một ngày.

Tuy nhiên, theo Vnexpress, chỉ 200 nghìn tỷ đồng được các ngân hàng thương mại (NHTM) vay lẫn nhau tại mức lãi suất 13%/năm. Như vậy, dư nợ với lãi suất 13%/năm chỉ chiếm 0,1% khối lượng vay mượn giữa các nhà băng.

Không chỉ kỳ hạn 9 tháng tăng lãi suất cho vay, các kỳ hạn khác cũng tăng cao; kỳ hạn 6 tháng cũng tăng tới 11,45%/năm, thời điểm 23/12 lãi suất kỳ hạn này 9,97%. Các kỳ hạn khác lãi suất tăng nóng.

Xu hướng lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh và kéo dài trong nhiều tháng qua cho thấy: hoặc là có căng thẳng thanh khoản, có thể nói là trầm trọng, trong ít nhất một số NHTM của hệ thống và/hoặc là đã tồn tại tình trạng mất niềm tin giữa các NHTM với nhau. Đây là tình huống thường xảy ra trong khủng hoảng; một vài NHTM có chất lượng tài sản xấu (nợ xấu, nợ mất khả năng thanh toán) không thể thu hồi đúng thời điểm trong khi huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của NHTM đó đã không đáp ứng được nhu cầu rút tiền, chuyển khoản thanh toán, vay nợ cho các khách hàng của họ.

Nghịch lý căng thẳng thanh khoản tại các NHTM diễn ra khi SBV tuyên bố thanh khoản của hệ thống dồi dào, chỉ số LDR (cho vay/huy động) bình quân chỉ ở mức 74 - 75%; mức lý tưởng về an toàn thanh khoản. Ngoài ra, công cụ của SBV trên thị trường mở dường như vẫn tiếp tục hút tiền về nhiều hơn là bơm ra. Trong tháng 1/2023, SBV đã hút lượng tiền hơn 242.300 tỉ đồng trên thị trường mở, trong khi lượng tiền bơm ra chỉ ở mức 132.922 tỉ đồng, theo Thanh Niên.

Trước tình hình lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, trong các ngày đầu tháng 2, SBV bơm ròng 17.637,67 tỷ đồng vào hệ thống, tính toán của NTDVN từ số liệu công bố của SBV. Dù vậy, tính gộp tháng 1 và tháng 2, lượng tiền hút ròng vẫn dương.

Lãi suất huy động liên ngân hàng tăng vọt sẽ thúc đẩy chi phí vốn tại NHTM tăng cao, đặc biệt ngân hàng nhỏ, khó huy động vốn. Hệ luỵ là lãi suất cho vay doanh nghiệp, cho vay tiêu dùng sẽ tăng theo chi phí vốn đang leo thang mà NHTM phải chi trả. Chưa kể, tình trạng chạy đua huy động lãi suất giữa các NHTM cũng gia tăng; điều này không tốt cho cạnh tranh nguồn vốn lành mạnh của hệ thống.

Về dài hạn, lãi suất huy động và cho vay cao gấp 3 - 4 lần lạm phát như hiện nay không chỉ khiến tăng trưởng suy giảm mà mức lãi suất này sẽ dẫn truyền sang lạm phát và tỷ giá trong vài tháng tới. Tình trạng này đặc biệt không tốt khi dư địa điều hành chính sách của SBV ngày một hẹp dần.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Căng thẳng thanh khoản đáng 'báo động': Lãi suất liên ngân hàng nhảy vọt 13%/năm