Căng thẳng tín dụng, NHNN nên tính tới nâng lãi suất huy động USD & thay đổi chính sách về vàng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một chủ doanh nghiệp nhỏ than phiền rằng doanh nghiệp của ông đã không thể vay vốn với tài sản đảm bảo tốt ở tại một ngân hàng thương mại nhà nước lớn với lý do ngân hàng này hết 'room' tín dụng. Một cá nhân cho biết họ không thể vay tiền từ NHTM sau nhiều ngày làm thủ tục dù tài sản đảm bảo là chính sổ tiết kiệm của họ tại ngân hàng đó...

Dấu hiệu 'căng thẳng tín dụng'

Tình trạng mà người dân, doanh nghiệp không thể tiếp cận tín dụng từ hệ thống ngân hàng được gọi là căng thẳng tín dụng, thuật ngữ tiếng anh là Credit Crunch; một số nơi gọi là khủng hoảng tín dụng.

Khủng hoảng (hoặc căng thẳng) tín dụng là sự giảm sút đột ngột về mức độ sẵn có của các khoản cho vay hoặc thắt chặt đột ngột các điều kiện cần thiết để có được khoản vay từ các ngân hàng. Khủng hoảng tín dụng thường liên quan đến việc giảm khả năng cung cấp tín dụng độc lập với việc tăng lãi suất chính thức

Với tình trạng hiện tại của hệ thống NHTM, như mô tả ở trên, chúng ta thực đã bước chân vào "căng thẳng tín dụng"!

Thực vậy, bên cạnh tình trạng đã có doanh nghiệp, cá nhân không thể vay vốn tại NHTM, hệ thống NHTM đang chứng kiến xáo trộn lớn: lãi suất huy động và cho vay đang tăng mạnh, các cú sốc về tỷ giá do nguồn cung USD trở nên khan hiếm hơn, dư địa cho vay tín dụng bị cạn kiệt ...

Huy động tiền VND tại NHTM trở nên khó khăn, các NHTM lớn nhỏ đồng loạt tăng lãi suất huy động. Theo một bài báo vừa đăng hôm nay (27/10) của Vneconomy, lãi suất huy động cao nhất đã ở mức 9,3%/năm. Mức tăng lãi suất huy động của các NHTM diễn ra ngay sau khi NHNN có động thái tăng lãi suất tái chiết khấu thêm 1%; lần tăng lãi điều hành thứ hai liên tiếp chỉ trong vòng một tháng.

Doanh nghiệp Mỹ sợ hãi khi 1,5 triệu bậc cha mẹ có thể nghỉ việc khi nhận Tín Thuế Trẻ em CTC của ông Biden, CTC khiến nhiều người Mỹ xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con cái và người già, các nhà tuyển dụng Mỹ đau đầu trước khủng hoảng thiếu lao động
Một nhân viên đang đếm tiền đô la Mỹ. (Ảnh: Hoàng Đình Nam / AFP qua Getty Images)

Bài báo liệt kê Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đứng đầu danh sách tăng lãi suất, và cũng là mức lãi suất cao nhất trong hệ thống, 9,3%/năm với kỳ hạn 15 - 24 tháng. Kế tiếp là các NHTM trong nhóm có quy mô nhỏ như NHTM Bảo Việt (8,6% với kỳ hạn 12 tháng và 8,9% với kỳ hạn 24 tháng), ngân hàng VP Bank, Techcombank, Nam Á Bank,....Theo Vneconomy, nhóm NHTM CP Nhà nước chưa có động thái thay đổi chính sách lãi suất mới sau khi NHNN đã tăng lãi suất điều hành thêm 1%.

Tuy nhiên, để cạnh tranh nguồn vốn huy động với các NHTM nhỏ, yếu thế hơn, NHTMCP nhà nước khó có thể đứng im trên thị trường. Nhóm NHTM CP nhà nước này dù có lợi thế về uy tín sau vụ khủng hoảng niềm tin ở SCB, nhưng cũng sẽ phải sớm tăng lãi suất huy động để cân bằng lợi thế cạnh tranh nguồn vốn trên thị trường.

Không chỉ lãi suất, các cú sốc tỷ giá cho thấy cả nền kinh tế nói chung và hệ thống NHTM nói riêng đang đối mặt với nguồn cung bị thu hẹp của USD. Tỷ giá liên tiếp lập kỷ lục mới trên cả chợ đen và thị trường liên ngân hàng. Hôm nay (27/10), tỷ giá chợ đen đã lên tới 25,325 VND cho mỗi USD; tỷ giá bán ra của Vietcombank ở mức 24,877 VND cho mỗi USD. Nhìn chung, tỷ giá USD/VND đã mất giá khoảng trên 9% kể từ đầu năm.

Tỷ giá tăng sốc khi hoạt động thương mại của Việt Nam đạt thặng dư cao dần trong 5 năm liên tiếp, khi tăng trưởng kinh tế ở mức khá so với khu vực, khi dòng vốn ngoại chưa tháo chạy, thậm chí còn hưởng lợi từ dòng vốn FDI rời khỏi Trung Quốc, khi chỉ số giá đồng USD đã ổn định sau nhiều tuần tăng mạnh...

Mất niềm tin trên thị trường tài chính

Có rất nhiều lý do khách quan dẫn tới tình trạng căng thẳng hoặc khủng hoảng tín dụng nêu trên. Lý do khách quan lớn nhất là chúng ta đang kẹt trong cuộc chiến tranh tiền tệ của đồng USD. Chỉ bằng một động thái tăng lãi suất kiểu diều hâu do lạm phát đồng USD tăng cao, vốn ngoại đổ về Mỹ để trú ẩn; tình trạng khan USD xuất hiện ở hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Hôm nay ngày 11/12 chính thức ra mắt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Phó Thủ tướng Việt Nam chính thức công bố thành lập VNX, sở giao dịch chứng khoán là gì, sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE)
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (HNX). (Ảnh minh họa: Getty Images)

Lý do khách quan như vậy không chỉ tác động lên Việt Nam mà là thị trường tài chính khắp toàn cầu. Việc mất giá đồng tiền trong giai đoạn thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu có biến động lớn không phải là vấn đề lớn nếu sự mất giá đó không gây ra các cú sốc, ngoài kỳ vọng của chính sách và thị trường.

Đáng tiếc, tỷ giá VND đã mất giá không lớn so với nhiều loại tiền tệ khác nhưng lại mất giá theo cách tiêu cực nhất; thị trường tài chính - tiền tệ rơi vào khủng hoảng mất niềm tin, tình trạng 'căng thẳng tín dụng', leo thang tỷ giá, lãi suất và nghi ngờ sự tồn vong của các NHTM nhỏ đã xuất hiện. Doanh nghiệp khốn đốn, một số NHTM có dấu hiệu khó khăn thanh khoản từ nội tệ tới ngoại tệ, tích trữ USD trong dân tăng vọt, chảy máu USD khỏi biên giới quốc gia ngoài tầm kiểm soát...

Khi quy luật thị trường bị phớt lờ

Trong suốt năm 2020 - 2021, khi lạm phát đồng USD có dấu hiệu gia tăng và cảnh báo chính sách tiền tệ của Fed sẽ đảo chiều đã sớm vang lên, thì tỷ giá USD/VND của Việt Nam vẫn ung dung tăng giá. Xu hướng tăng giá của USD/VND trong giai đoạn đại dịch đã đi ngược lại với xu hướng chung của các đồng nội tệ khác của Thái, Singapore, Indonesia...

Thời điểm tháng 8/2021, NTDVN đã có bài phân tích cảnh báo rằng xu hướng tăng tỷ giá trong khi nền kinh tế đình trệ vì đại dịch, mất lợi thế thương mại có thể gây ra các cú sốc trong tương lai về tỷ giá.

Bài phân tích so sánh số liệu đồng VND tăng giá trong khi các đồng tiền trong khu vực và nhiều nền kinh tế phát triển mất giá mạnh so với USD. Dựa vào mối quan hệ thương mại với các nền kinh tế, bài phân tích cũng chỉ ra lợi và hại của việc đồng VND tăng giá trong giai đoạn đó để đi đến kết luận:

"Về mặt kinh tế, tiền đồng lên giá so với USD [2020 - 2021] giúp NHNN tăng mua dự trữ ngoại hối với giá rẻ. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng. Quan trọng hơn, trong tương lai, các cú sốc về tỷ giá có thể là một nguy cơ mới rất đáng lo ngại mà nếu xu hướng tăng giá VND còn tiếp tục thì Việt Nam sẽ khó có thể tránh được".

Đặc biệt, thông điệp tỷ giá của NHNN trong hàng chục năm qua với khu vực doanh nghiệp luôn là: đảm bảo tỷ giá ổn định, không mất giá quá 2% mỗi năm. Với thông điệp như vậy, các doanh nghiệp hầu như không có tâm lý, biện pháp hay công cụ để bảo hiểm tỷ giá.

Không chỉ về tỷ giá, chính sách lãi suất (có tác động gián tiếp tới tỷ giá) cũng đi ngược với quy luật thị trường. Cho tới thời điểm hiện tại, NHNN vẫn tuân thủ theo chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội: "điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất trong giai đoạn đến 2023".

Từ tháng 2/2021, lạm phát đồng USD bắt đầu tăng mạnh, căng thẳng địa chính trị leo thang, giá dầu bắt đầu lập kỷ lục mới trong nhiều năm xuống thấp, điều kiện tài chính khắp toàn cầu suy giảm, khối nợ khổng lồ công và tư, nguy cơ vỡ nợ ở nhiều nền kinh tế và khu vực... Mọi dấu hiệu cho thấy NHTW các nền kinh tế lớn sẽ phải thay đổi chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt. Và thực tế từ năm 2021, nhiều NHTW đã đưa ra thông điệp thắt chặt tiền tệ (tăng lãi suất). Tới tháng 11/2021, lạm phát tháng 10 của Mỹ đã cao nhất trong 3 thập kỷ.

Có quá nhiều dấu hiệu báo trước để dự báo rằng phải thay đổi chính sách tiền tệ linh hoạt, rằng lãi suất, tỷ giá có thể gia tăng. Thứ mà chính phủ cần chỉ đạo là tăng cường bộ đệm cho sự bất ổn, kịch bản ứng phó với sự bất ổn đó.

Sự ổn định đến từ các thông điệp có thể dự báo được, chứ không phải là sự ổn định 'ru ngủ' trong niềm tin mơ hồ.

Chưa bàn tới tính thiếu thực tiễn của Nghị quyết 43, quan trọng hơn, Nghị quyết như vậy đã can thiệp mạnh mẽ vào tính độc lập của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Đây có lẽ là sợi dây vô hình khiến NHNN có phản ứng chính sách hết sức chậm với biến động của thị trường tiền tệ của Mỹ và thế giới. Ví dụ, kể từ khi tuyên bố tăng 'room' (dư địa) tín dụng cho tới khi xác định mức tăng của từng NHTM thì phải mất tới 1 tháng; quyết định tăng lãi suất, nới lỏng biên độ tỷ giá chậm chạp so với sức chịu đựng của các NHTM cũng như khả năng của dự trữ ngoại hối...

Ngoài ra, các xử lý các nhà phát triển BĐS theo cách đột ngột, bất ngờ, thiếu chiến thuật bài bản khiến thiệt hại nặng đổ dồn về phía các trái chủ, chủ nợ, khách hàng của các ông lớn BĐS này.

NHNN nên nghĩ tới thay đổi chính sách về vàng và lãi suất đồng USD

Thực ra, NHNN còn ít nhất 2 công cụ chính sách rất mạnh mẽ chưa sử dụng tới để điều hoà cung - cầu về USD trong hệ thống NHTM.

Cuộc khủng hoảng khan USD trong hệ thống NHTM vào thời điểm có tình mùa vụ cao như hiện nay cũng là một trong các tác nhân tác động tiêu cực tới thanh khoản. Khan USD khiến NHTM phải dùng nhiều VND mua USD để cân bằng trạng thái ngoại hối.

Tại sao NHTM lại khan USD? Trong giai đoạn ngoại tệ dồi dào, lạm phát thấp và Fed chưa tăng lãi suất, NHNN đã áp dụng chính sách lãi suất USD là 0%, dự trữ bắt buộc của NHTM tại NHNN khi huy động USD là 8%/năm.

Chính sách này đã đẩy USD ra khỏi hệ thống NHTM. Dù nó cũng khởi tác dụng hạn chế đầu cơ, trữ USD trong dân nhưng khi đồng VND mất giá thì lợi lại bất cập hại. Người dân vẫn tăng cường trữ USD và vàng. Càng mất niềm tin trên TTTC thì người dân càng trữ nhiều USD và vàng hơn; USD càng khan hiếm hơn và tỷ giá càng biến động mạnh hơn.

Nhìn lại tính ưu việt của bản vị vàng sau việc Nga mua vàng để củng cố đồng rúp
Các thỏi vàng, mỗi thỏi nặng 28 pound, được trưng bày tại Cục Khắc và In ở Washington, D.C. (Ảnh: Paul J. Richards / AFP / Getty Images)

Đã đến lúc, thay vì chạy theo mục tiêu cố định, NHNN phải linh hoạt trong điều tiết chính sách tiền tệ với đồng USD, nâng lãi suất đồng USD lên mức đủ hấp dẫn (song song với giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với đồng USD ở NHNN) để: (i) giảm chi phí huy động USD cho NHTM; (ii) ngăn dòng vốn ngoại USD chảy khỏi Việt Nam, đổ về Mỹ mua các trái phiếu chính phủ trung và dài hạn (đây đang là xu thế lớn toàn cầu); (iii) hút USD đang dự trữ trong dân cư vào hệ thống NHTM, giải khát cho NHTM về khan USD; (iv) cân bằng cung - cầu giữa thị trường ngoại hối chính thức và tự do.

Một số nguồn tin ẩn danh của NTDVN cho biết họ có thể gửi tiền USD ở các NHTM nhỏ với một khoản lãi suất nhất định. Đây thực ra là các NHTM nhỏ khát USD phải huy động chui bằng cách trả trước một khoản phí dịch vụ (được xem như lãi suất huy động).

Rõ ràng, việc NHNN không sớm thay đổi chính sách lãi suất đồng USD chỉ làm thị trường, hoạt động của NHTM thêm méo mó, căng thẳng không cần thiết, không đáng có.

Ngoài ra, NHNN cần điều chỉnh lại chính sách vàng sao cho không tồn tại chênh lệch giá phi lý giữa giá vàng quốc tế và trong nước. Mức chênh lệch giá này đang khuyến khích nhập khẩu lậu vàng nguyên liệu, thất thoát một khoản thu lớn và ngoại tệ lớn cho nền kinh tế.

Muốn vậy, việc tăng cường nguồn cung vàng miếng SJC mà NHNN hiện đang độc quyền có thể là giải pháp trước mắt. Nhưng sau đó, việc xoá sổ độc quyền của NHNN với vàng miếng mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề này.

NHNN cần phải độc lập với thị trường, tránh can thiệp, kinh doanh (ví dụ như vàng) trên thị trường thì mới có thể độc lập về chính sách tiền tệ, đảm bảo các mục tiêu của chính sách tiền tệ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Trường Phi



BÀI CHỌN LỌC

Căng thẳng tín dụng, NHNN nên tính tới nâng lãi suất huy động USD & thay đổi chính sách về vàng