Cáo buộc có gián sống trong đồ uống đưa Starbucks lên đầu danh sách tìm kiếm của Weibo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một quán cà phê Starbucks ở phía nam thành phố Thâm Quyến bị khách hàng tố cáo có một con gián còn sống trong đồ uống mang đi của hãng này vào ngày 12/03. Đây lại là một thách thức về quan hệ công chúng nữa đối với chuỗi cà phê khổng lồ của Mỹ tại Trung Quốc trong năm nay.

Cáo buộc về con gián còn sống trong đồ uống Starbucks

Phát hiện về con gián đã đưa Starbucks lên đầu danh sách tìm kiếm trên Weibo, nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu của Trung Quốc sau khi một khách hàng đã đăng video quay một con gián còn sống trong cốc nước Starbucks đang uống dở.

Một ngày sau cáo buộc, Starbucks phản hồi rằng hãng đã kiểm tra quán cà phê có liên quan và xem lại video giám sát nhưng không tìm thấy sai sót nào.

Starbuck tuyên bố: Quán cà phê đã “pha chế đồ uống theo đúng quy trình vận hành".

Một nhân viên của Starbucks nói với truyền thông Trung Quốc rằng nếu nhân viên Starbucks tuân thủ các quy trình sản xuất thì sẽ không có gián còn sống trong đồ uống của hãng.

Nhân viên cho biết chất chiết xuất lạnh ban đầu cần được lọc qua giấy lọc; vì vậy không thể không nhìn thấy và không loại bỏ một thứ to như con gián. Ngoài ra, theo nhân viên này, bọt làm từ sữa và xi-rô cần được khuấy trong 30 giây, một quá trình ít có khả năng để sót bất kỳ con giàn nào còn sống.

Nhân viên này nói thêm: “Ngay cả nếu con gián có thể chui vào bên trong khi đồ uống đang làm, nó hẳn sẽ chết đuối từ lâu rồi".

Thời báo Hoàn cầu của nhà nước là một trong số các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin về các cáo buộc.

Các cáo buộc về gián đã lan truyền trên mạng chỉ vài ngày trước ngày Quyền của Người tiêu dùng Trung Quốc (15/03) và được đưa lên chương trình "Gala 3-15" của đài CCTV Trung Quốc. Chương trình được dùng để tấn công các thương hiệu nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Trong những năm qua, Apple, Burger King, General Motors và các thương hiệu quần áo nổi tiếng như H&M, ZARA và GAP đều nằm trong danh sách đen của chương trình.

Tuy nhiên, Starbucks đã không được nhắc đến trong chương trình của CCTV.

Cáo buộc về gián cũng được nói đến khi nhiều trang web truyền thông Trung Quốc đưa tin về một vụ hàng giả liên quan đến một người đàn ông ở thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc. Ông này bị cáo buộc sản xuất đồ uống giả mang nhãn hiệu Starbucks để bán trên các nền tảng mua mang đi.

Ông này được cho là đã kiếm được hơn 40.000 nhân dân tệ (6.279 USD) từ 729 đơn đặt hàng trước khi bị bắt vào ngày 18/01.

Cáo buộc gián sống trong đồ uống đưa Starbucks lên đầu danh sách tìm kiếm của Weibo
Một vị khách du lịch dùng cà phê của Starbucks ở Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, ngày 19/01/2007. (Ảnh: Peter Parks / AFP qua Getty Images)

Starbucks và chính trị Trung Quốc

Chuỗi cà phê của Mỹ này lại có mối quan hệ với các quan chức cấp cao Trung Quốc.

Trở lại vào tháng 1, theo hãng truyền thông Tân Hoa xã, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã kêu gọi cựu chủ tịch Howard Schultz của Starbucks giúp thúc đẩy quan hệ Mỹ - Trung.

Yêu cầu được đưa ra dưới dạng một bức thư phản hồi dành cho ông Schultz, người trước đó đã gửi cho ông Tập bản dịch của cuốn sách mới nhất của mình.

Để đáp lại bức thư của ông Tập, ông Schultz nói với CNN vào ngày 13/01 rằng: "Tôi thực sự tin rằng những ngày tuyệt vời nhất của Starbucks ở Trung Quốc đang ở phía trước”.

CNN đưa tin, trong một phát biểu, ông Schultz nói rằng đó là một "vinh dự lớn" khi nhận được phản hồi từ ông Tập.

Trần Phá Không (Chen Pokong), một nhà bình luận chính trị về vấn đề Trung Quốc, nói với Đài Á Châu Tự do vào ngày 18/01, các diễn biến trên xảy ra vào thời điểm quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức xấu.

Ông Trần nói: Mối quan hệ đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại đang diễn ra và sự thay đổi trong chính quyền Mỹ.

Starbucks bắt đầu hoạt động ở Trung Quốc từ năm 1999 và so với các công ty nước ngoài khác, Starbucks đã có một chặng đường suôn sẻ, thậm chí đã mở được một cửa hàng ở Tử Cấm Thành trong 7 năm cho đến khi phải đóng cửa do một chiến dịch được thúc đẩy bởi người dẫn chương trình của CCTV Rui Chenggang.

Vào tháng 01/2007, ông Rui đã viết trên blog của mình rằng Starbucks là "biểu tượng của văn hóa ẩm thực của tầng lớp trung lưu cấp thấp" ở phương Tây. Ông viết: Cửa hàng của hãng này ở Tử Cấm Thành “chà đạp lên văn hóa Trung Quốc".

Chỉ qua một đêm, bài đăng trên blog đã nhận được 500.000 lượt truy cập và tạo nên một chiến dịch dân tộc chủ nghĩa lớn trên mạng. Sau đó, ông Rui nói: “Chiến dịch này là bằng chứng sống về sức mạnh của web".

Nhưng Starbucks đã thành công hơn ông Rui, người bị kết án 6 năm tù vì tội đưa hối lộ và nhận hối lộ vào năm 2014.

The Epoch Times tiếng Trung đưa tin vào ngày 01/05/2016, ông Rui cũng được phát hiện có quan hệ mật thiết với một số nhân vật hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bao gồm Chu Vĩnh Khang - cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, và Lưu Vân Sơn - cựu Trưởng ban Tuyên truyền của Ủy ban Trung ương.

Trong ĐCSTQ, cả Chu Vĩnh Khang và Lưu Vân Sơn đều được biết đến là cánh tay chủ chốt của cựu lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân, đối thủ chính trị của Tập Cận Bình.

Ông Chu bị kết tội liên quan đến tham nhũng vào năm 2014 trong khi ông Lưu đã rút khỏi chính trường vào năm 2017.

Cáo buộc gián sống trong đồ uống đưa Starbucks lên đầu danh sách tìm kiếm của Weibo
Cốc cà phê của Starbucks được trang trí trong kỳ lễ Five-day May Day ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 03/05/2020. (Ảnh: Getty Images)

Hình ảnh Starbucks trên các kênh truyền thông chính thức của Trung Quốc

Từ tháng 1, khoảng thời gian sau khi ông Tập công khai ủng hộ Starbucks, chuỗi cà phê có trụ sở tại Seattle liên tục vướng vào các luồng dư luận tiêu cực cũng như bị đưa tin không tốt trên các phương tiện truyền thông chính thức như tờ Nhân dân Nhật báo.

Theo China News, vào ngày 16/02, một số cư dân mạng Trung Quốc phàn nàn rằng giá tại Starbucks đã bị tăng từ 1 đến 2 nhân dân tệ (0,16- 0,31 USD).

Cùng ngày, Starbucks đã trả lời rằng cần phải tăng giá để chống lại lạm phát và việc giảm lợi nhuận do các vấn đề của thị trường lao động liên quan đến dịch bệnh.

Hai ngày trước đó, một người dùng Weibo tuyên bố trên mạng rằng một nhân viên của quán cà phê Starbucks ở tây nam thành phố Trùng Khánh đã yêu cầu một nhóm cảnh sát di chuyển khỏi phía trước cửa hàng của hãng khi họ đang ăn.

Mặc dù Starbucks Trung Quốc đã công khai xin lỗi thông qua Weibo, nhưng hãng này nói rằng sự việc bắt nguồn từ "thông tin sai lệch do ngôn ngữ không phù hợp" giữa nhân viên và cảnh sát khi điều phối chỗ ngồi. Tuyên bố cũng cho biết, không có "việc đuổi cảnh sát hoặc phàn nàn với cảnh sát" như được lan truyền trên Internet.

Tuy nhiên, tờ Nhân dân Nhật báo vẫn đăng một bài báo có tựa đề “Starbucks xin hãy rút lại sự kiêu ngạo của mình" (Starbucks Please Take Back Your Arrogance) vào cùng ngày, nói rằng Starbucks đã “làm tổn thương những người phục vụ công chúng” và “xúc phạm tình cảm của công chúng”. Tờ Nhân dân Nhật báo nói thêm rằng “thật khó để thoát khỏi sự lên án của công chúng”.

Đầu tháng đó, vào ngày 09/02, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng 2 quán cà phê Starbucks ở thành phố Vô Tích, tỉnh Chiết Giang đã bị chính quyền địa phương phạt 690.000 nhân dân tệ (108.600 USD) và 670.000 nhân dân tệ (105.500 USD) vì sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng.

Vấn đề này lần đầu tiên được nói đến vào tháng 12 năm ngoái, được cho là kết quả của một cuộc điều tra bí mật của một phóng viên từ The Beijing News, thuộc Cục Tuyên truyền Trung Quốc. Ngay lập tức, tờ Nhân dân Nhật báo bình luận rằng việc Starbucks sử dụng nguyên liệu hết hạn không thể đảm bảo chất lượng cho sản phẩm của hãng.

Starbucks Trung Quốc đã đưa ra lời xin lỗi trên tài khoản Weibo chính thức, nói rằng hãng "rất sốc" và "rất lo ngại" về các vấn đề an toàn thực phẩm được báo cáo, và ngay lập tức đóng cửa 2 cửa hàng và mở một cuộc điều tra.

Vào ngày 01/02, Starbucks đã công bố kết quả tài chính quý I/2022, cho thấy doanh số bán hàng tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ 2 trên thế giới của hãng, giảm 14%, đơn giá trung bình giảm 9% và giá trị giao dịch giảm 6%.

Tính đến tháng 1 năm nay, Starbucks có 5.557 quán cà phê ở Trung Quốc trong khi chuỗi cà phê địa phương Luckin Coffee có 5.671.

Theo CNBC đưa tin vào ngày 19/05/2020, Luckin Coffee đã bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq vào giữa năm 2020 vì cáo buộc gian lận tài chính, sau khi bị phát hiện rằng hãng này đã tăng nợ trong nhiều năm trong nỗ lực dùng mức giá thấp để ép Starbucks rời khỏi thị trường Trung Quốc.

Bảo Nguyên

The The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cáo buộc có gián sống trong đồ uống đưa Starbucks lên đầu danh sách tìm kiếm của Weibo