CEO Hứa Gia Ấn của Evergrande đang phải dùng bữa trưa miễn phí... có độc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khoản nợ 305 tỷ USD của nhà phát triển bất động sản China Evergrande đang tạo ra một vết nứt hữu hình trong tăng trưởng của Trung Quốc. Dù vậy, CEO của Evergrande dường như vẫn đang hưởng bữa trưa miễn phí từ ông Tập. Vấn đề ở chỗ, nếu như ở Mỹ không có bữa trưa miễn phí thì ở Trung Quốc mọi thứ miễn phí đều ‘có độc’.

Có một mong muốn trỗi dậy trong chúng ta khi xem vở kịch đang xảy ra với China Evergrande... tất cả chúng ta đều hồi hộp và có chút mong mỏi rằng tập đoàn này sẽ trở thành khoảnh khắc Lehman của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Điều kỳ lạ là, khác với China Huarong hay Tập đoàn kinh tế Bắc Kinh, đội cứu hỏa tài chính của ông Tập đã phải làm hết sức để bơm thêm 120 tỷ CNY vào ngày mà China Evergrande không thể trả nổi 50 tỷ CNY tiền lãi cho các ngân hàng thương mại trong nước. Tính cả 5 ngày làm việc trước đó, PBOC đã bơm ròng 460 tỷ CNY tiền mặt ngắn hạn vào hệ thống ngân hàng để ổn định hệ thống.

Quả bom China Evergrande đã xuất hiện không đúng thời điểm khi sắc lệnh ‘thịnh vượng chung’ của ông Tập vừa ra đời. Ông Tập sẽ khó ăn nói nếu dùng tiền thuế của dân để cứu một tỷ phú có lịch sử ăn chơi trác táng vì các quyết định kinh doanh liều lĩnh, dựa trên mối quan hệ thân hữu với các quan chức chính quyền địa phương nói riêng và phe cánh đối thủ của ông Tập - Giang Trạch Dân nói chung.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân (phải). (WANG ZHAO/AFP/ Getty Images)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân (phải). (Ảnh: WANG ZHAO/AFP/ Getty Images)

Chủ sở hữu của Evergrande, Hứa Gia Ấn, rõ ràng đang chơi một con bài quá lớn để thất bại khi đặt cược rằng ông Tập đơn giản là không thể chịu được một thảm họa như Lehman. Không phải kể từ năm 2015 mà các nhà đầu tư toàn cầu lại lo sợ về sự yếu kém của Trung Quốc hơn là sức mạnh của đất nước này. Ông Tập không muốn Trung Quốc bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, tuy nhiên, việc ‘thay xương, đổi thịt’ tận gốc cho nền kinh tế để đảm bảo cho nền kinh tế ấy được dẫn dắt bởi khu vực doanh nghiệp nhà nước, và tất cả gốc rễ dòng tiền tài chính sân sau của phe phái đối thủ đều phải bị chặt đứt, thậm chí còn quan trọng hơn nhiều nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.

Và đáng tiếc, ông Hứa Gia Ấn - CEO của Evergrande - một đảng viên 35 năm tuổi đảng, lại có mối quan hệ quá thân thiết với đối thủ chính trị sống còn của ông Tập. China Evergrande trở nên khổng lồ trong sự ‘che chở’ của tập đoàn chính trị Giang Trạch Dân, con hổ lớn nhất mà ông Tập muốn đả. Đồng thời, tập đoàn này cũng thoát hiểm tài chính năm 2009 nhờ sự giúp đỡ của các tài phiệt tài chính thân với tập đoàn Giang Trạch Dân ở Hong Kong. Vậy thì ông Hứa không có một hy vọng gì để hưởng một bữa trưa vừa miễn phí vừa không hại sức khỏe từ ông Tập.

Suy cho cùng, hạ bậc xếp hạng tín nhiệm vẫn luôn dễ can thiệp, chẳng phải 3 hãng xếp hạng tín nhiệm của Mỹ đã luôn vi phạm chuẩn mực đạo đức của ngành và chẳng bao giờ xếp hạng xấu cho một doanh nghiệp hay một ngân hàng sắp sụp đổ sao?

Nợ quá lớn giúp Hứa Gia Ấn kéo dài thời gian dùng bữa trưa miễn phí

“Mối tương đồng của Evergrande với Lehman Brother là sự bỏ rơi của chính quyền chứ không phải là sự sụp đổ của hệ thống”.

Hôm 23/9, tờ Nikkei Asia có một bài báo lý giải tại sao ông Hứa Gia Ấn được ưu tiên cho một tấm vé miễn phí. Có vẻ như, ông Hứa vẫn hết sức tự do, số phận không ngột ngạt và khốn khổ như CEO Jack Ma của Alibaba.

Nikkei Asia tin rằng bởi vì Bắc Kinh chưa biết hết quy mô nợ, cấu trúc nợ của Evergrande nên họ cần cân nhắc tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo nó không trở thành một Lehman Brothers ở Mỹ. Có thể ‘quá lớn và quá rủi ro’ đã trở thành tấm bùa chú khiến CEO của Evergrande được kéo dài bữa trưa miễn phí của mình. Rất có thể, chính quyền của ông Tập muốn đảm bảo Evergrande kết thúc có trật tự.

Sự sụp đổ của châu Á 1997-1998 xảy ra vài năm sau khi Meriwether mở quỹ có tên thật đáng cười ở Connecticut. Hóa ra, chẳng có gì "dài hơi" khi các nhà đầu tư rót vốn cho cựu ngôi sao của Salomon Brothers và ban nhạc "thiên tài" của anh ta. Được thần thoại hóa trong cuốn sách Liar's Poker năm 1989 của Michael Lewis, Meriwether đã giới thiệu quỹ LTCM với các nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel.

Tuy nhiên, Genius đã thất bại, khi viết tắt tiêu đề cuốn sách của Roger Lowenstein về sự phát triển và sụp đổ của LTCM. Các chiến lược của quỹ đầu cơ đã nổ khi Nga vỡ nợ vào tháng 8/1998, gây ra ‘đại dịch’ trên thị trường trái phiếu. Các vị trí của nó được coi là một mối đe dọa có hệ thống.

Thay vì để Meriwether và những người đoạt giải Nobel của ông chịu khoản lỗ, Fed Greenspan đã cùng nhau tổ chức một gói cứu trợ khổng lồ. Theo tiêu chuẩn năm 1998, 3,6 tỷ USD mà Fed kêu gọi 14 tổ chức tài chính quyên góp để cứu LTCM là một con số khổng lồ.

Nó đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Rủi ro đạo đức xảy ra sau đó, và các chính sách dễ kiếm tiền của Fed Greenspan, đã làm tăng bọt khí thúc đẩy cuộc phá sản dot-com giai đoạn 1999-2000. Nó cũng tạo ra văn hóa không sợ rủi ro thanh khoản và vi phạm rủi ro đạo đức trầm trọng, dẫn chúng ta đến cuộc khủng hoảng dưới chuẩn 2007-2008 - cú sốc đã giết chết Lehman.

Nhắc lại lịch sử giải cứu của Mỹ hồi năm 1998, Nikkei chỉ ra rằng, chính quyền Mỹ và Fed đã giải cứu Quỹ đầu cơ Meriwether vì không muốn các khoản tiền cá nhân, các góc lợi ích của họ bị mất trắng. Tuy nhiên, cuộc giải cứu sau đó đã tạo nên rủi ro đạo đức và niềm tin chính quyền sẽ buộc phải giải cứu khiến hệ thống tài chính - ngân hàng Mỹ ngày một mất liêm chính và rủi ro. Kết quả là Lehman Brothers dùng đòn bẩy ngất ngưởng cũng vì niềm tin như vậy. Chính quyền Mỹ đã không giải cứu Lehman Brothers và để nó sụp đổ kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 -2008 sau đó.

Nhưng Evergrande của Trung Quốc hiện nay có vị trí giống như thế nào với Lehman Brother hay giống với Meriweather?

Trừ nợ quá lớn và quá rủi ro cho hệ thống, tất cả đều không giống!

A police officer talks to people that have gathered at the Evergrande headquarters building in Shenzhen, southeastern China on September 15, 2021, as the Chinese property giant said it is facing unprecedented difficulties but denied rumours that it is about to go under. (Photo by Noel Celis / AFP) (Photo by NOEL CELIS/AFP via Getty Images)
Một sĩ quan cảnh sát nói chuyện với những người tập trung tại trụ sở Evergrande ở Thâm Quyến, Trung Quốc vào ngày 15/9/2021, khi gã khổng lồ BĐS Trung Quốc cho biết họ đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có nhưng bác bỏ tin đồn rằng họ sắp phải đóng cửa. (Ảnh: NOEL CELIS / AFP qua Getty Images)

Đây chính là mấu chốt của câu chuyện và nó sẽ dẫn Evergrande tới một kết cục hoàn toàn khác. Fed Greenfan muốn giải cứu Meriweather vì các mối quan hệ khủng với các nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, còn Lehman Brothers bị bỏ rơi vì nó chưa quá lớn và nó chẳng có quan hệ cần phải giải cứu khiến nó trở thành con tốt thí của thị trường tài chính Mỹ.

Evergrande không giống thế, nó không những chẳng mang lại lợi ích gì cho Bắc Kinh mà còn đang nuôi dưỡng thế lực chính trị đối đầu gay gắt nhất với ông Tập. Tuy nhiên, Evergrande và khoản nợ của nó lại không quá nhỏ để chính quyền tự tin lờ đi như Lehman Brothers khi đó.

Với cả hai lý do này, bữa trưa miễn phí buộc phải cấp cho Evergrande, nhưng độc chất sẽ ngấm từ từ, chứ không thể không có độc.

Nikkei Asian gợi ý chính quyền của ông Tập có thể cân nhắc việc đưa ra một chiến lược xóa nợ tương tự như biện pháp khắc phục của Washington đối với cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay những năm 1980. Nó có thể tạo ra một loạt các thực thể giống như Resolution Trust Corp. Chìa khóa là xây dựng một kế hoạch đáng tin cậy để các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, và toàn bộ thành phố có thể xử lý các khoản nợ xấu.

Nếu không, mọi thứ có thể trở nên rất lộn xộn đối với Bắc Kinh. Những gã khổng lồ đầu tư từ BlackRock đến JPMorgan, UBS, đến HSBC hiện đang lao vào Trung Quốc - và ca ngợi ông Tập như một nhà cải cách - sẽ nhanh chóng trở thành những người bán ròng. Và Trung Quốc sẽ đơn thuần thiết lập cho mình một tính toán lớn hơn và tồi tệ hơn bao giờ hết.

Bữa trưa miễn phí có độc... không thể không dùng

Nhưng Trung Quốc không phải là Mỹ. Nếu sai lầm giải cứu cho Phố Wall khiến Mỹ phải trả giá bằng các cuộc khủng hoảng lớn hơn, tồi tệ sau mỗi 10 năm thì những gì đang xảy ra tại Trung Quốc hoàn toàn khác hẳn. Việc giải cứu hay không giải cứu của Trung Quốc phụ thuộc vào các yếu tố sau:

(i) Đó là doanh nghiệp/định chế thuộc khối tư nhân hay nhà nước? Nếu là tư nhân, Trung Quốc chưa bao giờ cần quan tâm.

Đáng tiếc, Evergrande tuy rất lớn nhưng là doanh nghiệp khối tư nhân. Ông Tập có thái độ và chiến lược rõ ràng về việc sẽ siết chặt khối tư nhân và phát triển mạnh mẽ trụ cột kinh tế quốc gia là doanh nghiệp nhà nước.

(ii) Thế lực chính trị nào đang hậu thuẫn cho doanh nghiệp/định chế đó? Nếu là thế lực chống lại quyền lực, thậm chí muốn lật đổ chính quyền hiện tại, thì nó không thể không đổ, việc chờ đợi chính quyền giải cứu sẽ là mong muốn hết sức ngây thơ.

Chính quyền của ông Tập đã kết tử án tử hình CEO của China Huarong, một công ty tài chính xử lý nợ xấu của nhà nước hậu thuẫn bởi thế lực của Giang Trạch Dân. Chính quyền này cũng tái cấu trúc và bỏ tù các doanh nhân của Tập đoàn đại học Bắc Kinh - một doanh nghiệp tư nhân nhưng được hậu thuẫn bởi nhà nước, một sân sau trung thành của tập đoàn họ Giang.

Cũng như vậy, đáng tiếc là CEO Hứa Gia Ấn của China Evergrande có mối quan hệ ‘mờ ám’ với Tăng Khánh Hồng - cánh tay phải đắc lực của Giang Trạch Dân. Và đáng tiếc cho các nhà đầu tư trong nước, các chủ nợ của Evergrande, họ đã rót nhầm tiền vào doanh nghiệp hậu thuẫn tài chính cho thế lực chính trị đối thủ của ông Tập Cận Bình, thế lực mà ông Tập không thể không đánh sập tới góc tường cuối cùng để bảo vệ mạng sống và quyền lực của mình. Vì thế, chờ đợi một hành động giải cứu toàn diện và lấy lại tiền đã đầu tư và cho vay vĩnh viễn chỉ là ảo tưởng.

(iii) Gia hạn thời gian ‘thi hành án’ cho doanh nghiệp/định chế: phụ thuộc vào khối nợ lớn hay nhỏ và tình hình chính trị trong và ngoài nước.

Trong trường hợp này Evergrande có chút may mắn khi khối nợ của nó quá lớn, các vấn đề chính trị trong nước đang nóng bỏng trước thềm Đại hội đảng lần thứ 20 (vào năm 2022) khiến ông Tập phải tạm thời gian hạn thêm thời gian thi hành án cho Hứa Gia Ấn, nhưng là giam lỏng và siết chặt.

Rất nhiều nhà kinh tế và chuyên gia tài chính tin rằng với khối nợ khổng lồ ảnh hưởng tới 150 ngân hàng và 1,2 triệu người dân, cùng hàng trăm đối tác xây dựng… nếu không cứu Evergrande thì khoảnh khắc Lehman Brothers của Trung Quốc sẽ lập tức xuất hiện.

Nhưng Trung Quốc giống Mỹ sao? Các dòng vốn tự do ra vào? Sự hoảng sợ của thị trường và nhà đầu tư được tự do khai phát? Thông tin được tự do lan tỏa? Và các doanh nghiệp, các định chế tài chính được phá sản theo luật phá sản công khai mà minh bạch sao?

Không phải vậy, ở Trung Quốc, câu trả lời là ‘KHÔNG’ cho tất cả các câu hỏi trên. Để chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tài chính mà Trung Quốc biết từ lâu này, ngày 30/8 vừa qua, Trung Quốc đã ra chính sách cấm mọi bình luận, phân tích, truyền tải thông tin tài chính độc hại trên các phương tiện truyền thông và nền tảng xã hội ở nước này. Một khi thông tin không minh bạch, Trung Quốc có thêm rất nhiều dư địa về thời gian và công cụ để âm thầm xóa sổ các khoản nợ theo cách phi pháp luật, phi thị trường mà họ muốn.

Các chuyên gia giàu kinh nghiệm đánh giá rằng sự sụp đổ và quy mô sụp đổ của Huarong China là lớn chưa từng có trên thị trường tài chính Châu Á. Điều này khiến giới tài chính liên tưởng tới vụ sụp đổ của Lehman Brother hồi tháng 10 năm 2008 tại Mỹ, vụ phá sản đã tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất toàn cầu ngay sau đó. (Ảnh: NTDVN tổng hợp)
Logo Huarong China và Lehman Brother. (Ảnh: NTDVN tổng hợp)

Thêm vào đó, nợ của Evergrande mới chiếm 2% GDP của Trung Quốc, chưa kể nợ xấu còn có các công ty xử lý nợ xấu sẵn sàng ôm như China Huarong. Khi mọi sự lắng xuống, các công ty xử lý nợ xấu này lại đóng gói nợ của Evergrande và bán nó cho nhà đầu tư tài chính không thích tìm hiểu kỹ ở Trung Quốc hay trên thị trường chứng khoán New York. Nợ không phải là vấn đề. Nợ của hệ thống ngân hàng nơi Bắc Kinh toàn quyền từ sở hữu, quản trị, tới điều hành thì càng không phải là vấn đề.

Trung Quốc khác Mỹ và khái niệm đổ vỡ của nó là hoàn toàn khác biệt. Chắc chắn là vậy.

Nhưng các CEO của Mỹ sau khi công ty phá sản có thể tái khởi nghiệp ở bất kỳ đâu. Các CEO ngã ngựa ở Trung Quốc không may mắn như thế. Họ đã lớn mạnh nhờ mối quan hệ thân hữu với chính trị gia, đã phục vụ cho các thế lực chính trị thì đến lúc hy sinh, họ cũng cần phải trả giá tương xứng cho các cuộc đấu đá chính trị gay gắt trong nội bộ ĐCSTQ, vốn luôn mô tả bằng máu chứ không chỉ là ghế ngồi hay không ngồi.

Ông Hứa Gia Ấn cũng vậy, bữa trưa miễn phí mà ông ta đang buộc phải dùng có thể có độc, ông Hứa biết điều đó và không thể tránh khỏi điều đó. Chỉ là ông Hứa vẫn còn thời gian để ‘sám hối’ và cứu vãn tình thế. Không rõ bao lâu nữa thì số phận của ông Hứa trở nên rõ ràng, nhưng dù là gì thì đó không phải là điều mà ông Hứa và thế lực chính trị mà ông Hứa từng phục vụ mong muốn.

Thủy Tiên - Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

CEO Hứa Gia Ấn của Evergrande đang phải dùng bữa trưa miễn phí... có độc?