CEO JP Morgan: Trung Quốc thiếu con đường rõ ràng để thống trị toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc chuyển giao quyền lãnh đạo toàn cầu cho Trung Quốc là điều “có thể tránh khỏi”, chỉ cần Mỹ đối mặt với những thất bại của chính mình và bắt đầu suy nghĩ lâu dài hơn, theo một phân tích của Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon - về cuộc cạnh tranh quyền lực lớn trong thế kỷ 21 này.

Trong lá thư thường niên gửi cổ đông, được công bố hôm thứ Tư (ngày 14 tháng 4 vừa qua), ông Dimon đã “mổ xẻ” những điểm mạnh và điểm yếu của Trung Quốc và xem xét nội tâm của nước Mỹ, cho thấy cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ đang ở bước ngoặt.

Bắc Kinh không phải ‘bất khả xâm phạm’

Giám đốc điều hành Phố Wall viết: “Trung Quốc không có con đường thẳng để trở thành cường quốc kinh tế thống trị. Mặc dù tôi có niềm tin sâu sắc và vững chắc vào Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng như khả năng phục hồi phi thường của đất nước, chúng ta không có quyền lực thần thánh để đảm bảo thành công".

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhìn thấy một nước Mỹ đang suy tàn - mất vị thế về công nghệ, cơ sở hạ tầng và giáo dục, bị giằng xé bởi chính trị và bất bình đẳng, và không thể phối hợp các chính sách của chính phủ để hoàn thành các mục tiêu quốc gia.

"Thật không may, gần đây, có rất nhiều điều chứng minh sự thật này", ông Dimon cho biết.

Ông Dimon cho rằng chính phủ Mỹ cũng cần lập kế hoạch và báo cáo ngân sách trong nhiều năm để có thể thực hiện chính sách công dài hạn.

Đề cập đến tầm nhìn của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của Mỹ, ông Dimon cho rằng Washington cần một chính sách công nghiệp thông minh - có thể là đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc tài trợ cho nghiên cứu và phát triển để cải tiến các công nghệ quan trọng - trong những lĩnh vực mà thị trường tự do không vươn tới tất cả.

Mỹ cũng cấp thiết phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng của mình, mấu chốt nằm ở nền chính trị gây chia rẽ và rối loạn chức năng của Mỹ.

Nhưng Bắc Kinh cũng không phải là một đối thủ bất khả xâm phạm, ông Dimon quả quyết.

"Đất nước này sẽ phải đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng" trong 40 năm tới:

  • Từ các vấn đề môi trường đến sự kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước;
  • Từ mức nợ kỷ lục đến thị trường tài chính sai sót;
  • Từ nhân khẩu học già hóa đến bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng;
  • Từ áp lực chính trị ngày càng tăng từ các chính phủ phương Tây đến các cuộc giao tranh với các nước láng giềng châu Á.

‘Cuộc chiến vĩ đại nhất của nước Mỹ là với chính chúng ta’

Trong khi thành công gần đây của Trung Quốc khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh cảm thấy tự tin về cách quản lý độc đoán của mình, sự lãnh đạo chuyên quyền luôn “chùn bước” trong một nền kinh tế lớn hơn, phức tạp hơn, ông Dimon lập luận và nói thêm rằng sự thiếu tính minh bạch và pháp quyền không mang lại điềm báo tốt cho hệ thống tài chính của đất nước, cũng như việc quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc.

Dimon kết luận: "Về cơ bản, chúng ta không cần phải sợ thành công của Trung Quốc; chúng ta chỉ cần sợ thất bại của chính mình, bởi vì đó là điều duy nhất sẽ thực sự hạn chế chúng ta. Mỹ chỉ cần ‘xắn tay áo lên’ và mang đến sự lãnh đạo táo bạo cho những vấn đề tự gây ra của chúng ta".

“Cuộc chiến vĩ đại nhất của nước Mỹ là với chính chúng ta", ông khẳng định.

Nhìn về ngắn hạn, ông Dimon ủng hộ một "mối quan hệ chiến lược và kinh tế lành mạnh" giữa hai nước. Trung Quốc "đại diện cho một trong những cơ hội lớn nhất cho công ty của chúng tôi”.

Tính đến cuối năm ngoái, tổ chức này đã có tổng số 21,2 tỷ USD hoạt động liên quan với Trung Quốc - bao gồm cho vay, giao dịch và đầu tư - mức cao thứ tư bên ngoài Hoa Kỳ.

Năm ngoái, JPMorgan đã trở thành nhà quản lý tài sản nước ngoài đầu tiên tại Trung Quốc, sau khi có được phần lớn cổ phần trong một liên doanh địa phương - mà họ dự kiến ​​sẽ có toàn quyền sở hữu trong năm nay.

Ngân hàng đầu tư này cũng là nhà bảo lãnh chính cho một số đợt phát hành lần đầu ra công chúng lớn nhất của Trung Quốc ở Mỹ.

Đức Duy

Theo Nikkie Asia



BÀI CHỌN LỌC

CEO JP Morgan: Trung Quốc thiếu con đường rõ ràng để thống trị toàn cầu