Chặn giá dầu tăng cao: Mỹ xả 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 23/11 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu lấy ra 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia (SPR) nhằm giúp hạ nhiệt chi phí năng lượng đang tăng cao và giảm bớt ‘nỗi đau’ của người dân Mỹ mỗi khi họ trả tiền bơm xăng.

Động thái trên của Nhà Trắng là để kiềm chế giá năng lượng đang tăng vọt sau khi OPEC và các đồng minh của họ từ chối yêu cầu lặp đi lặp lại từ phía Washington và các quốc gia tiêu thụ năng lượng khác về việc tăng nguồn cung để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng.

"Người tiêu dùng Mỹ đang nhận rõ tác động của giá nhiên liệu tăng cao tại các trạm xăng và trên các hóa đơn sưởi ấm trong nhà. Các doanh nghiệp Mỹ cũng vậy, nguồn cung dầu không đáp ứng đủ nhu cầu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trên đà phục hồi sau đại dịch", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố ngày 23/11.

Giá dầu thô đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm. Đảng Cộng hòa cho rằng các chính sách của ông Biden đã góp phần làm tăng giá cả, bao gồm cả việc hủy bỏ dự án đường ống Keystone XL và ‘đóng băng’ các hợp đồng cho thuê khoan dầu mới trên đất liên bang.

Nhà Trắng cho biết thêm, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ sẽ cung cấp 32 triệu thùng dầu thô theo cơ chế trao đổi từ cả 4 địa điểm SPR. Ngoài ra, 18 triệu thùng khác sẽ được cung cấp bằng cách bán dầu thô từ SPR theo sự cho phép trước đó của Quốc hội. Việc giải phóng dầu dự trữ của Mỹ được thực hiện cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Anh.

Theo Reuters, với quy định về giao dịch ‘hoán đổi’ SPR, các công ty dầu mỏ sẽ lấy dầu thô từ kho dự trữ và được yêu cầu trả lại dầu thô, hoặc sản phẩm tinh chế, cộng với tiền lãi. Việc hoán đổi này thường được sử dụng khi các công ty dầu mỏ gặp các vấn đề như gián đoạn nguồn cung do đường ống bị hư hỏng, hoặc do mưa bão.

Việc bán dầu từ kho dự trữ chiến lược ít xảy ra hơn. Các Tổng thống Mỹ đã 3 lần cho phép bán dầu khẩn cấp từ SPR, với lần gần đây nhất là vào năm 2011 trong cuộc chiến ở Libya - một thành viên của OPEC. Hoạt động này cũng đã diễn ra trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và sau cơn bão Katrina năm 2005.

Nỗ lực chưa từng có của Washington trong việc hợp tác với các nền kinh tế lớn ở châu Á để giảm giá năng lượng là lời cảnh báo dành cho các nhà sản xuất lớn rằng, họ nên bơm thêm dầu để giải quyết mối lo ngại về giá nhiên liệu tăng cao ở các cường quốc.

OPEC+ đã bổ sung khoảng 400.000 thùng mỗi ngày vào thị trường để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, nhưng đã từ chối lời kêu gọi tăng mạnh hơn nữa của ông Biden. OPEC cho rằng nhu cầu dầu thô phục hồi tốt là rất mong manh.

OPEC+, nhóm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, dự kiến ​​sẽ nhóm họp vào ngày 2/12 để thảo luận về các chính sách liên quan đến sản lượng dầu.

Mỹ đã từng làm việc với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris - một khối gồm 30 quốc gia công nghiệp hóa tiêu thụ nhiều năng lượng - khi các vấn đề về nguồn cung toàn cầu đòi hỏi sự phối hợp mở kho dầu dự trữ.

Nhật Bản và Hàn Quốc là thành viên IEA, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ chỉ là thành viên liên kết.

Theo một nguồn tin, Trung Quốc và các nước khác vẫn chưa quyết định số lượng thùng dầu sẽ lấy ra khỏi kho; trong khi các quốc gia như Ấn Độ và Hàn Quốc có thể chỉ lấy ra một lượng nhỏ.

Dầu thô Brent giao dịch lần gần đây nhất ở mức 79,30 USD / thùng, giảm hơn 7 USD so với mức đỉnh đạt được vào cuối tháng 10.

Phản ứng trước thông báo của Nhà Trắng, Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy (Đảng Cộng hòa, bang California) đánh giá, việc lấy dầu từ kho SPR chỉ đáp ứng được nhu cầu nội địa của Mỹ trong vài ngày, và sẽ không có tác động đáng kể.

Ông McCarthy viết trên Twitter: “Quyết định của Tổng thống Biden về việc khai thác các nguồn dự trữ chiến lược của Mỹ — sẽ cung cấp lượng dầu tương đương 3 ngày ra thị trường — không phải là giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng năng lượng ở nước Mỹ”.

Ông McCarthy nói trong một bình luận khác trên Twitter: “Giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng năng lượng là để nước Mỹ tự sản xuất năng lượng…”.

Chi phí năng lượng tăng cao là yếu tố lớn nhất đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tại Mỹ tăng 6,2%, mức tăng chưa từng thấy trong gần 31 năm qua.

Theo một cuộc khảo sát của Đại học Michigan, việc lạm phát tăng tốc được cho là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm trong tâm lý người tiêu dùng. “Vào đầu tháng 11, tâm lý người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ do lạm phát leo thang và niềm tin ngày càng được củng cố rằng chưa có chính sách hiệu quả nào được triển khai để giảm thiệt hại do lạm phát”, ông Richard Curtin, người đứng đầu dự án khảo sát, cho biết trong một tuyên bố.

Giá cả tăng vọt đã trở thành một vấn đề chính trị đối với chính quyền Tổng thống Biden. Một cuộc thăm dò gần đây của CBS/YouGov cho thấy 67% người Mỹ không tán thành cách xử lý lạm phát của ông Biden.

Cũng theo cuộc thăm dò, gần 2/3 người Mỹ cho rằng nền kinh tế Mỹ đang rơi vào tình trạng tồi tệ, trong khi 84% những người đánh giá tiêu cực về nền kinh tế đã đổ lỗi cho lạm phát.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Chặn giá dầu tăng cao: Mỹ xả 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược