Châu Âu ‘ngồi trên đống lửa’ khủng hoảng năng lượng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron, cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa có chiều hướng suy giảm tại châu Âu. Nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất, kinh tế đình trệ. Chính phủ các nước đã đưa ra nhiều biện pháp xoa dịu tình hình. Mùa đông năm nay tại châu Âu dường như lạnh hơn dù châu lục này đang ‘ngồi trên đống lửa’ khủng hoảng năng lượng.

Giá năng lượng biến động mạnh tại châu Âu

Giá điện và khí đốt đã đạt mức cao kỷ lục trên khắp lục địa già. Một nguyên nhân là việc đóng cửa đột xuất các nhà máy hạt nhân ở Pháp. Ngoài ra, nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga sụt giảm. Trong khi đó, nhu cầu năng lượng vào mùa đông tăng cao khiến các nhà máy điện phải làm việc hết công suất cũng làm tăng giá năng lượng.

Giá khí đốt ở châu Âu đạt đỉnh mới vào hôm thứ 3 (21/12), tăng 800% so với đầu năm. Dù giá khí đốt có giảm vào thứ 6 (24/12), nhưng vẫn đang ở mức 400% so với đầu năm. Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga vẫn chưa được phê chuẩn. Việc hạn chế cung ứng khí đốt từ Nga được cho là để gây áp lực lên liên minh châu Âu, theo Reuters.

Bloomberg đánh giá việc châu Âu tập trung vào năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và hạt nhân cũng đang làm trầm trọng thêm tình hình.

Tốc độ gió vào thời điểm này tại châu Âu đang yếu hơn những năm khác, khiến các nhà máy điện gió sản xuất ít điện hơn bình thường. Theo nhiều nhà phân tích của Reuters, nguồn năng lượng tái tạo được cho là không ổn định và khiến giá năng lượng biến động mạnh.

Khủng hoảng năng lượng tác động lên toàn bộ nền kinh tế châu Âu

Đà phục hồi của các nền kinh tế châu Âu đang đối mặt với trở ngại lớn. Nhiều nhà máy phải tạm dừng hoặc giảm hoạt động do cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng tồi tệ.

​​Biến động về năng lượng tác động nặng nề lên nền kinh tế, có nguy cơ gây ra lạm phát đình trệ. Tốc độ tăng giá tiêu dùng - vốn đã cao nhất trong 3 thập kỷ qua ở Đức và Tây Ban Nha - bị đẩy lên cao hơn, từ đó hạn chế tăng trưởng kinh tế.

Biến thể Omicron của virus corona đã phủ bóng đen lên quá trình hồi sinh kinh tế của lục địa già. Các nhà phân tích kinh tế và cả các chính trị gia như Thủ tướng Ý Mario Draghi cho rằng các chính phủ phải hành động nhiều hơn nữa.

Bà Sarah Hewin, người đứng đầu ban nghiên cứu châu Âu và châu Mỹ của Ngân hàng Standard Chartered, nói với Bloomberg TV: “Giá khí đốt tăng cao sẽ gây bất lợi cho cả hộ gia đình và doanh nghiệp. “Nếu lợi nhuận và tiền lương không tăng trưởng theo kịp, thì cuối cùng, sức chi tiêu sẽ giảm sút và khả năng đầu tư của doanh nghiệp sẽ bị hạn chế”.

Chi phí năng lượng tăng vọt đã khiến một số nhà máy cắt giảm hoạt động hoặc ngừng sản xuất. Trong khi đó, tiền sưởi ấm trong nhà và tiền điện tăng vọt đang gây sức ép lên túi tiền của người dân. Các hộ gia đình có thu nhập thấp là đối tượng chịu rủi ro cao nhất.

Theo nhà kinh tế trưởng của Berenberg Bank, ông Holger Schmieding, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể làm giảm 0,3% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực đồng euro trong quý I/2022, cho dù sẽ được bù đắp phần nào bởi các biện pháp của chính phủ và sự giảm giá nhiên liệu gần đây tại các trạm xăng.

Trong trường hợp xấu nhất, tác động lên tăng trưởng kinh tế thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều. Tình trạng thiếu năng lượng có thể buộc các dây chuyền sản xuất phải đóng cửa trên diện rộng. Đây là một tình trạng bất thường mà hậu quả tổng thể sẽ “không khác gì việc bị phong tỏa”, ông Schmieding nói.

Bà Kathryn Porter, một nhà tư vấn năng lượng độc lập tại Watt-Logic, cho hay, vào đầu mùa đông này, dự trữ khí đốt ở châu Âu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Khi đó, việc dừng phát điện đột xuất tại một nhà máy điện ở Anh hoặc ở Đức có thể là đủ để khiến các nhà vận hành hệ thống yêu cầu các nhà máy "cắt giảm sản xuất công nghiệp".

Bà nói: “Sức chịu đựng của thị trường hiện ở mức rất thấp".

Tại Pháp, nhà máy Aluminium Dunkerque Industries đã cắt giảm sản xuất trong 2 tuần qua vì giá điện cao. Trong khi đó, nhà máy Nyrstar của Trafigura sẽ tạm dừng luyện kẽm tại Pháp vào tuần đầu tiên của tháng 1.

Tình hình ở Đông Âu cũng không khá hơn. Nhà sản xuất phân bón Rumani là Azomures đã tạm dừng sản xuất; trong khi Kombinat Aluminijuma AD Podgorica của Montenegro sẽ ngừng sản xuất hoàn toàn.

Theo ông Dan Bucsa, nhà kinh tế trưởng của UniCredit SpA khu vực Trung và Đông Âu, chính phủ các nước này sẽ đưa ra thêm nhiều biện pháp nhằm làm dịu khủng hoảng. "Điều này phù hợp với việc các chính phủ [Trung và Đông Âu] vốn can thiệp nhiều vào nền kinh tế - đặc biệt ở Hungary và Ba Lan".

khủng hoảng năng lượng chưa có chiều hướng suy giảm tại châu Âu, nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất do khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, kinh tế châu Âu đình trệ do khủng hoảng năng lượng
Công nhân đang làm việc tại công trường xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở Lubmin, đông bắc nước Đức, vào ngày 26/3/2019. Đường ống Nord Stream 2 sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua vùng biển Phần Lan, Thụy Điển, và Đan Mạch. (Ảnh: TOBIAS SCHWARZ / AFP qua Getty Images)

Tại Vương quốc Anh, các nhà cung cấp thép đang tạm dừng sản xuất khi giá năng lượng tăng cao. Họ sẽ khởi động lại việc sản xuất khi giá thành giảm, theo nhóm công nghiệp UK Steel.

“Hoạt động liên tục vẫn là cách thức hiệu quả nhất,” nữ phát ngôn viên của UK Steel cho biết. Nhưng tình hình [tồi tệ] đến mức chúng tôi phải ngừng sản xuất bởi chi phí đã đạt đỉnh”.

Thu nhập của người lao động sẽ bị tác động đáng kể. Mức độ ảnh hưởng đến tiêu dùng là chưa thể dự báo. Lý do là người dân vẫn còn tiền tiết kiệm tích lũy cộng với những hỗ trợ sắp tới của chính phủ.

Nhà kinh tế Joerg Angele của Bantleon Bank AG dự đoán sức mua hộ gia đình khu vực đồng euro sẽ mất khoảng 170 tỷ EUR (192 tỷ USD) vào năm 2022.

Chính phủ các nước châu Âu phản ứng trước khủng hoảng năng lượng

Các nhà phân tích Nathan Piper, Sandra Horsfield, và Martin Young của Investec cho biết, tại Anh, các hóa đơn điện nước dự kiến tăng 56% khi giới hạn giá được nâng lên vào tháng 4/2022.

Theo ông Simon French, nhà kinh tế trưởng tại Panmure Gordon, giới hạn mức tăng trong khoảng 10% sẽ khiến chính phủ tiêu tốn khoảng 9 tỷ bảng Anh (12 tỷ USD). Giới hạn đối với hóa đơn hộ gia đình sẽ làm giảm lạm phát, giúp Ngân hàng Trung ương Anh trong việc hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại .

Chính phủ các nước khác cũng đã thực hiện một số biện pháp để bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương nhất.

Tại Tây Ban Nha, nơi chi phí năng lượng ảnh hưởng nhanh chóng đến các hộ gia đình, chính phủ đã công bố giảm 2 tỷ EUR tiền thuế cho 4 tháng đầu năm 2022. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương nước này đã cắt giảm đáng kể dự báo tăng trưởng cho năm nay và năm tới, do chi phí năng lượng tăng cao.

Theo ông Jose Luis Calvo, giáo sư toán kinh tế tại Đại học UNED ở Madrid, do lạm phát vẫn chưa khiến chính phủ tăng tiền lương nên người lao động và người về hưu vẫn sẽ thắt chặt chi tiêu trong những tháng tới.

Để làm dịu khủng hoảng năng lượng, Ý đã chi hơn 4 tỷ EUR trong năm nay và sẽ chi thêm 3,8 tỷ EUR từ ngân sách vào năm 2022. Mặc dù vậy, thủ tướng Draghi cho rằng nước này sẽ cần nhiều tiền hơn nữa.

"Việc năng lượng tăng giá đòi hỏi phải có các biện pháp tức thời. Chúng ta không thể chờ đợi", ông Draghi nói trong một cuộc họp báo hôm thứ 4 (15/12). “Có những nhà sản xuất và nhà cung cấp năng lượng lớn đang thu về khoản lợi nhuận cao ngất ngưởng. Họ sẽ cần tham gia hỗ trợ nền kinh tế và giúp đỡ các hộ gia đình”.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Châu Âu ‘ngồi trên đống lửa’ khủng hoảng năng lượng